Suốt hơn bốn năm kể từ ngày Donald Trump tuyên bố tranh cử đến những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ một, trận chiến khốc liệt giữa Tổng thống Trump và truyền thông Mỹ chưa bao giờ ngưng. Những trận bão tweet dữ dội của Trump luôn đối mặt các trận cuồng phong của báo chí. Truyền thông “đánh cho Trump chết” là điều có thể thấy rõ và sự phản hồi bằng thái độ thái quá của Trump cũng là hình ảnh không thể không thấy trên bức tranh hỗn loạn suốt thời gian qua. Điều mỉa mai là cả hai đều cho mình là nạn nhân và phản đòn như thể chỉ nhằm tự vệ…
Trump: “Biết tại sao không?”
Ngay từ đầu, báo chí Mỹ đã không che giấu thiên kiến khi tường thuật những gì liên quan Trump. Gần như không gì dính dáng Tổng thống Trump được miêu tả tích cực. Trong thực tế, báo chí Mỹ luôn ở thế đối đầu với chính quyền. “Check and balance” là vai trò quen thuộc của truyền thống lịch sử báo chí Mỹ. Họ luôn giám sát, phản biện, và chỉ trích chính phủ. Báo chí Mỹ đã trở nên “thổ tả” từ rất lâu trước khi ông Trump vào Nhà trắng. Chẳng nội các nào mà không bị báo chí “đập”. Barack Obama bị chỉ trích không tiếc lời trong chính sách “xoay trục châu Á” nửa vời. George W. Bush bị đánh tơi tả khi ông lao vào cuộc chiến Iraq. Bill Clinton bị dập không thương tiếc trong sự kiện Monica Lewinsky…
Bằng chứng rõ nhất cho thấy “thái độ thổ tả” của báo chí Mỹ là cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, với Trump, mức độ bắn phá của báo chí Mỹ được tăng liều nặng hơn cả. Ít nhất có ba lý do khiến báo chí Mỹ tấn công dữ dội vào Tổng thống Trump. Thứ nhất, Trump là người tuyên chiến trước với báo chí. Thứ hai, báo chí tin rằng Trump không xứng đáng cũng như không có tư cách một tổng thống. Thứ ba, báo chí tin rằng Trump gây ra nhiều tổn hại cho các giá trị truyền thống Mỹ, từ việc kích động gây chia rẽ đến các chính sách bất cận nhân tình trong đó có cách hành xử liên quan vấn đề nhập cư…
Tổng thống Trump đã không giấu sự khinh bỉ dành cho báo chí. Ông dùng tất cả từ ngữ nặng nề nhất có thể để miệt thị báo chí. “Thậm chí các cuộc tấn công báo chí của Nhà trắng thời Nixon dính líu cả những hành vi phạm tội hình sự… nhưng các cuộc tấn công của Trump là ác độc và gây tổn hại cho báo chí tự do” – Michael Conway, cựu cố vấn Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ trong cuộc điều tra luận tội Nixon, viết trên NBC vào tháng 11-2019 – “Trump luôn tìm cách, và thành công một cách đáng ngạc nhiên, làm mất uy tín toàn bộ ngành truyền thông khi nói rằng báo chí là kẻ thù của nhân dân”. Cách Trump ca cẩm báo chí là “kẻ thù của nhân dân. Buồn làm sao!”; và cách ông nói báo chí “rất không yêu nước” là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử truyền thông Mỹ và nó giống với lối chụp mũ thường thấy ở các chế độ độc đảng như Trung Quốc và Việt Nam, những chế độ luôn xây dựng một “nhận thức phổ quát” và buộc người ta phải tin, rằng chỉ trích chính quyền đồng nghĩa với “không yêu nước”, “chống phá chính quyền” và “phản bội nhân dân”.
Trong diễn văn nhận giải ICFJ Founders Award (Trung tâm ký giả quốc tế) năm 2017, nhà báo lão làng Chris Wallace (Fox News, người chủ trì cuộc tranh luận tranh cử tổng thống đầu tiên giữa Donald Trump-Joe Biden ngày 29-9-2020) nói: “Tổng thống Trump đang lao vào cuộc tấn công trực tiếp và lâu dài nhất nhằm vào một nền báo chí tự do… Kể từ đầu chiến dịch, ông ấy đã làm mọi thứ có thể để làm mất đi tính hợp pháp của truyền thông – tấn công chúng tôi về tổ chức lẫn cá nhân. Tôi nghĩ mục đích của ông ấy là rõ ràng: tạo ra một chiến dịch phối hợp để làm dấy lên những nghi ngờ rằng khi chúng tôi phê bình chính quyền của ông ấy thì liệu chúng tôi có đáng tin không”. Đại tướng William H. McRaven, cựu chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, từng tốt nghiệp khoa báo chí Đại học Texas, nhận xét về cách nói “báo chí là kẻ thù nhân dân” của Trump, rằng đó là “mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ mà tôi từng thấy trong suốt cuộc đời mình”.
