Home Blog Page 1119

Trung Quốc tập trận sát Việt Nam: Hù dọa trên bộ để áp lực trên biển ?

0
RFI

Trong hơn một tháng gần đây, báo giới quốc tế đã bình luận rất nhiều về căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, với sự kiện Bắc Kinh dọa tấn công các cơ sở Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu Hà Nội không đình chỉ việc cho khoan dò tìm trong khu vực lô 136-06 gần bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng nằm trong đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Việt Nam đã tuyên bố có toàn quyền trong vùng biển của mình, nhưng trong thực tế thì một công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol được giao phó việc thăm dò đã cho tàu khoan của mình rút ra khỏi vùng khai thác và trở lại Malaysia hôm 14/08/2017. Đối với giới quan sát, dù Việt Nam không chính thức nói gì về vụ này, nhưng đã phải lùi bước trước sức ép quá mạnh của Trung Quốc, và nhất là khi Bắc Kinh đe dọa dùng võ lực.

Khả năng Bắc Kinh dùng võ lực đối với Việt Nam mới đây đã được trang blog Pháp East Pendulum chuyên về Trung Quốc, gợi lên trong một bài phân tích về một tháng tập trận rầm rộ của Trung Quốc trong tháng 8 gần biên giới trên bộ với Việt Nam. Bài viết đăng ngày 22/08/2017 mang tựa đề : « Sắp tròn một tháng tập trận đổ bộ ngay trước cửa ngõ Việt Nam – Bientôt un mois d’exercice amphibie devant la porte du Vietnam ».

Bài viết của tác giả Henri Kenhmann trước hết phân tích về thời gian và địa điểm của cuộc tập trận do lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Trung Quốc tiến hành: Đó là từ đầu tháng 8, ở khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ, gần biên giới Trung-Việt, với một loạt bài tập đổ bộ, bắn đạn thật.

Phân tích các thông báo từ phía giới chức hữu trách Trung Quốc, quy định thời hạn mà một số khu vực trên biển được dành riêng cho quân đội nước này, cấm mọi tàu thuyền không phận sự qua lại, tác giả bài viết cho rằng cuộc tập trận đổ bộ này có dấu hiệu là đã bắt đầu vào ngày 01/08 và có lẽ kéo dài ít ra là cho đến ngày thứ Tư 23/08 vừa qua, tức là hai hôm sau khi bài báo được công bố.

Huy động lực lượng rầm rộ, thị uy sát bờ Việt Nam

Về địa điểm, người ta có thể ghi nhận là các vùng tập trận di chuyển từ từ về phía Tây, nghĩa là về hướng Việt Nam. Thoạt đầu là ở khu vực đảo Tà Dương ở chếch về phía đông, gần bán đảo Lôi Châu, sau đó chuyển qua phía tây, vượt quá đảo Vi Châu, đến khu vực gần thành phố Bắc Hải ở Quảng Tây, rồi đi xa hơn nữa về vùng biển ngoài khơi Phòng Thành Cảng, một huyện giáp giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, trước khi ngược đường trở lại khu vực phía đông.

Cho dù Quân Đội Trung Quốc không muốn tiết lộ vị trí chính xác của các cuộc tập trận,nhưng theo tính toán của East Pendulum, vùng diễn tập của Thủy Quân Lục Chiến Trung Quốc có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 cây số!

Theo hình ảnh và tài liệu công bố chính thức của Quân Đội Trung Quốc, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến của họ đã triển khai những đơn vị phòng không, trọng pháo và xe thiết giáp, như loại súng cối PLZ-07B, xe tăng lội nước ZTD-05, và cả loại chiến xa lội nước của bộ binh ZBD-05.

Theo bình luận trong một bài phóng sự trên đài truyền hình CCTV-7, thì đó là một “chiến dịch tập luyện đổ bộ” xoay quanh khoảng 30 đề mục khác nhau, trong đó có việc phá hủy tàu ngầm đối phương, tấn công đổ bộ, tấn công những mục tiêu trên biển và đất liền.v…v…

Theo East Pendulum, ngoài lực lượng Thủy Quân Lục Chiến và các đơn vị cơ giới bọc thép của họ, Hải Quân và Lục Quân Trung Quốc có dấu hiệu cũng tham gia thao diễn, nhưng cho dù thông tin này cần xác minh thêm.

Tác giả bài viết giải thích: Những hình ảnh đăng hôm 21/08 cho thấy một lữ đoàn không quân của Lục Quân Trung Quốc, thuộc Bộ Tư Lệnh Miền Đông, được đưa đến một chiếc tàu chở phương tiện đổ bộ trong một chiến dịch hổn hợp.

Một cách cụ thể, người ta thấy loại trực thăng chiến đấu Z-10, xuất hiện bên cạnh chiếc 998 Côn Lôn Sơn (Kunlun Shan), chiếc tàu đổ bộ cực lớn đầu tiên của lớp 071, trực thuộc Hạm Đội Nam Hải.

Đối với tác giả bài viết trên trang blog Pháp, cho đến giờ này, người ta không biết là đó quả đúng là một chiến dịch tập huấn bình thường như phóng sự trên đài truyền hình Trung Quốc cho thấy, hay là đó là loạt tập trận có liên hệ đến việc Việt Nam thăm dò dầu khí ở trên Biển Đông với sự hợp tác của các tập đoàn nước ngoài.

Trung Quốc : Quan ngại ở đâu thì tập trận Hải Quân ở đó

Trong những tuần lễ gần đây, Trung Quốc đã liên tục tổ chức những cuộc tập trận quy mô tại khu vực Hoàng Hải. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của báo giới. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post có bài phân tích  ngày 18/08/2017 mang tựa đề “Trung Quốc đang lo ngại điều gì? Đáp án nằm ở nơi Trung Quốc tập trận hải quân – What’s China worried about? Clue lies in where it’s holding navy drills”, tờ báo này đã cho rằng nỗi lo của Trung Quốc được thấy rõ qua việc chuyển trọng tâm chú ý từ Biển Đông lên Hoàng Hải.

Trung Quốc đã chuyển hướng thao diễn Hải Quân từ vùng Biển Đông ở phía nam, lên vùng biển Hoàng Hải ở phía đông bắc, trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân Bắc Triều Tiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự.

“Căng thẳng ở Biển Đông đã giảm do quan hệ Trung Quốc Philippines đã cải thiện” như nhận định của Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), một bình luận gia về quân sự ở Thượng Hải. Theo chuyên gia này, dù có thắng ở Tòa Trọng Tài La Haye vào năm ngoái trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng giờ đây Manila quan tâm hơn đến hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.

Đầu tuần trước, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano thông báo là Trung Quốc đảm bảo với Philippines sẽ không chiếm thêm vùng biển đảo mới nào nữa ở Biển Đông, theo một thỏa thuận giữ ‘nguyên trạng’mà Manila đã chuẩn bị.

Tuy nhiên, theo lời ông Nghê Nhạc Hùng, “khu vực đông bắc đang gặp nguy hiểm sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng [đối với Bắc Triều Tiên] súng ống của quân đội Mỹ giờ đã “lên nòng”.

“Nếu Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên, Trung Quốc sẽ khó xử, vì cả hai quốc gia [Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ] đã ký Hiệp Định Hữu Nghị, Hợp Tác và Hỗ Tương năm 1961, qua đó Bắc Kinh cam kết trợ giúp Bình Nhưỡng trong trường hợp bị tấn công.”

Vào đầu tháng này Hải Quân Trung Quốc đã tiến hành 4 ngày thao diễn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên ở biển Bột Hải và Hoàng Hải, huy động tàu chiến, tàu ngầm, cũng như Thủy Quân Lục Chiến của 3 hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải, cũng như lực lượng bộ binh thuộc Quân Khu Phương Bắc. Đây là cuộc tập trân bắn đạn thật lớn nhất được tiến hành trong khu vực này, theo truyền thông Trung Quốc, với hàng chục loại hỏa tiễn được phóng đi.

