Thấy gì qua hai cuộc quyên tiền phúng điếu cụ Lê Đình Kình?

0
1066
Số tiền quyên góp đã lên trên $35 ngàn vào lúc 10:47 phút sáng (giờ miền Đông Hoa Kỳ) ngày 21 tháng Giêng, 2020.
Blog VOA

Sau khi cụ Lê Đình Kình bị bắn chết tại nhà riêng ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, hai cuộc vận động quyên tiền phúng điếu và giúp đỡ gia đình cụ bà Dư Thị Thành đã diễn ra.

Ngoài mất chồng, hai con và hai cháu bà Thành hiện đang bị giam cầm và khả năng bị tra tấn là khó tránh khỏi. Bản thân bà cũng đã bị tát vào hai má và đá vào hai chân khi bị công an truy vấn hôm 9/1.

Cuộc vận động thứ nhất do nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh đứng ra nhận tiền quyên góp trong hai ngày 13 và 14/1. Gần 700 người dân đóng góp cả thảy hơn nửa tỷ đồng để gửi tới gia đình cụ Kình nhưng ngân hàng Vietcombank đã phong toả tài khoản của bà Hạnh khi bà tới rút tiền hôm 17/1. Làn sóng chỉ trích và tẩy chay Vietcombank đã khiến ngân hàng này phải thúc giục Bộ Công an ra thông báo ngay trong ngày 17/1 về lý do phong toả tài khoản. Ngay lập tức gần 700 người đóng góp bị Bộ Công an vu “tài trợ khủng bố” mặc dù không ai ở Đồng Tâm bị truy tố về tội danh này.

Cuộc vận động thứ hai bắt đầu từ ngày 18/1 mà một trong những người đứng ra tổ chức là nhà hoạt động Phạm Đoan Trang. Chỉ sau 32 giờ, số tiền quyên góp đã vượt quá mục tiêu 20.000 đô la mà các nhà tổ chức đề ra. Sang ngày 20/1, số tiền phúng điếu đã lên trên 30.000 đô la nhờ đóng góp của hơn 700 người hảo tâm. Số tiền này nhiều hơn chừng 200 triệu so với số tiền quyên góp được trong lần đầu.

Vậy có thể thấy gì qua hai lần quyên góp với sự tham gia của khoảng 1.400 người này? Tốc độ và số tiền quyên được từ cả hai đợt vận động cho thấy nhiều người dân thực sự hành động theo phương châm “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Họ thấy đau lòng khi chứng kiến các hình ảnh thi thể ông Kình lỗ chỗ vết đạn, chân trái gãy lìa và có vết mổ dài từ ngực xuyên xuống bụng. Cho tới khi chết ông vẫn là đảng viên từng bị đảng vô cớ đánh gãy chân, chưa bị toà án nào kết tội và đang ở tư gia lúc 4h sáng.

Bản thân tôi cũng đóng góp chút ít để giúp cụ bà Dư Thị Thành vượt qua những mất mát vô cùng lớn và vô vàn khó khăn trước mắt. Một số dư luận viên ngay lập tức xông vào cắn xé, văng tục và lý sự cùn trong chia sẻ của tôi trên Facebook mà tôi cũng dẫn mấy câu thơ:

“Những bàn tay nắm những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này…”

Những lời lẽ chày cối của dư luận viên trong mấy ngày qua cũng cho thấy tâm thức cam chịu làm kiếp cừu, thậm chí tệ hơn nhiều của một bộ phận trong xã hội. Họ cho rằng nhà nước luôn phải đúng và phải là cha mẹ dân trong khi điều ngược lại mới là hợp lý trong xã hội dân chủ. Dân luôn có trước, nhà nước có sau và nhà nước không tự nhiên vì dân mà chỉ bị buộc phải làm như vậy khi được dân giám sát hiệu qủa qua quốc hội, tư pháp và báo chí độc lập. Cả ba cơ chế giám sát này đều không có hoặc vô cùng yếu ở Việt Nam.

