SỐNG Ở MỸ DỄ HAY KHÓ Phần 9: HÀNG TIÊU DÙNG, MUA SẮM VÀ BUÔN BÁN HÀNG “XÁCH TAY” TỪ MỸ

    0
    154
    - Ảnh: Bên ngoài một siêu thị kiêm khách sạn, cung cấp mọi loại dịch vụ cho thú nuôi. Trong một thành phố nhỏ, có thể có nhiều siêu thị cho “tụi nó” như thế này.

    A. TIÊU DÙNG, MUA SẮM
    Bạn đã từng sang châu Âu, ngất ngây với hàng vạn thương hiệu xa xỉ, nhưng… khá run khi lần tay vô túi. Tương tự là Nhật Bản, vô số thứ để mê man, nhưng đụng đến giá, không ít cái lưỡi bỗng… nằm sâu hơn về phía cổ. Ngược lại, khi bạn sang Thái Lan, Trung Quốc… những đồng “tiền lẻ” cứ nhảy loi nhoi, bởi thấy cái gì cũng rẻ, sau một vòng mua không kịp thở, về tới khách sạn không ít người bỗng… nghệt ra, sau khi cộng dồn hóa đơn. Tất cả các sắc thái mua bán ấy, từ xa xỉ cực độ, đến bình dân hết mức, bạn đều gặp ở Mỹ. Hay nói một cách đơn giản, hơi mang mùi… kiêu ngạo: Ở Mỹ thứ gì cũng có! Từ những cái mall khổng lồ như một thành phố, với… cả triệu thương hiệu, đi vài ngày không hết, cho đến những cây xăng nho nhỏ dọc đường, đều có những thứ khiến tài khoản của bạn thâm hụt. Đó là chưa kể tới hình thức bán hàng nhỏ nhất là garage sale, bạn cũng có thể “mất tiền” một cách không lường được. Một guồng quay sản phẩm- đồng tiền “điên cuồng”, đã làm nên nước Mỹ.

