Lời khai chứng của Cựu giám đốc FBI James Comey nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trông đợi sự trung thành và hy vọng ông Comey sẽ chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào một cựu trợ lý hàng đầu có thể củng cố cáo buộc ông Trump đã cản trở công lý, theo nhận định của một số chuyên gia pháp lý.
Một số nhà phân tích nói rằng những cáo buộc như vậy có thể được dùng làm cơ sở cho các thủ tục luận tội. Tuy nhiên, bất kỳ diễn tiến nào như vậy sẽ vấp phải một trở ngại lớn vì sẽ cần phải có sự chấp thuận của Hạ viện Hoa Kỳ, hiện đang được kiểm soát bởi các nghị sĩ Cộng hòa đồng đảng với ông Trump.
Theo lời khai chứng viết được đăng trên website của Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm thứ Tư, ông Comey cho biết ông Trump đã nói với ông trong một cuộc trò chuyện chỉ có hai người vào ngày 14 tháng 2 rằng cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn là một “người tốt” và hy vọng ông Comey có thể “thấy thuận tiện” để chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào mối quan hệ giữa ông Flynn và Nga.
Ông Trump một ngày trước đã sa thải ông Flynn trong vụ tranh cãi liên quan tới những lần tiếp xúc giữa vị tướng hồi hưu này và đại sứ Nga tại Mỹ.
Tường thuật của ông Comey, được công bố trước khi ông xuất hiện trước Ủy ban hôm thứ Năm, có thể cho thấy ông Trump dự định cản trở cuộc điều tra nhắm vào ông Flynn, theo lời giáo sư luật hiến pháp Michael Gerhardt tại Trường Luật Đại học North Carolina.
“Cuộc thảo luận rõ ràng về sự trung thành là điều đáng lo ngại,” và có thể khơi lên những đồn đoán rằng “tổng thống đang cố gắng gây áp lực hoặc ít nhất gây ảnh hưởng lên cuộc điều tra liên quan tới Nga,” ông Gerhardt nói.
Ông Comey, người bị ông Trump sa thải vào ngày 9 tháng 5, khi đó đang dẫn dắt cuộc điều tra của FBI nhắm vào ông Flynn về những cáo buộc về những mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Trump vào năm 2016. Moscow và ông Trump phủ nhận bất cứ sự thông đồng nào.
Luật sư của ông Trump, Marc Kasowitz, không ngay lập tức trả lời câu hỏi của Reuters về việc liệu lời khai chứng của ông Comey có củng cố lập luận cản trở công lý hay không. Nhưng ông nói trong một thông cáo rằng ông Trump đã cảm thấy “được chứng minh là đúng” bằng lời khẳng định của Comey rằng ông không bị điều tra trong bất kỳ cuộc điều tra nào của Nga.
Để tạo cơ sở cho vụ án cản trở công lý mang tính hình sự, luật liên bang buộc công tố viên phải chỉ ra rằng một người đã hành động với ý định “gian dối.” Bất kể là liệu người đó có thành công trong việc cản trở cuộc điều tra hay không.
Dù tổng thống tại nhiệm khó có khả năng bị truy tố hình sự, cản trở công lý có thể là cơ sở để luận tội.
Bruce Green, giáo sư tại Trường Luật Đại học Fordham, cho biết sẽ rất khó để cho thấy ông Trump có ý định cản trở cuộc điều tra ông Flynn. Ông nói ông Trump có thể nói rằng ông chỉ đơn thuần nói tốt cho ông Flynn và bày tỏ lo ngại về việc cuộc điều tra đang can thiệp ra sao vào khả năng điều hành của ông Trump trong cương vị tổng thống.
Alan Dershowitz, giáo sư danh dự tại Trường Luật Harvard và luật sư bào chữa nổi tiếng, nói thêm rằng những phát biểu của ông Trump với ông Comey là “những phát biểu không rõ ràng” và “thậm chí khó có thể nói là cản trở công lý.”
Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý khác nói rằng những chi tiết xung quanh cuộc trò chuyện ngày 14 tháng 2 có thể cho thấy rằng ông Trump có ý định can thiệp vào cuộc điều tra ông Flynn.
Theo ông Comey, ông Trump đã yêu cầu các cố vấn thân cận, bao gồm cả Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và con rể Jared Kushner rằng, rời khỏi phòng để ông có thể nói chuyện riêng với ông Comey.
“Yêu cầu những người khác rời phòng có thể gợi ý rằng Tổng thống biết có điều gì đó không đúng về điều mà ông ấy đang làm,” Andrew Wright, giáo sư luật hiến pháp của Trường Luật Savannah, nói.
Ông Wright nói rằng có những chi tiết gây tổn hại khác trong lời khai chứng của ông Comey, bao gồm việc ông Comey không ghi chép lại các cuộc nói chuyện của ông với cựu Tổng thống Barack Obama nhưng “cảm thấy buộc” phải làm như vậy sau cuộc trò chuyện đầu tiên của ông với ông Trump.
Lời khai chứng của ông Comey “gây thiệt hại tối đa” cho ông Trump, theo lời ông Wright.
Ông Gerhardt đồng lời khai chứng này là một cú giáng nhắm vào ông Trump, nói rằng: “Một số người không trước đây không lo ngại bây giờ nên lo ngại.”
Cựu Giám đốc FBI James Comey ngày 8/6 tuyên bố trước Quốc hội rằng ông bị cản trở bởi Tổng thống Donald Trump tìm cách buộc ông phải ngưng cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn nhưng ông Comey không khẳng định liệu ông cho có là Tổng thống tìm cách cản trở công lý hay không.
Phát biểu trước Ủy ban Tình báo Thượng viện tại một trong những buổi điều trần được công chúng nóng lòng trông đợi nhất trong nhiều năm nay, cựu Giám đốc FBI nói chính quyền của Tổng thống Trump đã gian dối và bôi nhọ hình ảnh của ông lẫn Cục Điều tra Liên bang FBI khi sa thải ông hôm 9/5.
Trong văn bản điều trần công bố một ngày trước khi tới Quốc hội, ông Comey nêu rõ Tổng thống Trump hồi tháng hai đã yêu cầu ông ngưng cuộc điều tra của FBI nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo giác Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
“Tôi nghĩ bản thân tôi không thể nói những trao đổi giữa Tổng thống với tôi có là một nỗ lực của Tổng thống nhằm cản trở hay không. Đối với tôi, hành động đó hết sức trở ngại, hết sức đáng quan ngại,” ông Comey tuyên bố trước các nhà lập pháp.
Buổi điều trần này có thể dẫn tới những ‘hậu quả’ đáng kể đối với nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump trong lúc cố vấn đặc biệt Robert Mueller và một số ủy ban của Quốc hội đang điều tra cáo giác Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 và liệu chiến dịch tranh cửa của ông Trump có thông đồng với Nga hay không.
Nga bác tố cáo này và Tòa Bạch Ốc cũng khẳng định không hề có hành động đồng lõa nào.
Ông Trump đã gây ra một cơn lốc chính trị khi bất ngờ sa thải ông Comey.
Cựu Giám đốc FBI nói chính quyền Trump đã hạ thấp uy tín của ông trong các bình luận đưa ra sau vụ sa thải.
“Dù luật không yêu cầu phải đưa ra lý do khi sa thải Giám đốc FBI, nhưng chính quyền đã chọn cách bôi nhọ hình ảnh của tôi mà quan trọng hơn cả là hình ảnh của FBI khi nói rằng có lộn xộn trong Cục Điều tra Liên bang và rằng đội ngũ nhân lực ở đây đã mất niềm tin vào người lãnh đạo,” ông Comey nói.