Một tuần trước đó,khi tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Giải Phóng Quân Trung Quốc, Hải Quân Trung Quốc cũng đã thực hiện 3 ngày tập trận ở Hoàng Hải. Cuộc thao diễn được tiến hành ở phía tây bán đảo Triều Tiên, ở vùng biển nằm giữa Thanh Đảo và Sơn Đông và Liên Vân Cảng, ở tỉnh Cam Túc ở phía đông.

Chuyên gia về Hải quân Lý Kiệt (Li Jie) ở Bắc Kinh, cho rằng việc chuyển trọng tâm thao diễn từ Biển Đông lên Hoàng Hải là câu trả lời của Trung Quốc trước loạt tập trận chung tiến hành từ năm 2013 giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo ông Lý Kiệt: “Trung Quốc muốn cho Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc thấy sức mạnh hải quân của mình và cảnh báo đối thủ là đừng gây hấn với Bắc Triều Tiên với nhiều đợt tập trận như vậy và không được phá vỡ hiệp định đình chiến của cuộc chiến tranh Triều Tiên’’. Bắc Kinh cũng muốn nhắc nhở Hoa Kỳ là ‘‘không nên tổ chức tập trận quá gần Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên.’’

Tần số tập trận Mỹ, Nhật, Hàn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên gia tăng theo nhịp độ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên và từ khi ông Moon Jae In lên nắm quyền vào tháng 5.

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc còn cho biết  là họ vẫn tiếp tục các cuộc tập trận ở quy mô lớn, trên biển; trên bộ và trên không vào hạ tuần tháng này.

Bắc Kinh dĩ nhiên không thể để yên cho tiến hành những hành động quân sự kiểu này mà không phản ứng.

Cục Quản lý Dược đã quản lý như thế nào?

TIẾNG DÂN

LTS: Nhân dịp nhà báo Mai Bá Kiếm nhắc lại sự kiện dược sĩ Phan Văn Tín, Vụ trưởng Vụ Quản lý dược, treo cổ tự tử chết ngày 5/3/1993, cũng như những vụ bê bối tham nhũng ở cục này từ thời Bộ trưởng Y tế Nguyễn Trọng Nhân, Tiếng Dân xin được giới thiệu lại hai bài viết cũ của ông Mai Bá Kiếm, bút danh Vương Linh, đăng trên báo Phụ Nữ, 21 năm trước, năm 1996.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

____

Phụ Nữ

Cục quản lý dược đã quản lý như thế nào? – Phần 1

Vương Linh

Số 96/ năm 1996

Báo Phụ Nữ số ra ngày 14/4/1993 đã đăng bài vụ quản lý dược bộ y tế: “cửa ngõ” nhập thuốc tây dỏm, phản ảnh việc Vụ trưởng Vụ Quản lý dược Phan Văn Tín qua mặt hội đồng xét duyệt, cấp số đăng ký cho hàng trăm mặt hàng thuốc, mà không kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng!

Vụ án này sau đó đã được khởi tố điều tra, rồi đình chỉ. Bộ Y tế đã đổi tên Vụ thành Cục Quản lý Dược, thay thế lãnh đạo cục và thành phần hội đồng xét duyệt. Và gần đây nhất, ngày 11/7/96, bộ y tế đã ban hành quy chế đăng ký thuốc thay thế quy chế cũ. Tuy nhiên, bao đổi thay về hình thức đó vẫn chưa làm cho công tác quản lý thuốc chặt chẽ và hiệu quả hơn!

Bài học dài ba năm

Ngày 3/2/1993, Bộ Y tế công bố kết quả thanh tra tại vụ quản lý dược, tuy phần kết luận được làm nhẹ nhàng, nhưng nội dung của vụ việc đã làm cho những người am hiểu sức khỏe con người phải giật mình!

Báo cáo cho biết, mặc dù có nhiệm vụ đề xuất cho hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc nhập vào Việt Nam nhưng Vụ Quản lý dược không hề kiểm nghiệm mẫu thuốc trước khi trình hội đồng như quy định. Tính đến tháng 7/92, tổng số thuốc và nguyên liệu đã được cấp số đăng ký là 1.476 mặt hàng với 7.380 mẫu nộp cho vụ quản lý dược, nhưng vụ đã không tiến hành kiểm nghiệm một mẫu nào, để lưu kết quả kiểm nghiệm, kèm theo hồ sơ đăng ký. Đáo để hơn, với nhiệm vụ Vụ trưởng, dược sĩ Tín đã chuẩn bị hồ sơ xin cấp số đăng ký trình hội đồng, rồi với chức danh ủy viên thư ký hội đồng, dược sĩ Tín, không hề thông qua hội đồng, làm quyền ký quyết định cấp số đăng ký cho 149 mặt hàng.

Dĩ nhiên 149 mặt hàng “tự vẽ bùa” của dược sĩ Tín cũng không hề được kiểm nghiệm. Trước chuyện đã rồi, thanh tra Bộ Y tế bèn lấy 708 mẫu thuốc đã nhập chính ngạch vào Việt Nam, để kiểm tra “nguội”. Kết quả theo báo cáo ngày 28/7/1992 của phân viện kiểm nghiệm, có 98 mẫu không đạt chất lượng, chiếm tỷ lệ 13,7%!

Từ ngày ấy đến nay, công việc cấp số đăng ký thuốc ngoại cứ liên tục phát triển. Tính đến 15/11/1996, có 153 công ty nước ngoài được bộ y tế cấp số đăng ký cho hơn 3.500 mặt hàng thuốc ngoại nhập. Rồi cũng đến 23/11/1996, chính cục quản lý dược ra thông báo đình chỉ lưu hành 140 lô hàng thuốc, trong đó 63 mặt hàng ngoại nhập. Các lô hàng bị đình chỉ đã được phát hiện kém chất lượng một cách tình cờ! cho nên, chỉ có trời hoặc… một cuộc tổng kiểm nghiệm thuốc đang lưu hành trên toàn quốc, mới biết chính xác có bao nhiêu mặt hàng thuốc ngoại nhập, trong số 3.500 mặt hàng được cấp số đăng ký, là thuốc dỏm!

Theo các văn phòng đại diện hãng thuốc nước ngoài tại Việt Nam thì gần đây, thủ tục xét duyệt cấp số đăng ký theo quy chế mới rất nghiêm ngặt, và chờ đợi kết quả rất mỏi mòn.

____

Phụ Nữ

Cục quản lý dược đã quản lý như thế nào? – Phần 2

Vương Linh

Số 96/năm 1996

Thời gian thông báo kết quả cấp hay không cấp sổ đăng ký kéo dài đến cả năm (quy chế hạn định thời gian xét duyệt không quá 12 tháng). Một giám đốc công ty dược quốc doanh ở miền Tây cho chúng tôi biết, chính vì thế mà, họ phải lách bằng cách nhập thuốc theo giấy phép chuyển. Tất cả danh mục đơn hàng thuốc đều được ghi những mặt hàng của những hãng nước ngoài đã được cấp số đăng ký. Rồi sau đó, họ tráo mặt hàng cùng thương hiệu hoặc khác thương hiệu nhưng cùng hoạt chất chính của các hãng khác, chưa được cấp số đăng ký.

Thí dụ điển hình là công ty Dopharco, như đã dẫn chứng ở bài báo trước. Sau bài báo này, có nhà chuyên môn đã điện đến cho rằng tác giả ngây thơ khi viết: “có thể nghiệp vụ dược của hải quan còn yếu”. Ông cho rằng, trong đơn hàng được bộ y tế duyệt, từng mặt hàng đều có ghi số đăng ký, hoạt chất chính, tên hãng sản xuất và hãng phân phối. Cho nên, chỉ cần đối chiếu bộ chứng từ nhập khẩu (vận đơn, hóa đơn) là có thể phát hiện dễ dàng mặt hàng nào sai nhãn hiệu, sai hãng sản xuất, chứ không cần hiểu biết về dược phẩm.

