Khác với cách yêu nơi chôn nhau cắt rốn của nhiều người xứ Nghệ ra Hải Phòng học tập, công tác rồi định cư, tôi yêu quê hương theo cách của tôi. Trước các năm bị bắt tù tôi đã từ chối vài lời mời tham gia Hội đồng hương từ hội tỉnh đến hội huyện, dù nghe kể rất đông, rất hoành tráng và đoàn kết.
Thay vì yêu quê hương, tôi thương quê hương tôi, nơi những thanh niên nam – nữ hiện nay lấy vượt biên bất hợp pháp vào các quốc gia thịnh vượng phương Tây và làm thuê ở nước ngoài là ước mơ đổi đời. Trong số 39 thanh niên chết cóng và ngạt trong xe đông lạnh khi vượt biên bất hợp pháp sang Anh quốc năm 2019 đa số là người xứ Nghệ. Nếu có lần ta nghe tin một nhóm người vượt biên bất hợp pháp qua eo biển Manche bị chìm xuồng đuối nước trong đó có công dân Việt Nam thì hãy tin rằng công dân đó không người Nghệ An cũng Hà Tĩnh. Hơn 3.300 công dân Việt Nam vượt biên giới Mexico vào Mĩ bất hợp pháp năm 2023 đa số là người Nghệ Tĩnh.
Mô tả bước chân 5 châu 4 biển để “cứu nhà” của người Nghệ An, người các tỉnh lân cận có câu: 100 Do Thái không bằng hòn dái Nghệ An. Tuy là một câu ví hỗn láo, nhưng có một phần sự thật. Sau gần thế kỉ rơi xuống đáy sâu của nghèo đói, lạc hậu, dân của cái nôi cách mạng hiện nay đang hối hả, đang cuống cuồng tìm bám vào những mẩu đá tai mèo để leo lên hàng ngũ trọc phú trong vùng bất chấp cơ thể bị cào xước và nguy cơ mất mạng.
Tôi yêu quê hương theo cách của tôi. Là yêu cái quá khứ xa xôi tôi đã trải qua, còn lưu giữ mãi trong kí ức, với câu thơ còn truyền lại đến nay:
” Đường vô xứ Nghệ loanh quanh/ non xanh nước biếc như tranh họa đồ /Ai vô xứ Nghệ thì vô /Vẽ tranh họa đồ để lại cho em”.
Nhiều huyện ở Nghệ An lấy tên đầu của huyện gọi tên đầu cho xã. Tất cả các xã trong HUYỆN Diễn Châu có tên đầu là DIỄN, xã Diễn Ngọc, xã Diễn Tân, xã Diễn Bích, xã Diễn Vạn….
Năm 1949 tôi được sinh ra tại xã Diễn Thủy, bây giờ là xã Diễn Ngọc sau khi nhập vào xã liền kề. Mẹ tôi nói tôi ở vào cảnh cha già con cọc. Xã tôi nhìn ra lạch Vạn. Lạch là cửa sông, nơi nước sông và nước biển hòa vào nhau. Năm sáu chục năm trở về trước lạch Vạn tương đối rộng và sâu; hiện nay do Dâu-Bể lạch Vạn đang cạn và hẹp dần. Do vậy ngư dân xã tôi không thể sắm tàu lớn để đánh bắt xa bờ, chỉ quanh quẩn 10-15 hải lý trở lại. Nguồn hải sản ven bờ càng năm càng cạn kiệt, xã tôi trước nghèo nay vẫn hoàn nghèo.
Các cụ tôi để lại cho bố tôi trách nhiệm trưởng họ Nguyễn, một dòng họ lớn trong xã; ngoài ra còn một lượng kiến thức nho học đủ thi ra làm quan. Khi cách mạng cộng sản đến đem theo khẩu hiệu “Đánh đổ thực dân phong kiến” bố tôi học thêm chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ của bố tôi đủ để đọc truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Liêu trai chí dị … và dạy cho các đảng viên bần cố nông trong đảng bộ còn mù chữ.
