PUTIN VÀ CÁC MỐC THỜI GIAN

0
110
ALEXEI DRUZHININ/Getty Images

Phúc Lai GB 

Ngày 24 tháng Hai năm 2022, lực lượng vũ trang Liên bang Nga gồm quân của cả lục quân, đổ bộ đường không và lính thủy đánh bộ cùng hàng trăm xe tăng, cả nghìn cỗ pháo từ ít nhất ba hướng tràn vào lãnh thổ Ukraine. Gần như tất cả chúng ta đều bàng hoàng và sửng sốt trước sự kiện đó, mà sau này người ta còn bình luận cuộc chiến tranh sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới từ thập niên thứ ba trở đi…

Sự bàng hoàng làm cho chúng ta ít người nhớ đến một chi tiết, nhất là nó lại bị chìm lấp sau một thứ hoành tráng hơn bao nhiêu lần là Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Rất nhiều người lính Nga, cái buổi tối ngày 23 tháng Hai, chỉ trước ngày tấn công có vài giờ chắc chắn là bữa ăn tối mừng ngày Lễ cuối cùng của họ. Ngày 23 tháng Hai năm 1919 như lịch sử nước này kể lại đã được đánh dấu cuộc tổng động viên đầu tiên trong lịch sử đất nước để bảo vệ chính quyền Xô-viết. Sau này, ngoài việc nó đường gọi là “Ngày quân đội và Hải quân Xô-viết” nó còn trở thành Ngày Bảo vệ Tổ Quốc và “Ngày lễ đàn ông.”

Vì thế ngoài sự đồn đoán liên quan đến nhắn nhe của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “chỉ được tấn công sau khi Thế vận hội kết thúc,” thì dù thế nào người Nga cũng phải để cho binh lính của mình ăn xong cái Lễ đã, và như trên đã viết, với nhiều người lính bữa ăn đó y như một “bữa ăn ân huệ” và hôm sau cái chết đã chờ đợi sẵn họ trên đất Ukraine.

Đến mãi cả tháng sau này, có nhiều người vào hoạnh họe tôi dưới những bài viết của mình bằng các “comment” rằng họ không thấy Nga tuyên bố là sẽ chiếm Ukraine, hoặc đánh bại nước này, hoặc gì gì đó… trong vòng 72 giờ ở đâu cả. Thú thực là tôi cũng không thấy nó được tuyên bố ở đâu cả, nhưng những thông tin về người lính Nga trong lần tấn công đầu tiên của mình vào Ukraine ngày 24 tháng Hai, chỉ mang theo lượng đạn và thức ăn đủ cho ba ngày hoặc là chuyện một viên tướng Nga nào đó chết trận mà trước đó lưu truyền một câu chuyện là anh ta đã nói với lính của mình: “Chỉ ba ngày là xong tất.”

Có thể giải thích là họ, những người lính Nga không có khái niệm gì nhiều về số ngày, hoặc giả họ hi vọng nhân dân Ukraine sẽ tiếp đón họ bằng bánh mì và họ sẽ tiếp tục được “nuôi”… bao nhiêu ngày không quan trọng với họ, chỉ thấy tất cả từ binh đến sĩ đến tướng, đều quá tự tin vào một chiến thắng chóng vánh. Vì vậy họ đưa vào Ukraine một quân số và lượng thiết bị kỹ thuật hoành tráng về số lượng nhưng hóa ra bần cùng về chất lượng chuẩn bị, và nhanh chóng thất bại khi vấp phải sự chống trả quyết liệt của người Ukraine.

Thật ra, cái mốc “3 ngày” là có căn cứ của nó: cũng trong những ngày đó cách đây 8 năm, nước Nga của Putin xâm lược Ukraine lần thứ nhất. Trong hai ngày 22 và 23 tháng Hai, ông ta triệu tập bộ sậu chóp bu họp suốt đêm về sự kiện Euromaidan đang diễn ra ở nước láng giềng và tổng thống nước này đã bị phế truất. Tất cả diễn ra chóng vánh, chỉ… ba ngày sau tính từ 24 tháng Hai, ngày 27 tháng Hai năm 2014 quân đội Nga (bịt mặt, không đeo phù hiệu) đã tiếp quản Hội đồng tối cao (quốc hội) của Crimea và chiếm được các địa điểm chiến lược trên khắp Crimea.  

