Thạch Đạt Lang: Vai trò của luật sư trong một vụ kiện qua bộ phim “Người Đàm Phán” (Bridge of Spies)

0
78
Ảnh: Các nhân vật trong phim (trái) và nhân vật trong đời thật (phải). Nguồn: History Hollywood.
Thu Ngoc Dinh

Thạch Đạt Lang

Bài viết này hình thành sau khi tin tức ở Việt Nam cho biết trong một buổi họp quốc hội vào ngày 27.05.2017 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra một vấn đề gây xôn xao trong giới luật sư, đó là dự thảo sửa đổi, bổ sung đưa thêm vào bộ luật hình sự (BLHS) những điều khoản nhằm gia tăng sức ép, gây khó khăn, thậm chí ngăn chận vai trò bào chữa của luật sư trong các vụ kiện dưới chế độ CSVN.

Bên cạnh sự chủ tọa của Nguyễn Thị Kim Ngân còn có sự hiện diện của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện cơ quan soạn thảo. Buổi họp có khoảng 40 người tham dự.

Mục đích chính của buổi họp này là đưa thêm vào BLHS một số điều khoản nhằm gia tăng quyền lực của chế độ, đồng thời trói buộc, gây trở ngại cho những người hành nghề luật sư tại Việt Nam. Đó là những điều dự thảo bắt buộc luật sư phải tố cáo thân chủ của mình nếu biết được người này đã hoặc đang có ý định phạm vào những tội mà chế độ CS đánh giá là vi phạm an ninh quốc gia.

Những dự thảo này hoàn toàn đi ngược lại lương tâm chức nghiệp của người luật sư là bảo vệ thân chủ trước tòa án. Người luật sư bào chữa không có nhiệm vụ, bổn phận tố cáo thân chủ của mình vì bất cứ lý do gì. Điều này khiến tôi nhớ lại cuốn phim Bridge of Spies, của đạo diễn Steven Spielberg, đã coi năm 2016.

Phim Bridge of Spies (Người Đàm Phán) do 2 tài tử Tom Hanks và Mark Rylance đóng vai chính, cho thấy nền luật pháp ưu việt của nước Mỹ nói riêng và các nước tự do, dân chủ nói chung, hoàn toàn khác hẳn với luật pháp những chế độ CS độc tài như Việt Nam, Liên Xô cũ… Phim dựa vào một chuyện có thật xẩy ra vào cao điểm của cuộc chiến tranh lạnh (Cold War) giữa hai khối tư bản và cộng sản cuối thập niên 50, đầu 60.

Chuyện xảy ra vào năm 1957, một điệp viên của Nga, đại tá Rudolf Ivanovich Abel (Mark Rylance), dưới vỏ bọc của một họa sĩ vẽ chân dung bị FBI bắt giữ, kết tội gián điệp qua việc thu thập, chuyển về Liên Xô những tin tức về hệ thống hỏa tiễn nguyên tử của Mỹ. Chính quyền Mỹ đề nghị Abel cộng tác, nhưng Abel từ chối.

Để chứng tỏ với thế giới nói chung, người dân Mỹ nói riêng, rằng Mỹ có nền luật pháp công bằng, nhân bản, dù trong giai đoạn đối đầu căng thẳng giữa 2 cường quốc Mỹ-Liên Xô, khi một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, chính quyền Mỹ quyết định mở một phiên tòa công khai xét xử Abel về tội gián điệp.

James Britt Donovan, một luật sư giỏi, nhiều kinh nghiệm trong đàm phán, chuyên về bảo hiểm trong tổ hợp luật sư Watters-Cowan-Donovan, nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm về những vụ án chính trị, bất ngờ được tổ hợp luật sư chọn lựa để bào chữa cho Abel trước tòa án.