Đừng để Việt Nam là nạn nhân của thuốc dỏm

Tổ chức y tế thế giới đã nhiều lần báo động 7% lượng thuốc bán ra là thuốc giả, tỷ lệ này ở Nam Mỹ là 30% và châu Phi 60%! Còn Việt Nam là bao nhiêu, chưa ai thống kê! Tổ chức Y tế Thế giới đã gọi hệ thống sản xuất và phân phối thuốc giả là “thế giới thuốc ngầm”. Lên minh EU gần đây đã báo động có những phòng bào chế thuốc bí mật ở Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp, giả nhãn hiệu thuốc châu  u và Bắc Mỹ. Interpol cũng báo cáo Bỉ là nước trung chuyển các sản phẩm giả hiệu được bào chế tại các nước châu Á.

Lời dự báo này có liên quan gì, khi Dopharco xin nhập thuốc Griseofulvin của hãng Clinmidy và Kamamycin của hãng Exphar Sa (Bruxelles, Bỉ), nhưng trong bộ chứng từ nhập khẩu lại thể hiện hai mặt hàng trên do hãng Flaming và Gracure của Ấn Độ sản xuất? Đặc biệt, trên nhãn thuốc không ghi do hãng Ấn Độ sản xuất, mà lại ghi tên hãng phân phối thuốc là EC Pharma France – Exphar SA.

Việt Nam có nằm trong hệ thống phân phối của “thế giới thuốc ngầm” hay không? Câu hỏi này xin nhường cho Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Chúng tôi chỉ xin báo động rằng, thể thức xét duyệt cấp số đăng ký thuốc ngoại và thể thức cấp phép nhập khẩu chuyến của Bộ Y tế là quá lỏng lẻo.

Theo thông lệ quản lý dược của hầu hết các nước trên thế giới, Bộ Y tế phải nắm chắc  nhu cầu sử dụng thuốc, chủng loại thuốc từng năm của dân chúng. Đồng thời, biết rõ sản lượng và chủng loại thuốc mà các nhà bào chế trong nước sản xuất được. Từ đó, Bộ sẽ định ra quota thuốc nhập từng năm, từng chủng loại nào và của hãng nào trên thế giới. Mặt khác, việc phân bổ quota cho ai được nhập, Bộ Y tế giao cho hội đồng dược sĩ đoàn chịu trách nhiệm.

Trò chuyện với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa: “Oan uổng cho tài sức của dân tộc Việt”

TIẾNG DÂN

Tuấn Khanh ghi

30-8-2017

Sự kiện ông Trịnh Vĩnh Bình đang thắng thế trong cuộc chiến với Nhà nước VN, đòi 28.000 tỉ đồng, đang nhắc một chuyện rằng chưa nào giờ nền kinh tế của VN đang đứng trước nhiều khó khăn như hiện nay: nợ công tăng, tiền của nhiều dự án phải trả, cũng như hơn 200.000 tỉ đồng cần thanh khoản cho hệ thống nhà nước vào cuối quý 4 này. Nhiều người đồn đoán về một cú khủng hoảng lớn hay suy sụp của VN sắp tới, liệu điều đó có khả năng xảy ra không, thưa ông?

Đầu tiên, tôi muốn định nghĩa là thế nào là suy sụp. Tôi lấy ví dụ là năm 1997, Thái Lan đã trãi qua một giai đoạn tăng trưởng rất nhanh trong 8 nước có chủ trương tân hưng. Rồi bất ngờ vào ngày 2/7/1997 thì Thái Lan rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, kéo dài đến 10 năm. Điều này tác động đến nhiều thứ thay đổi ở Thái. Trở lại định nghĩa suy sụp, tôi tin rằng chọn một mô hình phát triển kinh tế thì bao giờ cũng gặp phải những khủng hoảng và suy sụp nhất định ở các mặt. Có thể là 5 năm, có thể là 10 năm. Nhưng khủng hoảng về chính trị thì dễ chữa chứ còn khủng hoảng về văn hóa thì khó chữa hơn. Điều mà tôi ngại ở Việt Nam là vấn đề đó, tức tan nát từ văn hóa, đặc biệt khi Việt Nam ở bên cạnh Trung Quốc.

Trong bối cảnh mà thế giới cứ khoảng 5 năm lại bùng phát các đợt sáng tạo và thay đổi, thì sự suy sụp mà ta nói đến, sẽ kéo Việt Nam trì trệ sâu hơn, oan uổng cho tài sức của người Việt, của dân tộc Việt.

Tôi không nói Việt Nam sẽ sụp đổ về tài chính công, tức nói thẳng là nợ, mà sẽ gặp căng thẳng vô cùng về ngoại hối. Vì lẽ trong giai đoạn 2008-2014 đồng Mỹ kim trị giá thấp, ai nấy đều vay tiền Mỹ. Nay thì tiền Mỹ có giá hơn nên nợ trở nên cao hơn. Đặc biệt là chuyện vay nhiều rồi dùng sai mục đích, tham nhũng, chia chác… thì không có cách  gì trả nổi. Và chính giai đoạn đó sẽ dẫn đến đổ vỡ nhiều thứ và nhiều hậu quả, kể cả mất luôn các cơ hội tăng trưởng cùng nhịp với thế giới. Nhưng để gọi là suy sụp hay sụp đổ một chế độ thì không đơn giản là dựa vào các yếu tố  như vậy.

Nhà nước CSVN lâu nay vẫn kềm giữ sự bình ổn trong xã hội bằng bẫy thu nhập trung bình. Thế nhưng các vấn đề tài chính gần đây đã bắt đầu có những tác động như qua việc tăng thuế, tăng giá sinh hoạt… Sự liên kết phản ứng của giới tài xế trước việc lạm thu BOT ở Cai Lậy cũng là một chỉ dấu tạm gọi, về sự bất mãn của giới trung lưu. Đó có là những vấn đề liên quan đến khía cạnh chính trị, dù chưa rõ ràng?

Tôi nghĩ là chỉ một phần thôi. Vấn đề của giới trung lưu có hai mặt. Mặt kinh tế thì họ sẽ nhận thức xã hội khác đi khi họ bị mất quyền lợi thu nhập như trước. Nói nôm na là nghèo đi. Còn mặt ý thức chính trị thì luôn luôn là một ẩn số. Bởi trình độ văn hóa và tư duy về luật pháp-xã hội ở mỗi quốc gia đều khác nhau. Nhìn về Hàn Quốc, thì phải có một tầm mức nhận thức chung nào đó thì giới trung lưu mới cùng với dân chúng cùng xuống đường bãi nhiệm bà tổng thống Park Geun-hye như vậy.

Tôi thì quan tâm nhiều hơn đến thành phần gọi là trung lưu thấp, hoặc giai cấp nghèo hơn, vì ít ai để ý đến họ. Báo chí nước ngoài đến Việt Nam phỏng vấn thường tìm đến những người biết tiếng Anh, chứ ít khi nào gặp những bà cụ ở thôn quê hay gia đình những ngư dân chết dở sống dở vì biển bị nhiễm độc. Đó mới chính là tầng lớp phản ánh đúng về cuộc sống và mang khát vọng thay đổi xã hội lẫn chính trị.

Nhân dịp ông nói về giới “trung lưu thấp”, chúng ta hãy bàn về giới “trung lưu cao”. Nhà nước CSVN vẫn cố tạo một mặt bằng bình ổn cho giới này làm ăn, đầu tư và tạo ra một mặt bằng của Việt Nam có vẻ phồn vinh trong suốt giai đoạn hội nhập với thế giới. Nhưng rõ ràng là các lồng luật pháp nhốt giới trung lưu ngày càng chật với sự thành đạt của họ, đó là chưa nói về lớp đại gia như Phạm Nhật Vượng, Bùi Thành Dương, Trần Bá Nhơn… chẳng hạn. Liệu để đảm bảo cho quyền lợi và tương lai làm giàu của mình không bị tổn hại, giới này có tham gia tác động vào những thay đổi chính trị hay không?