“Những điều đó là dối trá, không hơn không kém,” cựu Giám đốc FBI nhấn mạnh.
Vấn đề Nga đã làm đau đầu Tổng thống Trump ngay những tháng đầu nhậm chức. Những người chỉ trích cho rằng bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump nhằm cản trở cuộc điều tra của FBI đều có thể là một hành động cản trở công lý.
Nếu có đề nghị tại Quốc hội muốn luận tội Tổng thống để truất phế dựa trên cáo buộc cản trở công lý thì cuộc điều trần của ông Comey hôm nay có thể củng cố thêm cho nỗ lực đó, theo một số chuyên gia pháp lý.
Ông Comey trình bày rằng ông ghi chú sau các cuộc gặp với Tổng thống Trump vì ‘Tôi thật lòng lo là ông ấy có thể bịa đặt về bản chất cuộc gặp, nên tôi nghĩ rất cần phải ghi chép lưu lại.’
Cuộc điều trần từ 1h chiều, giờ Washington, diễn ra trong phòng họp kín. Buổi tường thuật trực tuyến của VOA Việt ngữ kết thúc tại đây. Xin cảm ơn quý độc giả đã theo dõi!
23:56
Chủ tịch Hạ Viện, Paul Ryan, bảo vệ tổng thống Trump, nói rằng những cuộc gặp mà Tổng Thống thực hiện, phía Dân Chủ mô tả là “không phù hợp”, “gây choáng váng”, thật ra chỉ vì ông Trump còn quá mới mẻ với công việc tổng thống.
Dân biểu Ryan: “Tổng thống mới vào việc, còn chưa quen với chính quyền, vì vậy ông chắc chắn không thể rành rẽ các nguyên tắc phức tạp thiết lập nên mối quan hệ giữa Bộ Tư Pháp, FBI, và Tòa Bạch Ốc.”
23:51
NBC trích website tự điển Merriam-Webster, cho biết phiên bản online của tự điển này dẫn nhiều chữ ông Comey dùng trong buổi điều trần, và các chữ ấy nằm trong tình trạng “trending now” – đang phổ biến. Các chữ ấy gồm: probative, fuzz, Lordy, recuse, dais, và contemporaneous.
23:48
Về “buổi ăn tối và lòng trung thành,” Ken Dilanian của NBC giải thích:
Khi nói tổng thống Donald Trump mời mình ăn tối 27 tháng Giêng vào trưa cùng ngày, các chi tiết của cựu Giám Đốc FBI đặt lời mời ấy vào thời điểm chỉ một ngày sau khi cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Sally Yates thông báo cho Tòa Bạch Ốc biết về quan ngại của bà về Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Michael Flynn.
Điều này nghĩa là gì? Là ông Trump mời ông Comey ăn tối là có mục đích. Và cũng chính trong buổi ăn tối ấy, ông Trump yêu cầu lòng trung thành của Comey; điều này khiến Comey có cảm giác công việc của mình như chỉ treo mình.
Hà Nội có thể nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nỗ lực dài hạn của chính quyền Mỹ về Đông Nam Á, nhắm mục đích hóa giải ảnh hưởng của Bắc Kinh trong Biển Đông.
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của ASEAN đến thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Hoa Kỳ có thể tìm cách khai thác sự xung đột giữa Việt Nam, một thị trường đang trỗi dậy, với Trung Quốc.
Theo ông Rodger Baker, Phó Chủ tịch đặc trách phân tích chiến lược của Stratfor Global Intelligence, một công ty an ninh ở Mỹ, chuyên nghiên cứu chiến lược an ninh cho các tổ chức chính phủ, Việt Nam đang giữ một vị trí đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á. Ông Baker giải thích rằng Hà Nội vẫn giữ lập trường cứng rắn, phản đối các hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông, và vì vậy ông Trump có thể coi Việt Nam như là một lực đối trọng với Trung Quốc có tiềm năng trong vùng tranh chấp.
Ông Trump có thể coi Việt Nam như là một lực đối trọng với Trung Quốc có tiềm năng trong vùng tranh chấp. ~ ông Rodger Baker, Phó Chủ tịch đặc trách phân tích chiến lược của Stratfor Global Intelligence
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích biển Đông với hơn 250 hòn đảo, nơi có nhiều trữ lượng khí đốt thiên nhiên, nơi mà Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Hà Nội đã công khai lên tiếng tố cáo Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tiến hành xây dựng các cơ cấu quân sự trên các đảo trong vòng tranh chấp.
Chính sách bành trướng của Trung Quốc trong Biển Đông cũng gây bực bội cho Washington. Vài ngày sau khi nhậm chức, ông Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn Bắc Kinh xây đảo nhân tạo. Trong khi ông Trump không rộng tay hành động vì đang cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc để kiềm hãm Bắc Triều Tiên, thì vấn đề biển Đông vẫn là một vấn đề lớn bao trùm khu vực. Tuần trước, hải quân Trung Quốc triển khai hai tàu khu trục tên lửa áp sát một tàu chiến của Hải quân Mỹ đang tuần tra một vùng biển gần quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Ông Jonathan Stromseth, thành viên cấp cao thuộc viện Brookings, lưu ý rằng chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Washington đã “tăng thêm đà cho mối quan hệ Mỹ-Việt ngày càng có tính cách chiến lược hơn.”
Thật vậy, hai nước đã bắt đầu các cuộc trao đổi quân sự song phương, có thể gây khó chịu cho Bắc Kinh.
Ông Baker nói ông dự kiến hình thức hợp tác quân sự như thế có thể tiếp tục:
“Trong một tuần qua, Washington đã chuyển giao một số tàu cho lực lượng Tuần duyên Việt Nam. Hai bên đã có chuyến giao lưu hải quân và Hoa Kỳ cũng đã dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam.”
Tất nhiên, Việt Nam không phải là đồng minh ASEAN duy nhất của ông Trump trong cuộc xung đột lãnh hải
Ông Stromseth nói Tòa Bạch Ốc cũng đang ve vãn một số quốc gia Đông Nam Á khác giữa lúc Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng và quan ngại ngày càng tăng về cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, đặc biệt sau khi Washington rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP.”
Trong tháng qua, Phó Tổng thống Mike Pence đã đi thăm Indonesia, ông Trump điện đàm với một số lãnh đạo ASEAN, kể cả Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã đón tiếp các ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô Washington.
Ông Stromseth nói nếu Washington có thể chứng minh cam kết đối với khu vực thì điều đó có thể “tạo điều kiện thúc đẩy mối quan hệ đa phương có tính xây dựng với Trung Quốc ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, giúp giảm thiểu sự đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.
Hãng tin Bloomberg trích lời ông Alexander Vuving, nhà phân tích chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii, nói “Chính quyền Trump rất quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, vì Hoa Kỳ nhận thức rõ vai trò chiến lược của Việt Nam tại Châu Á”.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Bloomberg, ông Phúc né tránh câu hỏi liệu Việt Nam có mưu tìm sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở Biển Đông hay không.
Ông Phúc nói: “Chúng tôi cần thảo luận với các bên liên quan để đảm bảo tất cả các bên sẽ được hưởng lợi từ bất cứ hành động nào do chúng tôi quyết định, hầu đảm bảo hòa bình trong khu vực.”
