Home Blog Page 1346

Campuchia trục xuất về Trung Quốc 74 nghi phạm tống tiền

0
VOA

Cảnh sát Campuchia hôm 6/7 cho biết đã giải giao cho Trung Quốc 74 công dân nước này đang bị truy nã vì bị tình nghi đã tống tiền những người ở Trung Quốc qua internet và điện thoại.

Một nhóm cảnh sát Trung Quốc đã tới Phnom Penh để nhận các nghi phạm.

Ông Uk Heisela, người đứng đầu cục điều tra của cảnh sát Campuchia, nói với các phóng viên: “Chúng đã lập ra những nơi để phạm tội bằng cách tống tiền người khác qua điện thoại”.

Ông nói thêm: “Chúng đã sử dụng Campuchia làm địa điểm để tống tiền những người ở Trung Quốc”.

Ông cho biết 74 nghi phạm đã bị bắt tại Phnom Penh và tỉnh Kampot, và đây là vụ trục xuất đầu tiên trong năm nay.

Vụ trục xuất này là vụ mới nhất mà Campuchia làm theo đề nghị của Bắc Kinh. Campuchia là một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Ông Uk Heisela cho biết hơn 500 nghi phạm đã bị trục xuất sang Trung Quốc trong những năm gần đây.

(theo Reuters)

“Mỹ chớ lợi dụng Bắc Triều Tiên để chế tài Trung Quốc”

0

Bắc Kinh sẽ thi hành tất cả những chế tài áp đặt lên Bắc Triều Tiên, hậu quả của những vụ thử nghiệm phi đạn của nước này, nhưng Hoa Kỳ chớ nên viện cớ Bắc Triều Tiên để chế tài các định chế tài chánh của Bắc Kinh, Thứ trưởng Tài chánh Trung Quốc nhấn mạnh.

Phát biểu trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg khai mạc, Thứ trưởng Zhu Guangyao cũng đồng thời kêu gọi các nền kinh tế hàng đầu hợp tác trong vấn đề sản xuất thép quá mức trên thế giới hơn là đổ lỗi lẫn nhau vì thực trạng này có thể gây hại cho tăng trưởng toàn cầu.

Mỹ ‘nổi nóng’ với Bắc Triều Tiên, liệu có chiến tranh?

0
VOA

Vào đúng ngày quốc khánh Mỹ 04/7 vừa qua, Bắc Triều Tiên tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới một số vùng ở Bắc Mỹ và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Như vậy là mọi nỗ lực của Hòa Kỳ ,Trung Quốc và cả Liên Hiệp quốc trong việc ngăn chặn chính quyền Kim Jong Un phát triển vũ khí hạt nhân đã bị phớt lờ. Vụ phóng thử lần này rõ ràng là một lời thách thức của Bình Nhưỡng đối với Hoa Kỳ và thế giới nói chung.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến công du Ba Lan ngày 05/7 tuyên bố đang “xem xét một số giải pháp nghiêm trọng đối với Bắc Triều Tiên”. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc hôm 04/7 nhắc tới khả năng sử dụng võ lực cho vấn đề Triều Tiên như một biện pháp tự vệ và bảo vệ các nước đồng minh. Có khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ cùng các đồng minh hay chăng trong lúc các giải pháp hiện nay đối với điểm nóng bán đảo Triều Tiên dường như không có tác dụng? Đó là những câu hỏi mà dư luận đang thực sự quan tâm trong những ngày này.

Theo nhận định chung của giới chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của hành động “thách thức” từ Bắc Triều Tiên khi thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa đúng vào ngày quốc khánh Mỹ bắt nguồn từ chính chế độ tại Bình Nhưỡng và những toan tính từ Trung Quốc, quốc gia lâu nay vẫn được coi là bảo trợ cho chế độ Bình Nhưỡng.