Khi biết mình được chọn là luật sư bênh vực cho Abel, Donovan lúc đầu rất ngạc nhiên, hơi ngần ngai nhưng rồi bình thản, vui vẻ nhận nhiệm vụ. Cuộc gặp gỡ đầu tiên trong tù giữa Donovan và Abel trong những giây phút đầu cũng tạo nên một sự nghi kỵ, ngờ vực của Abel đối với Donovan nhưng rồi phong thái lịch lãm, chuyên nghiệp, thẳng thắn của Donovan đã tạo cho Abel sự cảm thông, tin tưởng nơi Donovan. Ngược lại, Donovan cũng thấy hứng thú trước sự bình tĩnh đến thản nhiên khi bị bắt giam, chờ ngày ra tòa của Abel.

Trước khi phiên tòa khai mạc, Donovan bị sức ép từ nhiều phía, chánh án Mortimer Byers đã cảnh cáo Donovan là hãy thận trọng trong khi biện hộ cho Abel, bởi dưới mắt Byers, Abel chỉ là một kẻ thù nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Sở tình báo CIA đồng thời cử điệp viên Hoffman tìm cách tạo áp lực lên Donovan để khai thác, tìm hiểu những tin tức tối mật mà Abel không tiết lộ, khai báo với họ.

Donovan từ chối cộng tác với CIA. Trả lời Hoffman, Donovan cho biết ông chỉ trung thành với hiến pháp và làm việc theo lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của mình.

Dư luận quần chúng Mỹ trong lúc đó hầu hết không có thiện cảm với Donovan, việc nhận bào chữa cho Abel khiến Donovan gần như trở thành kẻ thù của người dân Mỹ, họ trút sự giận dữ, căm ghét Abel lên ông và gia đình. Donovan cảm nhận được điều đó qua những ánh mắt nhìn ông không thân thiện trên xe điện, nơi công cộng, những la ó phản đối, sỉ nhục trước tòa án…, nhưng lương tâm, đạo đức nghề nghiệp không cho phép ông sợ hãi, bỏ cuộc.

Phiên tòa xử Abel kéo dài 10 ngày. Donovan đã khéo léo đưa ra yếu tố Abel không có quốc tịch Mỹ, do đó ông không thể bị kết tội phản quốc, Abel chỉ là một người lính bị bắt ở mặt trận trong lúc giao tranh, đã hành xử can đảm, kiên cường với lòng tự trọng, không khai báo gì với kẻ thù. Abel bị kết tội gián điệp theo đúng các điều khoản của luật pháp Mỹ bởi một bồi thẩm đoàn. Chính quyền Liên Xô hoàn toàn im lặng trước mọi chuyện từ khi Abel bị bắt giữ, cũng như phủ nhận quốc tịch Nga của Abel (Đương nhiên rồi! Chế độ CS nào chẳng thế?).

Donovan đến thăm Abel trong nhà giam trước khi tòa tuyên án, Abel đã thắc mắc, hỏi tại sao Donovan chưa bao giờ tìm hiểu về những việc Abel đã làm trong nhiệm vụ của một điệp viên? Donovan trả lời rằng đó là chuyện của FBI, CIA, của cảnh sát, công tố viên, chánh án… không phải việc của ông, việc của ông là tìm mọi cách bào chữa, bênh vực Abel, thân chủ của mình.

Trước ngày tuyên án, Donovan tìm đến tư gia của chánh án Byers, đề nghị ông không áp dụng án tử hình với Abel, chỉ nên kết án tù, đề phòng trường hợp sau này có thể dùng Abel để trao đổi tù binh với một điệp viên Mỹ nào đó bị bắt trên đất Liên Xô. Chánh án Byers im lặng, không trả lời, nhưng sau đó đã làm theo lời đề nghị của Donovan.

Abel bị kết án 30 năm tù giam. Dù vợ và ngay cả đồng nghiệp trong tổ hợp luật sư không đồng ý, Donovan vẫn gửi hồ sơ chống án lên tòa thượng thẩm (Supreme Court) với lý do Abel bị bắt giữ không có lệnh (search warrant), nhưng đơn chống án của ông bị bác bỏ, bản án dành cho Abel không được tái xét.

