“Đó là những ngày buồn thảm…! Cho đến bây giờ, gần ba năm trôi qua, hình ảnh Bác Mai Thảo vẫn làm cho không khí gia đình tôi chùng xuống, mất mát và đau đớn.”
Orchid
Bố tôi, tôi lại đem Bố tôi ra rao bán nữa. Bố tôi lại xa vắng: con bé này cứ vạch áo cho người xem lưng. Biết làm sao(?) sau khi cuốn Tác Giả & Tác Phẩm, III ra đời, có 98 người (phải đếm chính xác chứ! Niềm vinh hạnh mà!) Họ gọi điện, fax, email, gửi thư và nói bằng…miệng khen tôi viết xuất sắc quá! Có người còn muốn xem mặt, hỏi mấy tuổi, có phải con của Du Tử Lê không…
Tôi, thì đẹp hơn Bố tôi nhiều! Tuổi thì mười bảy. Không con thì là gì? Bố mẹ không sinh thành ra ta thì ra ai?
Tôi giống Bố tôi nhiều thứ: “Cùng tuổi Hổ Cáp. Hổ cáp sinh từ 23 tháng 10 đến 21 tháng 11, là người có khiếu văn chương, âm nhạc, nhậy cảm, đa tình, yêu ai thì yêu đắm đuối, mù quáng; ghét ai thì ghét tận xương, tận tủy…”(trích báo Hồn Việt của Bố Ngọc Hoài Phương;) cùng thuận tay trái; cùng giỏi văn chương, âm nhạc. Nhìn Bố say sưa với cây harmonica, thì “Thánh…Mẫu” cũng phải xiêu lòng, nói chi “Thánh Nữ” (mấy chữ trong ngoặc kép, tôi mượn của chú Khánh Hòa, ở New Orleans). Hãy nhìn Bố, mắt nhắm, mấy ngón tay nhảy múa, lui tới nhịp nhàng với cây harmonica, đầu lắc lư theo điệu nhạc, khi vui tươi, khi khoan hòa… Quả là Bác Phạm Cao Dương nhận xét chẳng sai: “Du Tử Lê là ‘good performer!'” Bác mở ngoặc thêm: “Phải nói là ‘perform’ chứ không dùng chữ ‘trình diễn’ được, vì, ý nó sẽ khác đi. Bác Phạm Cao Dương giải thích với tôi. Bác lo cho tôi không hiểu tiếng… Việt. Lời Bác Phạm Cao Dương làm tôi nhớ đến Bác Ngọc Dũng nói về Bác Mai Thảo: “Cái thằng đó nó kịch lắm!”
Những ngày sau cùng, Bác Mai Thảo không tự đi một mình được; phải dùng khung nạng chống có bốn bánh xe. Nhưng khi ra đường là bỏ nạng ngay. Vì “…đi nạng trông xấu quá!” Bác Mai Thảo thường choàng vai mẹ tôi để cùng đi. Mới trông thì như biểu hiện tình anh em thân thiết. Nhưng thật ra, Bác đổ nguyên bộ xương lồng cồng của Bác lên hai vai mẹ tôi. Những hôm chở Bác Mai Thảo về, Bố, mẹ tôi luôn luôn tìm cớ để đưa Bác Mai Thảo vào tận nơi; nếu đã ra xe thì tìm cách nấn ná cho đến lúc thấy đèn phòng bật sáng, mới yên tâm ra về. Có hôm vừa quành xe lại, đã thấy Bác Mai Thảo té nhào; nằm như một con rùa lật ngửa, ở lối đi chung. Bố, mẹ tôi lại phải hì hục đỡ Bác Mai Thảo dậy, và đưa vào phòng. Những ngày sau cùng của Bác Mai Thảo, luôn luôn có mẹ tôi đi, dìu bên cạnh. Bố tôi đi kèm sau lưng. Đó là những ngày buồn thảm…! Cho đến bây giờ, gần ba năm trôi qua, hình ảnh Bác Mai Thảo vẫn làm cho không khí gia đình tôi chùng xuống, mất mát và đớn đau.