Luật sư kiêm Giáo sư luật Vũ Đức Khanh từ Đại học Ottawa (Canada), một chuyên gia về quan hệ quốc tế và luật quốc tế, cho rằng:

“Thực tế, bây giờ chưa có một bằng chứng cụ thể nào để khẳng định rằng những vụ thử tên lửa, đặc biệt là vụ thử tên lửa liên lục địa vào đúng ngày quốc khánh Mỹ 04/7 vừa qua của Bắc Triều Tiên là do Trung Quốc giật dây. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì Bình Nhưỡng biết rằng trước sau gì Hoa Kỳ cũng phải ngồi vào bàn đàm phán 4 bên hoặc 6 bên bao gồm Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. Mà khi đã ngồi vào bàn đàm phán rồi thì Bình Nhưỡng sẽ có quyền thỏa thuận một số quyền lợi. Trung Quốc thì sẽ đem Biển Đông ra trao đổi với Hoa Kỳ để đổi lấy việc hạ nhiệt điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, Nga cũng sẽ đem vấn đề Syria và Ukraine ra trao đổi với Hoa Kỳ. Vì vậy, việc liên tục phóng thử tên lửa của Bắc Triều Tiên trong thời gian gần đây rõ ràng là có những mục đích cụ thể từ chính chế độ Bình Nhưỡng và cả những nước bảo trợ cho chế độ này.”

Khác với những tuyên bố có phần cứng rắn của Tổng thống Donald Trump và Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley về một giải pháp quân sự đã được tính tới đối với chế độ Bình Nhưỡng, các chuyên gia dự đoán khó xảy ra một cuộc xung đột giữa Mỹ cùng các đồng mình với Bắc Triều Tiên. Nguyên nhân căn bản, theo giới phân tích, là do hiện Hoa Kỳ chưa đạt được sự đồng thuận với các đồng minh trong vấn đề này.

Giáo sư Khanh phân tích:

“Hiện tại, Bình Nhưỡng thừa biết Mỹ không đạt được sự đồng thuận với các đồng minh của mình. Ngay trong chuyến thăm Washington mới đây của Tổng thống Hàn Quốc, ông này cũng đã bày tỏ lo ngại rằng một cuộc chiến tranh gây thiệt hại lớn về con người sẽ xảy ra nếu chọn giải pháp quân sự đối với Bắc Triều Tiên. Nhật Bản hiện cũng chưa có động thái gì cụ thể. Như vậy, Hoa Kỳ không thể đơn phương hành động được. Tôi cho rằng rất khó để có thể xảy ra một cuộc xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên vào thời điểm này. Mà ngay cả Tổng thống Trump, những tuyên bố của ông cũng yếu dần đi. Cũng giống như đời Tổng thống Obama thôi. Ông Obama đã đặt ra lằn ranh đỏ đối với chế độ ở Syria, nhưng rồi cũng không thể làm gì. Ông Trump cũng từng đặt ra lằn ranh đỏ với Bình Nhưỡng, nhưng giờ đây cũng khó có thể có những hành động quân sự cứng rắn được.”

Các chuyên gia quan sát thời cuộc cho rằng hành động “thách thức” gần đây của Bình Nhưỡng đã cho thấy sự suy yếu trong vai trò của Hoa Kỳ đối với các vấn đề toàn cầu. Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đúng vào ngày quốc khánh Mỹ cũng là một đòn giáng mạnh vào uy tín của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Với những khó khăn nội bộ ngay tại Washington khi đang có sự chia rẽ trong chính đảng Cộng Hòa với vụ điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ khó có được những hành động đáp trả hiệu quả, theo phân tích của các chuyên gia.

Giới phân tích nói giải pháp duy nhất, dễ thực hiện nhất đối với ông Trump lúc này là đem Biển Đông ra thỏa thuận với Trung Quốc để hạ nhiệt điểm nóng Triều Tiên. Và nếu điều này xảy ra, rõ ràng những nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ bị thiệt thòi.