Ông Michael Green, từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới quyền Tổng thống George W. Bush, nói với tờ Washington Times rằng thắt chặt quan hệ an ninh liên minh với Hoa Kỳ cũng là một mục tiêu hàng đầu trong chuyến đi Mỹ của ông Phúc.
Ông Green, hiện là Phó Chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), dự đoán ông Phúc sẽ mưu tìm một liên minh với ông Trump tương tự như liên minh mà ông Trump đã thiết lập với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Ông Green nói: “Việt Nam không phải là một quốc gia muốn xa lánh Hoa Kỳ vì ông Donald Trump làm tổng thống.”
Báo Washington Times dẫn lời ông Anthony Cordesman, chiến lược gia quân sự của CSIS, nói ai cũng biết là Việt Nam từ lâu vẫn coi Trung Quốc là một mối đe doạ đối với sự tồn tại của mình, và ông Phúc mong muốn Hoa Kỳ đóng một vai trò lớn hơn trong vấn đề Biển Đông.
Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác tin rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có thể kiềm chế những hành động hung hăng nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Một lựa chọn cho chính quyền Trump là bán thêm vũ khí hoặc chuyển giao thiết bị cho các đồng minh như Việt Nam, để tăng khả năng chiến đấu của lực lượng hải quân các nước này.
Nguồn: CNBC, Bloomberg News, Washington Times
Có lẽ chưa bao giờ báo chí lề phải “tiến bộ” như mấy hôm nay, khi đồng loạt đưa tin trên trang nhất tin UBKTTW đề nghị kỉ luật ông Đinh La Thăng, ủy viên BCT, đương kim Bí thứ thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người, trong đó có cả những giáo sư nước ngoài được coi là có kinh nghiệm về Việt Nam như ông Jonathan London, cũng tưởng bở là Việt Nam sắp có dân chủ, có tự do ngôn luận bởi đã bắt đầu “giây phút quan trọng”. Ông giáo sư chủ yếu đoán sai này lại còn nhầm tưởng tai hại là thông tin trên mạng công cộng đang được lắng nghe? Nó chỉ được lợi dụng để hạ nhục nhau, sau khi xong việc, mạng xã hội lại là thế lực bị bọn phản động giật dây trong cái nhìn quen thuộc của giới cai trị.
Dẫu sao cũng nên cảm ơn thái độ lạc quan tếu chân thành của ông về nền chính trị Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao “vụ ông Thăng” lại được tung ra vào lúc này? Về nguyên tắc việc kết luận ông Thăng có sai phạm hay không, kỷ luật ở hình thức nào, phải do Hội nghị TW5 quyết định, rồi báo chí mới được phép đăng tin. Nhưng cái hội nghị này, đến thời điểm báo chí rầm rộ “bêu” khuyết điểm của ông Thăng, vẫn chưa họp?
Có một hiện tượng lạ là lần đầu tiên, việc bêu một nhân vật quan trọng lại được Ban tuyên giáo nhắn tin đồng loạt cho các tổng biên tập, yêu cầu lập tức đưa lên trang nhất?
Có chuyện gì bí ẩn ở đây?
Trước hết, chuyện ở Đồng Tâm, Mỹ Đức vừa xảy ra, làm xấu hổ không chỉ chế độ, mà còn khiến báo chí thấy nhục nhã, có thể là cú nhục nhã nhất từ trước đến nay. Sự bóp méo thông tin, mạ lị người dân lành, a dua chính quyền cơ sở vốn phần lớn là những kẻ bất hảo, không chỉ là vô đạo đức trong nghề báo, mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Ai cũng biết báo chí được điều hành bởi Ban tuyên giáo. Nghĩa là tội trạng lịch sử này Ban tuyên giáo phải chịu. Và để xóa đi ấn tượng về một cú lừa gạt trắng trợn, thì đưa ông Đinh La Thăng, nhân vật cộm cán của chế độ (chứ không phải đầu sỏ phản động), nằm trong mục tiêu thanh trừng đã lâu của một phe nhóm quyền lực nào đó, giống như nhất cử lưỡng tiện: Vừa tỏ ra trung thành tuyệt đối với ai đó, nhóm nào đó, vừa rửa được phần nào mối nhục Đồng Tâm. Giờ đây, lãnh đạo báo chí có thể nói to lên rằng, đấy, các vị xem, có vùng cấm nào cho báo chí đâu? Ủy viên BCC chúng tôi còn không ngán, thì đừng ai nói báo chí bị bịt miệng nữa nhé.
Trước khi ông Thăng bị đưa lên bàn mổ, cứ như là ngẫu nhiên, bỗng dưng hàng chục triệu con lợn của Việt Nam bị Trung Quốc bỏ rơi! Vừa mới bị vụ Formosa khiến hàng triệu nông dân đang lăm le nổi loạn vì nghèo đói, hàng triệu nông dân khác thì điêu đứng bởi hạn hán, nay thêm vụ rớt giá lợn, có thể cũng khiến thêm vài triệu người sắp bán xới. Cộng lại là một con số không thể đùa! Tính toán này của Trung Quốc là kết quả của cả một quá trình mai phục rình rập công phu, tìm kiếm cơ hội, tất nhiên là có tay trong tư vấn. Và cơ hội ấy đã đến. Chỉ sau một cú ra đòn nhẹ nhàng, hoàn toàn thõng tay vô can của Trung Quốc, các bộ ngành của Việt Nam phải chạy long tóc gáy để cứu lợn, nếu không nông dân sẽ có cớ làm lớn? Cái giá mà Trung Quốc đưa ra là Ba Đình phải hy sinh kẻ đã dám làm nhục Thiên đình! Và họ tỏ ra là kẻ biết giữ lời, bởi chỉ ba hôm sau khi ông Thăng chính thức bị đề nghị kỷ luật, Trung Quốc bắn tiếng muốn được xắn tay xông vào giải cứu heo Việt!
Thực ra Trung Quốc nuôi mối hận với Đinh La Thăng từ lâu. Việc chỉ định thầu một số công trình quan trọng của dầu khí (tất nhiên chỉ với sự cho phép của Chính phủ lúc ấy) đã loại mất của Trung Quốc nhiều cơ hội thắng thầu những công trình gắn với an ninh quốc gia của Việt Nam. Bởi vì cứ ở đâu Trung Quốc đấu thầu là họ thắng, vì lợi nhuận với họ nhiều khi không phải là tiền nên họ sẽ bỏ giá thấp đến mức không thể không thắng theo luật đấu thầu quốc tế. Cứ ở đâu Trung Quốc thắng thầu, là ở đó chính quyền và người dân thành con tin, không chỉ của công nghệ rởm, sự cù nhầy trong tiến độ, thái độ lật kèo trong tiền bạc (bạn đọc có thể kiểm tra tình trạng này ở hàng chục nhà máy nhiệt điện, nhà máy gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông…) mà quan trọng nhất là khống chế an ninh quốc gia. Khi ông Thăng chỉ mặt đám cai đầu dài Thiên triều, chửi cho bõ tức, cả Trung Nam Hải nghiến răng kèn kẹt. Con chó Hoàn cầu thời báo sủa phun cả rãi rớt sang đến tận Hà Nội, yêu cầu phải có động thái với Thăng. Nhưng thời thế lúc đó còn chưa đến với đám tay chân của họ được cài lại. Tội của Thăng cứ được cộng lại để đấy, trong đó có cả việc Thăng nghênh ngang là quan chức cao cấp ra Trường Sa ôm đàn hát động viên quân sĩ, thầy tu, ý Thăng muốn bảo chẳng việc gì phải sợ cái thằng Tầu, nó đến cứ nện bỏ cha nó đi.
