Hãng tin tình báo-quốc phòng Anh Shephard vừa dẫn một nguồn tin cấp cao trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, khi người này tham dự Triễn lãm Phòng thủ Hàng hải Quốc tế IMDEX ở Singapore, rằng:
“Một cuộc họp gần đây [về mua bán vũ khí] ở Hà Nội đã đột ngột kết thúc sau khi các quan chức Bộ Quốc Phòng Việt Nam thông báo với phái đoàn Mỹ rằng các thương vụ mua bán phải được lại quả 25%.”
Cũng theo Shephard, một nguồn tin khác ở Singapre cho hay các quan chức chính quyền Việt Nam cũng đã rửa tiền ở nước này thông qua các bà vợ của họ.
Hãng tin cho biết thêm, phía Mỹ bị nghiêm cấm làm ăn theo kiểu này bởi Luật Chống Tham nhũng ở Nước ngoài 1977 của họ coi việc đưa nhận hối lộ là tội hình sự cấp liên bang. Điều này, theo Shephard, giải thích vì sao Việt Nam sẽ tiếp tục dựa vào vũ khí của Nga và chấm dứt bất kỳ mối hợp tác quân sự đích thực nào giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết trong giai đoạn 2012-2016, Việt Nam đứng thứ 10 trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 3% thị phần toàn cầu với giá trị ước tính vào khoảng 5 tỷ USD, và nhà cung cấp chính là Nga.
[Mà nếu dựa vào vũ khí của Nga thì sao có thể đối đầu với Trung Quốc khi mà những loại vũ khí này cũng được Nga bán cho Trung Quốc với số lượng nhiều hơn, và đôi khi là với những phiên bản còn hiện đại hơn?]
—
Mời đọc thêm bình luận của FBer Hưng Phạm Ngọc về thông tin này:
Trên trang web chuyên về an ninh Shephard Media hôm nay có bài nhận định tiêu đề là “Liệu nước Mỹ có đặt được một chân vào cửa Việt Nam?”
Trong bối cảnh TQ vừa dọa đánh Trường Sa để ép bỏ khoan ở bãi Tư Chính, thì vấn đề bài viết đặt ra là hết sức hợp thời và hợp lý.
Tuy nhiên, ý chính của bài không nói về thời hay lý, mà lại xoay quanh chi tiết: “Cuộc họp gần đây ở Hà Nội đã đột ngột chấm dứt khi một quan chức Bộ Quốc phòng thông báo với đoàn Mỹ rằng tiền mua vũ khí phải cắt lại 25%”.
Chi tiết này hẳn là lý do giải thích tại sao hơn một năm sau khi được Mỹ gỡ bỏ cấm vận vũ khí mà Việt Nam vẫn chưa mua được món nào, bất chấp những háo hức trước đó.
Như thế, việc “làm kinh tế” của các tướng tá không chỉ đục ruỗng khả năng chiến đấu của quân đội, mà còn phá hoại các cơ hội liên minh với nước ngoài.
Và đấy đích thị là giặc trong nhà, thứ giặc khiến chúng ta thua ngay khi chưa bị đánh.