Biểu tình ở Venezuela, ít nhất 123 binh sĩ bị bắt

VOA

Kể từ khi xảy ra những cuộc biểu tình chống chính phủ Venezuela bắt đầu hồi tháng tư, có ít nhất 123 binh sĩ bị bắt vì các tội danh từ phản quốc, nổi loạn cho đến trộm cắp và đào ngũ, theo tài liệu quân sự mà Reuters tiếp cận được.

Danh sách những người bị giam bao gồm sĩ quan cũng như những binh sĩ cấp thấp của lục quân, hải quân, không quân và Vệ binh Quốc gia cho thấy sự bất mãn và chống đối trong quân đội 150.000 thành viên của Venezuela.

Hàng triệu người Venezuela đang chịu cảnh khan hiếm thực phẩm và lạm pháp gia tăng vì khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Ngay cả trong lực lượng vũ trang, với lương khởi điểm ở mức tối thiểu khoảng trên dưới 12 đô la/tháng, nhiều người than phiền về lương bổng eo hẹp và tình trạng thiếu ăn.

Kể từ khi phe đối lập bắt đầu biểu tình cách đây hơn 3 tháng, một số giới chức an ninh đã công khai thể hiện thái độ bất mãn với chế độ.

Người Venezuela xem lực lượng vũ trang như là trung gian hòa giải chính của nước này. Các lãnh tụ đối lập liên tục cổ vũ các tướng lãnh quân đội ly khai với Tổng thống theo chủ nghĩa xã hội Nicolas Maduro.

Ông Maduro nói ông là nạn nhân của một “cuộc nổi dậy vũ trang” do phe đối lập được Hoa Kỳ hậu thuẫn tìm cách kiểm soát khu vực dầu mỏ giàu có của Venezuela. Ông nói các sĩ quan quân đội cao cấp ủng hộ ông.

Vệ binh Quốc gia đứng tuyến đầu trong công tác trấn dẹp biểu tình trên toàn quốc. Lực lượng này dùng hơi cay, vòi rồng, và đạn cao su chống lại người trẻ biểu tình ném đá, bom xăng Molotov, và chất bẩn vào các binh sĩ. Có ít nhất 90 người thiệt mạng kể từ tháng 4 năm nay.

Một số thành viên trong Vệ binh Quốc gia thừa nhận đã kiệt sức và kiệt quệ.

Duterte thề ‘ăn tươi nuốt sống’ phiến quân chặt đầu thủy thủ Việt

0
VOA

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa sẽ “ăn sống nuốt tươi” những phiến quân Hồi giáo đã bắt cóc và chặt đầu 2 thủy thủ Việt Nam.

Hãng tin AFP và truyền thông Philippines trích lời ông Duterte thề như vậy trong một phát biểu với các giới chức địa phương hôm 5/7, cùng ngày tử thi bị chặt đầu của 2 thủy thủ Việt Nam được dân địa phương phát hiện trên đảo Basilan.

“Tôi sẽ ăn sống gan của các ngươi nếu các ngươi muốn vậy. Đưa muối và dấm đây, tôi sẽ ăn sống trước mặt mọi người.”

Quân đội Philippines nói nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf là thủ phạm trong hành động bạo lực này. Nhóm Abu Sayyaf khét tiếng về những vụ bắt cóc để tống tiền, hay chặt đầu các con tin nếu không nhận được tiền chuộc.

Tổng thống Philippines được AFP trích lời nói: “Tôi sẽ ăn sống gan của các ngươi nếu các ngươi muốn vậy. Đưa muối và dấm đây, tôi sẽ ăn sống trước mặt mọi người.”

Theo hãng thông tấn Pháp, ông Duterte còn nói “Tôi ăn được mọi thứ. Tôi không kén chọn. Tôi ăn cả những thứ không thể nuốt được.”

Người biểu tình cầu nguyện cho nạn nhân vụ đánh bom khủng bố do nhóm phiến quân Abu Sayyaf thực hiện ở Davao tháng 9 năm ngoái. Nhóm phiến quân này cũng được cho là đứng sau vụ chặt đầu con tin người Việt.

