Hôm nay buổi sáng đọc tin về việc học sinh Chu Ngọc Quang Vinh ở Yên Bái bị mời đi làm việc vì một chia sẻ trên FB. Buổi chiều đi đến dự chương trình “Back to school” của con và thấy có một số điều điều cần thiết chia sẻ để mọi người cùng suy ngẫm.
Con gái tôi bước vào lớp 10, trường Trung học Thomas Jefferson ở Quận Fairfax, bang Virgina. Hôm nay là buổi các phụ huynh đến xem trường, gặp thầy cô giáo và xem chương trình học của năm học tới.
Ngay cửa ra vào chính Phụ Huynh sẽ được phát một chương trình về địa điểm và thời gian gặp cùng 1 cái sơ đồ của trường.
Phụ huynh phải lần lượt đến từng lớp học của các cháu, gặp thầy cô bộ môn và trao đổi trong vòng 10 phút cho mỗi môn học.
Con gái năm này có 7 môn học, và sau mỗi lần gặp thầy cô bộ môn này lại tìm kiếm phòng học của con để đến gặp thầy cô ở bộ môn khác trong vòng 10 phút (Hình 2), thời gian di chuyển và ổn định chỗ ngồi chỉ đúng 6 phút nên phải “chạy”.
SAU ĐÂY LÀ GHI NHẬN TRUNG THỰC NHỮNG ĐIỀU XẢY RA Ở 7 BỘ MÔN VỚI 7 GIÁO VIÊN CỦA TRƯỜNG TJHST:
1. CHẠY ĐẾN PHÒNG 48 GẶP CÔ GIÁO KINH TẾ HỌC:
Lớp 10 các con đã bắt đầu học về kinh tế, về dòng ngân sách, giá trị, ý nghĩa của kinh tế quản lý theo nhà nước và theo thị trường tự do. Cô giáo cho xem 1 video 2 phút về các sáng kiến của học sinh trong buổi học đầu tiên sau đó giới thiệu chương trình học 3 phút và trả lời các câu hỏi của phụ huynh trong 5 phút.
Tổng quan trong năm tới là con gái sẽ biết được tiền của chính phủ đến từ đâu, tiêu cho những vấn đề gì và nó có ý nghĩa gì cho cuộc sống của người dân trong một quốc gia. Cuối năm con sẽ làm các bài tập theo nhóm hoặc theo sáng kiến của mình để có thể hiểu cách kiếm tiền, quản lý tiền và làm cho nó sinh sôi theo khả năng.
Cô nói: “Tôi sẽ lấy ví dụ về các quốc gia và doanh nhân khắp thế giới nhưng không thiên vị một mô hình kinh tế nào hoặc doanh nhân nào cả”.
Cô giáo còn không quên nói rằng mình làm bánh giáng sinh rất ngon và sẵn sàng tặng cho mỗi một phụ huynh một gói bánh vào dịp cuối năm.
2. VỘI ĐI ĐẾN PHÒNG 87 GẶP CÔ GIÁO TÂM LÝ HỌC
Cô giáo ngồi yên trên ghế, xoay qua xoay lại và phản đối phòng giáo dục quận Fairfax dữ dội. Khuôn mặt cô biến sắc tràn đầy cảm xúc, rồi sau đó lại đóng vai bà mẹ vui, buồn nhìn đứa con đang biến đổi tâm lý từng ngày ở độ tuổi Teen, thường xuyên cãi lại ba mẹ, ăn mặc hở hang, cư xử khác người, đua đòi bạn bè và đặt câu hỏi: Các ông bà nên phản ứng như thế nào?.
Các phụ huynh thực sự được đặt vào một hoàn cảnh rất cụ thể, chính xác như đang đối mặt hàng ngày với các con ở độ tuổi “nổi loạn”.
Cô nói: “Việc của tôi là dạy các em hiểu mình và cố gắng hiểu bố mẹ nghĩ gì? lo lắng điều gì và các phải phản ứng ra sao cho đúng”.
Ngay khi chuông kêu đã hết 10 phút. Cô còn chốt rằng: “Tôi rất ghét kiểm tra. Tôi sẽ không có bài kiểm tra (test) nào trong suốt năm học cả đâu”.