Trong quân sự không hiểu sao người ta rất thích những cú đánh, những trận tấn công “ba ngày”, như thế là cả khởi động lấy đà, cao trào và hạ nhiệt cùng dọn dẹp trọn vẹn trong vòng một tuần, “quá đẹp cho một chiến dịch hạn chế.” Đến Khổng Minh còn hỏi Chu Du “Mượn gió đông ba ngày đủ không?” và Chu Du thì trả lời thế là quá đủ cho trận Xích Bích “một mớ lửa đốt trăm vạn quân Tào”.

Những ngày khó khăn nhất của cuộc chiến, khi xe tăng Nga ầm ầm tiến sát về phía thủ đô Kyiv của Ukraine, chúng ta vẫn vững tin là Ukraine sẽ thắng và họ chiến thắng thật, một chiến thắng không cần phải bàn cãi. Bây giờ nếu nói lại rằng “làm gì có chuyện xác định ba ngày, làm gì có những mục tiêu chiếm Kyiv và Kharkiv, làm gì có chuyện tiêu diệt hoặc xóa sổ chính quyền của Zelensky…” chỉ là những lý lẽ chống cự yếu ớt của giới cuồng Putin. Người hiểu biết người ta sẽ thấy nực cười vì những thương vong quá lớn của quân Nga trên chiến trường, hoặc cú đổ bộ thọc sâu bằng lực lượng lính dù vào sân bay Hostomel (Antonov) ngày 25 tháng Hai (2022) “mang lại” thương vong cho đến cả nghìn binh lính.

Ấy thế mà trong hoàn cảnh đó, đã trót màu mè thì vẫn cứ phải son phấn, kế hoạch kỷ niệm đã lên thì vẫn cứ phải làm – Putin vẫn phải xuất hiện giữa công chúng (mà người ta đồn đoán là hàng giả, ít nhất về video và số lượng “cổ động viên” trên khán đài) nhân kỷ niệm 8 năm ngày “Crimea về với đất mẹ.” Nhân nhắc đến cái “về với đất mẹ” này, mỗi lần đọc trên tường nhà ai đó pro-Nga họ háo hức rủ nhau xem cái phim tài liệu của Nga về sự kiện này, tôi lại thấy buồn nôn. Chưa bao giờ lại có kiểu hào hứng với hành vi ăn cướp ở mức độ quốc gia như thế, và lại là hào hứng ở mức độ cộng đồng số đông.

Nhưng chúng ta không được quên, trước đó hơn chục ngày, ngày 4 tháng Ba là ngày đánh dấu kỷ niệm 10 năm Putin nắm quyền Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba. Chuyện này liệu có đáng nói chăng? Rất đáng nói – nếu nó được đặt vào trong một tổng thể diễn biến của cả một quá trình. Putin được Yeltsin đặt lên ghế Tổng thống bằng quá trình: bổ nhiệm thủ tướng (một quái dị của chính trị mà Tổng thống bổ nhiệm thủ tướng, Quốc hội là cái đinh rỉ), Putin làm thủ tướng được ba tháng trong năm 1999. Sau đó ông ta làm quyền Tổng thống để Yeltsin chuẩn bị “về nghỉ,” và chính thức làm tổng thống thông qua bầu cử vào năm 2000. Trải qua hai “nhiệm kỳ 4 năm” kiểu cũ và qua tiếp một bước đệm tráo vai với D. Medvedev, ngày 4 tháng Ba năm 2012 Putin chính thức quay trở lại với ghế Tổng thống “nhiệm kỳ 6 năm” kiểu mới đầu tiên.