Người biểu tình cầu nguyện cho nạn nhân vụ đánh bom khủng bố do nhóm phiến quân Abu Sayyaf thực hiện ở Davao tháng 9 năm ngoái. Nhóm phiến quân này cũng được cho là đứng sau vụ chặt đầu con tin người Việt.

Tay cầm điện thoại với hình ảnh hai thủy thủ Việt Nam bị giết hại, Hoàng Thông và Hoàng Văn Hải, ông Duterte tỏ thái độ giận dữ và dùng những lời lẽ nặng nề khi nói tới phiến quân Abu Sayyaf hôm thứ 4.

“Chúng ta cho phép bản thân mình trở thành nô lệ bởi hạng người này sao? Đồ chó đẻ.”

Nhà lãnh đạo Philippines đã từng dùng những ngôn từ tương tự để nói về phiến quân Hồi giáo.

Năm ngoái, ông Duterte tuyên bố sẽ ăn sống phiến quân Abu Sayyad và thề trả thù đẫm máu sau một vụ đánh bom của nhóm Abu Sayyaf tại Davao, quê hương của ông, giết chết 15 người.

Vị tổng thống 72 tuổi của Philippines hồi năm ngoái đã phát động 1 chiến dịch quân sự để truy quét nhóm Abu Sayyaf và các nhóm phiến quân khác ở miền nam Philippines.

Ông Duterte cho biết Việt Nam đã nêu lên lo ngại về một loạt vụ bắt cóc trên biển được cho là do nhóm Abu Sayyaf thực hiện, khi ông tới thăm Hà Nội năm ngoái.

Hôm thứ 4, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án vụ giết hại và đề nghị các cơ quan chức năng của Philippines xác nhận thông tin này, đồng thời cung cấp những “hỗ trợ cần thiết trong thời gian sớm nhất.”

Hai thủy thủ Việt Nam bị sát hại thuộc nhóm 6 thuyền viên bị Abu Sayyaf bắt cóc hồi đầu tháng 11 năm ngoái.

Quân đội Philippines được AFP trích lời cho biết, ngoài 1 người đã chạy thoát và được cứu vào tháng trước, những thuyền viên còn lại vẫn đang nằm trong tay của nhóm chủ chiến Hồi giáo này.

Cũng theo nguồn tin này, phiến quân Abu Sayyaf đang nắm giữ 22 con tin, trong đó có 8 người Việt Nam.

Việt Nam khoan dầu trên Biển Đông bất chấp Trung Quốc

0
VOA

Việt Nam đã tiến hành khoan dầu tại một khu vực mà Trung Quốc nói thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông và hành động này được cho là nguyên nhân khiến phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long, đột ngột cắt ngắn chuyến thăm viếng Hà Nội gần ba tuần trước đây, các nguồn tin cho hay.

Một nhà quan sát từ Hoa Kỳ nói với VOA rằng sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines thì Trung Quốc không có lý do để ngăn cản Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc thềm lục địa của mình.

Bản tin của đài BBC dẫn lời ông Ian Cross thuộc công ty tư vấn về dầu hỏa Moyes & Co có trụ sở tại Singapore cho biết tàu khoan Deepsea Metro 1 đã bắt đầu khoan trên vùng biển nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 400km hôm 21/6.

Cũng theo bản tin này, hành động này của Hà Nội dường như là lý do khiến cho ông Phạm Trường Long đã đột ngột hủy tham dự cuộc giao lưu quốc phòng biên giới giữa hai nước Trung-Việt.

Tạp chí “The Diplomat” chuyên về các vấn đề quan hệ quốc tế của Mỹ dựa vào các nguồn tin riêng của họ cũng cho biết rằng cuộc Giao lưu Quốc phòng Biên giới lần thứ tư giữa hai nước đã bị hoãn đột ngột hồi tháng trước với nguyên do là phía Bắc Kinh bất bình với việc Hà Nội nối lại việc thăm dò dầu khí trên Biển Đông.