Tại cuộc gặp được Hiệp hội ký giả chuyên nghiệp tổ chức ở New York tháng 5-2018, thông tín viên CBS News, Leslie Stahl, đã kể lại cuộc nói chuyện với Tổng thống tân cử Donald Trump tại Trump Tower cuối năm 2016: “Ông biết chuyện này sẽ ngày càng mệt mỏi. Tại sao ông cứ tiếp tục? Rất chán ngán. Đến lúc nên chấm dứt. Ông đã thắng cử. Hà cớ gì ông cứ nện ầm ầm như vậy (vào báo chí)?”. Trump trả lời: “Cô biết tại sao tôi làm thế không? Tôi làm thế để làm tất cả đám báo chí của cô mất uy tín và mất giá trị, để mà, khi bọn nhà báo các cô viết những bài tiêu cực về tôi thì chẳng còn ai tin”.
Twitter-in-chief
Từ cứ địa Twitter, Trump bắn không ngừng nghỉ vào báo chí. Từ lúc tuyên bố tranh cử đến cuối tháng năm 2019, theo dữ liệu của Stephanie Sugars thuộc U.S. Press Freedom Tracker, Trump đã phát ra gần 1.900 cú tweet, nhằm vào gần như tất cả cơ quan truyền thông lớn nhất nước Mỹ, từ New York Times, CNN, NBC, MSNBC, Washington Post đến cả Fox News. Ông có một tuyển tập từ vựng ngắn, lặp đi lặp lại, phản cảm và gây sốc. Ông gọi New York Times là “đồ dỏm, phát gớm, thứ đần, ngu ngốc, buồn, thất bại…” (“fake”, “phony”, “nasty”, “disgraced”, “dumb”, “clueless”, “stupid”, “sad”, “failing”, “dying”…). Ông nói Washington Post là “dỏm, điên rồ, đáng xấu hổ…” (“fake”, “crazy”, “dishonest”, “phony”, “disgraced”…). Tháng 7-2017, ông tweet một video 28 giây với cảnh ông vật ngã và đấm túi bụi một người mà cái đầu người này được thay bằng logo CNN. Ngày 7-9-2019, Trump bắn một tweet, gọi hai nhà báo Washington Post là “hai thằng phóng viên hạng ruồi gớm ghiếc”, những kẻ “thậm chí không đáng được phép bước vào sân Nhà trắng vì cách tường thuật của chúng đáng kinh tởm và giả dối”.
Theo bài điều tra đặc biệt của Ủy ban bảo vệ ký giả công bố tháng 4-2020, Trump đã “sản xuất” 400 tweet nhằm vào hơn 100 cá nhân nhà báo thuộc 30 cơ quan truyền thông. Tất cả tweet của Trump đều được lưu và có thể truy lại để biết ông nói về ai, như thế nào, vào lúc nào… Có những thời điểm tài khoản Twitter của Trump “sáng đèn” gần như suốt 48 tiếng. Một lần, từ sáng thứ sáu đến chiều chủ nhật, Trump tweet hơn 50 lần. Trump tweet nhiều đến mức giáo sư Brian Ott (Đại học kỹ thuật Texas) ra cả một quyển sách về “tổng thống Twitter” (The Twitter Presidency: Donald J. Trump and the Politics of White Rage, 2019). Chưa bao giờ trong lịch sử chính trường thế giới hiện đại có một tổng thống “làm chính sách” từ Twitter, sa thải/bổ nhiệm viên chức từ Twitter, ban hành qui định mới từ Twitter, chửi/khen nguyên thủ các nước từ Twitter… Trump tweet nhiều đến mức George Conway (chồng của cố vấn tổng thống Kellyanne Conway), cùng nhiều người khác, tin rằng Trump bị rối loạn nhân cách và tình trạng bệnh lý của Trump “đang ngày càng nặng”.
Trump thay đổi hoàn toàn truyền thống họp báo Nhà trắng. Chương trình họp báo thường nhật tại Tòa Bạch Ốc trở nên không thường xuyên; và trong nhiều trường hợp, Trump đích thân chủ trì họp báo, thay vì thư ký báo chí. Cách giao tiếp, thái độ thù ghét và lối ăn nói trịnh thượng không che giấu của Tổng thống Trump đã thể hiện rõ trong các cuộc họp báo, mà nói theo hoạt động báo chí cộng sản Việt Nam cũng gần tương tự “họp giao ban”, nơi mà hiếm khi một viên chức cấp cao cộng sản có thái độ hung hăng và khiếm nhã, không phải vì người đại diện chính quyền tôn trọng báo chí mà vì hành vi như vậy được xem là vượt ngoài chuẩn mực đạo đức lẫn giao tiếp thông thường. Các buổi họp báo ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cũng không đều đặn. Tháng 1-2020, 13 cựu thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc cùng các cựu phát ngôn viên của ba nội các tiền nhiệm thuộc Cộng hòa lẫn Dân chủ đã cùng ký bức thư kêu gọi tái tổ chức các buổi họp báo định kỳ.
