Những ngày gần đây, giới văn nghệ sĩ qua fb, báo chính thống lên tiếng bảo vệ Phủ Thành Chương trước nguy cơ Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội xử lý vì những vi phạm về đất rừng. Kết luận thế nào còn chờ vào cơ quan hữu trách. Nhân đây, mạn phép được chia sẻ đôi điều suy nghĩ cá nhân về biệt phủ này.
Phải thừa nhận đây là một công trình tốn nhiều tiền của và tâm sức của chủ nhân, thực sự là điểm đến khá thú vị để thoát khỏi chốn phố xá ồn ào. Đó quả là một không gian sống và nghỉ dưỡng lý tưởng.
Người khen ngợi biệt phủ này quá nhiều. Toàn những mỹ từ dành cho nó. Và hầu như đều thống nhất với nhau một nhận định, Đây là nơi lưu giữ hồn Việt, văn hóa Việt, là một địa chỉ du lịch tâm linh…
Tôi được một người trong nghề phân tích rằng, “Vẽ tranh khác làm kiến trúc, làm kiến trúc khác làm quy hoạch. Vẽ tranh: không gian được thu hẹp trên mỗi tấm toan hay mảnh giấy. Kiến trúc: chỉ thể hiện chi tiết trong phạm vi 1 căn nhà hay dãy phố còn làm quy hoạch phải nắm bắt tổng thể từ cao độ, địa hình, cây xanh, vị trí … lúc đó mới lên bố cục, sắp đặt những cái gì ở đó rồi mới đến chi tiết”. Nói như vậy thì biệt phủ Thành Chương hoàn toàn không có quy hoạch tổng thể, vì thế nên nếu để riêng từng hạng mục công trình thì rất ưa nhìn nhưng đặt cạnh nhau nó không mang chiều sâu của sự liên hoàn trong ý tưởng. Nhà cung đình kiểu Huế, nhà rường, nhà ba gian Bắc bộ, nhà Mường, nhà đất thời ở chiến khu Việt Bắc, không gian thờ cúng… mỗi chỗ một thứ và chung sống trên một diện tích, địa hình lý tưởng để những kiến trúc sư có nghề kiến tạo lên những công trình tuyệt mĩ. Nơi trưng bày đồ cổ khi tôi tới vào năm 2015 thì chưa cho người xem thật sự mãn nhãn, bởi nhà trưng bày làm bằng những vật liệu hàng chợ, như cửa sổ bằng nhôm kính và kiểu dáng chấn song cũng chỉ mang tính đảm bảo an ninh, thiếu đồng bộ và không tái hiện được không gian cổ kính tương xứng với kho tàng đồ cổ.
Ngay lần đầu tiên tới thăm, tôi đã về nói với một người bạn rằng, Thành Chương là họa sĩ đương đại tài năng nhưng hoàn toàn không phải kiến trúc sư có nghề. Biệt phủ là nơi ông tái hiện lại những giấc mơ đến từ quá khứ, nhưng đó là những cơn mơ rời rạc, thiếu tính hệ thống và liên kết.
Thêm vào đó, nếu gọi đây là địa chỉ du lịch tâm linh thì e khiên cưỡng, vì không gian thờ cúng, kể cả thờ Phật thì cũng mang tính gia đình là chủ yếu chứ không dành cho cộng đồng. Gọi đây là nơi lưu giữ hồn Việt thì đúng vì nó mang bóng dáng làng Việt nhưng để phục dựng lại một làng thuần Việt có chiều sâu tâm linh, văn hóa và nếp cổ e là phải cần có con mắt chuyên môn cao hơn chứ không chỉ cần tiền và tâm huyết. Tất nhiên đây chỉ là cảm nhận cá nhân trong tư cách người tham quan.
Lẽ ra, mặc kệ cái biệt phủ đó. Với tôi, nó tồn tại hay không cũng không ghê gớm lắm, nhưng điều đáng nói, có nhiều văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo lên tiếng bảo vệ biệt phủ thống thiết như bảo vệ một di sản văn hóa tâm linh lâu đời và có ý đổ lỗi cho cơ quan môi trường. Điều này, thấy có gì đó thật ái ngại. Giá như trước những sự việc nóng bỏng của nhân dân của đất nước, các anh chị cũng khẩn thiết được như thế!
Xin nhắc rằng, biệt phủ có giá trị thì trước hết nó cũng mang tính cá nhân, của cá nhân, có bán vé cho người tham quan thì đương nhiên nó mang tính kinh doanh chứ không thể nói như ông Nguyễn Quang Thiều rằng tiền đó chỉ đủ bảo dưỡng chứ có nhà hàng khách sạn, bể bơi, matxa….mới được coi là kinh doanh. Kinh doanh văn hóa khác với kinh doanh hàng hóa thông thường. Giả sử, nếu không bán vé tham quan, thì các hạng mục công trình không cần duy tu bảo dưỡng hay sao? Thêm vào đó, gọi là biệt phủ Thành Chương thì có lẽ hợp lý hơn chứ gọi Việt phủ thì có hơi ngạo mạn vì nó chưa phải là một làng Việt cổ thuần chất, cho dù chỉ là phục dựng. Nếu tham quan phủ Ngọc Sơn công chúa ở Huế thì thấy kiến trúc một phủ nó mang tính kiến trúc và thẩm mĩ hài hòa thế nào. Vị trí các công trình lớn, nhỏ, tỉ lệ cây xanh, phân bố các loại cây bộc lộ chí hướng, tâm tư, khí chất của chủ nhân…đều được sắp đặt cực kỳ khắt khe.
Thứ hai, nếu các vị thực lòng vô tư tha thiết với di sản văn hóa, trước khi kêu cứu cho cái biệt phủ ngay từ khi xây dựng đã rất ồn ào về tính hợp pháp thì hãy kêu gào cho những chùa chiền, miếu mạo hàng trăm năm tuổi, là những di sản văn hóa vô giá của ông cha để lại đang bị xâm hại thô bạo không gian, cảnh quan, bị làm cho biến dạng hoặc hàng ngày hàng giờ đang xuống cấp nặng nề đi. Xin đơn cử những ngôi chùa như chùa Hương, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Mía, chùa Bối Khê, chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Phật Tích, chùa Bổ Đà, chùa Dâu, chùa Trăm Gian (Bắc Ninh), chùa Trăm Gian (Hải Dương), chùa Keo (Thái Bình)….đều đã và đang bị tổn hại nghiêm trọng bởi sự trùng tu lai căng tạp nham thiếu văn hóa hoặc không gian bị biến tướng xô bồ. Thiết nghĩ, những di sản này bị biến mất hoặc bị đánh bay hồn vía thì mới đáng tiếc chứ không phải cái biệt phủ phục dựng lộ cộ kia.
Giới văn nghệ báo chí không nên tự ngụy biện bênh vực nhau nhân danh giữ gìn văn hóa. Có thứ văn hóa nào được xây dựng trên nền tảng vi hiến? Không thể nói đó là một vùng sỏi đá để không thì xây biệt phủ trên đó không ảnh hưởng gì. Ngay cả khi nó là sa mạc mà không thuộc quyền sở hữu cá nhân cũng không được phép đụng tới.