1/ Dựa trên các bài viết của Jaya Thiên, và qua trao đổi thêm, nay mình note ra cái phần nội dung này: Thánh tích Chăm trong thung lũng Ka Pet, vì đây là một nội dung liên quan đến dự án làm hồ chứa nước Ka Pet mà hệ quả là phá 600ha rừng thiêng liêng trên đất Bình Thuận (huyện Hàm Thuận Nam).
Gọi thung lũng Ka Pet là để đúng với thực địa và lịch sử. Thung lũng này sẽ trở thành lòng hồ Ka Pet một khi dự án nói trên được thực hiện. Tuy nhiên, ở đây và vào lúc này (cũng như từ xưa giờ) thánh tích Chăm hiện diện tồn tại ở đây chính là ở trong cái thung lũng Ka Pet ấy.
Thánh tích này là khu lăng mộ Pô Cei Khar Mâh Bingu. Đây là lăng mộ một nhân vật lịch sử có thật, một vị tướng tài của người Chăm, sống vào thế kỷ 17 (dưới triều vua Po Ramé: 1627-1651).
Thánh tích này thuộc Khu Đá Bàn thôn 1 xã Mỹ Thạnh huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận, cách trung UBND xã Mỹ Thạnh khoảng 3,5km đường chim bay theo hướng Tây-Bắc.
Toạ độ khu thánh tích được ghim trên bản đồ Gogole Earth: 11°05’48.8″N 107°51’54.1″E.
Theo Jaya Thiên, toàn bộ khu vực Thánh tích lăng mộ của Pô Cei Khar Mâh Bingu có diện tích trên 10ha bao gồm: khu mộ, vòng thành, khu luyện binh lính, khu trồng thuốc nam, khu vực làm ruộng …là những di tích lịch sử thiêng liêng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm và người Raglai.
Jaya Thiên cũng ghi nhận: “Trải qua gần 300 năm, đây là cánh rừng thiêng được cộng đồng người Chăm và Raglai bảo vệ một cách tuyệt đối bất khả xâm phạm. Nhờ vào chất thiêng ấy, trải qua bao biến thiên lịch sử, khu rừng này vẫn được giữ lại yếu tố nguyên sinh như vốn có từ ngàn đời cho đến hôm nay”.
Tất nhiên, cái “tuyệt đối bất khả xâm phạm” ấy dù trải qua 300 năm cũng chưa là cái đinh gì so với thời hiện nay, phỏng ạ?
Hành trạng của nhân vật lịch sử Pô Cei Khar Mâh Bingu được ghi lại trong truyền thuyết và các văn kiện của người Chăm. Và có lẽ đến nay chưa có công trình khảo cứu nào tương xứng với vai trò của Pô này trong dòng chảy lịch sử văn hóa Chăm và đặc biệt là trong mối quan hệ Champa – Đại Việt. Điều này sắp tới có lẽ là “việc nên làm sớm” của các trí thức không Chăm thì Việt.
Bởi lẽ, chỉ thông qua những giới thiệu vắn tắt của Jaya Thiên, đã thấy có nhiều chi tiết hấp dẫn. Chẳng hạn như vua Lê Nhân Tông vào thế kỷ 15 từng có một người vợ Chàm, chính là công chúa Po Sah Ina, sinh ra một đứa con trai. Và trong câu chuyện gia đình vua lồng trong quan hệ hai nước Champa – Việt, thì vua Lê Nhân Tông từng đem quân đi đánh Champa và bị thua… Những tình tiết lịch sử này liên quan đến một vị Pô khác của người Chăm là Po Haniim Per.
Và Pô Cei Khar Mâh Bingu là hậu duệ của Po Haniim Per. Vùng thung lũng Ka Pet vốn là cứ địa cùa nhiều vị Pô người Chăm, từng trú lánh và làm căn cứ chống giữ với các thế lực ngoại xâm. Cũng theo Jaya Thiên, liên quan đến việc đánh tan quân Đại-Việt khi quân Đại Việt tiến vào đất Pandurangga, nên “ông đã quay lại lánh trú nơi quê nhà (thung lũng Ka-Pet) và qua đời ở nơi Thánh tích này, Ngài được người dân lập đền thờ, được người Cru (Chu-Ru) chăm sóc bảo vệ khu rừng thiêng này”.
