Thị trường khẩu trang: “Toang” thật rồi

0
323
Ảnh: Thanh Niên
LUẬT KHOA

Từ một mặt hàng bình thường, nỗi lo sợ nhiễm virus corona, cộng với chính sách áp đặt giá không phù hợp với quy luật cung – cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc mua khẩu trang đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân Việt Nam.

Xếp hàng mua khẩu trang “giá bác Đam”

Thế hệ 8x, 9x của Việt Nam, trong những ngày vừa qua có cơ hội chứng kiến cảnh phát phiếu, xếp hàng mua khẩu trang giống như thế hệ ông bà, cha mẹ được phát tem phiếu xếp hàng mua gạo thời bao cấp.

Báo Tiền Phong mô tả cảnh “vỡ trận” của chợ khẩu trang lớn nhất TP. Hồ Chí Minh. Sáng 16/12, khu chợ thuốc tây trên đường Nguyễn Giản Thanh (phường 15, quận 10) trở nên “thất thủ” khi hàng ngàn người dân từ nhiều nơi đổ về tìm mua bộ sản phẩm y tế gồm khẩu trang và nước sát khuẩn khô. Vỡ trận là điều có thể hiểu được khi có hàng ngàn người cần mua khẩu trang nhưng các nhà thuốc tại chợ thuốc sỉ lớn nhất thành phố chỉ phát ra 1.000 phiếu.

Những ngày vừa qua, gần như tất cả cửa hàng dược phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành đã không còn bán mặt hàng khẩu trang nữa, khiến nhu cầu mua sắm của người dân chưa bao giờ “sốt” như lúc này.

Báo Thanh Niên cũng ghi nhận nhiều người dân TP. Hồ Chí Minh chen lấn xếp hàng mua khẩu trang từ 4 giờ sáng nhưng vẫn phải trắng tay ra về. Một người dân từ Long An, 4 giờ sáng đã có mặt để xếp hàng nhưng không mua được khẩu trang nói: “Đúng 4 giờ mình có mặt tại đây nhưng thấy cảnh chen lấn quá trời là hết hy vọng rồi. Tính đi về quê nhưng ráng đứng chờ xem trong kia họ có dư hộp khẩu trang y tế nào không để đến lượt mình nhưng thấy khả năng là không có rồi. Bây giờ mua trên mạng không có, nếu có thì cũng 400.000 đồng một hộp”.

Khẩu trang được bán với “giá bác Đam” thấp hơn nhiều so với giá thị trường là nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhu cầu mua khẩu trang tăng mạnh. Theo VnExpress: “Cửa hàng dụng cụ y tế ở phố Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 thuộc Trung tâm Thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế TP. HCM cho biết, ngày 16/2, cửa hàng sẽ bán ra 1.000 hộp khẩu trang y tế 3 lớp và nước rửa tay khô. Mỗi người được mua hai hộp khẩu trang với giá 37.500 đồng một hộp 50 cái và một chai nước rửa tay sát khuẩn 100 ml với giá 40.000 đồng”.

Trong khi đó, giá một hộp khẩu trang ngoài thị trường, được rao bán trên Facebook, có thể đắt gấp đôi, thậm chí 4-5 lần so với giá khẩu trang được nhà nước kiểm soát nhưng vẫn có nhiều người chấp nhận mua.

Sự chênh lệch giữa giá khẩu trang “bình ổn” vì nhà nước áp giá trần và giá khẩu trang thị trường trên cơ sở thuận mua – vừa bán là nguyên nhân trực tiếp khiến việc xếp hàng mua khẩu trang diễn ra.

Người dân TP. Hồ Chí Minh xếp hàng mua khẩu trang sáng ngày 16/2/2020. Ảnh: Tiền Phong.
Người dân TP. Hồ Chí Minh xếp hàng mua khẩu trang sáng ngày 16/2/2020. Ảnh: Tiền Phong.

Trước đó, hệ thống nhà thuốc Pharmacity đã phải hủy bỏ kế hoạch phân phối khẩu trang với “giá bác Đam” sau một ngày thực hiện khi xảy ra việc mất trật tự trong khi xếp hàng mua khẩu trang của người dân.

