Hơn 150 năm trước, Nhà báo Trương Vĩnh Ký khắc khoải với nỗi cô đơn không người chia sẻ khi mang tiếng tay sai cho thực dân, bán nước…
Tháng 1. 2017, bạn đọc cả nước chờ đón tin vui khi cuốn sách “ “Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu được phát hành. Tuy nhiên, niềm vui đó chưa được bao lâu thì cuốn sách nhanh chóng bị thu hồi.
Petrus Ký trở lại với sự lãng quên đối với các nhà báo trẻ.
Ít ai biết rằng, chủ trương làm Gia Định Báo của Petrus Ký chỉ để phổ biến chữ quốc ngữ trong dân chúng, nâng cao dân trí. Lấy dân trí làm nền tảng cho dân chủ, độc lập.
Petrus Ký nói về sự khó khăn của người An Nam khi học tập, tiếp nhận khoa học bằng chữ Hán:
“Làm thế nào để có thể truyền bá kiến thức với loại chữ tượng hình với hàng loạt kí tự khó này ? Tôi không phủ nhận rằng người ta có thể tiếp nhận khoa học với loại chữ này. Nhưng chỉ toàn bất tiện và khó khăn mà thôi. Để có thể đọc và hiểu được tốt những gì loại chữ này thể hiện, một người phải mất ít nhất cả tuổi thanh xuân của mình ; anh ta chẳng bao giờ có đủ thời gian để bắt tay nghiên cứu những công trình khoa học.
Đồng hương của tôi tạo thành một dân tộc dễ sai khiến, hay bắt chước, nhưng lại hoàn toàn trây ì ; tôi thấy rằng, ở đây, lỗi chủ yếu là do nhà nước. Họ không chú tâm vào khích lệ hay thức tỉnh dân tộc
Chữ Hán và tư tưởng Khổng giáo làm trì trệ quốc gia, dân tộc trong khi văn minh Phương Tây mở ra nhiều phương diện học thuật để phát triển, sánh vai với nhân loại. “
Gia Định Báo từ một tờ tin công vụ, dưới bàn tay điều hành tài tình của Petrus Ký, tờ báo nhanh chóng thành nơi dung nạp các tư tưởng tiến bộ với văn chương, lịch sử, kiến thức canh nông, trồng trọt…
Hơn nữa, Gia Định Báo cũng là diễn đàn cho rất nhiều cây bút cộng tác thường xuyên. Nó trở thành ấn phẩm quan trọng của đời sống ba tỉnh miền Đông suốt 40 năm dài.
Tại nhiều trường học khắp Gia Định – Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định Báo còn trở thành sách giáo khoa cho học trò tập đọc, tập viết chữ quốc ngữ.
Mang tư tưởng khát vọng tự do, năm 1888, Petrus Ký muốn thoát khỏi vòng quản lý của người Pháp đã lập ra tờ báo tư nhân đầu tiên ở Việt Nam là Thông Loại Khóa Trình
Gần 40 năm tồn tại, Gia Định Báo đã ghi dấu ấn của mình lên lịch sử báo chí Việt Nam với tư cách chói lọi nhất về tờ báo đầu tiên dùng chữ quốc ngữ. Nếu phải chọn một ngày cho nghề nghiệp của mình, người làm báo Việt Nam phải chọn ngày ra đời của Gia Định Báo – 15/4. Đó mới là ngày đánh dấu khai sinh nghề báo bằng chữ Quốc ngữ.
Trong những ngày giới báo chí trong nước đang chờ những bữa tiệc của ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, nhân vật đáng nhớ nhất, tượng đài báo chí sừng sững nhất chính là nhà khoa học – nhà báo lỗi lạc Trương Vĩnh Ký! Đó mới là người mà báo giới Việt Nam nên ngưỡng vọng và chọn làm người khai sinh cho báo chí tiếng Việt.
Lịch sử luôn có sự công bằng và đánh giá đúng đóng góp của từng cá nhân trong tiến trình đi tới ấy.