    Mình xin không đề cập tới những góc độ hàng hóa, buôn bán “cao siêu”, chỉ nói ở góc độ chung chung nhất, dễ “va chạm” nhất trong đời sống hằng ngày của mỗi người. Hệ thống siêu thị ở Mỹ được tách ra theo từng nhóm, từng nhu cầu: Thực phẩm, thời trang, nội thất, điện tử, điện gia dụng, máy tính, văn phòng phẩm, đồ uống có cồn, phục vụ thú nuôi… Nói chung, không có bất cứ phân khúc tiêu dùng nào bị bỏ trống, cũng như không được chuyên nghiệp hóa. Mới lần đầu bước chân vô một siêu thị ở Mỹ, người ta rất dễ có cảm giác choáng ngợp, vì độ rộng rãi, mênh mông, với hàng hóa tầng tầng lớp lớp của nó. Hầu hết các siêu thị hàng tiêu dùng mở cửa 24/24, tuần 7 ngày, kể cả ngày lễ Tết. Không đóng cửa nhiều như siêu thị ở châu Âu.
    Với các món hàng tiêu dùng thông thường, dân Mỹ gần như không có khái niệm… sửa chữa. Như mình đã kể, một chiếc tủ lạnh khổng lồ, chỉ dùng từ lúc mới mua cho đến lần hết ga đầu tiên, chẳng ai nghĩ tới việc nạp ga lần thứ hai để xài tiếp mà ngay lập tức đổi cái mới. Vì vậy ở Mỹ có thêm một hệ thống cửa hàng, chuyên… đón nhận mọi thứ đồ cũ về bán lại với giá rất rẻ, dành cho những người có nhu cầu. Mỗi gia đình luôn có một góc trong garage để chứa đồ cũ, đặc biệt là quần áo, giày dép, đồ gia dụng… cứ vài tháng một lần, người ta lại mở cửa, trưng biển garage sale. Ở đây bạn có thể mua những chiếc xe đạp mới cáu, với giá dăm bảy đồng, những bộ bàn ghế giá bằng vài phần trăm giá gốc… Sau khi đã bán qua garage sale vẫn còn, họ đóng thùng đem tặng, sẽ có các nhân viên từ thiện đến tận nhà, chất lên xe chở tới hệ thống siêu thị đồ cũ. Khách hàng của siêu thị đồ cũ không hẳn là dân nghèo. Có rất nhiều người có thu nhập khá, vẫn giữ thói quen lang thang chợ đồ cũ, sắm vài thứ ngộ ngộ…
    Ngoài thú dạo dạo mua sắm tại các khu thương xá, hệ thống thương mại điện tử- mua hàng qua mạng của Mỹ đang dần lấn át xu hướng truyền thống. Đặc biệt trước những mùa lễ hội, nườm nượp những chiếc xe phát chuyển hàng chạy khắp mọi ngả đường. Nhân viên giao hàng cứ thế lặng lẽ đến cửa nhà bạn, để trước bậc thềm thùng hàng mà bạn đã đặt mua, từ đồ điện tử đến áo quần rồi… đi tiếp. Không ký nhận, không kiểm tra và cũng… không sợ mất. Nhiều gia đình đi vắng cả ngày, tối về nhà, đã thấy bên cửa những thùng hàng đặt mua chất đống. Mình cũng nghe phong thanh, đã có trường hợp mất đồ xảy ra, tuy nhiên rất hãn hữu. Vì vậy, cũng chưa nghe ai đề cập, nếu đồ bị thất lạc người ta đền bù như thế nào. Song hẳn doanh nghiệp không đẩy sự thiệt hại về phía khách hàng. Tất cả hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.
    Có một quy ước mua hàng “đặc sản Mỹ”, phổ biến toàn quốc, đó là bạn có quyền trả lại món hàng mà mình đã mua trong vòng vài tuần, có thể đến vài tháng, vài năm… tùy quy ước của hệ thống siêu thị. Không có một phản ứng khó chịu nào, nếu bạn bưng thùng hàng đã mua, quay lại siêu thị và trao nó cho nhân viên bộ phận nhận trả, tất nhiên phải kèm hóa đơn bạn đã mua. Cùng lắm, người ta chỉ hỏi bạn một câu, mang ý nghĩa muốn chăm sóc khách hàng nhiều hơn là làm khó: Tại sao bạn phải trả lại món hàng này? Bạn có quyền đáp: Tôi không thích nó. Và nhân viên vẫn đón nhận, cảm ơn! Chính vì cung cách mua sắm này, một số người đã lợi dụng nó. “Mua” những món hàng chỉ cần xài một lần, rồi bữa sau đem trả. Ví dụ mai gia đình bạn đi picnic, cần mấy cái lều, mấy cây dù, vài cái ghế, dăm ba chiếc phao, thậm chí là thuyền, xe đạp… Bạn tới siêu thị khiêng về, kết thúc chuyến du hý thì mang ra trả. Hoàn tiền 100%! Hoặc đi dự tiệc, muốn có cái váy đẹp, cũng “chơi trò” tương tự. Đã có những giai thoại, những bài báo đề cập chuyện trả hàng đầy kỳ quái. Ví dụ mua mấy chậu hoa kiểng, về trưng cho tàn, hoặc trồng xuống đất rồi, nó chết queo, thế là mang cây chết đi trả. Hoặc mua đồ ăn, về bỏ cho thiu, cũng mang trả nốt… Mấy trường hợp này phía bán có thể từ chối nhận lại. Tuy nhiên, giữa một xã hội người ta đặt cao lòng tự trọng, “chơi đẹp”, tỉ lệ người “chơi kỳ” không cao, không khiến các nhà bán lẻ phải đau đầu cân đối nhiều, nên quy luật mua sắm này vẫn được duy trì xưa nay, như một điều rất bình thường khắp nước Mỹ.

    Khách hàng ở Mỹ vừa là thượng đế được phục vụ từ móng chân tới óc, vừa là… nạn nhân và con nợ âm thầm. Các ngân hàng rất… khuyến khích người ta xài tiền, bằng cách… cho mượn “không thương tiếc”. Một người nhập cư mới qua đôi tháng, họ đã “quăng” vô thẻ cho bạn mượn từ một tới vài ngàn đô: Cứ xài đi, xài càng nhiều càng tốt, tín dụng càng lên, cuối tháng trừ nợ sau… Nhưng nếu bạn… mê man, thiếu kinh nghiệm kiểm soát, rất có thể sẽ phải bỏ vài ba đôi giày hiệu vô… nồi canh nấu lên cho cả nhà ăn nguyên tháng, thay vì bỏ rau và thịt.
    Tuy nhiên, ngoại trừ những người xài tiền quá vung vãi, thực tình không nhiều lắm những đối tượng phá sản vì mê mua sắm. Vì giá cả nhìn chung, từ bó rau cho đến chiếc xe hơi đều rất rẻ so với thu nhập của ngươi dân. Thậm chí rẻ hơn nhiều so với giá chính món hàng ấy tại VN. Vì vậy, với người mới nhập cư, việc ăn bận, hay sắm sửa những món hàng tiêu dùng cơ bản nhất gần như là điều không phải lo lắng.