Một buổi tối sau khi Abel bị kết án 30 năm tù giam, con gái Donovan đang ngồi coi truyền hình, một số kẻ quá khích đã chạy xe hơi đến khu dân cư nơi Donoval sống, bắn nhiều phát đạn vào nhà ông làm vỡ kính cửa sổ rồi biến mất. Một trong những cảnh sát đến điều tra sự việc cũng tỏ thái độ hằn học với Donovan về việc Abel không bị án tử hình.

Tháng 05.1960, trung úy phi công Francis Gary Powers lái một chiếc U-2 – loại phi cơ gián điệp của Mỹ bay ở độ cao 70.000 feet (21 Km) – cất cánh từ Peshawar, Pakistan chụp hình các căn cứ quân sự của Liên Xô, bị nghi ngờ là nơi đặt các hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử, bị bắn rơi ở Sverdlovsk bởi hỏa tiễn địa không SA -2 (Guideline). Powers nhẩy dù và bị bắt làm tù binh.

Một phiên tòa xã hội chủ nghĩa diễn ra nhanh chóng không có luật sư bào chữa, kết án Powers 10 năm tù, 3 năm tù giam và 7 năm tù lao động “cải tạo”. Trong thời gian bị tù giam, dù bị tra tấn nhiều lần bằng các hình thức như trấn nước, bỏ đói, không cho ngủ, bật đèn sáng 300 Watt cả đêm trong phòng giam nhỏ, chật hẹp, bẩn thỉu…, Powers tỏ ra kiên cường, bất khuất hơn cả Abel vì Abel không hề bị tra tấn. Liên Xô cũng không khai thác được gì từ Powers như Mỹ đối với Abel.

Tháng 08.1961, Frederich L. Pryor một sinh viên Mỹ đang nghiên cứu, chuẩn bị luận án tiến sĩ tại Đại Học Tự Do Berlin (Free University of West Berlin) ở phía tây Berlin từ năm 1959, chạy xe đạp qua phía Đông tìm vị giáo sư đỡ đầu (Doctor Father) cho mình, bị cảnh sát Đông Đức bắt giữ trên phần đất phía Đông ngay vùng chia cắt Đông-Tây, trong lúc bức tường chia đôi Đông-Tây đang được chế độ CS Đông Đức xây dựng. Frederich Pryor bị giam không có án tù hay nói cho rõ hơn là phạm tội… “Ở không đúng chỗ và không đúng lúc”.

Một buổi sáng đầu năm 1962, khi đến phòng làm việc, Donovan nhận được một lá thư từ Helen, vợ của Abel, nội dung lá thư cám ơn Donovan đã giúp đỡ Abel, đồng thời khẩn thiết yêu cầu Donovan liên lạc với luật sư của mình tên là Vogel ở Đông Berlin. Abel không tin đó là lá thư của vợ mình gửi, còn cơ quan tình báo CIA đánh giá đây là một tin nhắn ngầm (Black Channel Message) gửi cho chính phủ Mỹ rằng Liên Xô muốn trao đổi Abel với Powers.

Sau khi gặp giám đốc sở tình báo Allen Dulles, Donovan được sắp xếp đi cùng điệp viên Hoffman qua Đông Berlin gặp Vogel thực hiện cuộc trao đổi với tư cách cá nhân, không đại diện cho chính phủ Mỹ hay bất cứ một tổ chức nào. Dulles cũng khuyến cáo Donovan phải giữ bí mật tuyệt đối không được phép tiết lộ vụ trao đổi ngay cả với gia đình, vợ con, những người thân thuộc nhất. Điều này có nghĩa, Donovan sẽ không nhận được một sự giúp đỡ hay can thiệp chính thức nào từ chính quyền Mỹ. Mọi thành công hay thất bại trong việc trao đổi Abel-Powers chỉ cá nhân Donovan chịu trách nhiệm vì lý do Liên Xô không công nhận Rudolf Abel, ngược lại Mỹ không công nhận thực thể của Cộng Hòa Dân Chủ Đức (German Democratic Republic). Donovan được toàn quyền hành động trong khi đàm phán cuộc trao đổi điệp viên.

