THẬP NIÊN 1980 TRONG KÝ ỨC

0
81
Một góc chợ ở quận 1, thập niên 1980, 1990.
   

Huỳnh Thị Tố Nga

Tôi sinh ra ở Đồng Nai, nhưng bên ngoại tôi gốc ở Sài Gòn. Vì hoàn cảnh gia đình, mẹ tôi và mấy anh em chúng tôi không sống với ba tôi và gia đình bên nội, đặc biệt là mấy anh em chúng tôi, đến tuổi trưởng thành mới biết về ba và gia đình bên nội. 

Tôi thuộc thế hệ 8x, thời tôi sinh ra, làng tôi vẫn còn khó khăn nghèo đói. Gia đình ngoại tôi có điều kiện nên hai mẹ con vẫn được bảo bọc, nhưng có giới hạn, bà ngoại vốn là người nguyên tắc đâu ra đó, chỉ để cho hai mẹ con không đói khát nhưng cũng không được đầy đủ, vậy nên tôi lớn lên, cũng đã trải qua những ngày tháng khó khăn cùng với dân làng, hiểu được sự nghèo đói của mọi người như thế nào. Đến năm 9 tuổi, là bước ngoặt của cuộc đời tôi, từ đó, tôi đã biết thế nào là tự lập trong cuộc sống, tách rời gia đình về mặt tinh thần, tự xoay sở, tự phát triển, tự dạy cho bản thân cách sống cho đến khi trưởng thành. 

Vùng đất tôi ở, phía trước là đồi, phía sau là con sông Đồng Nai nước sông trong xanh chảy qua, sau này, đất hai bên bờ con sông cứ bị sạt lở, do tình trạng “cát tặc”, những người đi khai thác cát trái phép, làm cho nước sông trở nên đục ngầu, con sông tuổi thơ đã không còn nguyên vẹn. 

Từ bé, anh chị tôi đã về ở với bà ngoại và mấy dì ở Sài Gòn, tôi ở với mẹ và ông ngoại ở Đồng Nai, vậy nên khi còn bé, mẹ tôi hay dẫn tôi về Sài Gòn chơi, có khi một tháng đi 1, 2 lần. Còn ông ngoại thì vẫn lên xuống Đồng Nai – Sài Gòn liên tục chứ không ở nơi nào cố định, bà ngoại cũng vậy. Ông bà ngoại lên Đồng Nai ở luân phiên chỉ vì hai mẹ con tôi vẫn ở đó. 

Mỗi lần mẹ dẫn về Sài Gòn, lúc đó tôi tầm 3, 4 tuổi. Phương tiện là xe lam và xe đò, hoặc xe lửa. Xe đò và xe lửa chạy bằng than, tôi còn nhớ cái nóng oi bức của nó và bụi than cứ bám vào quần áo đen đúa. Xe lửa thì dơ bẩn, hành khách, nhất là các em bé, cứ phóng uế trên các chỗ trống trong các toa xe, mỗi lần đi xe lửa là nỗi kinh hoàng của tôi.

Xích lô và xe lam vẫn là phương tiện phổ biến của Sài Gòn thập niên 1980, 1990.

Sài Gòn những năm 80, vẫn chưa phồn hoa như bây giờ, phương tiện đặc trưng vẫn là xích lô, đi tới bến xe, từ bến xe về nhà ngoại là hai mẹ con đi xích lô, tôi nhớ hình ảnh các chú xích lô cứ gò lưng đạp xe mà thương, xích lô là hình ảnh dân dã và hiền lành của Sài Gòn thời bấy giờ. Những người bán cóc, ổi, mía ghim trên các xe khách vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ, mỗi lần bước xuống bến xe, hình ảnh những đứa trẻ và phụ nữ bê mâm trái cây, trứng cút luộc mưu sinh cũng là hình ảnh không thể quên. Bánh mì thịt cũng là một đặc trưng của Sài Gòn, từ khi tôi có sự hiểu biết là đã biết bánh mì thịt của Sài Gòn rồi, hương vị không nhầm lẫn với địa phương khác được. Tiệm bánh mì Hòa Mã, là tiệm bánh mì thịt đầu tiên được mở ở Sài Gòn, khi mẹ tôi được một tuổi thì tiệm thành lập, kế bên nhà ngoại tôi. Nói đến bánh mì thịt của Sài Gòn, phải nói đến tiệm bánh mì Hòa Mã, số 53 Cao Thắng, quận 3, Sài Gòn, đã nổi danh từ năm 1958.

Nhà ngoại tôi ở quận 1 và quận 3, hai quận trung tâm phồn hoa nhất của Sài Gòn, nhưng những năm 80, công việc làm của mọi người vẫn khó khăn, tôi nhớ một người dì của tôi, vẫn còn làm việc trong một hợp tác xã của nhà nước, người dì thứ hai thì làm trong cơ quan cũng của nhà nước, lương èo uột. Ông ngoại tôi xuất thân là “công tử thế gia” thời VNCH, từ thập niên 50, ông bà ngoại tôi có mở một nhà bảo sanh tư, hoạt động cho đến trước 1975, cho nên sau đó, dù không còn tồn tại nhưng đời sống gia đình cũng không đến nỗi khó khăn. Những năm này nhà nước vẫn duy trì kinh tế bao cấp, ở Sài Gòn thì tôi không biết nhiều về đời sống kinh tế người dân như thế nào, còn ở Đồng Nai thì hầu như tất cả dân làng đói khổ lắm.

Từ bé tôi đã nghe mọi người nói về kinh tế bao cấp, thành viên gia đình tôi, mang hai tư tưởng chính trị đối lập (tôi sẽ có một bài viết khác nói về vấn đề này), vậy nên, từ bé tôi đã nghe rất nhiều về các vấn đề liên quan đến cuộc sống đất nước qua sự hiểu biết tiếp nhận từ lời nói của ông bà, cậu dì, và dượng tôi (ba sau) cũng là người từng trải qua đời sống của một người trong cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt” và từng lăn lộn ở các chiến trường biên giới. Dượng tôi là một nhân chứng sống đã giúp tôi hiểu rất nhiều về đời sống của người dân ở hai miền Nam, Bắc trước 1975, kể cả đời sống các nước lân cận Lào, Campuchia, Thái Lan. Trong những thập niên 1960, 1970 so với Việt Nam như thế nào. Dượng kể, Thái Lan ở những thập niên đó, người dân đã văn minh và nhân văn hơn xã nghĩa rất nhiều rồi. 

Đã hơn 40 năm tôi hiện diện trên cõi đời này, đã trải qua đời sống cá nhân thăng trầm về vật chất và tinh thần. Bốn mươi năm qua, đất nước có cải thiện hơn về cơ sở vật chất so với thập niên 1980, 1990 nhưng văn minh thì chưa hội nhập được với thế giới. Đời sống người dân Việt Nam, khoảng 70% ở đáy tầng vẫn còn loay hoay với cơm áo gạo tiền, kiếm cái nhà, miếng đất để ổn định cuộc sống. 20% ở tầng lớp trung lưu thì đời sống khá giả, thoải mái hơn. 10% còn lại ở tầng lớp thượng lưu, vung tiền như cái máy, không nói chắc các bạn cũng hiểu 10% này nằm trong thành phần nào rồi, không phải là gốc rễ, thì cũng là dây mơ rễ má với xã nghĩa. 

Cuộc đời và ký ức gói trọn trong hơn 40 năm là như thế, con đường ánh sáng vẫn chưa nhìn thấy cho dân tộc này! 

Huỳnh Thị Tố Nga 

August 20, 2023

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here