Trở lại Bố Lê của tôi đi. Bố tôi có tài đặt tên. Bố nghĩ ra những cái tên thật hay. Nguyễn Tất Nhiên. Trầm Phục Khắc. Trầm Từ Đông… Tụi bạn Mỹ chẳng đứa nào có tên hay như tôi. Nhiều thầy, cô cũng phải khen tên tôi hay quá. Orchid. Mẹ kể, có lần Bác Hồ Minh Dũng hỏi mẹ: “Tên chị hay quá, là tên thật hay tên do anh Lê đặt?”. Đến độ vậy đó, tên mẹ do ông bà ngoại đặt nhưng khi lấy bố cũng bị hiểu lầm. Tôi nghĩ đến những người phụ nữ trong đời Bố tôi. Tôi không biết Bố đã đổi “last name” của các cô ấy, thành “Khúc” hay Bố tôi chỉ chọn những cô có họ…”Khúc” để yêu? hay “khúc” là tiếng gọi âu yếm của riêng Bố(?), như người ta gọi “honey” vậy!
Bố tôi có “Khúc Huyền Châu”; “Khúc Thụy Châu”; “Khúc Thục Ngạn”; “Khúc Hạnh Tuyền”. Sau này, khi qua Mỹ, để nhập gia tùy tục, Bố tôi viết “first name” trước “last name”. Bố tôi có “Thục Khúc”; “Mai Chinh Khúc”; “Lâm Anh Khúc”; “Trương Khúc”; “Thu Khúc”… Riêng “Thu Khúc” thì có: “Thu Khúc 1” và, “Thu Khúc 2”. Tôi không rõ tại sao lại “Thu Khúc 1” và “Thu Khúc 2”? Cũng có thể “Thu Khúc 1” khác “Thu Khúc 2”; mà, cũng có thể “Thu Khúc 1”, “Thu Khúc 2” đều là… “Thu” cả! Nói cho cùng thì, “Thu Khúc 1” hay “Thu Khúc 2” đều là “Khúc K. Riêng Của Chàng.”(**). Hoặc, chính xác hơn, tất tần tật đều là…”K. Khúc Của Lê.”(**) Tôi phục Bố tôi thật. Chữ với nghĩa cứ như…thần. Ngoài chữ, nghĩa, Bố tôi có hàng tỉ chuyện đáng phục.
Này nhé, Bố tôi có thể ăn…phở không hề biết ngán là gì!(Phở này là phở “thật”, còn “phở” kia thì là không biết á!) Ăn ngày 3 lần. Tuần 7 bữa. Và, tháng 30 ngày. Bố ăn phở đến độ khó phân biệt được đâu là…nước hoa, đâu là…shampoo, đâu là mồ hôi; và đâu là…mùi phở! Mẹ tôi có lần ta thán: “Em nằm mơ thấy nhà mình mở quán…phở! Giật mình thức dậy, thấy một ‘Ông…Đạo Phở’ nằm bên cạnh.” Bố tôi quen với quán phở Nguyễn Huệ đến độ, có lần Bác Bùi Vĩnh Hưng nói với bạn bè: “Lê nó mới đi xa về, gọi ra quán phở, đừng gọi về nhà. Nó chưa về nhà đâu.” Y chang. Bao giờ cũng vậy, Bố tôi từ phi trường về thẳng quán phở Nguyễn Huệ; trước khi về nhà. Ai muốn gửi thư từ gì cho Bố tôi, cứ gởi ở Nguyễn Huệ. Gọi phone về nhà không có, cứ gọi ra Nguyễn Huệ: (714) 839-8916. Anh Đoàn Duy Hiệp mời đi ăn, “order” món ăn trước để chờ Bố, mẹ ra sau. Waiter góp ý: “Anh gọi thiếu một món. Chú Lê thích đậu hũ rim thịt.” Sáng nào Bố tôi cũng rủ mẹ, “…Tuyền ra ngoài tí đi.” Thấy mẹ quá kinh hãi…phở; thỉnh thoảng Bố cũng đưa đến Anh Thy, Viễn Đông… Nhưng thấy cách ăn uể oải của Bố, mẹ không đành lòng. Nên, có khi không đợi Bố nói, mẹ nói ngay…”ăn phở cũng được!”