Các thế hệ trước và hiện nay của tổ tiên tôi không làm nghề chài lưới. Ông tôi để lại cho bố tôi, con trai duy nhất của cụ nghề làm nước mắm và một gia tài đáng kể trong xã do nghề nước mắm mà có. Các thùng ủ cá chờ phân rã rồi trộn với thính (gạo rang cháy đen) nấu sôi của gia đình bố tôi làm bằng những thanh gỗ bào nhẵn ghép sít chặt vào nhau, liên kết với nhau bằng đai gỗ; thùng nào cũng cao bằng đầu bố mẹ tôi, trên thùng có một chiếc nón (mũ) hình chóp nhọn đan dày bằng lá cọ.
Vào 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh-Nghệ -Tĩnh – Bình -Trị-Thiên nằm dưới sự quản lý của Việt Minh; rất nhiều thanh niên quê tôi tham gia bộ đội, dự trận đánh nổi tiếng Điện Biên phủ, trong đó có người anh cùng cha khác mẹ với tôi.
Vì đất của Việt minh, các tỉnh này bị Pháp bao vây kinh tế. Dân quê tôi làm nghề biển nên bị Pháp bao vây biển. Nhiều thuyền mạo hiểm ra khỏi cửa sông bị ca nô Pháp bắt giữ và tưới xăng đốt. Các năm này xã tôi có khoảng ba trăm hộ dân làm nghề đi biển, chỉ còn lại vài chiếc thuyền.
Bố tôi là đảng viên. ( nói là đảng viên thì ai cũng hiểu là đảng viên đảng cộng sản vì Việt Nam độc đảng). Ông gia nhập đảng từ các năm có phong trào Xô-Viết -Nghệ – Tĩnh. Vì ông là đảng viên gia đình mới sạt nghiệp. Bao nhiêu vốn liếng ông tôi để lại cho bố tôi; bao nhiêu tiền của ông và bà vợ trước làm lụng, để dành bằng nghề làm nước mắm bố tôi đều mua gỗ đóng thuyền để ngư dân có phương tiện bám biển theo chủ trương của lãnh đạo Việt minh trong tỉnh. Hiện nay Đảng phát cờ đỏ sao vàng cho ngư dân miền Trung bám biển, hồi ấy bố tôi không phát cờ mà phát thuyền, phát miễn phí, chỉ nhận về một lượng cá nhỏ mỗi chiều tối thuyền về bến đủ ăn và bán để mua gạo cho ngày kế tiếp.
Theo chủ trương của đảng bộ tỉnh Nghệ An bố tôi đóng lần lượt 4 chiếc thuyền đánh cá cho ngư dân có phương tiện ra biển đánh cá, hóa giải bao vây kinh tế vùng Việt Minh của Pháp. Tuy nhiên các thuyền do bố tôi đóng chỉ tồn tại được dăm bảy tháng, một năm. Pháp đốt thuyền này bố tôi lại được đảng vận động đóng thuyền khác. Nếu nói về tinh thần cách mạng vô sản, chí công vô tư.. bố tôi hơn và hơn rất nhiều lần lũ cán bộ, đảng viên chỉ biết thu vén vào lòng, chấp cả pháp luật hiện nay.
Hơn 20 vại nước mắm của bố tôi đến mùa bán ra thu tiền về chỉ để dùng đóng thuyền cho ngư dân bám biển. Tôi nhớ hình ảnh mẹ tôi nằm lăn ra bãi cát giãy dụa và khóc ngất khi chiếc thuyền cuối cùng bị đốt.
Kháng chiến chống dân Pháp thắng lợi thì gia tài của bố tôi chỉ còn lại 1 thùng nước mắm và căn nhà bẹp xây bằng những viên gạch vỏ sò biển tích tụ ngàn năm đông kết.
Hết vốn mua cá làm nghề nước mắm. Không biết nghề đi biển, bố và mẹ tôi làm nghề buôn cá. Mỗi chiều tối, bố mẹ tôi xuống bến, chờ thuyền đánh cá lên bãi, mua cá về nhà nướng lên, trải đều lên hai tầng mẹt/ sàng, nửa đêm gọi nhau dậy gánh bộ lên các chợ vùng quê cách nhà 20, 25 cây số cho kịp buổi chợ sáng. Nếu không bán hết, gánh sang xã có chợ chiều.
Từ chủ vựa nước mắm, chủ bốn chiếc thuyền, bố tôi thành người vô sản, vô sản một cách đúng nghĩa, một cách tuyệt đối mà bố tôi không hề tiếc. Chỉ có mẹ tôi tiếc, thỉnh thoảng kể lại.