Cũng có những lớp trung lưu nhận ra điều đó, nhưng không nhiều ở Việt Nam, bởi cái khó riêng của nó. Ở các nước khác, chẳng hạn như Đài Loan hay Hàn Quốc họ chấp nhận phần mất mát quyền lực của nhà cầm quyền để đất nước đổi thay qua các thời điểm tranh cử. Quốc Dân Đảng của Lý Đăng Huy hay Nam Hàn với Kim Đại Chung là những ví dụ rất rõ. Việt Nam không có đa nguyên đang đảng nên giới trung lưu ái quốc và tiến bộ hiện nay chỉ có thể nghĩ đến chuyện thay đổi kinh tế hay vậy chất mà thôi. Bị bao bọc bằng các luật lệ về chính trị nguy hiểm nên họ chỉ có thể mơ đến chuyện làm giàu và làm sao để không va chạm với thể chế. Và đó là cái dở, là ngõ cụt của giới trung lưu tiến bộ và ái quốc. Quan chức khuyến khích chỉ nên làm giàu chứ không nên đụng đến chính trị, nhưng với Việt Nam khi đã khủng hoảng chính trị đến, thì mọi thứ sẽ bị kéo sát đáy.

Nhắc về quá khứ, Nam Hàn và Việt Nam Cộng Hòa có cùng một trình độ  phát triển. Nhưng Việt Nam thì lại kẹt vào chiến tranh. Ngay lúc đó, Park Chung Hee đã yêu cầu giới kinh tế gia phải phác thảo những kế hoạch 10 và 20 năm cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, từ đó các tập đoàn tư doanh lớn ra đời, đặt nền móng cho các thương hiệu và nền sản xuất lớn của Nam Hàn về sau. Riêng Việt Nam thì khác, chẳng hạn công ty điện lực nhà nước tự mọc ra một loạt các công  ty con (cũng của nhà nước) để chia chác, mua bán, tham nhũng. Rồi các công ty con nào đó của Bộ Quốc Phòng chia chác, lạm dụng đất đai của dân chúng để làm giàu thì không là kế hoạch phát triển cho tương lai, thì chỉ là dự báo cho những khủng hoảng sẽ đến. Ngay cả Trung Quốc giàu mạnh vậy mà cũng đang vướng vào những chuyện khó gỡ tương tự thì Việt Nam không thể chạy khỏi.

Có thể trong con cháu của những người lãnh đạo, cũng có người có lòng nghĩ đến nước nhà nhưng chắc chỉ có một thiểu số nghĩ đến việc thay đổi chính trị. Nhưng với lợi thế của mình, phần lớn họ chỉ dám nghĩ đến việc làm giàu trước đã vì chính họ cũng nghĩ rằng các cơ hội như vậy sẽ không còn dài, trong một xã hội hay nền chính trị đầy bấp bênh trước mắt.

Cả Bộ trưởng lẫn Thứ trưởng tên Tiến đều lươn lẹo trong chữ nghĩa

TTT/ CafeF

30-8-2017

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến. Ảnh: internet

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc của công ty VN Pharma trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều tối ngày 30/8.

H-Capita không phải thuốc giả

Ông Nguyễn Viết Tiến nói với báo chí rằng thuốc H-Capita trong vụ việc của công ty VN Pharma không phải là thuốc giả. Theo phân tích của ông, H-Capita có dược chất, hàm lượng nằm trong khoảng cho phép, không mạo tên và sở hữu công nghiệp của thuốc khác. Do đó, ông Tiến nói rằng đây chỉ là thuốc kém chất lượng.

Bộ trưởng Tiến không nói em chồng làm tại VN Pharma

Báo chí cũng đặt câu hỏi về việc TGĐ VN Pharma trong chiều nay khẳng định em chồng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là Phó TGĐ VN Pharma, đi ngược với phát ngôn của Bộ trưởng Tiến trước đó.

“Lãnh đạo Bộ có nắm được thông tin người thân của Bộ trưởng làm việc tại doanh nghiệp dược này?”

Trả lời, ông Tiến nói: “Bộ trưởng không nói, chứ không phải nói không có”.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng cho biết theo quy định thì chỉ người thân của lãnh đạo như vợ, chồng, con, bố, mẹ không được tham gia trong lĩnh vực phụ trách chứ không đề cập đến các đối tượng như em chồng.

“Tôi cũng chưa bao giờ hỏi Bộ trưởng về việc này. Bộ trưởng cũng không báo cáo gì trong Ban cán sự Đảng Bộ Y tế”, ông Tiến cho hay.

Thứ trưởng Y tế cũng nhấn mạnh, các cán bộ của Bộ này đã phát hiện và tham mưu cho cơ quan chức năng vào cuộc trong vụ án liên quan đến VN Pharma. Theo đó, những người có thiếu sót đã giải trình và bị thuyên chuyển công tác, mặt khác lô thuốc kém chất lượng được ngăn chặn kịp thời, chưa có viên thuốc nào ra thị trường”, ông nói.

Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nói thêm rằng Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cấp phép nhập khẩu cho công ty VN Pharma để có sự minh bạch và công bố trước nhân dân. Việc thanh tra này, theo ông không chỉ riêng lô thuốc điều trị ung thư nhập khẩu nói trên mà sẽ kiểm tra toàn diện, trên quan điểm “không có vùng cấm”.

HỌ ĐANG CỐ LỪA GẠT KHÔNG BIẾT NGƯỢNG

Thủ tướng và Phó Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ vừa qua kiên quyết chỉ đạo thanh tra nghiêm ngặt làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý Dược trong vụ cho nhập lô H-Capita chữa ung thư. Nhưng ngay sau đó, như Thời sự VTV1 vừa đưa tin hôm nay, vị Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến vẫn khẳng định lô thuốc đó KHÔNG PHẢI là thuốc giả.
Lập luận rằng lô thuốc VN Pharma nhập có chứa 97% hoạt chất capecitabine, và như vậy nó là thuốc có đúng thành phần hoá dược chữa ung thư. Như vậy lỗi là làm giả mạo giấy tờ, nhưng thuốc không phải là giả. Hàm ý là nó vẫn chữa được bệnh, tuy là mạo danh.
Lập luận dựa trên thành phần thuốc, nói gì thì nói, sẽ làm không ít người tin vào điều: Do hám lợi nên người ta mạo danh thuốc chính hãng, nhưng không định đưa vào tay những bệnh nhân đang giành giật từng ngày sống từ tử thần thuốc giả, mà vẫn là thuốc có tác dụng giống thế.
Tôi cũng như phần tuyệt đại đa số người bình thường, không có chuyên môn về dược học, rất dễ bị thuyết phục bởi lập luận này.
Nhưng xin kể câu chuyện xảy ra với riêng tôi.
Cách đây nửa năm, tôi bị viêm răng lợi. Trước đây tôi thường mua uống Rodogyl, một loại thuốc mà chỉ uống vài viên đã thấy đỡ hẳn đau và sau hai ngày là hoàn toàn khỏi. Lần đó bác sỹ không kê Rodogyl, nói rằng hiện Rodogyl (của Pháp) không nhập nữa do đã sản xuất nội địa được, và thuốc được kê là thuốc nội, là thuốc tương tự, chỉ khác tên.
Tôi đã uống thuốc đó ba tuần và không thể dứt khỏi đau răng lợi. Kể cả khi đã tự tiện uống đến gấp đôi liều chỉ định. Cho đến khi một người bạn làm dược khi biết đã cười nói với tôi: Anh sẽ không thể khỏi nếu uống thuốc như thế.
Bằng nguồn nào đó, người bạn mua được cho tôi hộp Rodogyl của Pháp, và tôi chưa sử dụng hết 1/2 hộp thuốc (vẫn còn hộp dở giữ lại) thì đã hoàn toàn khỏi đau răng.
Khi đọc kỹ vỏ hai loại thuốc, tôi thấy thành phần giống hệt nhau, đều bao gồm hai thành phần Spiramycin và Metronidazole, liều lượng uống cũng giống nhau. Tôi thắc mắc làm sao giống nhau về thành phần thuốc mà khác nhau về tác dụng đến thế.
Tôi đã nhận được bài giảng sơ lược về chuyện này như sau:
Khi thời hạn độc quyền của thuốc gốc hết, người ta có thể sản xuất thuốc tương tự với các nguyên liệu giống thế. Nhưng thuốc tương tự này nếu muốn giống thuốc gốc phải qua 4 cấp độ khác nhau:
– Cấp độ sơ giản nhất là TƯƠNG ĐƯƠNG HOÁ HỌC, tức là thành phần nguyên liệu cơ bản giống với thuốc gốc. Như là trường hợp hai loại thuốc chữa đau răng kia có thành phần hoá học tương đương nhau. Hoặc nếu đúng thuốc H-Capita kia nếu thật sự chiếm 97% capecitabine cũng chỉ là tương đương hoá học với thuốc gốc.
– Cấp độ thứ hai là TƯƠNG ĐƯƠNG BÀO CHẾ, tức là về nguyên liệu và tá dược được bào chế quy trình giống nhau.
– Cấp độ thứ ba là TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC. Có nghĩa là khi vào cơ thể người, thuốc được bào chế đúng nên độ rã, độ hấp thụ tương đương với thuốc gốc. Nói ví dụ đơn giản: Dù thành phần hoá chất giống nhau nhưng chế viên thuốc trong các điều kiện sản xuất không giống nhau, tức không có cùng GMP (Good Manufacturing Practice ), cho nên loại thì tan và thẩm thấu vào cơ thể và phát huy tác dụng; Loại khác lại vẫn chưa rã hết và rồi thải ra theo đường khác nên cơ thể không nhận được hỗ trợ của thuốc. Hoặc có loại thuốc chữa đường ruột được bào chế tính toán sao cho giữ nguyên dạng khi trên đường đi, xuống đúng ruột mới rã, thì sẽ có tác dụng cao hơn loại rã ngay ở dạ dày. Để xác định tương đương sinh học, người ta phải thử nghiệm dùng thuốc trên người tình nguyện thuốc gốc và thuốc tương tự, sau đó đo nồng độ thuốc lưu trong máu hoặc các xét nghiệm khác.
– Cấp độ thứ tư, cao nhất, là TƯƠNG ĐƯƠNG ĐIỀU TRỊ. Có nghĩa là thuốc được sản xuất, thuốc gốc được xoá nhãn để không phân biệt được và điều trị cho các bệnh nhân (điều trị mù), kết quả thu được giống nhau. Phải có Hội đồng gồm các chuyên gia thẩm định qua thực tế điều trị thử nghiệm để xác định độ tương đương này.