Lý sự thứ hai của dư luận viên là những người như cụ Kình và các thành viên trong gia đình cụ Kình không phải là dân. Có toà án nào tước quyền công dân của họ chưa hay chỉ mới có sự kết tội của truyền thông, lực lượng sống nhờ tiền thuế của dân và đáng ra phải trung lập chứ không phải ngả hẳn về chính quyền như hiện nay. Thậm chí cụ Kình còn chưa bị khai trừ đảng và là một trong những đảng viên ít ỏi bị đảng giết một cách dã man.

Một lý luận nữa là đất nhà nước muốn lấy từ tay dân Đồng Tâm là đất quốc phòng nên người dân bắt buộc phải trao cho nhà nước. Chưa kể việc đây là lý luận cùn, có lẽ họ chưa đọc bài “những dự án nghìn tỷ từng là đất quốc phòng”.

Lý luận khác nữa của dư luận viên trong chuyện không nên ủng hộ gia đình cụ Kình là họ có chủ trương bạo lực. Mặc dù có thành viên trong gia đình cụ Kình tuyên bố như vậy, họ chưa từng có bất kỳ hành động nào cho tới khi lực lượng cảnh sát cơ động xông vào bắt họ mà không hề có lệnh của Viện Kiểm sát. Cái cớ truy đuổi tội phạm chỉ được Bộ Công an nặn ra về sau này và cũng chỉ là nói khơi khơi chứ không có “bằng chứng” video như những video “nhận tội” mà VTV đã chiếu một cách trơ trẽn. Trong một nền tư pháp nghiêm minh, tất cả các cơ quan truyền thông đưa ra thông tin có thể khiến thẩm phán có phán quyết thiên vị cho các bị can đều có thể bị truy tố tội phỉ báng toà án. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi xã hội phải đối xử với các bị can như những người vô tội cho tới khi toà phán khác đi.

Ngoài đóng góp ủng hộ gia đình cụ Kình, tôi cũng quảng cáo cho trang quyên góp tiền phúng điếu qua Facebook. Điều tôi rút ra từ hai quảng cáo, một nhắm vào người Việt trong nước và một nhắm vào Việt kiều ở Hoa Kỳ là người dân thực sự quan tâm tới vụ tấn công ở Đồng Tâm hôm 9/1.

Quảng cáo cho trang quyên góp tiền phúng điếu qua Facebook.
Quảng cáo cho trang quyên góp tiền phúng điếu qua Facebook.

Dĩ nhiên nhiều người trong nước quan tâm hơn và điều gây ngạc nhiên là những người ở độ tuổi 16-17 (tôi chọn chỉ gửi quảng cáo tới những người từ 16 tuổi trở lên) quan tâm tới vụ việc và dám tương tác với chia sẻ của tôi nhiều hơn hẳn so với các độ tuổi còn lại. Có tới trên 30% các bạn nữ và chừng 45% các bạn nam ở độ tuổi 16-17 tương tác theo thống kê của Facebook.

Đối với người Việt ở Hoa Kỳ, tôi chọn những người biết tiếng Việt để nhờ Facebook gửi bài tới và đương nhiên những người có tuổi chiếm phần lớn số tương tác có được.

Lực lượng dư luận viên và những người đã bị phơi nhiễm thông tin tuyên truyền từ nhiều năm sẽ không thể hiểu nổi tại sao người dân sẵn lòng giúp gia đình cụ Kình. Lý do thì có nhiều nhưng tựu chung lại là họ đã tan cửa nát nhà trong khi chưa làm điều gì ác cho tới khi bị tấn công. Còn chính quyền thì đã làm nhiều điều ác và dối trá về những việc làm xấu xa của họ từ nhiều năm nay rồi. Những ai muốn tìm hiểu thêm chỉ cần vào google tìm “cải cách ruộng đất”, “nhân văn giai phẩm”, “thảm sát Mậu Thân”… hay xem lại video tôi phỏng vấn Tướng Lê Minh Đảo cách đây vài năm.

Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook – https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here