Như vậy, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thiêng liêng của thánh tích này trong lòng người Chăm như thế nào, sẽ còn bàn tiếp. Chỉ biết cứ mỗi bảy năm một lần, người dân cộng đồng Cham làm chuyến hành hương (3 ngày 2 đêm) đến khu rừng nơi có lăng mộ ông để thực hành các nghi lễ tôn giáo và có sự tham gia của cộng đồng Raglai, Cru ở nơi đây.
“Và trong nay mai, nơi Thánh tích này có nguy cơ chìm sâu dưới lòng hồ Ka-Pét, khi dự án này được xây dựng”, câu văn của Jaya Thiên có nhiều phần chua chát.
2/ Ngoài ra, mọi người bữa giờ dễ sanh nhầm lẫn về vị trí thánh tích và lăng mộ lẫn nơi thờ cũng như lộn xộn về tên các vị Pô người Chăm. Là vì thế này:
Ngoài lăng mộ nằm trong thung lũng Ka Pet, hiện có hai địa phương có đền thờ Po Cei Khar Mâh Bingu: một ở Lạc Tánh (Tánh Linh, điểm núi gần làng), một ở Nông tang (Lâm Thuận, Hàm Phú, Hàm Thuận Bắc).
Cho nên, có người đọc thấy cái tên Po Cei Khar Mâh Bingu, rồi nghe nói gì đến chuyện thờ chuyện lễ, rồi nhìn thấy cái địa danh Hàm Thuận Bắc, xong bèn nói đây nè, di tích thánh tích gì là nằm ở Hàm Thuận Bắc chớ có phải Hàm Thuận Nam hay Ka Pet gì đâu. Cái kiểu nói ấy, nếu không phải là phường hóng hớt nói lấy được, thì hẳn là có ác ý muốn nhân đây lập lờ đánh lận con đen, muốn càng nhiều người hiểu sai hiểu không đúng hiểu lộn xộn về một thánh tích quan trọng của người Chăm, để rồi tóm lấy tất cả tình hình nhiễu loạn ấy cho vào một rọ: Chẳng có gì quan trọng lắm đâu. Đấy, cái cung cách ấy rốt cuộc làm lợi cho ai/ những ai rồi thì ai cũng biết cả thôi.
Vấn đề nói thêm là: Po Cei Khar Mâh Bingu từng được sắc phong của vua Khải Định (chuyện sắc phong này là chính quy nên liên quan đến lập đền thờ cũng chính quy chứ không phải tự phát đâu nhé!)
Ảnh 1 kèm đây là sắc của vua Khải Định (cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật) phong cho Cậu Hoa (tên người Việt dùng cho Po Cei Khar Mâh Bingu) là “Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Ảnh: FB của Jaya Thiên.
Ảnh 2: Điểm định vị toạ độ khu Thánh tích nằm trong khu vực dự kiến làm hồ Ka-Pét, cách UBND xã Mỹ Thạnh khoảng 3,5km. Ảnh: FB của Jaya Thiên
>>>
P. S. Mình quyết định sửa chữ “rừng nguyên sinh” ở đoạn đầu bài thành “rừng thiêng liêng”. Một là vì thấy chỗ này dễ kéo người đọc sa vào tranh cãi về phân định các loại rừng nào chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong khu dự án Ka Pet 600 ha. Việc ấy thuộc nội dung khác, dành cho các nhà khoa học lên tiếng, càng cụ thể về mật độ/ tỷ lệ các loại rừng còn hiện diện ở đây càng tốt. Đó cũng là cách hiệu quả để giúp công chúng không tin vào mấy thao tác giả bộ đi rừng và vung tay chỉ trỏ rồi phán rừng nghèo này nọ vân vân.
Hai là, vì bài này tập trung nói về thánh tích thiêng liêng bất khả xâm phạm tồn tại bấy lâu trong rừng, nên dùng “rừng thiêng liêng” cũng là hợp lẽ.
Cảm ơn em Lê Quỳnh đã góp ý.