Điều đó giải thích tại sao hai loại thuốc có thành phần hoá chất giống hệt nhau nhưng không được mạo tên nhau, không được lấy nhãn của nhau. Bởi thực tế nó có thể quá khác nhau về công dụng. Nếu mạo tên nhãn của nhau, thì nó là thuốc giả. Và điều đó được quy định qua Luật (Xem mục 24 điều 2 Luật Dược 2005 và mục 33 điều 2 Luật Dược 2016).
Và điều đó cũng giải thích tại sao có thể đến hàng năm, thậm chí vài năm một nhãn hiệu thuốc được đề nghị nhập khẩu vào Việt Nam mới được chấp nhận. Bỏ qua yếu tố quan liêu câu giờ thì có lý do: Để xác định chính xác công dụng của nó người ta phải qua quá trình thẩm định phức tạp. Dĩ nhiên, các trường hợp khẩn cấp hoặc thuốc gốc thì có thể khác. Lô H-Capita của VN Pharma, như báo chí viết, được cấp phép sau hai tháng – một tốc độ trong mơ.
Và điều đó cũng giải thích tại sao lô thuốc H- Capita này có giá rẻ bất ngờ (nếu không tính chuyện để có tiền trả cho hoa hồng bác sỹ, người ta nâng thuốc lên gấp ba lần, như báo chí viết).

Thưa ông Thứ trưởng Bộ Y tế, tôi không tin ông và những người nào đó cùng ông ở Bộ y tế lại có thể không biết những điều sơ đẳng trên về dược học. Các vị nói lấy được như vậy chẳng qua là các vị biết dân đen chúng tôi tất nhiên mù tịt vì mọi khái niệm “tương đương” giữa thuốc gốc và thuốc tương tự, các quy chuẩn để chấp nhận thuốc tương tự. Mà chúng tôi mù tịt thật, có điều chính những kẻ mù tịt về dược và y này đã bằng tiền thuế mình đóng nuôi bộ máy giám sát và quản lý là các vị, với niềm tin là được bảo vệ bởi sự giỏi giang của các vị. Hoá ra chúng tôi vừa mù tịt, vừa ngây thơ.
Nếu các vị quả thật là bị VN Pharma lừa, sao các vị phải ngồi xổm cả lên luật , lẫn kiến thức dược học mà các vị hẳn đầy trong đầu, để bảo vệ kỳ được VN Pharma bằng cái lập luận “không phải là thuốc giả”?
Tôi đã uống thuốc có thành phần tương đương và ba tuần không dứt khỏi các cơn đau răng. Chẳng chết người gì. Còn ung thư? Ung thư đâu phải là đau răng, thưa các vị?
Đừng làm ra vẻ vô tư lương thiện nữa. Hãy nhìn thẳng vào mắt những bệnh nhân ung thư. Lừa dối thế đủ rồi, thưa các vị.
Thêm: 1- Đọc một số cmt, tôi thấy cần nói thêm để tránh hiểu lầm về thuốc tương tự. Thuốc tương tự không có nghĩa là không tốt, nếu nó được qua kiểm nghiệm nghiêm túc, và không phải nhất thiết cứ thuốc gốc là mới tốt. Nhưng trường hợp H-Capita thì là thuốc vờ nhãn, xuất xứ, hồ sơ giả mạo, không hề có hồ sơ thật để chứng minh tính tương đương với thuốc gốc, thì nó là giả, và không thể lấy lý do thành phần thuốc mà bào chữa được.
2- Trước thời điểm VN Pharma nhập lô hàng này nhà nước đã có những văn bản pháp luật quy định về hàng giả. Ví dụ như theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 08/2013/NĐ-CP ngày 10-1-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, thì hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa gồm những loại sau: a) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác; b) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa. Cũng theo Nghị định này nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh sẽ xử lý nặng gấp đôi. Trường hợp làm hàng giả thu lợi lớn bị xử lý hình sự.

Bộ trưởng Kim Tiến nên nhớ: lãnh đạo Cục Quản lý Dược từng treo cổ chết!

FB Mai Bá Kiếm

30-8-2017

Bà Kim Tiến trước sau vẫn chối bỏ trách nhiệm của mình đối với việc nhập 9.300 hộp thuốc giả H-Capita – trị ung thư, của VN Pharma.

Tôi xin nhắc cho bà nhớ, trưa ngày 5/3/1993, dược sĩ Phan Văn Tín – Vụ trưởng Vụ Quản lý dược (từ 13/8/1996, Vụ Quản lý dược đổi tên thành Cục Quản lý dược) đã treo cổ chết tại nhà riêng. dược sĩ Tín đã tự xử mình, cho thấy mafia trong Vụ Quản lý dược đã ra đời từ đầu thập niên năm 1990 và cho đến nay đã trưởng thành.

Người miền Nam thường tin rằng sau khi có người treo cổ chết thì “Thần Vòng” sẽ đeo đuổi cơ quan đó hoặc họ hàng nhà đó và nếu có người treo cổ tiếp theo người ta gọi đó là “cái noi”!

Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Bộ Y tế phải nhập thuốc từ các nước tư bản để thay thế nguồn thuốc XHCN, nên tất cả mặt hàng thuốc tư bản đều chưa được Vụ Quản lý dược cấp số đăng ký lưu hành ở VN, nhiều hãng dược nước ngoài (ban đầu của Việt kiều) lần lượt mở văn phòng đại diện ở VN để tiếp thị với các công ty dược phẩm và dược liệu quốc doanh.

Vụ Quản lý dược thao túng thủ tục để được hối lộ vì quy trình nhập thuốc bấy giờ còn lỏng lẻo và sơ khai.

Những hãng dược không được cấp số đăng ký lưu hành hoặc được cấp quota “chuyến” (nhập đột xuất theo nhu cầu của BV) đã làm đơn tố cáo Vụ QLD lên Bộ Y tế.

Ngày 11/1/1993, Bộ trưởng Nguyễn Trọng Nhân (1930-2017) một giáo sư đầu ngành về nhãn khoa và rất đức độ, đã cho thanh tra Vụ QLD.

