SAU BUỒN CƯỜI LÀ BUỒN NÔN

    0
    55
    Bìa tiểu thuyết Vườn thượng uyển

    Lao Ta 

    (Vài cảm nghĩ sau khi đọc tiểu thuyết Vườn thượng uyển) 

    Lê Anh Hoài từng hồn nhiên tin rằng thời buổi này không còn bất cứ tác phẩm nào lại có thể bị chính quyền luôn “hết lòng vì quyền lợi của người dân” từ chối cấp phép xuất bản. Niềm tin của anh thật đáng quý. Nhưng bất chấp điều đó, vị “cay đắng” vẫn cứ tìm đến chính anh: Vườn thượng uyển, một cuốn sách mang tinh thần tẩy rửa, đáng ra cần phải được phổ biến rộng rãi, thì lại bị từ chối cấp “giấy khai sinh” ở mọi nơi. Thôi thì cũng một lần để Lê Anh Hoài thấm thêm câu tục ngữ: “Có ăn nhạt thì mới biết thương đến mèo!”

    Vườn thượng uyển kể với bạn đọc về chuyện gì?

    Trước hết phải nói ngay: Lê Anh Hoài luôn khác lạ, khác người, khác ngay cả chính mình. Có lẽ vì thế mà những gì anh tạo ra, không chỉ trong lĩnh vực chữ nghĩa, thường gây tò mò, thậm chí khiến bực mình. “Vườn thượng uyển” là minh chứng mới nhất về điều đó. Một cuốn sách được đĩnh đạc ghi là “tiểu thuyết”, dù nó chả giống tiểu thuyết theo quan niệm truyền thống một tẹo nào. Nói cách khác, “Vườn thượng uyển” thách thức mọi lý thuyết về thể loại.

    Nhưng tôi tin, bạn cũng sẽ như tôi, lập tức quên ngay mối bận tâm thông thường ấy, khi cùng tác giả kéo màn để thấy hiện ra cái sân khấu do anh dựng lên, dành riêng cho những vai hề.

    Tác giả vừa đóng vai nhân vật, vừa đóng vai người dẫn chương trình, đưa bạn đọc qua các ngóc ngách hiện thực, bằng thái độ không thể phớt đời hơn. Tuy được gọi lên, được định danh bằng những ngôn từ mỹ miều, nhưng bất cứ chỗ nào cũng chỉ cần chạm nhẹ vào là lập tức bục ra tiếng cười. Không thể nhịn được cười. Bạn sẽ hiểu câu của dân gian “cười vãi đái” nó là thế nào!

    Câu chuyện mà tác giả kể lại, trên bề nổi, thuộc về cái đám nghệ sỹ đủ loại. Chiếc áo khoác sang trọng họ đem trên mình, cứ dần bị tác giả kéo tuột xuống, khiến phơi bày ra bên trong một cơ thể ghẻ lở, bẩn thỉu, bệnh hoạn, thậm chí là những ổ vi trùng di động có thể làm lây lan bệnh tật sang cộng đồng, trong đó bệnh háo danh, thói rởm đời, tệ đạo đức giả, dối trá có vẻ đã ở mức hết thuốc chữa.

    Không gian địa lý nơi xảy ra câu chuyện có tên là “Thành phố nghệ thuật”, với đủ các thứ ban bệ, hội đoàn, hội đồng…, bề ngoài thì nghiêm cẩn nhưng thực chất là những cơ sở bán danh bằng hệ thống giải thưởng (chính xác phải gọi là bả) dày đặc và đều có điểm chung là nhếch nhác. Nhưng bạn đọc chỉ cần làm một cú phóng chiếu đơn giản, là cái không gian đó lập tức thành một quốc gia và các nhà văn nhà thơ, nhà viết kịch, nhạc sỹ vân vân thực ra là các thành phần dân cư đủ loại, từ trộm cướp đến chính khách và thảy họ đều mắc chung căn bệnh hoang tưởng, ảo tưởng, huyễn tưởng, chỉ cách cấp mức điên rồ một bước ngắn. 

    Có đủ mọi cấp biểu hiện của sự điên rồ. 

    Từ cách tổ chức một hội nghị để thi thố sự kệch cỡm, đến cách trịnh trọng đặt thang bảng cho các giá trị vốn là nhố nhăng; từ việc thể hiện ở mức thiêng liêng lời tụng ca rẻ tiền, đến cách nghệ thuật hóa khả năng nói dối điêu luyện đạt mức gây xúc động người nghe; từ những phát biểu hùng hồn nhưng vô hồn, vô nghĩa, vô lương tâm, đến cách người ta khoác cho biểu tượng suy tàn về đạo đức, thẩm mỹ tấm áo sặc sỡ có tên là “bản sắc…”

    Tất cả cái hiện thực đó được cô đặc chỉ trong hơn hai trăm trang sách với khả năng tích điện lớn, khiến sau khi bật buồn cười, người ta khó mà cưỡng lại cơn BUỒN NÔN.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here