Ông bà tôi để lại cho bố tôi một cơ ngơi đáng nể trong vùng như tôi đã lược qua ở phần trên. Cơ ngơi đó tương đương 4 đến 5 căn nhà gạch 3 gian 1 chái khang trang ở thời bấy giờ (theo nhận xét của mẹ tôi) nhưng bố tôi tiêu hết cho đảng, chỉ để lại cho anh trai tôi một căn nhà . Vì căn nhà ngói này anh trai tôi bị đội cải cách quy thành đảng viên Quốc dân đảng, suýt bị bắn dù anh tôi là bộ đội chống Pháp, đảng viên, phục viên về làm chủ tịch xã nhiều năm trước cải cách.
Khi bố tôi già yếu, không còn sức và còn nhiệt huyết sinh hoạt Đảng, cũng không còn sức gánh cá lên các chợ vùng trên, việc nuôi tôi ăn học do mẹ tôi đảm nhiệm, thì mẹ tôi rình lúc chồng đi vắng đem đốt hết các bằng khen, huy chương kháng chiến, giấy khen Bình dân học vụ, giấy khen Xóa nạn mù chữ mà Đảng, chính quyền các cấp trao tặng bố tôi. Bà đốt luôn cả bài thơ một thầy giáo sáng tác tặng bố tôi. Đến nay tôi chỉ nhớ được hai câu đầu:
Tuổi già nhưng sức còn dai
Tham gia công tác mấy ai sánh cùng.
Bố tôi qua đời năm 1974, thọ 85 năm, Khi nhận tin ông ốm nặng, dễ không qua khỏi, tôi tức tốc về, nhưng vì tàu xe lúc còn bao cấp, khan hiếm tôi không về kịp để tiễn ông đi vào cõi Tổ Tiên.
Sau 2 năm tính từ năm bố tôi qua đời, vợ chồng tôi mời mẹ tôi ra Hải Phòng phụng dưỡng. Căn nhà và đất của tổ tiên trên có nhà thờ họ Nguyễn truyền lại cho ông tôi, ông tôi truyền lại cho bố tôi, là căn nhà năm 1947 đã đón mẹ tôi về, căn nhà tôi được sinh ra, lớn lên và rời đi năm 17 tuổi và mẹ tôi rời đi khi ra Hải Phòng sống với vợ chồng tôi, được giao lại cho con trai người anh đầu của tôi, người này hơn tôi 10 tuổi, nhưng phải gọi tôi bằng chú (em cùng cha khác mẹ của bố). Khi người này mất giao lại cho con trai trưởng (gọi tôi bằng ông). Các lần về trước căn nhà vẫn tồn tại, nhưng bị phá dỡ khi về lần này. Từ mảnh đất cũ một ngôi nhà bê tông gạch cao to xuất hiện. Bộ tràng kỉ, kỉ vật cuối cùng tuổi ấu thơ của tôi đã qua 3 thế hệ sử dụng ( bố tôi, anh tôi, cháu tôi) đã tồn tại cả thế kỉ bị vứt bỏ ngoài hiên ( chưa kịp vứt hẳn ngoài bãi rác.)
Vì người anh cùng cha khác mẹ với tôi qua đời trước cả bố nên phần mộ của bố tôi trong nghĩa địa xã Diễn Ngọc, người con anh trai tôi chăm sóc, thờ cúng. Khi cháu đích tôn của bố tôi qua đời, người cháu thế hệ thứ 3 của ông đảm lãnh.
Vợ chồng tôi lập ban thờ ông tại Hải Phòng, bên cạnh mẹ tôi nên có năm tôi về, có năm tôi không về. Dòng máu của ông tôi, của bố tôi chảy đến mỗi thế hệ sau một nhạt, một xa… và … vì thời gian quê hương dần trở thành hoài niệm…
Hình 1: Chiếc tràng kỉ, hiện vật duy nhất còn lại từ đời bố
Hình 2: Trước bàn thờ tổ tiên và bố tôi.
Hình 3: Thăm chị Nguyễn Chương, phu nhân TNCT Trần Đức Thạch.
My brother recommended I might like this web site He was totally right This post actually made my day You cannt imagine just how much time I had spent for this information Thanks
My brother recommended I might like this web site He was totally right This post actually made my day You cannt imagine just how much time I had spent for this information Thanks