Trong hai nhiệm kỳ đầu, nước Nga trong giai đoạn phục hồi “hậu Yeltsin,” Putin đã ký một loạt các luật liên quan đến cải cách kinh tế tự do: chẳng hạn như áp thuế thu nhập đồng đều ở mức 13%, giảm thuế lợi tức… Ngoài ra các bộ luật dân sự và đất đai mới cũng được ban hành. Trong giai đoạn này, tỷ lệ nghèo ở Nga đã giảm hơn một nửa và thực tế GDP đã tăng lên nhanh chóng. Nhưng cũng chính trong cỡ hơn một năm cuối cùng của “giai đoạn đầu tiên” này, người ta đã nhận thấy manh nha có một cái gì đó hình thành, mà sau này nó được đặt tên là “Chủ nghĩa Putin” (“Putinism”) – khoảng cỡ năm 2007. 

Chúng ta sẽ không đủ thời gian và khuôn khổ bài viết cũng không cho phép để đi sâu vào cái gọi là “Chủ nghĩa Putin” này, nhưng có thể hình dung là nó bao gồm tư tưởng bành trướng kết hợp với chủ nghĩa Đại Nga, thuyết không gian sinh tồn cho người Nga và các dân tộc phụ thuộc, xây dựng một tinh thần phục hưng tự tôn của người Nga dưới tư tưởng của Chính thống giáo kết hợp với các hình tượng Xô-viết, tất cả được bảo đảm bằng một phương pháp hiếu chiến dựa trên một lực lượng vũ trang mạnh mẽ, kho vũ khí khổng lồ với sức mạnh răn đe hạt nhân.

Về kế hoạch và các bước thực hiện cụ thể có rất nhiều, ví dụ như một số hành động xâm chiếm bằng phương pháp hoặc cứng, hoặc mềm hoặc hỗn hợp các vùng đất xung quanh mà họ vẫn coi như là của Nga từ mấy trăm năm qua: Ukraine, các nước vùng Trung Á, Ukraine, Belarus, Moldova… và cả ba nước vùng Baltic cũng sẽ chung số phận. Nếu Châu Âu vẫn tiếp tục chia rẽ, NATO vẫn tiếp tục suy yếu và Mỹ vẫn tiếp tục bận bịu với những kế hoạch vụn vặt sau thất bại ở Afghanistan, thì sự phục hồi thành công của Đế quốc Nga là điều gần như chắc chắn.

Có một số ý kiến cho rằng, nếu như cuộc Chiến tranh Nga – Ukraine lần này mà kết thúc thắng lợi cho nước Nga, người ta đã có kế hoạch tung ra một chiến dịch tuyên truyền cho cái gọi là “Kỷ nguyên mới của Putin” gắn liền với sự phục hưng của Đế chế Nga, và Putin sẽ đi vào lịch sử như một hoàng đế vĩ đại, hoàng đế của sự chinh phục – người cũng sẽ tròn 70 tuổi vào tháng 10 năm 2022 này. Kỷ nguyên này sẽ bắt đầu vào ngày 13 tháng Tư năm 2012 và nó sẽ được kỷ niệm 10 năm vào năm nay. Đáng tiếc, kế hoạch này đã không thành công chỉ vì sự kiên cường của người dân và lãnh đạo Ukraine. Đó là lý do mà chuyện kỷ niệm 10 năm gắn với “pi-a” (PR) cho “Kỷ nguyên mới” cũng bị ỉm đi luôn, thật là đáng thương.

Trong bài “Chiến thắng lịch sử của Putin” ( http://www.nguoilangthangcuoicung.net/2022/05/chien-thang-lich-su-cua-putin.html) tôi đã viết về việc trong thời gian tại vị của ông này, các lễ kỷ niệm Chiến thắng phát-xít cứ ngày càng được tôn vinh dần lên đến mức thần thánh hóa… Khi đặt vào bối cảnh của cuộc Chiến tranh Nga – Ukraine 2022, một lần nữa ngày 9 tháng Năm lại được trông chờ, như một cái mốc nhưng thay vì nó sẽ hoành tráng nhờ chiến thắng huy hoàng, năm nay người ta chờ xem Putin có tuyên bố… tổng động viên hay không. Đến đây chúng ta quả thực thấy nực cười, sau hơn hai tháng đánh nhau, “Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà đúng nghĩa là chiến tranh, đã đi vào ngõ cụt đến mức khả năng phải tổng động viên và đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh, đã là hiện thực.