Có một lần đi Nguyễn Huệ về, mẹ tôi vui ra mặt. Hỏi ra thì mới biết, vì ăn phở nhiều quá, hôm đó Bố tôi ra khỏi Nguyễn Huệ, với cái răng…gẫy…ở trong túi. Và…”nụ cười đã tắt trên môi…” Tưởng là Bố sẽ kinh hãi…phở. Vậy chứ, lên Washington, lại tiếp tục…phở nữa. Bố tôi lại gẫy thêm một chiếc răng khác. Mẹ tôi phone về nhà; giọng hân hoan: “Con ơi sắp tới giờ trình diễn, thì,…răng…với…phở đã vội vã…là…một nhé… Nếu không có con gái Bác Văn Sơn Trường, thì…chắc là “răng với…phở cũng e khó là…một!” Chiếc răng tạm bợ của Bố, bắt Bố nhịn phở mấy ngày. Về đến Cali, đã có Bác Thuần ra tay tế độ. Và, lại…phở nữa. Phở Cali chưa ngán, Washington cũng phở. Phở Toàn Bò. Phở Nguyễn Huệ còn có phở bò, phở gà. Phở Toàn Bò ở Washington, thì chỉ…toàn là…bò. Không hề có gà. Thế mới kinh chứ! Mà, tôi cũng không biết, chỉ “toàn” là phở “bò”; hay vào ăn phở, phải “toàn” là…”bò” không được đi(?) Tôi chưa đi Washington bao giờ. Nhưng mỗi lần Bố tôi từ Washington về, là nhà cứ như pháo nổ. Bởi những câu chuyện về những người thân, mà tôi chưa từng gặp mặt. Nhưng, như đã quen thân từ kiếp nào!
Washington với Bác Nguyễn Thế Toàn với quán phở treo đầy…tranh. Nói với khách, lúc nào cũng như…mắng xa xả… Vậy mà, ai cũng yêu, cũng quý. Bác Toàn có thói quen đi…ngủ lúc 3PM. Mặc kệ khách. Và, đóng cửa quán lúc 8PM. Đuổi khách về. Mặc kệ khách. Chỉ nghe kể, nhưng tôi cũng hình dung ra quán có một bàn dài đặc biệt. Những bạn bè của Bố tôi, tranh nhau nói. Tranh nhau cười. Và, phải ăn”toàn” phở…”bò”. Tôi nghe có những Bác học cao đến độ nằm mơ cũng không đạt được. Như Bác Nguyễn Mạnh Hùng, Bác Như Hạnh… Mỗi lần Bố tôi đi Hoa Thịnh Đốn, tôi lại mong Bố về vô cùng. Bao giờ cũng thế, tôi sẽ có vô số quà của Bố Trúc, Bác Lệ, cô Xuyến, cô Thái, chú Lộc, cô Hồng Thủy (người không biết tuổi già là gì, mẹ tôi nói vậy. Mẹ tôi bảo, cô Thủy hơn mẹ nhiều tuổi, nhưng cô trẻ tới độ mẹ không thể gọi bằng chị được.) Washington D.C., tôi phải đi một chuyến thôi! Phải xem nhà Bác Nguyễn Mạnh Hùng. Phải gặp cô Hồng Thủy. Phải gặp Bác Đỗ Hùng, để nghe kể chuyện. Và, nhất là phải xem, tại sao một quán phở, chỉ “toàn” là phở…”bò”, mà vẫn đông khách(?)