Tuy nhiên, truyền thông chính thức của cả Việt Nam và Trung Quốc đều không đề cập bất cứ điều gì về việc này. Thông báo chính thức của cả hai phía cho biết ông Phạm hủy bỏ tham dự cuộc giao lưu do “những vấn đề trong việc sắp xếp công việc.”

Tàu khoan Deepsea Metro 1 hoạt động theo hợp đồng với công ty quốc tế Talisman-Vietnam. Khu vực Việt Nam thăm dò là lô 136-03 theo cách gọi của Việt Nam trong khi Trung Quốc gọi là lô Vạn An Bắc. BBC cũng dẫn lời một nguồn tin trong ngành cho biết Talisman-Vietnam đã bị từ chối cấp phép khoan dầu trong ba năm qua do lo ngại làm Bắc Kinh tức giận.

Tờ “Diplomat” thì cho rằng vụ việc Tướng Phạm Trường Long đột ngột cắt ngắn chuyến thăm là bước lùi lớn nhất trong quan hệ song phương kể từ cuộc khủng hoảng giàn khoan vào tháng 5/2014.

Tờ báo này dẫn một nguồn tin giấu tên từ Việt Nam cho biết ông Phạm đã “nêu vấn đề Việt Nam khoan dầu với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và yêu cầu Việt Nam dừng khoan dầu ở lô 136-03.

Các nguồn tin Việt Nam cho hay vị lãnh đạo Việt Nam không được tiết lộ danh tính được cho là đã “mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam” trước yêu cầu của ông Phạm, và chính cuộc trao đổi này giữa Tướng Phạm và vị lãnh đạo Việt Nam đã khiến ông Phạm Trường Long hủy tham dự cuộc giao lưu quốc phòng đã được lên kế hoạch từ trước.

Theo phân tích của phóng viên Bill Hayton của BBC, người nhiều năm theo dõi những diễn biến trên Biển Đông, thì nguyên nhân Hà Nội có hành động quả quyết trước Bắc Kinh là vì Hà Nội có lẽ cho rằng Trung Quốc đang thúc đẩy ý tưởng “Một Vành đai, Một Con đường” (OBOR) cũng như Hiệp định đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) trong khi Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra vào mùa thu năm nay nên họ khó lòng leo thang căng thẳng trong khu vực.

Trao đổi với VOA, GS Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói rằng vùng biển mà Việt Nam thăm dò thuộc thềm lục địa của Việt Nam và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đã nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền trên Biển Đông nên “Trung Quốc không có lý do gì để nói vấn đề ở đây là vấn đề tranh chấp”.

“Trung Quốc chỉ ỷ thế mạnh để lấy thịt đè người,” ông Long nói.

“Lúc trước Việt Nam còn nhân nhượng Trung Quốc nhưng bây giờ đã có phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế thì Việt Nam thấy rằng Việt Nam có lý do để theo đuổi phán quyết của tòa án ở The Hague,” ông nói thêm.

Hơn 30 tổ chức kêu gọi điều tra cái chết của Nguyễn Hữu Tấn

VOA

Ân xá Quốc tế và hơn 30 tổ chức khác vừa gửi thư ngỏ cho Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm, kêu gọi Việt Nam tiến hành một cuộc điều tra “độc lập, không tư vị và hiệu quả” về cái chết gây nhiều nghi vấn của ông Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, tại trại tạm giam công an Vĩnh Long hồi đầu tháng 5.

Trong thư, các tổ chức kêu gọi Việt Nam chấm dứt đe dọa và sách nhiễu đối với gia đình ông Tấn.

Ông Nguyễn Hữu Tấn bị công an bắt vào ngày 2/5 với cáo buộc “phát tán tài liệu chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam”, vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Ngày hôm sau, công an báo cho gia đình biết ông Tấn đã dùng dao cắt cổ tự sát.