Thời điểm ông Thăng bị bêu tên trên báo chí, chỉ cách ngày kỉ niệm 30 tháng tư mấy hôm. Việc ông Thăng có xu hướng thân Mỹ (qua hàng loạt động thái co kéo mời đầu tư, bắn tiếng kết bạn với các chính khách Hoa Kỳ, trong đó rõ nhất là bài trả lời phỏng vấn về vấn đề Bob Kerry làm cho không ít lãnh đạo nổi xung) khiến nhiều người “ghét Mỹ đến chết” căm tức, trong đó có toàn đảng toàn quân và toàn dân Trung Quốc. Mà số người này thì, khi chưa gộp thêm một tỉ ba, đã đủ đông như kiến cỏ tại cái xứ Đại Việt, lại đang là thành phần sắc dân hạng trên của chế độ. Những người này rõ ràng cảm thấy bị tổn thương, nếu người Mỹ lại được chào đón nồng nhiệt ở đúng cái nơi mà họ đã liều chết để xua đuổi. Họ chỉ có giá khi Mỹ vẫn là kẻ thù của dân tộc, tức là muốn đất nước này cứ tiếp tục nghèo đói!
Thăng còn một tội lớn là công khai hô hào cấp dưới học theo văn hóa lãnh đạo của Obama, chấp nhận để người dân chỉ trích mỗi ngày mới mong tiến bộ. Đáng lẽ ông ta khôn ngoan thì phải thay Obama bằng Trương Tấn Sang, thay vì để người dân chỉ trích thì bịt miệng họ lại như cách ông Trương Tấn Sang vẫn làm. Nhưng nếu thế thì đã không là Đinh La Thăng!
Việc tìm cách hạ uy tín ông Thăng cũng không thể thiếu sự can dự của những kẻ thao túng ở Chợ Lớn, với các băng đảng làm ăn ngầm nhưng thâu tóm phần xương sống của nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Thời ông Trương Tấn Sang và sau này là ông Lê Thanh Hải, các băng nhóm tha hồ lộng hành trong hành lang của họ, nghĩa là họ và chính quyền có thỏa thuận ngầm mi không động đến ta thì ta cũng không động đến mi. Thậm chí như tin đồn, ta còn nuôi béo mi nữa cơ? Thế lực bảo kê cho họ là cả Chính phủ Trung Quốc hùng mạnh, nên họ chả việc gì phải sợ. Khi Đinh La Thăng vào thành phố Hồ Chí Minh, đã có vài người chân thành nhắc ông ta là chớ có phá bỏ quy ước không thành văn đó, kéo dài nhiều năm và có thể mãi mãi giữa Chợ Lớn và chính quyền thành phố, nhưng ông Thăng bỏ ngoài tai. Với bản tính có phần hung hăng, tự tin thái quá vào bản lĩnh, vào năng lực sắp xếp lại trật tự của mình, ông ta cho lập lại “quả đấm thép” ở tầm mức quy mô gấp nhiều lần đội săn bắt cướp trước đây. Có vẻ như đó là tín hiệu đe dọa vi phạm thỏa ước ngầm và mặc dù đối tượng ông Thăng nhằm vào không bao gồm họ, nhưng với những kẻ luôn biết phòng xa, thì họ không bao giờ chịu ngồi yên để một kẻ quê Nam Định có thể sẽ phá nát nỗ lực hàng trăm năm của họ. Chắc chắn họ đã cầu cứu Bắc Kinh và Bắc Kinh gộp luôn chuyện đó vào một gói điều kiện với Ba Đình là Thăng phải cuốn gói về Bắc. Nếu khiến được ông ta thân bại danh liệt thì còn có thưởng lớn.
Thời gian Thăng bị quy là có trách nhiệm ở Tập đoàn Dầu khí chỉ hơn một năm (chỗ này UBKTTW chơi tù mù, đáng lẽ phải ghi rõ từ năm 2009 đến tháng 8-2011, lúc Thăng sang làm Bộ trưởng Bộ GTVT, thì họ lại ghi là 2009-2011). Cứ cho là Thăng ký hàng loạt văn bản như đã nêu, thì tại sao ông ta lại phải chịu trách nhiệm với những sự việc xảy ra sau khi ông ta đã chuyển công tác? Nên nhớ là mô hình Tập đoàn kinh tế đa ngành, đa nghề từng được coi là sáng tạo tuyệt vời của Đảng và Chính phủ, muốn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của kinh tế Nhà nước ngay cả trong nền kinh tế tư bản, tức là chủ nghĩa xã hội lúc nào và ở đâu cũng vẫn đầy sức sống. Thăng lúc ấy chả là cái đinh gỉ gì để có thể đặt ra được một chủ trương khủng như vậy. Hàng loạt tập đoàn sau đó ra đời, rồi phá sản, phá sản luôn mô hình kinh tế đa ngành đa nghề, thì sao lại quy lỗi cho Thăng như trả lời của ông Nguyễn Đình Hương? Còn hơn cả chuyện gắp lửa bỏ tay người. May mà ông Hương thất thời sớm, là người thích nói tào lao, vô thưởng vô phạt.
Cứ thử hỏi Thăng không chấp hành, quyết chống lại việc thành lập tập đoàn đa ngành đa nghề, liệu ông ta có ngồi lại được tại cái ghế chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Dầu khí, chứ nói gì còn lên tận Bộ chính trị?
Liên quan đến Tổng công ty PVC thì tại thời điểm 2009, “doanh thu của Tổng công ty này đạt trên 3.700 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2008. Lợi nhuận trước thuế là 245 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước trên 172 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008.
Tháng 11/2010, PVC tiếp tục được nhận Huân chương Lao động hạng nhất do đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2010. Năm đó, tổng doanh thu PVC đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2009. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 840 tỷ đồng, tăng trên 300% so với năm 2009” (Theo báo Dân trí).
Vậy là mọi bung bét của Công ty PVC chỉ xảy ra khi Thăng đã đi khỏi Dầu khí. Cũng tương tự như vậy, sau khi Thăng rời Dầu khí gần 4 năm, Nhà máy sơ sợi Đình Vũ mới khánh thành và đi vào sản xuất. Nếu giả sử tận khi đó Thăng vẫn ở dầu khí, thì mới có thể quy trách nhiệm cho ông ta. Chủ trương đầu tư thì phải thông qua ba bốn bộ, rồi còn thẩm định, phê duyệt, rồi còn phải được sự đồng ý của Thủ tướng, mình Thăng làm gì được. Nếu hôm nay sơ sợi Đình Vũ đang ngày ngày nhả ra cả đống tiền thì chắc chắn có khối kẻ nhảy vào tranh công, Thăng còn xa mới đến lượt?