Nói về Bố mà không nhắc mẹ tôi, mẹ tôi lại xa vắng, tủi thân. Cũng phải nhắc đến mẹ một tí. Cũng dễ thôi! Cứ ngược với Bố là mẹ. Lười biếng là Bố. Siêng năng là mẹ. Thích phở là Bố. Sợ phở là mẹ. Thở khói thuốc là Bố. Hít khói thuốc vào là mẹ… Cũng nhờ khác nhau, nên có lần Bố tôi cảm ơn Trời Phật đã khéo xe duyên!
Cứ thấy mỗi lần ăn rau muống xào, mẹ toàn lựa những cọng cứng để ăn. Bố tôi gật gù hài lòng, giọng rất là… “yêu dấu”: “Anh chỉ thích ăn ngọn rau mềm, cũng may Tuyền lại thích ăn những cọng rau cứng(!?) Không thì hai đứa lại dành nhau mất!” Thôi, vậy là từ nay đời mẹ không hy vọng gì được thưởng thức những cọng rau mềm ngon lành rồi. Tôi an ủi mẹ: “Giọng “yêu dấu” của Bố thì trị giá gấp tỉ lần cọng rau mềm kia mẹ ạ.” Mẹ tôi cười chịu đựng. Mẹ tôi bao giờ cũng giành phần thua thiệt cho mình.
Mẹ tôi không nước hoa, không son phấn, không quần áo đẹp… Có ai hỏi thì mẹ tôi lại đáp: “Anh Lê là người hay đi đó đi đây; hay đứng trước đám đông, anh ấy mới là người cần hơn…”
Mỗi lần đi shopping, mẹ tôi chỉ mua cho Bố và tôi. Những đồ mẹ mặc, coi được một chút là do Bố tôi áp tải mẹ đi mua, bắt buộc mua. Vậy mà, cuối cùng cũng tìm cách chê cái này, cái nọ, để chỉ mua một món rồi về.
Bố tôi đúng là một…”quân vương”. Nhưng không bao giờ mẹ tôi chịu là một…”thần thiếp”. Nếu Bố tôi mở cửa xe, kéo ghế cho mẹ… Mẹ bảo, “mẹ mắc cở!”
Sau này, Mother day, Valentine’s day, Sinh nhật…Bố chỉ cho mẹ…tiền” để mẹ tự do mua…hoa. Hoa cả trăm loại trong vườn. Phong lan cả…50 chậu. Mua sách, quyển nào hay, mua 2. Một để đọc. Một để…cất. Thỉnh thoảng còn dám mua trả góp…tranh nữa!
Mẹ, Bố đều…bịnh. Mỗi người một kiểu. Bố tôi thì suốt ngày ngoài vườn. Ngồi hàng 3, 4 tiếng đồng hồ để ngắm cá lội, chim hót, lượm từng ngọn lá khô.
Cá thì nuôi cả trăm con, lớp này đẻ, đến lớp khác đẻ. Thức ăn cá mỗi lần mua cả 50 pounds. Chim thì hót um làng, um xóm; nói chuyện, cứ phải hét lên mới át tiếng chim. Hai ba ngày, Bố tôi lại luộc một lúc 4, 5 trứng gà cho chim ăn (thỉnh thoảng Bố tôi cũng ăn vèn 1, 2 cái của…chim.) Suốt ngày Bố tôi cứ cho chim ăn, cho cá ăn; thay nước cho lồng chim, thăm dò chim con lớn thế nào…
Bố tôi rất bận rộn. Sáng sớm, nội việc tưới cho hết cây trong vườn cũng phải cả hai tiếng. Bố tôi bận túi bụi, vậy mà, Cha Trần Cao Tường nói, “…anh Lê giống như người đang ở trên thiên đường…” Tôi thật sự không biết Bố tôi làm thơ lúc nào!