Một đất nước diện tích lớn nhất thế giới, có quân đội thứ hai thế giới, có trữ lượng dầu khí hàng tốp mấy thế giới, lại có ngày sa lầy ở với một đối thủ thứ hai mươi mấy thế giới về quân đội, thua kém nhiều lần về cả diện tích lẫn quy mô nền kinh tế.

Đã nhắc đến “Chủ nghĩa Putin” trong đó có sự phục hồi và sử dụng các biểu tượng Xô-viết dẫn đến sự khẳng định về kế hoạch của Putin: không thể dừng lại trước khi họ thu hồi được phần lớn các vùng đất của Liên Xô cũ. Có thể kế hoạch lớn này sẽ không thể trước thời điểm cuối năm nay, nhưng “Chiến dịch Ukraine” là một phần quan trọng, hay nói chính xác là “mắt xích quan trọng nhất” trong chuỗi các chiến dịch. 

Nếu chiến thắng ở Ukraine, thì ngày 30 tháng Mười hai năm nay nước Nga sẽ kỷ niệm hoành tráng sự kiện “Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết tròn một thế kỷ” và Putin sẽ đăng đàn tuyên bố về một Liên bang mới trong đó có Nga và các thành viên còn lại của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Ukraine, Moldova… Trong thời gian từ sau “Chiến thắng Ukraine” đến thời điểm đó, chắc chắn sẽ diễn ra quá trình vừa dụ dỗ vừa ép buộc của Putin với các nước này, nếu không nghe thì lại… “chiến dịch quân sự đặc biệt” tiếp! Năm 2023 sẽ là “năm của Azerbaijan, Georgia và Uzbekistan” và nếu thuận lợi sẽ đến lượt ba nước Baltic: Lithuania, Latvia và Estonia sẽ “lên thớt.”  

Xin nói thêm, Azerbaijan tham gia CSTO năm 1994, rời khối năm 1999; Georgia tham gia năm 1994, rời năm 1999 và Uzbekistan tham gia lần thứ nhất năm 1994 rời lần thứ nhất trong giai đoạn năm 1999 – 2006, lần tham gia thứ hai năm 2006 và rời khối năm 2012.  

Có thể nói, năm 2022 là năm “trọng đại không thể tưởng tượng được” với kế hoạch của Putin với những mốc quá “tuyệt vời” cho hoạt động tuyên truyền. Tuy nhiên, lúc này đây cuộc chiến của ông ta đã cán một mốc khác, cái mốc 100 ngày (hôm qua, 3 tháng Sáu) và quân đội của ông ta vẫn chỉ tiến được vài chục cây số ở Donbas. Người ta tính là họ chỉ tiến được 10km, còn tôi thì vốn muốn giải thích có lợi cho đương sự, thôi tính cho họ hẳn 40km đi cho những người Pro-Putin thoải mái tư tưởng. Bây giờ thì cũng không rõ với tình thế chiến trường như hiện nay thì họ có thể chiếm được những cái gì, tiến được đến đâu nữa.

Trước mắt người Nga hiện nay, chẳng còn cái mốc thời gian nào được tính – nếu lôi chuyện “100 năm Liên Xô” ra mà kỷ niệm với tròm trèm 110.000 đến 120.000 thương vong ở chiến trường Ukraine, quân đội mất số lượng xe tăng rất lớn đến mức lôi đồ cổ ra đánh nhau, kho dự trữ thê thảm đến mức vay của đệ tử Lukashenko về dùng, thì chỉ làm trò cười cho thế giới. Vì thế, may ra chỉ còn cái mốc “Ngày nước Nga 12 tháng Sáu” là còn khả dĩ cho họ: cố chiếm thêm lấy một thành phố nào đó, trụ lại và hùng hồn ầm ĩ ra tuyên ngôn chiến thắng. Từ sau đó trở đi, diễn biến chiến trường như thế nào, chiến tranh kết thúc ra sao… sẽ phụ thuộc vào người Ukraine.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here