Tóm lại, đến lúc Thăng phải bị đem ra tế. Đó có thể là số phận của kẻ thăng tiến quá nhanh mà lại không phải là đối tượng con ông cháu cha. Nhưng ai là người chủ mưu đánh Thăng? Đến nay nhiều người vẫn nghĩ oan cho ông Trọng. Ông Trọng không ưa Thăng có thể là điều có thật. Nhưng ông Trọng cũng đã có lúc biết dùng Thăng. Bằng chứng là thời Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Trọng rất khen Thăng. Mà ông không thể không khen, khi tay cấp dưới đó tạo cho chế độ của ông bộ mặt quá đẹp! Chỉ sau 5 năm làm Bộ trưởng, Thăng làm được số đường, cầu, công trình giao thông bằng vài đời bộ trưởng trước ông cộng lại. Khi Thăng vào Bộ Chính trị, ông ta nhanh chóng đưa ra quyết định cử Thăng vào thành phố Hồ Chí Minh. Lý do mọi người cho rằng Thăng bị ông Trọng đánh vì Thăng là thủ túc của ông Nguyễn Tấn Dũng, càng sai. Thăng được cơ cấu vào Bộ Chính trị thuộc loại sớm, nếu không nói là sớm nhất. Nhưng đến Hội nghị TW 14 thì Thăng chính thức bật bãi. Mọi người đều khen Thăng, nhưng khi đưa ra bầu thì Thăng rớt vì hết suất. Cũng trong Hội nghị ấy, khi nhóm tứ trụ mỗi ông được quyền đề cử trực tiếp một người (không cần qua bầu) vào Bộ Chính trị, thì Thăng không nằm trong dự kiến của ông nào. Mọi người nhìn cả vào Thăng khi ông Dũng phát biểu đề cử, nhưng người mà ông Dũng xướng tên lại là Nguyễn Văn Bình. Một bà ủy viên TW khi thấy Thăng không có trong danh sách cơ cấu, bèn đứng dậy nói bằng giọng cay đắng: “Những người mải làm thì không có thời gian để chạy chọt nên mới bị trượt”
Thăng là trường hợp duy nhất trong lịch sử Đảng cộng sản VN được bầu vào Bộ Chính trị mà trước đó không thuộc diện cơ cấu. Ban chấp hành TW khóa mới đã giới thiệu bổ sung Thăng vào danh sách (theo quy định Thăng phải xin rút, nhưng cũng theo quy định việc có được rút hay không là do Ban chấp hành TW và họ không cho Thăng rút). Khi bầu Bộ Chính trị, hàng loạt ông, bà được cơ cấu thì trượt, còn Thăng lại trúng. Nhiều người nuôi mối ghen tức với Thăng từ đấy.
Không phải ông Trọng, vậy ai là người quyết tâm đánh Thăng đến cùng? Đó là ông Trương Tấn Sang. Khi ông Sang và ông Trọng song kiếm hợp bích đấu lại ông Dũng và thắng nhọc nhằn, tuy không nói ra nhưng ông Sang có ý chia đôi sơn hà với ông Trọng. Miền Nam thì để người miền Nam cai trị. Nhưng ông Trọng đã không hiểu hoặc cố ý không hiểu tâm nguyện đó của ông Sang, hoặc thấy ở ý định ấy một nguy cơ lớn cho đất nước. Sau đại hội, trong khi ông Sang và thủ túc của ông khấp khởi chờ để đón ông Võ Văn Thưởng, như một thỏa thuận chia phần của công cuộc diệt Dũng, thì lại thấy ông Đinh La Thăng được cử vào, trong sự chào đón quá mức của dân chúng. Chưa biết hay dở thế nào, nhưng rõ ràng ông Thăng sức vóc hơn, ăn nói mạnh mẽ, thẳng thắn hơn, dám đối đầu với các loại lì lợm trong bộ máy. Chỉ thế thôi, hoặc tưởng tượng ra thế thôi, người dân đã tung hô ầm ĩ. Báo chí các loại còn làm cho tên tuổi ông nổi đình nổi đám gấp bội. Ngồi trong một căn phòng dù rất sang trọng để luôn ý thức vì về vị thế của mình, thấy cảnh đó qua tivi, đọc qua báo chí, chắc chắn ông Sang rất chạnh lòng và cảm thấy cay đắng vì bị qua mặt. Đó là lý do ông phải mất khá nhiều thời gian để tìm chứng cớ thuyết phục ông Trọng là Thăng không xứng đáng ngồi ngôi cao nhất tại thành phố mang tên Bác.
Và ông đã phải dùng đến cả những người thuộc “thế lực thù địch” như cách phân loại của chính ông khi còn là Thường trực Ban bí thư! Chẳng hạn nhà báo Huy Đức là người luôn kiên nhẫn và quyết liệt đòi phải giải thiêng ông Hồ, trả ông ta về với lịch sử như một con người có đúng có sai, nếu bình thường thì chắc chắn là kẻ thù không đội trời chung với ông Sang, tác giả của Cuộc vận động học tập và làm theo tác phong đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng để đánh ông Thăng, ông Sang đã đồng ý hợp tác với “kẻ thù” Huy Đức. Huy Đức có thể vô tư, còn ông Sang thì không. Đúng là khi cần đạt mục đích, mọi phương tiện đều tốt.
Sau gần một tuần Thăng bị đề nghị kỉ luật, như một điều trớ trêu nằm ngoài mong muốn của cả Thăng và những người đánh ông, người dân, sau phút căm phẫn vì cảm thấy bị lừa (vì họ coi Thăng như thần tượng, nay nếu theo báo chí thì hóa ra họ bị nhầm?) đã tĩnh tâm lại và đồng loạt quay ra thương cảm kẻ bị đánh hội đồng. Họ có lý do để nghi ngờ động cơ của cuộc đấu tố. Bao nhiêu cái tốt của Thăng, họ không hề nhắc tới, chỉ nhằm vào gần hai năm ông lãnh đạo Dầu khí? Điều đê tiện ở chỗ, có thế lực nào đó đang cố làm dân chúng hiểu rằng, ông Thăng bị điều tra vì tham nhũng? Nhưng đúng là không thể lừa được người dân. Họ nhanh chóng nhận ra thủ đoạn man trá này. Ngồi đâu họ cũng đồng lòng tiếc cho Thăng, mà oán Vượng theo voi hít bã mía, vùi dập người tử tế! Những sai phạm liên quan đến Đinh La Thăng, được nêu ra trong bản kết luận của UBKTTW, thoạt đọc qua, thấy nó hùng hồn, đầy logic, chặt chẽ về câu chữ, khúc chiết về ý tứ, vô tư trong sáng. Nhưng nếu đọc kỹ lại chỉ hơn một lần, thấy nó cố lắp ghép chuyện nọ sang chuyện kia, cả vú lấp miệng em, vô căn cứ, thấm đẫm sự hả hê của cá nhân ai đó, hơn là vì mục đích thượng tôn quốc pháp hay vì sự tồn vong của đất nước này.
HANOI — Lần đầu tiên, một báo trong nước nói thẳng rằng Trung Quốc phá hoại kinh tế Việt Nam, và trong tiến trình này có sự tiếp tay của nhiều cán bộ CSVN. Bởi vì, nếu không có cán bộ CSVN tiếp tay, những màn phá hoại kinh tế của TQ không xảy ra nổi. Và có hàng trăm nhà thầu TQ đang phá hoại kinh tế VN.
Chỉ vài giờ sau, bài viết đã bị gỡ bỏ trên mạng
Báo Một Thế Giới có bài phân tích nhan đề “Làm chậm tiến độ – cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất của nhà thầu Trung Quốc” lên mạng hôm 28/5/2017, và cùng ngaỳ đã bị gỡ bỏ.
Bản tin phân tích rằng Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi liên tục mắc những sai phạm.