Cô nói thêm: “Mục đích của tôi là để các em tự kiểm tra và đánh giá chính mình thông qua từng hành vi của mình trong suốt năm học. Bằng giờ này sang năm các em đã kiểm soát cảm xúc tốt hơn chưa, chế ngự được đam mê và từ bỏ độc tài được chút nào hay không…”
3. BƯỚC ĐẾN PHÒNG 53 GẶP THẦY DẠY HOÁ (CHEMISTRY)
Là một tiến sỹ trông khá dị thường. Bước vào phòng học (Hình 3) thì thấy giống như một phòng thí nghiệm với rất nhiều bồn rửa tay, chai lọ, bếp ga và các cục đất.
Thầy giáo mở đầu bằng việc rằng: “Tôi dạy rất ít, có thể nói trung thực rằng tôi không dạy gì cả. Tôi bắt các em xem video nhiều, cả ở lớp và ở nhà”. Thầy nói tiếp: “Con tôi đang bị ốm, ngày mai tôi không đến lớp, các con sẽ phải tự học”.
Rồi Thầy chuyển ngay sang phần hỏi đáp. Khi một phụ huynh hỏi rằng: “Thầy có sách giáo khoa không?” thầy bảo: “Tôi không có sách giáo khoa – I do not have textbook”. Nhưng thầy chỉ lên giá (Ảnh dưới) ở đó có một dãy rất nhiều sách về Chemistry, và nói học sinh có thể đọc từ đó hoặc lên mạng tìm kiếm sách mà đọc.
Phụ huynh khác lại hỏi: Thầy có thể hướng dẫn sách cách làm sao học sinh học tốt không?. Thầy bảo: “Tôi thực sự không biết cách nào cả. Hãy để cho học sinh khuấy lên (Stir it up) rồi tự tìm cách giải quyết. Tôi đứng nhìn và xem có cái gì hay thì học theo các bạn, có thể là từ các bạn lớp trên”.
“Tôi thực sự không biết nhiều” là câu chốt lại của một tiến sỹ dạy hoá học ở trường cấp 3.
4. LÊN TẦNG HAI VÀO PHÒNG 233 GẶP CÔ GIÁO TOÁN 2:
Cô là là một tiến sỹ trẻ tốt nghiệp về dạy toán ở Đại học Penn. Cô dạy Toán 2 (Hình học – Hình 5). Cô đưa ra một sơ đồ, mô tả chi tiết sẽ học chương trình gì, những ngày nào, bài kiểm tra từng bài, từng chương và kiểm tra cuối kỳ. Ngược với cô giáo tâm lý, cô dạy toán đề cao việc testing (Kiểm tra). Cô tính trọng số từng lần kiểm tra theo bài, theo chương và kiểm tra cuối kỳ.
Cô còn đưa ra một loạt các trang web tham khảo như SOL, ALEKS, Mathspace… Cô nói nếu học sinh nào thấy yếu môn toán thì cô sẵn sàng giúp gia sư để em lấy lại kiến thức (thông thường ở Mỹ thì Quận sẽ trả tiền cho học sinh yếu cần gia sư).
Ngược với cô giáo kinh tế nói học nhóm rất tốt, cô dạy toán bảo không nên học nhóm, đặc biệt với những đứa bạn thân.
5. VÀO PHÒNG 253 GẶP CÔ TIẾNG ANH.
Cô tốt nghiệp đại học Wisconsin và PennGSE, đã là một nhà hoạt động xã hội, gây dựng được những nhóm xã hội dân sự ở Chicago rất lớn để vận động chính trị, nhưng rồi chuyển sang làm cô giáo. (Hình 6)
Cô bảo: “Hãy dạy cho các con về chính trị nhưng cần tách rời giáo dục khỏi chính trị”, và thêm rằng “Bộ giáo dục cũng không cần thiết vì chỉ có Nhà trường và Học sinh là đủ”.
Cô rất vui vẻ, nhẹ nhàng và vô cùng hiệu quả. Trong vòng 10 phút, cô đã cho toàn bộ phụ huynh biết được trong năm sẽ dạy gì cho các con, các con sẽ đọc những sách nào, bài diễn thuyết nào, cuốn tiểu thuyết nào, hiểu biết những nhà văn nào, ảnh hưởng của văn học và ngôn ngữ trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong phòng của cô có một tấm bảng rất to về việc “Accountable talk” hướng dẫn để các con nói chuyện, tranh luận và tôn trọng các ý kiến bất đồng ra sao. (Hình ảnh – Accoutable talk)
6. ẤN TƯỢNG NHẤT LÀ THẦY GIÁO DẠY LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÝ THẾ GIỚI TẠI PHÒNG 56.