Kết luận thanh tra cho thấy: Vụ QLD làm giả mạo văn bản nhà nước để cấp số đăng ký “ma” cho 192 mặt hàng thuốc nhập khẩu, không thông qua hội đồng xét duyệt, không kiểm nghiệm chất lượng thuốc, hoặc thuốc không có số đăng ký lưu hành tại nước sở tại.

Trong đó, dược sĩ Phan Văn Tín đã cấp 149 số đăng ký “ma”.

Bộ trưởng Nhân tạm đình chỉ chức vụ dược sĩ Tín và chuyển hồ sơ thanh tra sang cơ quan điều tra, thì mấy ngày sau dược sĩ Tín treo cổ tự sát.

Hơn một tháng sau khi dược sĩ Tín chết, tôi được một cán bộ Thanh tra Bộ Y tế tuồn cho bản sao kết luận thanh tra, tôi ký bút danh Vương Linh và viết bài “Vụ Quản lý dược Bộ Y tế: Cửa ngõ nhập thuốc tây dỏm?” đăng trên báo Phụ Nữ TPHCM số ra ngày 14/4/1993.

Tổng Biên tập Nguyễn Thế Thanh rất dũng cảm, giữ nguyên tựa bài như trên và chỉ thêm dấu chấm hỏi cuối câu để bớt mang tính khẳng định.

Đáng tiếc, khi về hưu năm 2011, tôi tìm báo lưu trong thư viện không thấy bài viết này để photo.

Mong báo Phụ Nữ tìm được bài này và công bố để cho thấy việc cấp phép nhập khẩu thuốc dỏm, thuốc giả ở Cục Quản lý dược là sự phạm tội quán tính (habitual criminal), chứ không phải phạm tội cơ hội (occasional criminal)! Cũng rất tiếc, chưa thấy nhà báo nào khái quát hóa và hệ thống hóa những vi phạm cố hữu ở Cục QLD trong việc nhâp thuốc giả và thuốc kém chất lượng. 11 năm sau, ngày 5/11/2004, báo Pháp Luật TPHCM đăng bài: “Giáo sư, cựu Bộ trưởng Y tế NGUYỄN TRỌNG NHÂN: Tôi không thể sống chung với tham nhũng”.

Trong đó, GS Trọng Nhân kể lại đầu đuôi vụ việc dược sĩ Tín và xác nhận việc Cục QLD để thuốc giả thuốc dỏm nhập khẩu như hiện nay (năm 2004) là “do hồi đó (1993) mình xử lý chưa xong, chưa triệt để.

Sau khi dược sĩ Tín tự tử, hai ông vụ phó (dược sĩ T.N.D và dược sĩ P.X.L) “đánh” nhau dữ dội để tranh chức.

Và sau này tôi mới hiểu vỉ sao họ “đánh” nhau? Vì họ tranh giành vị trí béo bở.

Tôi đình chỉ chức vụ của hai ông luôn.

Bọn tham nhũng cũng ghê gớm lắm, nó tìm cách chống trả quyết liệt.

Quãng cuối thời kỳ tôi làm bộ trưởng, tôi yêu cầu Hội đồng kỷ luật phải họp để xử lý triệt để vụ việc, nhưng một số thành viên chần chừ không họp.

Tôi đặt vấn đề với thứ trưởng thường trực phải họp hội đồng kỷ luật, để có quyết định kỷ luật những cán bộ sai phạm theo kết luận thanh tra, thì đùng một cái nhận được “trát” của trên gửi xuống yêu cầu đình chỉ mọi cuộc họp của Bộ Y tế.

Cuối cùng, vụ án “chìm xuồng” (Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Nội vụ đã khởi tố dược sĩ Tạ Ngọc Dũng (nguyên vụ phó) về hành vi cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm).

GS Nhân cũng cho báo Pháp Luật biết, vì không thể sống chung với tham nhũng, tháng 11/1995, ông phải từ chức trước nhiệm kỳ (tháng 10/1992 – tháng 10/1997).

Tôi rất mong, bạn Nguyễn Đức Hiển cho đăng lại bài phỏng vấn GS Nhân để Bộ Chính trị và Chính phủ hiểu rõ cội nguồn của nan đề nhập thuốc giả.

Rất mong, tòa phúc thẩm xét xử vụ án VN Pharma theo tội danh buôn thuốc giả và tuyên tử hình TGĐ VN Pharma, để hắn khai ra những người bảo kê hắn?

Dân Đồng Tâm phản đảng?

TIẾNG DÂN

Thi hành kỷ luật được người xã Đồng Tâm, là trừng trị người dân vẫn một lòng theo đảng, ủng hộ đảng chống tham nhũng. Còn kết án người xã Đồng Tâm phản động, thì coi như người VN đều là phản động!

____

Kông Kông

30-8-2017

Nhân dân xã Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào chính sách và đường lối của đảng và nhà nước”. Đó là câu khẩu hiệu người xã Đồng Tâm căng ra trên đống chướng ngại vật với mục đích ngăn cản cuộc tiến công của lực lượng Cảnh sát Cơ động trong lần nổi dậy chống cưỡng chế đất vào tháng 4/2017. Sau đó được Chủ tịch Hà Nội trực tiếp vào thương lượng giảng hòa, hứa sẽ cho điều tra và không truy tố việc bắt nhốt cán bộ và cảnh sát cơ động.

Nhưng hiện tại hoàn toàn khác với lời hứa trên giấy đó. 70 người Đồng Tâm bị gửi giấy triệu tập để điều ra của Công an Hà Nội. Còn cụ Lê Đình Kình, người lãnh đạo đã từng bị quân đội và công an bắt cóc đánh gãy xương đùi, hiện vẫn chưa lành, lại nhận giấy triệu tập để điều tra của Bộ Quốc phòng.

Như vậy người xã Đồng Tâm thì bị bên công an Hà Nội điều tra, lãnh đạo của họ thì bị bên Bộ Quôc phòng. Rõ ràng đây là âm mưu ly gián để chia rẽ sự đoàn kết đấu tranh của người xã Đồng Tâm. Vì thế họ họp Hội nghị “Diên Hồng” ra tuyên bố “Dân Đồng Tâm giữ đất đến hơi thở cuối cùng”.

Vấn đề ở đây là người xã Đồng Tâm ngay từ khi bắt đầu tranh đấu đã công bố họ “tuyệt đối tin tưởng vào đảng. Ủng hộ đảng chống tham nhũng”! Để chứng minh sự “tuyệt đối” đó suốt thời gian cầm giữ con tin họ không tiếp xúc bất cứ ai để làm trung gian, hoặc nhờ phổ biến tin tức đấu tranh để vận động dư luận. Vì thế không có cách nào chụp mũ họ “bị thế lực phản động xúi giục” như vô số trường hợp đấu tranh khác trên cả nước đã từng bị.

Khẩu hiệu người xã Đồng Tâm viết “Tuyệt Đối tin tưởng” và các lãnh đạo cao cấp nhất của đảng cũng từng xác nhận trong vô số diễn văn là người dân vẫn “Tuyệt Đối tin tưởng vào tài lãnh đạo của đảng” nhưng thực tế, như đang xảy ra, ai thành thật với 2 chữ Tuyệt Đối?

Thảm họa môi trường Formosa là sự kiện hoàn toàn thuộc Dân sinh và người dân đã nói lên tiếng nói chính nghĩa của nạn nhân nhưng nhà nước thì tìm mọi cách Chính trị hóa để tiêu diệt tiếng nói trung thực đó. Còn sự kiện Đồng Tâm, nhỏ hơn rất nhiều, nhưng không thể Chính trị hóa được, vì người xã Đồng Tâm có lịch sử trung với đảng và hiện tại vẫn xác nhận là “Tuyệt đối tin vào đảng” thì phải giải quyết ra sao?

Ví dụ, chỉ ví dụ thôi, khi người VN vẫn “tuyệt đối tin đảng, ủng hộ đảng chống tham nhũng” thì sự “tuyệt đối” nầy phải đặt tin tưởng vào ai, ở đâu?

Vì đảng lãnh đạo toàn diện. Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, Quốc hội, Tòa án Tối cao, Chánh thanh tra nhà nước, Thanh tra công an, Thanh tra quân đội… tất cả cũng đều là đảng viên cao cấp! Còn sự kiện cướp đất cũng do đảng viên cao cấp cấu kết với phe nhóm lợi ích gây ra. Vậy thì ai điều tra ai, ai chống ai tham nhũng?