Có thể thấy rằng, việc làm chậm tiến độ là một cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất của những nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực thực hiện (hay cố tình không thực hiện) những gói thầu mà họ bỏ thầu và trúng thầu
Dự án này vay tiền của Ngân hàng Thế giới (WB) và giao thầu cho nhà thầu TQ. Thế là mắc bẫy TQ.
Ngày 12.1.2012 đã diễn ra một sự kiện đặc biệt tại Hà Nội, đó là lễ ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) thoả thuận về một khoản vay tái thiết và phát triển (IBRD) cùng bốn gói tín dụng hỗ trợ giảm đói nghèo (IDA) cho Việt Nam, với tổng số tiền là 973,5 triệu USD, theo tài liệu của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam).
“Đây là lần đầu tiên mà WB tài trợ cho việc phát triển đường cao tốc tại Việt Nam. Các khoản tín dụng ký kết hôm nay sẽ cung cấp vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thành phố có tiềm năng phát triển và góp phần hỗ trợ thực hiện các cải cách của Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam khi đó phát biểu tại lễ ký kết.
Bản tin MTG nói, theo AmCham Vietnam thì số tiền của các khoản tín dụng trên được sử dụng để tài trợ cho Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với giá trị là 613,5 triệu USD, tài trợ cho Dự án phát triển hạ tầng đô thị với giá trị là 210 triệu USD và khoản tín dụng dành cho Dự án Hỗ trợ giảm đói nghèo với giá trị là 150 triệu USD.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã được giao làm chủ đầu tư của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Ngày 19.5.2013 Dự án đã được khởi công và dự kiến 65km đầu tiên được thông xe vào cuối năm 2016, đến năm 2018 sẽ thông xe toàn tuyến.
Vậy nhưng, ngày 23.7.2016, VEC cho biết đã phát hiện những gian dối trong sử dụng vật liệu nền đường tại gói thầu A3 có giá trị đầu tư là 1.360 tỉ VND, thuộc Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (DA ĐNQN). VEC đã buộc nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc phải lập tức dừng thi công tại những vị trí trên, cho đến khi loại bỏ và thay thế vật liệu đạt chuẩn.
Rồi ngày 1.3.2017 tại hạng mục cầu VD09A km 107+307, tư vấn giám sát (TVG hiện trường đã phát hiện bãi tập kết vật liệu thép để thi công cầu VD09A của nhà thầu Giang Tô không đảm bảo kỹ thuật, quá sát mặt đất, một số thanh sắt chạm đất.
Ngày 22.3.2017, tại hạng mục cầu VD09C, TVGS kiểm tra khoan cọc nhồi cầu VD09C đã phát hiện không có phụ gia bentonite tại hiện trường. Nhà thầu không có tài liệu chứng minh dung dịch khoan hiện tại đúng yêu cầu thi công được duyệt.
Do đó, TVGS đã yêu cầu nhà thầu Giang Tô dừng thi công công tác khoan cọc cho đến khi bổ sung đầy đủ nguồn bentonite và các tài liệu đảm bảo cho vật liệu sử dụng làm dung dịch để khoan tạo lỗ cọc.
Vậy là bao nhiêu kỳ vọng về dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, một công trình trọng điểm, nay đã dần trở thành nỗi thất vọng gắn liền với những sai phạm liên tiếp của nhà thầu Trung Quốc tại gói thầu A3.
Sau khi phân tích các sô liệu, bản tin Một Thế Giới nói rằng:
“Nếu chậm tiến độ một ngày thì gói thầu A3 sẽ làm thiệt hại riêng về lãi vay cho vốn đầu tư của gói thầu này là RA3d = 138,8 triệu VND, song thực ra nó có nguy cơ gây ảnh hưởng tới cả dự án, nghĩa là thiệt hại thực tế là RA3dC = 2,858 tỉ VND.
Đặt trường hợp nhà thầu Trung Quốc chấp nhận bồi thường thiệt hại do chậm tiến độ, chắc chắn con số bồi thường chỉ được tính toán xoay quanh khoản thiệt hại là 138,8 triệu VND/ngày, chứ không phải là 2,858 tỉ VND/ngày, nghĩa là rất nhỏ so với thiệt hại thực tế của Việt Nam. Bởi lẽ nhà thầu Trung Quốc chỉ thực hiện gói thầu A3 của DA ĐNQN.
Thứ hai, phần thiệt hại chưa thể tính toán bằng số liệu – như ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của vùng, khu vực và cả nước. Và phần thiệt hại này chắc chắn sẽ không thua gì thiệt hại đã tính toán được, như về lãi vay của vốn đầu tư.”
Bản tin nhận định:
“Có thể thấy rằng, việc làm chậm tiến độ là một cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất mà những nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực thực hiện (hay cố tình không thực hiện) những gói thầu mà họ bỏ thầu và trúng thầu.
Hiện nay, có tới hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện những gói thầu của họ trên đất nước Việt Nam và phần lớn bị chậm tiến độ. Qua bài toán kinh tế trong tính toán thiệt hại do chậm tiến độ trong Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, có thể thấy thiệt hại do nhà thầu Trung Quốc gây ra cho kinh tế Việt nam khủng khiếp như thế nào.”
Câu hỏi không được báo MTG nêu ra: tại sao các cán bộ ưa thích giao thầu cho nhà thầu TQ?
Đại biểu quốc hội chưa nắm luật mà đi xây dựng luật thì gay go lắm. Đã có điều luật về tội danh “vu khống” rồi. Công dân bình đẳng trước pháp luật nghĩa là công dân thường bị vu khống cũng bị tổn hại ngang bằng lãnh đạo Đảng nhà nước bị vu khống
Mấy hôm nay nghị trường quốc hội xuất hiện mấy vị đại biểu hăng hái đề nghị bổ sung tội “bôi nhọ lãnh đạo Đảng nhà nước” vào Luật hình sự. Trước hết mấy vị này quên rằng cử tri bầu họ đứng ra đại diện cho quyền lợi dân chúng, cụ thể là quyền tự do ngôn luận. Họ lại nhầm lẫn đi tìm cách trừng phạt dân chúng nhằm bảo vệ lãnh đạo !
Sao lại bày ra tội riêng để ưu tiên bảo vệ Lãnh đạo ?
Làm chính trị thực chất là làm ngôn ngữ.
Quốc hội lập pháp bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Quốc hội cần có chuyên gia Việt ngữ học làm đại biểu.
Các vị cần phải xác định “bôi xấu” hoặc “bôi nhọ” nghĩa là gì.
Các từ ngữ “chỉ trích, phê phán, phê bình” đều có ý nghĩa rõ ràng, xác định.
Từ ngữ “bôi nhọ, nói xấu” là cách nói dân gian, có nghĩa rằng: một khuôn mặt sạch sẽ bị kẻ xấu bôi nhọ lên, đối tượng không xấu mà bị “nói cho ra xấu”. Vậy, thực chất đó là tội vu khống đã có trong luật. Đối tượng bị “bôi nhọ, bôi xấu, nói xấu” cứ việc đi khiếu kiện.
Quốc hội còn bàn bạc chi nữa cho tốn thì giờ ?
Ông Võ Văn Thưởng thông báo rằng Đảng đang chuẩn bị tổ chức “đối thoại”, chắc chắn đảng phải đối diện với sự chỉ trích, chắc hẳn ông Thưởng cũng mong có người nhận lời đối thoại.
Vậy mà Quốc hội lại đang tìm cách ngăn chặn dư luận trái chiều trong đó có chỉ trích.