    Ở thành phố mình ở, có một hệ thống siêu thị chuyên bán hàng Việt Nam, hàng Châu Á, rải đủ khắp bốn hướng. Các sắc dân khác đều có hệ thống cửa hàng tương tự. Hầu như người nhập cư ở khu vực nào cũng có thể đến mua sắm trong hệ thống siêu thị chuyên biệt của mình. Bạn có thể yên tâm, có đến 99% những món gì ở VN có thì ở đó có. Từ cây tăm, đôi dép cho đến chai tương, hũ mắm… Tuy nhiên có một điều khiến mình rất chạnh lòng, đó là rất nhiều món hàng đặc chủng VN như mắm tôm, mắm Phú Quốc, nguyên liệu Phở, Mì Quảng, Bún bò Huế… Ngoài bao bì in Tiếng Việt rõ ràng, nhưng lại sản xuất tại Thái Lan, Trung Quốc… bởi các doanh nghiệp nước họ. Các doanh nghiệp quê nhà quá yếu trong việc cạnh tranh hay… bỏ quên thị trường hàng triệu kiều bào này?

    B. BUÔN BÁN HÀNG “XÁCH TAY”
    Ngoài những điều kể trên, thị trường Mỹ còn một đặc trưng nữa đó là mua sắm theo tính thời điểm. Cùng một đôi giày, một cái đồng hồ, một chiếc giỏ… ngày hôm qua bán giá 100 đồng, qua hôm sau “tự nhiên” xuống 10 đồng, qua hôm sau nữa lại lên 100 đồng như cũ. Nguyên nhân giảm giá có thể do các đợt hàng phục vụ lễ hội, qua ngày lễ, giá lập tức… rẻ dễ sợ. Hoặc vô xuân hè, giảm giá hàng thu đông. Hoặc hàng hóa ăn theo một bộ phim, một sự kiện thể thao… Một nguyên nhân khác: Các siêu thị thường câu khách bằng chiêu giảm một số món hàng đột ngột, trong đôi ngày, để người ta ghé mua một món rồi… thèm thêm các món khác. Các bạn làm công việc săn hàng, buôn bán giữa đôi bờ Mỹ- Việt cực giỏi trong việc “săn” những đợt hàng, món hàng như vậy.
    Tuy nhiên, ngay cả các món hàng không giảm giá thì cũng có rất nhiều chủng loại hàng, giá ở Mỹ rẻ hơn rất nhiều so với VN. Ví dụ, một chiếc áo sơ mi nam cho dân văn phòng ở VN, thương hiệu khá khá, giá có thể 600- 700 ngàn. Nhưng cùng cấp độ thương hiệu ấy, thậm chí cao cấp hơn, một chiếc áo mua từ Mỹ, sau khi gởi về tới VN, bán lại giá còn có thể thấp hơn một vài trăm ngàn.
    Đặc biệt, mùa hàng thời trang, tiêu dùng của Mỹ kéo dài từ Halloween, qua Thanksgiving, sang đến hết Noel, Tết Dương lịch. Sau Tết dương lịch, mọi thứ áo quần, bánh kẹo, nói chung là tuốt tuồn tuột đều giảm giá, dù hạn sử dụng còn rất dài, chất lượng nguyên vẹn. Cùng thời điểm ấy là mùa… sắm Tết tại VN. Nhiều người “thức thời” chỉ cần “đánh” riêng mặt hàng quần áo, bánh kẹo về nước bán mùa Tết đã… cháy hàng ngùn ngụt!
    Bởi vậy, khi còn ở VN, vì có gia đình ở Mỹ, bà xã mình đã làm công việc buôn bán online một thời gian dài. Một nhóm các bạn thích mua sắm, hoặc cùng làm công việc này chơi chung trên mạng. Các bạn có thể gửi link một món hàng các bạn tự săn trên mạng, bà xã mình chuyển link ấy cho người nhà tại Mỹ đặt mua, chuyển về VN trong thời gian ngắn. Hoặc bà xã tự chọn các mẫu hàng cảm thấy hạp lý, treo lên trang, bạn nào đặt mua, hoặc muốn bán trung gian, thì chuyển hàng về. Nói chung vụ này rất nhiều bạn ở VN hiện nay khá rành rẽ… Người bán phân chia lợi nhuận chung với những người bán khác. Còn người mua, có thể kiếm được nhiều món hàng ưng ý, với giá rẻ hơn nhiều so với mua ngoài thương xá, hay hệ thống shop trong nước. Đã có nỗ lực từ phía nhà nước, muốn quản lý hệ thống buôn bán này về thuế. Nhưng nghĩ cho cùng, nó cũng như Uber Taxi, khi cái lợi thuộc về khách hàng nhiều hơn thì việc “thu xếp” nó còn mệt!
    Tự nhiên viết tới đây, mình bỗng muốn… bỏ vẽ tranh, viết báo, đi bán hàng online! 😊 Ai muốn tham gia, giơ tay!

    Hẹn các bạn với những câu chuyện ở kỳ sau!
    – Ảnh: Bên ngoài một siêu thị kiêm khách sạn, cung cấp mọi loại dịch vụ cho thú nuôi. Trong một thành phố nhỏ, có thể có nhiều siêu thị cho “tụi nó” như thế này.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here