NCQT 15/10/2022
Nguồn: “Why is the electoral cycle of America’s Congress so short?”, TheEconomist, 20/9/2022
Biên dịch: Phạm Quốc Hào
Không có nền dân chủ phát triển nào cho các nhà lập pháp ít thời gian như vậy.
Vào tháng 12 năm 2021, chưa đầy một năm sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden nói với các quan chức trong một cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ rằng: “Chúng ta sẽ giành chiến thắng vào năm 2022”. Các cử tri vốn đã cảm thấy mệt mỏi vì cuộc bầu cử tổng thống khốc liệt trước đó có thể không hứng thú về viễn cảnh của một chiến dịch tranh cử khác. Nhưng đối với người Mỹ, bầu cử hai năm một lần đã là thông lệ. Điều I của Hiến pháp quy định rằng tất cả các thành viên của Hạ viện và một phần ba của Thượng viện được “bầu hai năm một lần”. Các Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ sáu năm, nhưng các thành viên của Hạ viện chỉ tại vị hai năm. Mỹ là nền dân chủ phát triển duy nhất quy định các nhiệm kỳ lập pháp ngắn như vậy. Tại sao chu kỳ bầu cử của Quốc hội lại ngắn như vậy và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến chính phủ Hoa Kỳ?
Những người thiết kế hiến pháp Hoa Kỳ băn khoăn về việc nên tin tưởng ai để trao quyền lực: cử tri hay đại diện được bầu của họ. Bất chấp cuộc cách mạng để giành độc lập, nhiều nhà lập quốc đã hoài nghi về việc bỏ phiếu phổ thông. Trong hội nghị lập hiến ở Philadelphia năm 1787, Elbridge Gerry, một đại biểu từ Massachusetts, phàn nàn rằng nhiều vấn đề mà đất nước non trẻ đang gặp phải là do “dân chủ quá mức”. Các nhiệm kỳ một năm rất phổ biến ở thời kỳ đầu trong các cơ quan lập pháp của tiểu bang. Gerry cho rằng, các cử tri đã “bị nhầm lẫn” khi ủng hộ các chính sách ngắn hạn. Những người khác lo rằng các nhiệm kỳ Quốc hội dài hơn — chẳng hạn như ba năm do James Madison đề xuất — sẽ dẫn đến chế độ chuyên chế. Một sự thỏa hiệp đã được xác lập trong cơ quan lập pháp lưỡng viện: các thượng nghị sĩ là những chính trị gia có kinh nghiệm, suy nghĩ thấu đáo, sẽ phụng vụ các nhiệm kỳ dài hơn, trong khi các thành viên Hạ viện, vốn có thể đáp ứng các nguyện vọng ngắn hạn của công chúng, sẽ phục vụ các nhiệm kỳ ngắn hơn. Tập Tiểu luận Liên bang (Federalist Papers), một loạt các lập luận về hiến pháp mới được viết bởi Alexander Hamilton, John Jay và James Madison, đã quảng bá hiến pháp cho các cử tri và cho rằng điều “cần thiết” là Hạ viện phải có “sự phụ thuộc ngay lập tức vào nhân dân, và có một sự đồng cảm mật thiết với nhân dân”.
Tuy nhiên, các cuộc bầu cử hai năm một lần khiến việc cầm quyền trở nên khó khăn hơn. Quốc hội bắt đầu lại sau mỗi cuộc bầu cử: các dự thảo luật không được thông qua và công việc của các ủy ban bị đình trệ (tuy vậy khi một đảng duy trì được quyền kiểm soát Hạ viện, đảng đó thường tiếp tục những chính sách cũ). Thời gian đã trở thành một nguồn tài nguyên quý giá. Đảng Dân chủ lo sợ rằng họ sẽ sớm mất quyền kiểm soát Quốc hội, dẫn đến một loạt các hành động lập pháp vào mùa hè này.
Các nhà nghiên cứu nhận định Quốc hội Argentina, nơi độ dài nhiệm kỳ được ấn định ngẫu nhiên sau những thay đổi về quản trị vào năm 1983 và 2001, cho rằng các nhà lập pháp có nhiệm kỳ ngắn hơn làm việc ít vất vả hơn; các thành viên của Hạ viện, những người tại nhiệm lâu hơn đã đóng góp nhiều dự luật hơn và tham dự nhiều cuộc tranh luận và uỷ ban hơn. Một nghiên cứu khác về các cơ quan lập pháp tiểu bang ở Arkansas, Illinois và Texas, nơi có các thời hạn nhiệm kì khác nhau do việc phân chia lại các khu vực tranh cử, cũng đưa ra kết luận tương tự. Các tác giả của cả hai nghiên cứu trên đều cho rằng các chính trị gia không được đảm bảo về việc tại vị sẽ có ít động lực hơn trong việc đóng góp phát triển chính sách.
Quốc hội Hoa Kỳ là một trường hợp khác: sự gia tăng của các cuộc bầu cử không có tính cạnh tranh ở nhiều tiểu bang và quận – hệ quả của sự phân cực chính trị ngày càng tăng – có nghĩa là hầu hết các thành viên Hạ viện và Thượng viện được đảm bảo tái đắc cử. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của bầu cử chính trị ở Hoa Kỳ đảm bảo rằng khả năng cao là quyền kiểm soát Quốc hội sẽ được chuyển từ đảng này sang đảng khác sau mỗi cuộc bầu cử hai năm một lần. Và điều này có thể có tác dụng làm giảm động lực tương tự. Richard Pildes, một giáo sư luật hiến pháp tại Đại học New York, giải thích: “Trong thời đại mà sự kiểm soát của đảng phái dường như luôn được ưu tiên trong hầu hết các cuộc bầu cử thì nhiệm kì hai năm sẽ khiến Chính phủ khó có thể tập trung cho những chính sách mang tính dài hạn.” Thay vào đó, mỗi đảng quan tâm hơn đến việc xác lập ưu thế cho cuộc bầu cử tiếp theo.
Các cuộc bầu cử cũng gây xao nhãng. Một số thành viên Hạ viện nói rằng việc gây quỹ có thể mất 20-30 giờ một tuần và các cuộc bầu cử sơ bộ kéo dài thời gian vận động tranh cử. Ít nhất hai lần trong thập niên qua, các nghị sĩ đã đề nghị sửa đổi hiến pháp để thay đổi độ dài của các nhiệm kỳ. Năm 1966, với tư cách là tổng thống, Lyndon Johnson (người đã có 25 năm tại Quốc hội) đề xuất chuyển sang nhiệm kỳ 4 năm. Johnson nói: “Những áp lực cạnh tranh của nhiệm kỳ hai năm đã làm giảm năng lực của nhà lập pháp trong việc thực thi một trong hai nhiệm vụ — vận động tranh cử hoặc làm luật— với sự tận tâm hoàn toàn mà lương tâm của anh ta và lợi ích của nhân dân đòi hỏi”.
The Economist ủng hộ ý tưởng này vào thời điểm đó, cho rằng đây là điều “hiển nhiên” vì với lịch trình hiện tại, các nghị sĩ đang “phải chịu đựng quá lớn”. Nhưng việc sửa đổi Hiến pháp cần sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ ở mỗi viện của Quốc hội và 3/4 số bang. Cả nỗ lực của Johnson lẫn những nỗ lực gần đây đều không thu được bất kỳ kết quả nào. Hậu quả là các thành viên của Quốc hội tiếp tục phải chịu đựng.