Nhân việc phê bình chỉ trích được gọi chuyển nghĩa mập mờ thành “bôi nhọ” trên nghị trường quốc hội, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của TS ngữ văn Chu Mộng Long để rộng đường bàn bạc.
Chỉ trích và tiến bộ xã hội
Khái niệm “chỉ trích”, tiếng Anh criticize, censure, tiếng Việt còn gọi là phê bình, phê phán.
Ông cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ là người đặt ra vấn đề chỉ trích trong nội bộ Đảng như một học thuyết về sự tồn tại và phát triển của một tổ chức chính trị. Nhưng rất tiếc, cương lĩnh ấy chỉ dừng lại ở “tự chỉ trích” và duy trì cho đến bây giờ bằng sự giảm thiểu ở mức độ “tự phê bình”, theo phép nói giảm của tiếng Việt.
“Tự chỉ trích” phù hợp với thời Đảng hoạt động bí mật và có ý nghĩa lịch sử của nó. Với hoạt động bí mật, Đảng phải tự biết nhược điểm của mình mà tự chỉ trích để tồn tại và phát triển, nếu không sẽ bị tiêu diệt trong trứng nước. Đảng đã từng làm được cái việc vĩ đại ấy để có Cách mạng tháng Tám và kháng chiến kiến quốc thành công.
Nhưng khi hoạt động công khai và tự đặt vào lòng dân, “tự chỉ trích” trở thành mất hiệu lực, đặc biệt khi đã giảm thiểu mức độ thành “tự phê bình”. Bởi vì về mặt tâm lí, một là, khi có quyền lực trong tay, kẻ sở hữu quyền lực rơi vào sự tự kiêu với “đỉnh cao trí tuệ”, khả năng “tự chỉ trích” không còn; hai là, do tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, kẻ sở hữu quyền lực thích trấn áp người khác hơn là “tự chỉ trích”, “tự phê bình”
Ba là, quan trọng hơn, thời cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, đảng viên có mục tiêu lí tưởng rõ ràng để làm thang bậc giá trị mà “tự chỉ trích”. Bây giờ, “một bộ phận không nhỏ” vào Đảng không có mục tiêu lí tưởng rõ ràng (mà có thì chỉ là đầu môi chót lưỡi) nếu không nói là cơ hội, trục lợi, họ không biết đâu là thang bậc giá trị để “tự chỉ trích”.
Khi mất khả năng “tự chỉ trích” họ rất sợ bị chỉ trích. Nuôi tất cả mầm bệnh của thói cơ hội, trục lợi, cho nên họ rất sợ bị người khác chỉ trích, và như một quy luật tất yếu của tâm lí, họ biến những kẻ chỉ trích thành thù địch.
Chỉnh đốn Đảng theo phương pháp “tự phê bình” hiện nay là bất khả, nếu không nói càng ngày càng sa lầy vào đạo đức phê bình giả.
Theo tôi, đến lúc Đảng và chính quyền phải có bản lĩnh cho phép, thậm chí khuyến khích dân tự do chỉ trích, phê bình Đảng và chính quyền. Đó không là mối nguy hiểm mà là lối thoát. Chỉ trích hay phê bình từ phía người dân là một sự tương tác từ bên ngoài để chuyển hóa vào bên trong nội bộ của Đảng, làm cho cán bộ Đảng và chính quyền thức tỉnh giấc mộng đỉnh cao trí tuệ, đỉnh cao quyền lực, giải quyết được các tệ nạn mà Đảng và chính quyền không thể tự giải quyết. Đó mới là cách trao quyền tự do dân chủ cho dân đúng nghĩa, như Lenine trong chống chủ nghĩa cơ hội và thói kiêu ngạo cộng sản, Hồ Chí Minh trong chống bệnh quan liêu, cửa quyền. Các lãnh tụ đã nói, đã hứa nhưng chưa làm được.
Chỉ trích, phê bình không đồng nghĩa với thù địch, chống phá mà là xây dựng. Bởi vì nếu chỉ thù địch, người ta chỉ biết bạo loạn, lật đổ chứ không chỉ trích, phê bình làm gì nữa.
Mà cũng phải nói rõ điều này: ngay cả khi bạo loạn, lật đổ xảy ra cũng là chỉ vì do sự chỉ trích, phê bình không có hiệu quả.
Cho nên, để không xảy ra bạo loạn, lật đổ, tốt nhất Đảng và chính quyền nên biết phát huy hiệu quả của sự chỉ trích hơn là trấn áp bằng bạo lực. Bạo lực chỉ nuôi mầm mống và gia tăng bạo lự
Bạo lực phản ánh tình trạng quan trí lẫn dân trí, nhưng trước hết, phản ánh trình độ và bản lĩnh của quan chức.
Không thể phủ nhận những năm gần đây, nhờ tương tác của mạng xã hội, của báo chí và dư luận với Đảng và chính quyền, xã hội đã có những tiến bộ rõ rệt. Chính quyền không muốn nghe cũng phải nghe, không muốn tự điều chỉnh cũng phải điều chỉnh. Nhiều sự vụ đã được giải quyết nhanh và xã hội ngày một minh bạch hơn, kể cả duy trì sự ổn định.
Chắc chắn Đảng và chính quyền hiểu điều đó. Hiểu nhưng thực hiện thiếu tự giác.
Vì thiếu tự giác, cho nên hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc giữa Đảng, chính quyền với người dân, trong đó “mặc cảm thù địch” là bức tường rõ nét nhất. Mặc cảm này nằm ở cả hai phía. Người dân mất niềm tin nên một bộ phận không nhỏ bộc lộ hằn thù bằng chửi bới, kích động, trong khi một bộ phận không nhỏ trong Đảng và chính quyền thì nhìn đâu cũng thấy thù địch.
Hố sâu thù địch đạt tới ngưỡng nào đó sẽ bùng nổ thành bạo loạn và hậu quả là sự tàn phá thay vì xây dựng.
Thời đại hiện nay, mâu thuẫn giữa nhà nước và nhân dân mới là mâu thuẫn căn bản chứ không phải giai cấp hay cái gì khác. Các cuộc biểu tình lớn trên thế giới đều là biểu tình chống nhà nước. Nhà nước không khôn ngoan giải quyết quan hệ này, chính nhà nước đã đào hố sâu thù địch và tự chôn mình. Tôi đã nói to điều này khi đi học lớp chính trị cho các quan hiểu nhưng nhiều người cố tình không hiểu.
Phải giải mặc cảm thù địch mới có thể làm quen được với sự chỉ trích. Điều này tùy thuộc vào dân trí lẫn quan trí.
Ở các nước văn minh, cách giải mặc cảm thù địch rất đơn giản là tạo hành lang pháp lí cho sự chỉ trích. Pháp luật chế định người dân có quyền tự do chỉ trích cán bộ lãnh đạo; ngược lại, cán bộ lãnh đạo bất luận trường hợp nào cũng không có quyền trấn áp, đe dọa và sử dụng bạo lực, thậm chí chỉ trích người dân. Lãnh đạo chỉ có quyền lắng nghe người dân, đối thoại, xin lỗi và… từ chức.
11h đêm 8/6, hàng chục công nhân vệ sinh hối hả thu gom cá chết dạt vào mép hồ Hoàng Cầu phía đường Mai Anh Tuấn, để tránh tình trạng cá phân huỷ, ô nhiễm môi trường.