Cho nên tin vào Thanh tra, “đúng người đúng tội”, thì cũng không khác gì khi nói một bộ phim hài là chuyện thật.

Cuối cùng đành phải tin vào Lương tri nhân loại! Vì thế người xã Đồng Tâm đã có gần 1000 chữ ký trong lá đơn đang được gửi đến các cơ quan quốc tế! Từ “tuyệt đối tin tưởng đảng” đến việc gửi đơn kêu cứu các cơ quan quốc tế, với người xã Đồng Tâm, hẵn là một hành trình đau đớn! Và đấy cũng là con đường vô số người tranh đấu đã phải làm khi không còn cách nào khác.

Như vậy thì từ Tin tưởng đảng đến Phản động hình như là con đường tất yếu của người VN!

Vì từ khi hình thành, đảng CSVN đã gây ra cảnh núi xương sông máu cho dân tộc một cách phi lý và hiện tại thì bóc lột người dân còn tệ hại hơn bất cứ chế độ nào trước đây, cho thấy người cộng sản không có lương tri.

Còn lương tri nhân loại thì đã được xác tín: Chủ nghĩa cộng sản là thảm họa của loài người, đã ném vào thùng rác lịch sử!

Hiện tại nhà cầm quyền có 4 vấn đề nan giải:

Nếu không thi hành kỷ luật được người xã Đồng Tâm, thì nguy cơ cả nước sẽ là những Đồng Tâm kế tiếp.

Dùng bạo lực để tấn công người dân, thì lực lượng đó có nguy cơ tự buông súng đầu hàng để được dân che chở, như đã xảy ra tại Đồng Tâm.

Thi hành kỷ luật được người xã Đồng Tâm, là trừng trị người dân vẫn một lòng theo đảng, ủng hộ đảng chống tham nhũng.

Còn kết án người xã Đồng Tâm phản động, thì coi như người VN đều là phản động!

Vì thế sự kiện Đồng Tâm là một trong rất nhiều “cái gân gà” mà nhà cầm quyền tự gây ra và đang cố nhai nuốt! Nhưng liệu có nuốt trôi được không những “gân gà” bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, “gân gà” thua kiện Trịnh Vĩnh Bình, “gân gà” thảm trạng môi trường Formosa… nếu chế độ hành sử đúng như một Chính Quyền?

Ngày Thế giới lên án nạn bắt cóc

0
RFI
Hôm nay 30/08/2017 là Ngày Thế Giới chống nạn bắt cóc. Nhân dịp này, các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc một lần nữa hối thúc các quốc gia chưa phê chuẩn Công Ước chống bắt cóc, khẩn trương tham gia.

Hiện tại mới có 57 quốc gia thành viên ký kết (Danh sách các nước phê chuẩn và ký kết Công Ước). Liên Hiệp Quốc khởi sự chiến dịch tuyên truyền, nhắm hướng tới tăng gấp đôi số nước tham gia trong năm năm tới.

Liên Hiệp Quốc nhắc lại là bắt cóc được sử dụng như một thủ đoạn nhằm gieo rắc hoảng sợ trong xã hội. Tâm trạng bất an không chỉ giới hạn trong phạm vi thân nhân của những người bị bắt, mà còn lan rộng ra toàn cộng đồng.

Bắt cóc trước đây vốn chỉ phổ biến trong các chế độ độc tài quân sự, tuy nhiên hiện tại, nạn này ngày càng diễn ra nhiều hơn trong các tình huống xung đột nội bộ phức tạp, đặc biệt được sử dụng để trấn áp đối lập.

Syria, Irak và Bắc Triều Tiên là ba quốc gia mà chủ tịch nhóm làm việc của LHQ, Houria Es-Slami, đánh giá là những nơi tình hình trầm trọng nhất. Theo bộ Ngoại Giao Pháp, dẫn thông tin từ Liên Hiệp Quốc, chỉ riêng Bắc Triều Tiên đã có 200.000 người bị cưỡng bức đưa đi mất tích.

Năm 1992, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ra Tuyên bố chung chống nạn cưỡng bức người đưa đi mất tích (tên đầy đủ là The International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance).

Công Ước Liên Hiệp Quốc về lĩnh vực này được thông qua năm 2006, và chính thức có hiệu lực từ năm 2010, được coi là một công cụ pháp lý thực sự chống lại mọi hình thức cưỡng bức đưa người đi mất tích, trong thời chiến cũng như trong thời bình, cho phép lấp được khoảng trống pháp lý quốc tế lâu nay.

Hội Đồng Bảo An lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên

0
RFI

Hôm qua, 29/08/2017, sau 3 giờ thảo luận, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một bản tuyên bố « cực lực lên án » vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên ngang qua Nhật Bản.

Bản tuyên bố của Hội Đồng Bảo An kêu gọi toàn thể các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thi hành « nghiêm chỉnh và đầy đủ » các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong đó có nghị quyết ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên.

Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã tuyên bố rằng « mọi phương án đang nằm trên bàn ». Thế nhưng, việc Hội Đồng Bảo An chỉ thông qua một tuyên bố cho thấy Liên Hiệp Quốc hiện chưa có phương án nào khác để buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên.

Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tường trình :

« Trong Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc và Nga thường có lập trường khác với những quốc gia thành viên khác. Nhưng hiện giờ, các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân diễn ra ngày càng thường xuyên của Bắc Triều Tiên khiến toàn bộ các thành viên Hội Đồng đều chống Bình Nhưỡng.

Lãnh tụ Kim Jong Un giám sát một cuộc thử tên lửa tầm trung của Bắc Triều Tiên.

Việc tên lửa Bắc Triều Tiên được bắn ngày 29/08 bay ngang qua không phận Nhật Bản, lần đầu tiên từ năm 2009, đã khiến cộng đồng quốc tế vô cùng phẫn nộ. Tuy đại sứ Mỹ tại New York cho rằng Bình Nhưỡng đã đi quá xa và phải làm một cái gì đó để ngăn chận, nhưng Liên Hiệp Quốc thật sự không có nhiều phương án.

Các biện pháp trừng phạt mới đã được thông qua từ đầu tháng 8 nhắm vào xuất khẩu than, sắt và hải sản của Bắc Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng mất đi nhiều tỷ đôla thu nhập.

Bắc Kinh và Matxcơva đã chấp nhận những biện pháp trừng phạt đó sau những cuộc thương lượng gay go. Nhưng sau đó, Hoa Kỳ cũng đã trừng phạt các công ty và cá nhân của Nga và Trung Quốc bị cáo buộc là vẫn tiếp tục làm ăn với Bắc Triều Tiên.

Tuy vậy, Hội Đồng Bảo An đã đạt được mục tiêu qua bản tuyên bố lên án Bình Nhưỡng một cách cứng rắn và kêu gọi một giải pháp hòa bình, ngoại giao và chính trị cho bán đảo Triều Tiên. »

Vài giờ sau khi Hội Đồng Bảo An thông qua tuyên bố nói trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua tuyên bố là Bắc Kinh sẽ thảo luận với các thành viên khác của Hội Đồng về « một phản ứng » trước vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm hôm nay, thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý với nhau là sẽ yêu cầu Hội Đồng Bảo An ban hành các biện phạt trừng phạt nặng nề hơn đối với chế độ Bình Nhưỡng

Việt Nam – Ấn Độ: Đối tác chiến lược trong tranh chấp Biển Đông

0
Cát Linh, RFA
2017-08-28

Sau khi có một số thông tin tiết lộ Việt Nam sẽ nhận loại tên lửa chống hạm siêu thanh, tầm ngắn BrahMos mua của Ấn Độ, hãng tin New Indian Express (Ấn Độ) vào ngày 18/8, dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn đã xác định rằng những thông tin về thương vụ đó “không chính xác”.

Phía Bộ Ngoại giao Việt Nam không phủ nhận, nhưng cũng không đưa ra thêm những thông tin cụ thể khác.