Những gì được phản ánh trên mặt báo không thể nói lên hết được sự cực khổ, nỗi khó chịu của hàng vạn người dân phải xếp hàng mua khẩu trang, sự lãng phí thời gian và công sức của hàng triệu người dân khi phải tìm kiếm khẩu trang ở khắp các nhà thuốc của Việt Nam nhưng đều nhận được cái lắc đầu: hết hàng.

Xã hội nên chấp nhận việc mua khẩu trang với giá cao khi khẩu trang từ một vật dụng bình thường trở thành một vật dụng thiết yếu trong đời sống hằng ngày? Hay họ nên lãng phí thời gian, công sức và kèm theo đó là sự bực bội, khó chịu để mua khẩu trang với giá bình ổn do một mệnh lệnh hành chính của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam?

Hệ quả của lối tư duy dân túy

“Bất cứ hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, đây là quyền hạn của ngành y tế. Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc”.

Phát biểu này của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phản ánh lối tư duy dân túy trong việc thực hiện chính sách.

Phản ứng của những chính khách theo chủ nghĩa dân túy (populism) là hành động theo những gì đa số người dân mong muốn một cách nhanh chóng, bất chấp hậu quả có thể diễn ra sau đó. Đó là lối hành động mà không cân nhắc đến hậu quả lâu dài của hành động do chính sách ngắn hạn gây ra.

Người dân bức xúc với việc khẩu trang tăng giá, chính trị gia liền phản ứng bằng cách không cho phép tăng giá khẩu trang. Nhà thuốc nào tăng giá khẩu trang, nhà nước thu hồi giấy phép ngay lập tức.

Hậu quả của việc không cho phép tăng giá khẩu trang, thu hồi giấy phép nhà thuốc đó là các nhà thuốc không còn động cơ về lợi nhuận để thực hiện chức năng kinh doanh thông thường của họ là mua khẩu trang từ nhà sản xuất để bán lại cho người tiêu dùng để kiếm lợi nhuận.

Nhìn lại lịch sử, chính sách dân túy thường được các chính trị gia sử dụng và mang lại sự ủng hộ của nhiều người dân trong ngắn hạn. Tịch thu ruộng đất của địa chủ để chia cho dân cày, quốc hữu hóa tài sản của tư bản để sung công, thịt heo tăng giá thì đổ lỗi cho việc thương lái găm hàng và yêu cầu xử lý nghiêm… đều là những chính sách ngắn hạn được người dân ủng hộ vì mang lại lợi ích trước mắt. Tuy nhiên, tất cả các chính sách dân túy ngắn hạn đó đều dẫn đến hệ quả trầm trọng trong dài hạn mà phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, ngày 14/1/2020. Ảnh: VGP.

Độc giả Luật Khoa nếu để ý sẽ thấy tất cả các chính sách dân túy đều phải sử dụng mệnh lệnh hành chính của nhà nước để thực hiện. Mệnh lệnh hành chính có nghĩa là quy định của nhà nước đưa ra bắt buộc người dân phải thực hiện, nếu người dân không thực hiện, nhà nước sẽ dùng vũ lực để cưỡng chế, bắt buộc người dân phải thực hiện.

Nếu thị trường được điều tiết bằng việc thuận mua, vừa bán trên cơ sở giá cả thì một người nào đó không thích ăn thịt lợn giá cao có thể chuyển sang ăn thịt bò, người bán lợn không dùng vũ lực để ép người dân phải ăn thịt lợn. Người ăn thịt lợn có thể khó chịu khi giá thịt lợn tăng lên nhưng xung đột mang tính bạo lực không xảy ra khi giá thịt lợn tăng. Giá thịt lợn tăng lên sẽ làm lợi nhuận của người nuôi lợn tăng theo, người nuôi lợn vì động cơ lợi nhuận sẽ tăng đàn, nuôi nhiều lợn hơn và khi nguồn cung lợn tăng lên, giá lợn sẽ giảm trở lại. Đó là cơ chế điều tiết giá cả tự nhiên của thị trường.