Hiện tượng bất thường này được phát hiện từ khoảng 2h sáng cùng ngày. “Ban đầu cá ngáp trên mặt nước, lác đác ngửa bụng, càng về chiều càng nổi la liệt trên mặt hồ”, ông Tuân, người dân sống ven hồ Hoàng Cầu cho biết.
Cá chết chủ yếu là mè, trôi, có con nặng tới 10kg.
Dù ban ngày, lượng cá được vớt lên khá nhiều, nhưng càng về đêm cá chết nổi lên không có dấu hiệu giảm bớt.
Kết quả đo nhanh của Trung tâm thử nghiệm môi trường nước, công ty thoát nước Hà Nội hôm nay. Lượng ôxy hoà tan trong nước đạt 3,74mg/l giảm nhẹ so với quy chuẩn Việt Nam (4mg/l), độ PH của nước 6,68 nằm trong tiêu chuẩn. Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra nguyên nhân.
Những bao tải đựng cá được đưa lên bờ.
Hàng chục bao tải cá chết chất đống ven hồ, ước tính lên đến nhiều tấn.
Con cá to được vận chuyển lên xe với sự giúp đỡ của 3 người.
Đáng chú ý, đúng ngày này năm ngoái (8/6/2016), cá cũng chết trắng mặt hồ Hoàng Cầu. Lượng cá gom được ước tính tới hàng chục tấn. Nguyên nhân được cho là do ô nhiễm và thay đổi thời tiết.
Hồ Hoàng Cầu là hồ điều hoà, không có nguồn nước thải nào chảy xuống, ngoài cống thoát nước mưa phía đường Hào Nam.
Người dân vớt cá chết hồ Hoàng Cầu cách đây đúng một năm.
VIỆT NAM (NV) – Tranh luận kịch liệt nhưng cuối cùng Quốc hội Việt Nam vẫn chưa đồng thuận về cách thức giải quyết nợ xấu – giờ mới được xác định là khoảng 600.000 tỉ đồng Việt Nam.
Nợ xấu là nợ không có khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi. Nói cách khác, nợ xấu càng cao thì khả năng gặp rủi ro của hệ thống ngân hàng càng lớn.
Trước, chính phủ Việt Nam liên tục trấn an cả Quốc hội lẫn dân chúng rằng họ đã kiểm soát được nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng cho vay đã giảm đáng kể.
Các báo cáo chính thức về nợ xấu, tổng hợp từ báo cáo của những tổ chức tín dụng tại Việt Nam, xác định, đến hết năm 2015, cac tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã xử lý được 493.000 tỉ đồng nợ xấu. Tới hết năm 2016, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.
Đến tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới thú thật là tỉ lệ nợ xấu có thể gấp ba lần báo cáo chính thức. Nếu xét cả nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang xử lý và những khoản nợ tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu xấp xỉ 8,86% tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.
Nay, lúc đề nghị Quốc hội Việt Nam thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi), chính phủ Việt Nam tiết lộ, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17,21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600.000 tỉ đồng!
Choáng váng trước những số liệu này, nhiều đại biểu của Quốc hội Việt Nam đã đề nghị tạm gác việc thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” bởi việc đệ trình và đề nghị thông qua nghị quyết quá đột ngột, nằm ngoài chương trình nghị sự, họ cần có thời gian nghiên cứu kỹ hơn trước khi bỏ phiếu.
Để thuyết phục các đại biểu của Quốc hội Việt Nam gật đầu, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trấn an, khác với những lần trướ, “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” lần này rất chặt chẽ, không tổ chức hay cá nhân nào có thể lợi dụng. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang chấn chỉnh hoạt động của hệ thống ngân hàng. Từ năm 2011 đến 2016, công an Việt Nam đã khởi tố 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố khoảng 200 viên chức ngân hàng. Nhiều cá nhân là Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, một số ngân hàng thương mại đã bị kết án tử hình, phạt tù chung thân,…
Ông Nguyễn Văn Thắng, một người vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), dọa thêm, gần như toàn bộ nợ xấu là tiền dân gửi và các ngân hàng gom lại cho vay, thành ra phải có “cơ chế đặc thù” để bảo vệ những người dân đã gửi tiền cho hệ thống ngân hàng. Cũng theo lời ông Thắng thì Việt Nam là quốc gia duy nhất không có ngân hàng hàng nào sụp đổ khi nợ xấu vượt 10% tổng số tiền cho vay.
Một số đại biểu Quốc hội tán thêm rằng nợ xấu như “cục máu đông” có thể làm kinh tế quốc gia đột quị.
Cần nhắc lại rằng, nhiều chuyên gia kinh tế từng khẳng định, nợ xấu của Việt Nam phình to vì hàng loạt chủ trương sai lầm của giới lãnh đạo Việt Nam: Phê duyệt vô tội vạ các dự án phát triển, cho phép các tập đoàn nhà nước đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, lĩnh vực tài chính,… Một số chuyên gia công khai bày tỏ sự nghi ngờ rằng những sai lầm vừa kể là cố ý, nhằm hỗ trợ việc moi tiền của hệ thống ngân hàng. Giới lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng bị họ cáo buộc là thủ phạm làm nợ xấu của Việt Nam phình to khi hành xử hết sức khó hiểu đối với việc mua bán, sáp nhập nhiều ngân hàng, khiến một số cá nhân, nhóm dù không có thực lực vẫn thâu tóm được ngân hàng để biến tiền mà dân chúng gửi vào thành nợ xấu. Tuy nhiên khi bàn về nghị quyết mới để xử lý nợ xấu, cả Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lẫn các đại biểu Quốc hội đều lờ chuyện truy cứu trách nhiệm. (G.Đ)
HẢI PHÒNG, Việt Nam (NV) – Phi đạo cất cánh, hạ cánh cũ của cảng hàng không quốc tế Cát Bi hiện đang trong tình trạng hư hỏng, có thể gây tai nạn cho máy bay.
Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, từ Tháng Sáu, 2016, đến nay, cảng hàng không Cát Bi đã bảy lần sửa chữa, trám vá các ổ gà và điều chỉnh kế hoạch lăn bánh của máy bay để tránh các vị trí ổ gà trên phi đạo cũ (phi đạo N) nhưng đường này vẫn hư hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn khi máy bay cất cánh, hạ cánh.
Theo báo Thanh Niên ngày 7 Tháng Sáu, cơ quan này đã quyết định giảm số lần khai thác các chuyến bay thương mại đi/đến cảng Cát Bi.
Cụ thể, các chuyến bay của Vietnam Airlines đều phải giảm tối thiểu từ 6 đến 7 tấn/chuyến đối với hàng hóa hoặc giảm từ 20-34 ghế đối với hành khách. Cơ quan này cũng cắt chặng bay Hải Phòng-Cam Ranh, giảm số chặng bay Hải Phòng-Ðà Nẵng từ bảy chuyến xuống bốn chuyến/tuần.
Việc giảm trọng tải, số 1ần khai thác chuyến bay tại cảng Cát Bi không chỉ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác máy bay, giảm doanh thu mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới dịch vụ của các hãng hàng không.
Cục Hàng Không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao Thông-Vận Tải xem xét, chấp thuận cho Tổng Công Ty Cảng Hàng Không Việt Nam tiến hành sửa chữa phi đạo cũ này ngay trong năm 2017. (Tr.N)
Nghi tham ô, bà phó chánh văn phòng hội đồng tỉnh Gia Lai tự sát