Trước khi cuộc đàm phán diễn ra, phía Liên Xô đã bắt đầu giở thủ đoạn thâm căn cố đế, chơi trò tráo trở của cộng sản. Trên đường đi đến Berlin, Donovan được thông báo là Vogel chỉ muốn trao đổi Pryor lấy Abel, trong khi đó CIA nhấn mạnh rằng họ chỉ muốn nhận Powers chứ không phải Pryor.

Sau khi đến Berlin, Hoffman cho Donovan biết sẽ gặp Vogel vào lúc 12 giờ trưa ngày hôm sau tại tòa đại sứ Liên Xô ở Đông Berlin. Đáp xe điện (Strassen Bahn) đến Checkpoint, mất chiếc áo choàng mùa đông đắt tiền cho đám côn đồ đứng đường, Donovan đến được tòa đại sứ Liên Xô.

Tại đó thay vì được gặp Vogel, Donovan chỉ gặp vợ Abel, con gái, một người em họ của Abel tên Drews và sau đó là một người tự giới thiệu là Iwan Schischkin, đệ nhị tham vụ tòa đại sứ Liên Xô nhưng thừa nhận mình có thẩm quyền trong cuộc thương thuyết.

Schischkin cho Donovan biết, Vogel không thể hiện diện trong cuộc đàm phán vì lý do tế nhị, đồng thời tỏ ý muốn phía Mỹ trả tự do trước cho Abel như một dấu hiệu hòa hoãn với Liên Xô, sau đó phía Liên Xô sẽ trả tự do cho Powers. Lời lẽ qua lại căng thẳng.

Đã có nhiều kinh nghiệm đàm phán, Donovan cho Schischkin biết, cuộc trao đổi cần diễn ra nhanh chóng trong vòng 48 tiếng đồng hồ sắp tới và Abel chỉ được trao trả khi Donovan nhận được Powers và Pryor cùng một thời điểm. Schischkin không trả lời ngay mà hẹn ngày hôm sau, đồng thời cho biết không có quyền hạn trong chuyện Pryor vì Pryor là tù nhân của Cộng Hòa Dân Chủ Đức, nhưng cho Donovan địa chỉ của Vogel.

Rời khỏi tòa đại sứ Liên Xô, Donovan tìm gặp Vogel để tiếp tục thương lượng về Frederich Pryor. Donovan khôn ngoan, không nhắc gì đến Powers và Vogel đồng ý trao trả Pryor lấy Abel tại Checkpoint Charlie. Điệp viên Hoffman của CIA cho Donovan biết Schischkin là trùm cơ quan tình báo KGB của Liên Xô, phụ trách toàn vùng Đông Âu gồm Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi…

Ngày hôm sau Donovan đến tòa đại sứ Liên Xô gặp Schischkin như đã ước hẹn. Schischkin đồng ý cuộc trao đổi Abel-Powers sẽ diễn ra vào lúc 5:30 ngày thứ bẩy cuối tuần tại chiếc cầu mang tên Glienicke nằm trên dòng sông ngăn đôi Đông-Tây Berlin. Cùng lúc đó Vogel biết được mục đích của Donovan là trao trả Abel để nhận lại Powers và Pryor nên tức giận hủy bỏ thỏa thuận với Donovan về Pryor và chuyển sự việc lên bộ trưởng tư pháp Đông Đức Harald Ott.

Cuộc gặp gỡ giữa Donovan – Harald Ott để bàn về việc trao trả Pryor cho Mỹ bị gián đoạn vì Harald Ott chấm dứt cuộc nói chuyện nửa chừng và rời khỏi văn phòng. Donovan suy nghĩ rồi quyết định gửi lại một tin nhắn cho Harald Ott qua người thư ký với nội dung: “Nếu Prior không được trả tự do vào sáng thứ bảy 5:30g tại Checkpoint Charlie theo như đòi hỏi của Donovan thì cuộc đàm phán coi như thất bại hoàn toàn. Abel sẽ không được giao trả cho người Nga tại cầu Glienicke, hậu quả xẩy đến cho Harald Ott như thế nào thì khó biết trước được, số điện thoại của Donovan ở khách sạn đã được trao cho Schischkin và Vogel trước đó”.