Trừ những lúc ở tiệm phở, để ăn…phở; Bố tôi toàn ở ngoài vườn. Với cái điện thoại, Bố tôi có thể “remode control” cả… 5 châu. Bố có thể cười như động đất…8 chấm với bằng hữu. Nhưng riêng với cô Hoàng Hoa thì phải lên tới…10 chấm. Với cái điện thoại thôi, Bố tôi có thể thỏ thẻ, yêu dấu với hàng…tỉ thánh nữ. Điện thoại có 2 lines nên có thể từ…”new way” với line này, và chuyển “slow mùi” với line bên kia ngay. Bố tôi chậm chạp, không biết đối đáp nhanh như các Bác ở Hoa Thịnh Đốn. Nhưng chỉ cần 1 cái micro là Bố tôi như…Phù Đổng. Bố lưu loát, đối đáp, duyên dáng, thông minh… Về giọng nói thì…còn lâu mới có người theo kịp! Bố nói như…rót mật vào tai. Tùy đối tượng để: có khi thì trầm / buồn; khi thì trầm mà không…buồn; khi thì nhảy / nhót / tươi / vui; khi thì trầm / hùng; khi thì êm / dịu; khi thì yêu / dấu. Có khi yêu mà không…dấu; có khi vừa yêu lại vừa…dấu; có khi xa / vắng… Cũng có khi Bố tôi say / đắm / chìm / nghỉm…luôn. (Mẹ tôi và tôi đều cầu mong…như vậy.)
Mặc dù Bố tôi có ít tài mà lại quá nhiều tật, nhưng tôi đã yêu quý Bố tôi vô cùng.
Căn nhà chúng tôi đang ở, chật hẹp, không đầy đủ tiện nghi. Tường vôi đã cũ, bao nhiêu năm không sơn lại. Nhưng cần gì, chúng như đã được dát vàng bằng những bức tranh của các Bác Ngọc Dũng, Duy Thanh, Tạ Tỵ, Đinh Cường, Khánh Trường, Cao Bá Minh…
Gọi là căn nhà cho lịch sự, chứ thật ra, đó là một garage sửa lại, vá víu. Với hệ thống điện…chặt chẽ – coi TV thì không xài quạt. Mở computer thì phải tắt heater… Cũng may, mới mấy tháng nay điện nhà đã khá hơn xưa. Bố tôi có thể ung dung vừa ngồi đánh máy, vừa mở quạt cho nó…sang. Công của chú Nguyễn Thành Phương đó. Cũng phải mất mấy buổi chiều liền, sau giờ đi làm về, chạy tất tả đến nhà tôi để sửa cho xong hệ thống điện. Bố tôi mừng hết lớn. Từ nay không có màn tức điên lên vì viết được mấy trang bài, điện tắt ngúm, thế là mất hết. Nhưng mà đèn ở bàn làm việc của Bố thì chú Phương chịu bó tay, vẫn on / off bằng cách vặn…bóng đèn, thay vì nút bấm (đã hư.) Những chiếc ly mời nước khách thì cái đực cái cái. Tấm nệm quá cũ Bố, mẹ nằm thì vẫn phải có tấm ván gỗ lót dưới drap cho đỡ đau lưng. Xe Bố thì vẫn luôn luôn có bình xăng trong cốp sau, vì kim chỉ đồng hồ xăng đã gẫy (có lần đón, Bác Mai Thảo từ phi trường về, đang giữa xa lộ, Bố tôi phải tấp vào lề để châm thêm xăng. Lần đó, Bác Mai Thảo sợ điếng cả người.)
Mặc dù mọi thứ đều cũ. Nhưng cả mẹ, cả Bố và cả tôi chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó. Mẹ bảo, “tri túc thì tiện túc.” Chúng tôi sống êm đềm, hạnh phúc bên nhau.
Ở bàn làm việc của Bố là bài thơ “Family” của tác giả Richard Woodard; tôi tặng trong dịp Father’s day:
“There is nothing like family.
“Our memories sustain us through whatever life may bring
“Wherever we may be…
“We are connected by ties that neither time nor distance can alter…”
(Richard Woodard.)
Orchid Lâm Quỳnh
(1999)
———————
(*) Nhan đề bài viết này, dựa theo nhan tập tùy bút “Em Và, Mẹ Và, Tôi Là Một Nhé,” của Du Tử Lê.
(**) Tác phẩm của Du Tử Lê