Gia đình nói họ không tin ông Tấn tự tử, mặc dù chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã chiếu cho gia đình xem hai đoạn video, trong đó có một người đàn ông cầm dao tự cắt cổ và chính quyền nói đó là Nguyễn Hữu Tấn.

Tuy nhiên, thư ngỏ của các tổ chức quốc tế dẫn lời ông Nguyễn Hữu Quang, cha của Nguyễn Hữu Tấn, cho biết trong video đầu tiên, người đàn ông cầm dao bằng tay trái tự cắt cổ mình, trong khi Nguyễn Hữu Tấn là người thuận tay phải. Còn người đàn ông tự cắt cổ trong đoạn video thứ hai mà công an chiếu cho gia đình xem lại có động tác khác với người đàn ông trước. Vì vậy, ông nghi ngờ cả hai video đều được ngụy tạo.

Ông Nguyễn Hữu Quang bày tỏ hoài nghi rằng con trai ông có thể đã bị tra tấn và giết chết. Vì sau khi trông thấy những vết thương trên thi thể con, ông Quang cho là khó có khả năng nạn nhân tự gây ra những vết thương này.

Theo thư ngỏ, gia đình ông Tấn đã yêu cầu đưa thi thể ông về nhà để tiến hành khám nghiệm tử thi độc lập, nhưng công an đã giữ thi thể trong nhiều giờ trước khi trả. Khi trả lại, họ đã lau sạch vết máu trên xác ông Tấn và may lại vết đứt trên cổ họng nạn nhân. Ngoài ra, công an cũng phá hủy và tịch thu điện thoại của thân nhân ông Tấn sau khi họ chụp ảnh tử thi.

Dân biểu Chris Smith (trái) và bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của ông Nguyễn Hữu Tấn, tại buổi điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ, ngày 25/5/2017.

Dân biểu Chris Smith (trái) và bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của ông Nguyễn Hữu Tấn, tại buổi điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ, ngày 25/5/2017.

Tại buổi điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ, thân nhân ông Nguyễn Hữu Tấn cho biết gia đình đã phải sống trong sự sợ hãi và hoảng loạn sau cái chết của ông.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ông Tấn, nói công an liên tục gây áp lực và đe dọa gia đình. Theo lời bà Phượng, chính quyền còn dọa sẽ bắt giam anh và em trai ông Tấn.

Trả lời VOA tối 6/7, bà Phượng cho biết ngôi nhà của gia đình ông Tấn đang bị theo dõi bằng nhiều camera gắn ở các nhà hàng xóm xung quanh và rất khó liên lạc bằng điện thoại.

“Họ cài đặt tùm lum, cô lập nhà em. Camera giờ họ đặt đầy nhà, ngang cửa, qua cửa tùm lum, cả chục máy”.

Cùng ký tên trong thư ngỏ có Ủy ban Cứu người Vượt biển, Ủy ban Luật gia Quốc tế, Nhân quyền Không biên giới Quốc tế, Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á châu và nhiều tổ chức tôn giáo, xã hội dân sự khác.

Giám đốc điều hành của tổ chức Công giáo Đoàn kết Toàn cầu (CSW), Mervyn Thomas, trong bài viết đăng trên trang web của tổ chức, nhận định: “Đây là một trường hợp gây sốc và bi thảm” và “Việc quấy rối các thành viên trong gia đình là phi lý, bất hợp pháp và vô nhân đạo”.

Theo thống kê chính thức của Bộ Công an công bố vào tháng 3/2015, chỉ trong khoảng thời gian 3 năm, từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014, đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ hay trại tạm giam trên toàn quốc Việt Nam. Bộ Công an lý giải nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này là do “bệnh lý” và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam “tự sát”.

IMF hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam

0
VOA

Ngày 6/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6,3%, so với mức dự báo 6,5% đưa ra hồi tháng 5.

