Thái Thanh là vậy. Khi hát, bà không chỉ hát. Đúng ra chỉ cần nghe bà hát. Không cần đệm. Không cần đàn. Bà không phải là ca sĩ. Bà kể chuyện bằng giai điệu. Bà ẻo lả. Bà điệu đàng. Bà đùa cợt. Bà khóc than. Bà tỉ tê. Bà vuốt ve. Bà mơn trớn. Bà hờn dỗi. Bà tươi vui. Bà tự sự. Bà là kịch sĩ xuất chúng diễn bằng phong cách hát có một không hai. Chưa hề có phiên bản Thái Thanh thứ hai trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Bà là duy nhất. Và có lẽ chưa có ai hát tiếng Việt đẹp bằng bà. Chưa ca sĩ nào phát âm tiếng Việt chính xác bằng Thái Thanh. Hãy nghe thật kỹ và thật chậm những từ dấu hỏi và ngã được phát ra từ bà. Như Phạm Duy, con người Thái Thanh là kết hợp của tinh túy văn hóa Việt Nam. Có lẽ chưa có ca sĩ nào vừa sang trọng kiêu kỳ vừa đậm nét chân quê hồn Việt bằng Thái Thanh.
Năm 1971, khi giới thiệu cuốn số bốn băng Tơ Vàng với giọng hát Thái Thanh do nhạc sĩ Văn Phụng thực hiện, nhà văn Mai Thảo viết:
“Hát, với Thái Thanh, là một tình yêu muốn cháy đỏ một đời, phải được làm mới từng ngày. Lối hát, cách hát, từ kỹ thuật trình bày một ca khúc đến cái khó nhận thức hơn, vì ở bên trong, nhưng không phải là không thấy được, là trạng thái tâm hồn… Nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận định về tiếng hát Thái Thanh như một giọng ca không có tuổi. Táng láng, hồng tươi, không quá khứ. Nhận định này chỉ nói đến một sự thực hiển nhiên. Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút, tiếng hát Thái Thanh hai mươi năm nay là một hơi thở bình minh, ở đó không có một dấu vết nhỏ của tháng năm và quá khứ đè nặng. Đã là một giòng sông đầy, nó vẫn còn là cái thánh thót, cái trong vắt của một giòng suối, nước reo thủy tinh, sỏi lăn trắng muốt. Như một bông hoa không nở và tàn trong một buổi sáng, mà hoa đã mãn khai, vẻ hàm tiếu vẫn còn. Tiếng hát trẻ trung vĩnh viễn, không tuổi, không quá khứ là vì nó tạo mãi được cho người nghe cái cảm giác mát tươi đầu mùa như vậy”.
…..
Bà là ca sĩ duy nhất trước 1975 tại Sài Gòn, nơi có vô số ca sĩ tài năng đỉnh cao, được mệnh danh là “Tiếng hát vượt thời gian” (do một hãng đĩa đặt). Điều khiến tiếng hát của bà vượt thời gian, thậm chí không gian, là khả năng thiên phú cộng với tài năng truyền cảm cảm xúc của bà. Cũng với một nốt ấy, bà biến nó thành một “nốt riêng của Thái Thanh”, như thể bà muốn hỏi (hãy phát âm chữ “hỏi” theo giọng Thái Thanh): “Thế bây giờ tôi hát như thế quý vị nghe có được chưa?”.
Bà hát “nghe có được chưa” mà không cần học qua bất kỳ trường lớp thanh nhạc nào. Nhạc lý và xướng âm bà học từ các sách mà anh của bà, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đặt mua từ Pháp. Bà miệt mài tự học và tự tìm cách nâng cao chất giọng đặc biệt của mình. Và để trở thành một Thái Thanh không có phiên bản thứ hai, bà từng nói: “Điều đầu tiên tôi muốn nói là người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, miền Trung, miền Nam, miền Bắc. Đặc biệt tôi sinh ra ở Hà Nội thì khi đọc đên hai chữ Hà Nội tôi cảm thấy một tình cảm yêu mến vô bờ. Nếu mình không yêu chữ của nước mình thì giống như mình hát một bài hát ngoại quốc vậy. Thí dụ đọc đến chữ “em bé quê” là mình cảm thấy dào dạt tình thương yêu các em nhỏ sống ở những vùng quê nghèo nàn, tôi nói yêu chữ nước mình là vậy. Còn một chuyện nữa là tôi yêu người nghe, luôn luôn tôn trọng khán thính giả. Tôi rất thận trọng khi hát”.
Nhà văn Thụy Khuê viết về Thái Thanh: “Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Đạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ: Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ. Giữa những phôi pha của cuộc đời, tàn phai của năm tháng, giọng hát Thái Thanh vang vọng trong bầu trời thơ diễm tuyệt, ở đó đau thương và hạnh phúc quyện lẫn với nhau, người ta cho nhau cả bốn trùng dương và mặc tàn phai, mặc tháng năm, tiếng hát vẫn bay bổng ở chốn trần gian hoặc ở chốn vô hình”…
Cách đây không lâu, một người bạn vừa qua Mỹ vài năm kể với tôi rằng, một hôm, vì nhớ nhà quá, vợ chồng anh mở YouTube tìm nghe nhạc Việt xưa. Vừa bật lên thì gặp ngay ca khúc “Gánh lúa” của Phạm Duy được hát với tiếng hát lảnh lót Thái Thanh. “Mênh mông, mênh mông, sóng lúa mênh mông/ Lúc trời mà rạng đông rạng đông… Ðêm qua trăng mơ sáng khắp thôn quê/ Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi… Gánh gánh gánh, gánh thóc về/ Gánh về! Gánh về!”… Bất giác, không thể kìm được, cô vợ rơi nước mắt; còn anh chồng thì mắt đỏ hoe. Có ca khúc quê hương nào đẹp bằng “Gánh lúa” của Phạm Duy? Cũng chắc hiếm ai thổn thức trải một tấm lòng mênh mông hồn quê hương bằng cái cách mà Thái Thanh “gánh” lên đôi vai nhỏ của bà hai chữ “quê tôi”.
Lâu nay bà đã rời sân khấu, để lại một cái nheo mắt hóm hỉnh duyên dáng rất “Thái Thanh”. Giờ thì bà đã đi rất xa. Thế bây giờ có ai còn muốn nghe lại “tiếng hát Việt Nam” của bà? Sao lại không! Từ thuở còn nằm nôi, chúng ta đã biết “tôi yêu tiếng nước tôi” là như thế nào…
…
Thái Thanh dưới nét vẽ của họa sĩ Đinh Trường Chinh