Buổi tối thứ sáu tại khách sạn Donovan, Hoffman cùng các nhân viên khác nôn nóng chờ tìn tức qua chiếc điện thoại. Khoảng 9 giờ, điện thoại reo, mọi người vui mừng khi biết rằng Powers và Pryor sẽ được trả tự do sáng hôm sau đúng vào thời điêm đã thỏa thuận, ở hai nơi khác nhau. Powers ở cầu Glienicke và Pryor ở Checkpoint Charlie.

Vì phải chịu lép vế Hai đổi Một, phía cộng sản tìm cách trì hoãn việc trao trả Pryor vào giờ phút chót. Đúng hẹn sáng thứ bẩy 5:30g, Donovan cùng Hoffman chờ Abel ở cầu Glienicke, phía Liên Xô cũng đưa Powers đến đúng giờ. Mỹ cũng như Liên Xô đều bố trí những tay bắn sẻ ẩn nấp trong các lô cốt gần cầu, đề phòng trường hợp bị bội ước, sẽ bắn hạ tù nhân. Gặp lại Donovan ở cầu Glienicke, Abel vừa ngạc nhiên, vừa cảm động khi biết được việc trao trả ông về cho Liên Xô đã do Donovan sắp xếp, thương lượng.

Khi Powers và Abel tiến vào khu vực tự do (Free Zone) ngăn cách Đông-Tây, Donovan chưa nhận được tín hiệu gì về Pryor ở Check Point Charlie nên đề nghị Abel đứng lại, khoan đi qua lằn ranh cuối cùng chia đôi khu vực tự do, trong lúc Hoffman thúc hối Abel tiếp tục đi. Abel đứng lại một cách bình thản , không sốt ruột, nhìn Donovan nói rằng, có thể chờ đợi đến khi nào Donovan đồng ý để ông đi.

Khoảng mấy phút sau mới có điện thoại từ Check Point Charlie cho biết Pryor đã được tự do. Nhận được tín hiệu đó, Donovan bắt tay Abel, chúc thượng lộ bình an. Abel cho Donovan biết đã để lại cho ông một món quà, hi vọng sẽ có ý nghĩa với Donovan. Khi Donovan cho biết không có quà gì cho Abel, Abel trả lời rằng những gì Donovan làm cho ông chính là món quà ông đã nhận được.

Trên phi cơ bay trở về Mỹ, Donovan mới biết món quà Abel tặng ông chính là bức chân dung của mình mà Abel đã vẽ trong thời gian bị giam giữ.

Cuối năm 1962 Frederich Pryor bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về kinh tế ở đại học Yale và hiện nay là giáo sư danh dự và học giả nghiên cứu ở đại học Swathmore. Powers tử nạn trong một tai nạn phi cơ trực thăng khi đang bay cho đài KNBC. Abel sống ẩn dật sau khi đoàn tụ với vợ con. Chế độ CS Liên Xô không bao giờ thừa nhận hành động gián điệp của Abel.

Mùa hè năm 1962, căn cứ vào kết quả thành công của cuộc trao đổi tù binh Abel-Powers, Tổng Thống John F. Kennedy đề nghị ông qua Cuba gặp Fidel Castro để thảo luận về việc trả tự do cho 1.113 người bị Castro cầm tù khi đổ bộ vào Cuba trong sự kiện Vịnh Con Heo. Cuộc thương thảo kết thúc, 9703 người được trả tự do.

James Donovan đã hoàn thành nhiệm vụ luật sư của mình trong một vụ kiện phức tạp, khó khăn, bị khinh bỉ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, đòi hỏi lương tâm chức nghiệp, đạo đức…một cách hoàn hảo hiếm có. Chính nhờ vào lương tâm chức nghiệp, đạo đức của mình, Donovan đã tạo cho Abel một niềm tin tưởng tuyệt đối, giao tính mạng của mình cho Donovan ngay cả ở những giây phút cuối cùng trước khi chia tay trở về Liên Xô.

Ảnh: Các nhân vật trong phim (trái) và nhân vật trong đời thật (phải). Nguồn: History Hollywood.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here