Điều kiện mua bán chưa đáp ứng đủ

Quan sát sự việc, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cho biết trước đây Việt Nam đã từng mua một số vũ khí của Ấn Độ và BrashMos có tính chất đặc biệt hơn. Theo ông, hai bên có thể đang gặp trở ngại nào đó trong quá trình mua bán nên việc chuyển giao BrashMos chưa được thực hiện.

“Cũng có thể là trong quá trình thương thảo và còn 1 số điều kiện nào đó mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Việt Nam cũng nhân cơ hội này muốn công bố cho thế giới và đặc biệt cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam có những đối tác và có những vũ khí đặc biệt, những vũ khí này sẽ nâng năng lực đặc biệt cho Việt Nam.”

Theo tin từ OutlookIndia, Ấn Độ từng đề cập đến thương vụ bán hỏa tiễn BrahMos cho Việt Nam từ năm 2011. Sáu năm sau đó, ngày 15 tháng 8, theo thông tin do tờ World Tribune tiết lộ, Việt Nam sẽ nhận loại tên lửa chống hạm siêu thanh, tầm ngắn BrahMos, một trong những loại tên lửa chống hạm được đánh giá có hiệu quả và nguy hiểm nhất hiện nay trên thế giới.

000_FU2LF
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại phủ Chủ tịch, Hà Nội ngày 3 tháng 9 năm 2016. AFP

Cũng có thể là trong quá trình thương thảo và còn 1 số điều kiện nào đó mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Việt Nam cũng nhân cơ hội này muốn công bố cho thế giới và đặc biệt cho Trung Quốc thấy rằng Việt Nam có những đối tác và có những vũ khí đặc biệt, những vũ khí này sẽ nâng năng lực đặc biệt cho Việt Nam. – Thạc sĩ Hoàng Việt

Chính báo giới Việt Nam cũng dẫn lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khi được hỏi về thương vụ mua BrahMos rằng việc mua bán như thế phù hợp với chính sách an ninh và quốc phòng, bảo vệ hoà bình quốc gia.

Tuy nhiên, vài ngày sau đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định với tờ Press Trust of India rằng thông tin đó “không chính xác” nói rằng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã bác tin này.

Tiến sĩ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói rằng ông không thể đưa ra bình luận hay biết được chắc chắn là “có hay không thương vụ này” với lý do đây thuộc về bí mật an ninh quốc gia.

“Việc mua bán vũ khí để tăng cường khả năng quốc phòng cho Việt Nam là một câu chuyện thuộc bí mật quốc phòng, quốc gia. Giữa hai bên đã nói là không có chuyện đó thì chúng ta cứ tin như thế thôi. Mình không thể biết được, nhất là về lĩnh vực quốc phòng.”

Cùng có tranh chấp với Trung Quốc

Dù thế, ông có những chia sẻ khá tương đồng với ý kiến của Thạc sĩ Hoàng Việt khi đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ.

“Tôi nghĩ rằng đây là một mối quan hệ có lịch sử lâu dài lâu đời, rất là khắng khít từ trước.

Trong các mối quan hệ đó, hai bên đã có những thoả thuận, cam kết thông qua các chuyến thăm giữa các cấp hai bên, đều khẳng định rằng đây là mối quan hệ rất chiến lược, toàn diện.”

Thêm vào đó, một yếu tố đều được cả hai nhà nghiên cứu về Biển Đông là Thạc sĩ Hoàng Việt và Tiến sĩ Trần Công Trục nêu ra là điểm giống nhau của Việt Nam và Ấn Độ, làm cho hai quốc gia dễ dàng có sự hợp tác với nhau, đó chính là sự tranh chấp với Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Công Trục nói rằng hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang có sự tranh chấp về biên giới, giữa Việt Nam và Trung Quốc thì có những vấn đề về Biển Đông.

“Chắc chắn những sự tranh chấp có vấn đề về Trung Quốc đó, hai bên có thể có những đồng cảm và chia sẻ, nếu được thì có sự hợp tác với nhau để tăng cường bảo vệ chân lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ sự đúng đắn của mỗi bên trong quan hệ về mặt biên giới lãnh thổ với Trung Quốc.”

Rất nhiều những người quan sát tình hình tranh chấp Biển Đông giữa các quốc gia liên quan cho rằng thương vụ mua bán hoả tiễn BrashMos giữa Việt Nam và Ấn Độ là một khởi đầu cho động thái chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng ý với nhận định này, Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra phân tích.

“ Nhận định đó hợp lý. Bởi vì hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ có thể cùng với nhau chống lại ảnh hưởng Trung Quốc vì hai quốc gia đều có biên giới với Trung Quốc, và có những tranh chấp lãnh thổ biên giới với Trung Quốc. Trong quá khứ hai quốc gia này đã từng có những chiến tranh biên giới với Trung Quốc rồi. Cho nên trước hành động gần đây của Trung Quốc ngày càng hung hăng trên khu vực mà họ cho rằng có quyền kiểm soát cả trên bộ và trên biển, Việt Nam cũng cần 1 quốc gia đủ mạnh để chống lại tham vọng đó.”

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, quốc gia đó là Ấn Độ, vì Ấn Độ là một cường quốc không kém Trung Quốc, và về mặt hải quân, Ấn Độ có phần hơn hẳn.

Việc mua bán vũ khí để tăng cường khả năng quốc phòng cho Việt Nam là một câu chuyện thuộc bí mật quốc phòng, quốc gia.- Tiến sĩ Trần Công Trục

Ngược lại, phía Ấn Độ “cũng cần tìm một đối tác để cùng kềm chế lại ảnh hưởng của Trung Quốc.”

Tờ World Tribune hôm 15 tháng 8 trích lời chuyên gia Larkins Dsouza, người sáng lập Cục Hàng không Quốc phòng từ Ấn Độ cho biết Trung Quốc từng phải đối mạnh mẽ việc Hà Nội có thể sở hữu hỏa tiễn BrahMos. Theo vị chuyên gia này thì Bắc Kinh cho rằng việc Ấn Độ cung cấp hỏa tiễn BrahMos choViệt Nam chẳng khác nào hành động can thiệp vào tranh chấp Biển Đông.

Khi chúng tôi đặt vấn đề với Thạc sĩ Hoàng Việt liệu có phải Việt Nam và Ấn Độ lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc nên đã bác tin về thương vụ mua bán BrashMos? Ông cho biết cá nhân ông không nghĩ như thế.

“Thật ra trước sức ép của Trung Quốc chăng nữa thì việc Ấn Độ bán BrashMos cho Việt Nam hay Việt Nam mua của Ấn Độ thì cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Tôi đoán chắc do điều kiện của hai bên, có những điều kiện nào đó mà hai bên chưa thoả mãn yêu cầu của nhau. Đương nhiên Trung Quốc luôn thích Việt Nam phải ngoan ngoãn, yếu ớt và luôn luôn nghe lời họ.”

Khó khăn tiềm ẩn

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng có một số học giả phương Tây nhận định vị thế của Việt Nam hiện tại trong việc tranh chấp Biển Đông khá đơn độc. Do đó, ông nói bên cạnh việc đẩy mạnh một mối quan hệ đối tác chiến lược về an ninh quốc phòng với Ấn Độ, chắc chắn sẽ tiềm ẩn những khó khăn cho Việt Nam.

“Hàng loạt những vấn đề về kinh tế chính trị của Việt Nam vẫn chưa ổn định. Chính vì vậy ngoài việc Việt Nam phát triển, đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ thì 1 rủi ro là sẽ bị Trung Quốc trả đũa. Việt Nam sẽ có tính phương án nào?

Đối với Ấn Độ cũng tương tự như vậy. Ấn Độ là một quốc gia lớn nhưng Ấn Độ vẫn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc. Không chỉ riêng với Ấn Độ hay Việt Nam mà tất cả các quốc gia muốn có lợi ích về kinh tế đều phải coi trọng quan hệ với Trung Quốc.”

Ngày 23 tháng 8, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS ở Jakarta, Indonesia, trong đó ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa các nước ASEAN, để cùng giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tuy ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam không nêu tên quốc gia nào trong bài nói chuyện, nhưng được ngầm hiểu là ông muốn nói tới Trung Quốc.