Theo IMF, lĩnh vực dầu mỏ của Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong nửa đầu năm nay, nhưng tăng trưởng cơ bản được duy trì nhờ hoạt động sản xuất và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cũng như sự phục hồi trong lĩnh vực nông nghiệp.

IMF dự báo lạm phát tại Việt Nam sẽ ổn định ở mức khoảng 5% và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ giảm đôi chút do nhập khẩu tăng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ ra các rủi ro như nợ công cao, giải quyết nợ xấu chậm, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, các cú sốc từ bên ngoài ảnh hưởng đến nhu cầu, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự sụp đổ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là những yếu tố đã ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng ngắn hạn của Việt Nam.

Giám đốc điều hành IMF nói việc thắt chặt chính sách tài khóa là thích hợp. Tuy nhiên theo quan sát của IMF, Việt Nam nên giữ nguyên chính sách tiền tệ, nhưng phải thật cảnh giác với những dấu hiệu tăng lạm phát cơ bản.

Mặc dù hạ mức dự báo tăng trưởng, IMF lại khá lạc quan khi cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi từ chương trình cải cách đầy tham vọng của chính phủ.

IMF nói chương trình cải cách mà chính phủ Việt Nam đề ra có thể giúp nền kinh tế Việt Nam tăng khả năng tăng trưởng và thích ứng với các cú sốc. Tổ chức tài chính quốc tế cũng đánh giá cao kế hoạch “sáp nhập tài chính hợp lý, bắt đầu từ năm nay, mặc dù các biện pháp cụ thể vẫn chưa được đưa ra đầy đủ”.

Theo IMF, việc triển khai nhanh chóng các hiệp định thương mại song phương, chẳng hạn như FTA với EU, có thể giúp đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

IMF dự báo GDP của Việt Nam vào năm 2018 sẽ là 6,3%.

Năm ngoái, tăng trưởng của Việt Nam đạt mức 6,2%, giảm mạnh so với mức 6,7% vào năm 2015.

Năm nay, mục tiêu tăng trưởng Việt Nam đặt ra là 6,7%.

(Theo IMF, Financial Times, Business Insider)

Báo cáo LHQ: Việt Nam chót bảng Đông Nam Á về an ninh mạng

0
VOA

Báo cáo Chỉ số An ninh Toàn cầu năm 2017 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), thuộc Liên Hiệp Quốc, xếp hạng Việt Nam ở vị trí 101 trong số 195 quốc gia trên thế giới, đứng cuối bảng trong số các quốc gia Đông Nam Á về an ninh mạng.

Tiêu chí xếp hạng của ITU dựa trên cơ sở pháp lý, kỹ thuật và các thể chế kỹ thuật, khả năng nghiên cứu, đào tạo và hợp tác trong việc chia sẻ thông tin.

Việt Nam hiện có hơn một nửa trong số 92 triệu dân sử dụng mạng internet.

Những năm gần đây, Việt Nam luôn bị xếp vào danh sách các nước có nguy cơ cao về an ninh mạng.

Hãng an ninh mạng Kaspersky cho biết trong năm 2016, Việt Nam là quốc gia có số người gặp sự cố máy tính cao nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với tỷ lệ 68%. Trong khi đó, báo cáo của Microsoft cho thấy Việt Nam luôn nằm trong top 5 quốc gia trên thế giới bị mã độc tấn công dữ dội.

Những vụ tấn công vào hệ thống thông tin của các sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất trong thời gian qua đã làm tăng thêm quan ngại về lỗ hổng an ninh mạng tại Việt Nam.

Trong báo cáo vừa được ITU công bố, Singapore đứng đầu về Chỉ số An ninh Toàn cầu năm 2017, trong khi các nước khác trong khu vực như Malaysia và Thái Lan đều lọt vào Top 20.

Các nước xếp vị trí tiếp theo trong số 10 nước có mức độ an ninh mạng cao là Mỹ, Malaysia, Oman, Estonia, Maurituis, Australia, Georgia, Pháp và Canada.

Trung Quốc đứng thứ 34 trong bảng xếp hạng.