Hệ quả của chủ nghĩa dân túy, ủng hộ việc can thiệp thô bạo của nhà nước vào các quyết định của thị trường có thể dẫn tới những hệ quả trầm trọng hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Nhà nước khi đó sẽ phải liên tục bám đuổi để kiểm soát hành vi của người tham gia thị trường. Chẳng hạn nếu mục tiêu chính sách là khẩu trang không được tăng giá thì lực lượng quản lý thị trường phải kiểm soát giá cả của các nhà thuốc, giá bị ghìm thấp xuống thì khẩu trang sẽ được xuất khẩu sang những nước chấp nhận mua với giá cao hơn, nhà nước lại phải dùng mệnh lệnh hành chính để cấm xuất khẩu khẩu trang, v.v.

Nước chảy chỗ trũng, hàng hóa sẽ phân phối cho ai chấp nhận mua với giá cao hơn. Khẩu trang lại được bán trên mạng với giá thị trường, lực lượng quản lý thị trường lại phải kiểm soát giá bán trên mạng, nếu giá bán trên mạng tiếp tục bị kiểm soát thì khẩu trang lại sẽ được bán ở lòng lề đường, trên các vỉa hè…

Để kiểm soát giá khẩu trang đúng mục tiêu không được tăng giá, nhà nước buộc phải dùng ngân sách để bù lỗ cho các nhà thuốc bán khẩu trang với giá do nhà nước quy định bởi vì họ phải mua khẩu trang từ nhà sản xuất với giá cao hơn. Không một chuỗi nhà thuốc nào có thể chịu đựng thua lỗ để “trợ giá” khẩu trang cho người tiêu dùng. Muốn bình ổn giá, nhà nước buộc phải dùng ngân sách cho việc này.

Liệu nhà nước có đủ nguồn lực để kiểm soát giá khẩu trang theo mục tiêu khẩu trang không được tăng giá như mệnh lệnh mà ông Đam đưa ra?

Trong lịch sử Việt Nam, đã có một thời kỳ mà nhà nước có đủ khả năng kiểm soát giá cả. Đó là thời kỳ bao cấp. Chắc không ai trong chúng ta muốn quay trở về thời kỳ đó.

Nên tập trung đẩy mạnh sản xuất khẩu trang

Thay vì tập trung vào việc kiểm soát giá khẩu trang, một chính sách có tính dân túy, thiển cận, gây ra nhiều bất ổn cho thị trường, nhà nước nên dùng nguồn lực hữu hạn của mình để thúc đẩy việc sản xuất khẩu trang một cách nhanh chóng nhất có thể.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn ra, Đài Loan đã thực hiện chính sách “trọng cung – đẩy mạnh sản xuất”, trở thành quốc gia sản xuất khẩu trang lớn thứ hai thế giới. Nhờ nguồn vốn từ chính phủ, nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính cấp phép đầu tư – sản xuất, thậm chí điều động quân đội bổ sung vào lực lượng lao động tại các công ty, Đài Loan đã bổ sung 60 dây chuyền sản xuất khẩu trang kể từ khi có dịch. Khi hoàn thành xong việc bổ sung công suất sản xuất, Đài Loan có thể sản xuất khoảng 10 triệu khẩu trang mỗi ngày. Quốc đảo này vẫn có chính sách kiểm soát giá trần, nhưng công cụ chính để bình ổn giá là tăng cung.

Nhà nước cũng có thể trợ giá cho người dân mua khẩu trang bằng cách phát hành các phiếu giảm giá. Nhà nước phát hành các phiếu giảm giá cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn thông qua hệ thống chính quyền cấp cơ sở là phường, xã hoặc tổ dân phố.

Một giải pháp khác có thể thực thi là thành lập một liên minh phân phối khẩu trang bao gồm hệ thống các nhà thuốc lớn của Việt Nam, hệ thống siêu thị Vinmart, hệ thống siêu thị Co.opmart để mua khẩu trang với giá cao từ nhà sản xuất, nhà nước trợ giá một phần (trên tinh thần dùng dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho những người dân nghèo) và phân phối cho người tiêu dùng với mức giá hợp lý. Trong bối cảnh hiện tại, khi khẩu trang trở thành một mặt hàng mang lại giá trị cao hơn khi sử dụng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chấp nhận việc khẩu trang tăng giá 50-100% so với bình thường, miễn là có khẩu trang để mang.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi về địa chỉ bbt@luatkhoa.org.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here