Thầy là một tiến sỹ về cổ sử, đã từng đi dạy ở nhiều nơi trên thế giới. Với phong cách rất đặc trưng của nhà nghiên cứu nhưng đầy thực tiễn, Thầy đưa cho phụ huynh một đoạn viết ngắn trong thần thoại (Hình 7 ) về trận chiến giữa Marduk và nữ thần hỗn loạn Tiamat trong sử thi Enuma Elish, để đọc trong 1 phút và sau đó trả lời các câu hỏi.
Thầy bắt đầu hỏi các phụ huynh thấy gì từ đoạn thần thoại được ghi trong cổ sử và ý nghĩa của việc tạo thành thế giới, vũ trụ quan, tôn giáo và cả những hỗn loạn từ xưa cho đến nay.
Rất ngắn, nhưng vô cùng nghĩa và sâu sắc. Thầy nói rằng, tôi cần cho các vị biết chúng tôi làm gì ở lớp, và chúng tôi nghĩ gì về quá khứ cũng như hiện tại và tương lai của trái đất này, sự sáng tạo, truyền thuyết và thực tiễn….
Thầy nói sẽ không dạy lịch sử đơn thuần mà dạy học sinh cách suy nghĩ, sáng tạo và phản biện. Dạy cách “định hình lại” cả quá khứ và “cách kéo dài sự diệt vong tất yếu của đế chế Mỹ”.
Từ một đoạn ngắn trong thần thoại, thầy nói về việc khuyến khích học sinh phản biện và nhìn nhận khác đi về những điều được học, được nghe trên truyền thông. ( Chạy xuyên qua óc tôi khi đó là status của em Chu Ngọc Quang Vinh đoạt giải đường lên đỉnh Olympia)
7. CUỐI CÙNG LÀ ĐẾN LỚP TIẾNG PHÁP TẠI PHÒNG 65.
Cô giáo là một Madame rất nhẹ nhàng sinh ra ở Miền nam nước Pháp, cất tiếng chào các phụ huynh bằng một tràng tiếng Pháp. Cô nói rằng: “Tôi sẽ không dùng Tiếng Anh ngoại trừ một vài học sinh thực sự không thể hiểu được những từ tiếng Pháp đơn giản. Khi đó tôi sẽ đến và nói riêng bằng tiếng Anh. “Tôi muốn các em nói tiếng pháp giống như tôi, chứ không phải như tôi nói tiếng Anh”.
Cô cũng nói rõ là tôi không có sách giáo khoa. Cô nói: “Tôi đã được dạy để dạy không có sách giáo khoa và tôi đã được chuẩn bị để dạy mà không cần sách giáo khoa”.
Tuy vậy, cô nhấn mạnh đến dạy Ngoại ngữ và 5C (Communication, Culture, Connections, Comparison và Community). Điều ấn tượng nhất đối với tôi khi nghe cô giáo, vốn là một tiến sỹ văn học Pháp này nói “I am a teacher and teachers are learners, too”
______
Tóm lại: chiều nay tôi gặp 7 giáo viên, người thì thích ra bài kiểm tra, người thì sẽ không có bài kiểm tra nào. Người thì nghĩ là cần có bộ giáo dục, người bảo không nên có. Có người thì dạy theo sách giáo khoa, còn có người thì nói rõ không cần và không dạy theo sách giáo khoa.
Vượt lên trên tất cả, tôi thấy tất cả thầy cô đều nói thẳng thắn tất cả những điều họ suy nghĩ một cách rõ ràng, trung thực và tự nhiên.
Tất cả thầy cô giáo đều cổ võ học sinh phản biện vì họ tin rằng điều đó:”Sẽ làm cho đất nước tốt đẹp hơn”.
Tôi hy vọng đó là điều quan trọng nhất mà con tôi có thể học được từ những thầy cô và nền giáo dục Hoa Kỳ, mặc dù theo các cô thầy, thì cũng “còn rất nhiều vấn đề”.
_________