Báo cáo của tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc nói chỉ có 38% các quốc gia trên toàn cầu có chiến lược an ninh mạng công khai, trong khi chỉ có khoảng 12% đang phát triển chiến lược về an toàn không gian mạng.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng an ninh mạng không chỉ là mối quan tâm của chính phủ, mà còn cần sự hợp tác của khu vực tư nhân và người sử dụng mạng.

(Theo ITU, China Daily, VnEpress)

Việt Nam gia hạn cho Ấn khai thác dầu ở Biển Đông

0
VOA

Việt Nam gia hạn việc nhượng quyền khai thác dầu mỏ cho Ấn Độ tại Biển Đông và bắt đầu khoan thăm dò tại một khu vực khác đang tranh chấp với Trung Quốc, các động thái có thể làm gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền tại vùng biển trọng yếu này.

Mọi việc diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ Việt-Trung.

Việt Nam tuyên bố chủ quyền một số nơi trên Biển Đông và Ấn Độ vừa mới phái chiến hạm theo dõi Eo biển Malacca, nơi hầu hết nguồn cung cấp năng lượng và thương mại của Trung Quốc đi qua.

Việt Nam gia hạn cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh thêm hai năm nữa để thăm dò khu vực 128 trong một văn thư gởi đến công ty tuần này, giám đốc điều hành công ty quốc doanh ONGC Videsh cho Reuters biết.

Một phần của khu vực này nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Đây là thủy lộ với hơn 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại mỗi năm mà Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền.

Một giới chức cao cấp của ONGC Videsh, yêu cầu được dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, nói khu vực này được chú trọng về chiến lược hơn là thương mại, bởi việc khai thác dầu tại đây được xem là ‘năm ăn năm thua’ vì trữ lượng trung bình.

“Việt Nam cũng muốn chúng tôi có mặt ở đây vì sự can thiệp của Trung Quốc tại Biển Đông,” giới chức này nói.

Công ty quốc doanh PetroVietnam từ chối bình luận về vụ việc. Việt Nam cấp phép cho công ty Ấn lần đầu tiên vào năm 2006, nhưng giấy phép hết hạn vào giữa tháng 6 năm nay.

Xa hơn về phía nam của lô 128, công tác khoan dò đã khởi sự tại một lô cùng sở hữu bởi công ty quốc doanh dầu khí của Việt Nam, công ty Repsol của Tây Ban Nha và công ty Mubadala Development Co của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Công ty Deepsea Metro I, do Odfjell Drilling Ltd điều hành đã bắt đầu khoan tìm tại đây từ giữa tháng trước nhân danh công ty Repsol SA của Tây Ban Nha, công ty này cũng có quyền khai thác tại khu vực kế cận 07/03.

Odfjell từ chối bình luận về vị trí rõ ràng của giàn khoan, nhưng dữ liệu về hàng hải cho thấy đây là lô 136/3, cũng nằm trong khu vực mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền.

PetroVietnam không đưa ra lời bình luận.

Khi được hỏi về hoạt động này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc phản đối bất cứ nước nào “thực hiện đơn phương, các hoạt động bất hợp pháp về dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển Trung Quốc có chủ quyền.”

Ông Cảnh nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng: “Chúng tôi hy vọng là các nước liên hệ có thể hành động trên căn bản gìn giữ hòa bình và ổn định trong vùng và không làm việc gì làm tình hình phức tạp thêm.”

Tướng Trung Quốc Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến đi thăm Việt Nam và một hội nghị hữu nghị tại biên giới Việt-Trung đã bị hủy bỏ vào thời điểm việc khoan dầu bắt đầu.

Tranh chấp chủ quyền trên biển càng chứng tỏ sự thiếu tin cậy lẫn nhau kéo dài nhiều thế kỷ giữa Trung Quốc với Việt Nam, dù hai nước cùng chia sẻ ý thức hệ cộng sản và thương mại song phương đang gia tăng.