“The Liar King”
Calvin Coolidge, tổng thống thứ 30 của Mỹ, viết trong hồi ký năm 1929 sau khi rời Nhà trắng: “Những lời của một tổng thống có một trọng lượng kinh khủng và không nên được sử dụng một cách bừa bãi”. Trump không cần uốn lưỡi. Vấn đề không dừng lại ở ngôn từ của ông. Báo chí Mỹ đã đặt ông biệt danh: “Vua nói láo”. Tháng 6-2020, ban kiểm tin Washington Post thậm chí ấn hành quyển sách ghi lại tất cả phát biểu vô căn cứ lẫn những câu nói dối của Trump (Donald Trump and His Assault on Truth). Trong bài viết vào tháng 1-2020, Washington Post cho biết, Trump nói dối 1.999 lần vào năm 2017; thêm 5.689 lần năm 2018 (tổng cộng 7.688); và 8.155 lần năm 2019. Tính đến ngày 3-9-2020, trong 1.323 ngày, Trump đã đưa ra 22.510 phát biểu vô căn cứ và gây hiểu nhầm. Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức (21-1-2017), Trump đã nói khoác về số người tham dự lễ đăng quang của mình.
Khi cùng xuất hiện trong buổi họp báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 (Osaka, Nhật) ngày 27-6-2019, lúc camera và microphone đang được chuẩn bị, Trump nói đùa: “Dẹp hết đi”, rồi quay sang Putin, “Tin giả (fake news) là một từ hay, đúng không? Ông không gặp vấn đề như vậy ở Nga nhưng chúng tôi thì có”. “Fake news” đúng là một thần chú. Nó đã biến gần như tất cả những gì báo chí viết về Trump đều vô giá trị. Sự hoài nghi và thậm chí mất niềm tin vào báo chí của không ít người Mỹ là hiện tượng có thật, bất luận sự thật rằng chính Trump là người phát tán fake news dữ dội và thường xuyên nhất. Ảnh hưởng tai hại của việc này là ngày càng có nhiều chính phủ sử dụng lá bùa fake news để trấn yểm báo chí nước họ. Trong bài viết ngày 23-9-2019, chủ báo New York Times, A. G. Sulzberger, nhắc lại rằng, chỉ vài năm, hơn 50 thủ tướng, tổng thống và lãnh đạo chính phủ khắp năm châu lục đã dùng từ “fake news” để chống lại báo chí.
“Democracy Dies in Darkness”
Khó có thể nói báo chí Mỹ “tử tế” một khi họ bị Trump đối xử như vậy. Cuộc chiến giữa Trump và báo chí Mỹ, cũng như cách đối phó với báo chí của Tổng thống Trump, đã trở thành “bằng chứng rõ rệt nhất” để chính quyền các nước độc tài chỉ trích “mặt trái của nền báo chí tự do”. Những “nhà báo lớn” của không ít quốc gia độc tài-độc đảng, vốn dĩ thiên tả, như Trung Quốc hoặc Việt Nam – những người không bao giờ trong suốt cuộc đời làm báo dám chỉ trích nguyên thủ hoặc chính quyền nước mình – giờ hả hê lên án báo chí Mỹ, chỉ trích sự “không công bằng” của họ trong nghề nghiệp và gần như đồng loạt xem tất cả nội dung báo chí Mỹ đăng tải là “fake news thổ tả”, trong khi họ hàng ngày chỉ “sản xuất” những “tin thật” được chỉ định và được áp đặt bởi hệ thống tuyên giáo tuyên truyền một chiều.
Ngày 22-2-2017, tờ Washington Post bắt đầu dùng slogan “Democracy Dies in Darkness” trên bản online và đưa lên bản in vào một tuần sau, nhằm bày tỏ thái độ của họ đối với cách mà họ tin là Tổng thống Trump đối xử không đúng với báo chí. Bằng sự trấn áp tàn bạo của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, với Hong Kong hay trước đó với Thiên An Môn, “Democracy Dies in Darkness” đáng được “treo” trên bất kỳ tờ báo nào ở nước này. Với sự kiện chính quyền bắn chết một ông già hơn 80 tuổi và sau đó lập ra một phiên tòa tàn độc trong vụ Đồng Tâm, “Democracy Dies in Darkness” đáng được “treo” trên bất kỳ tờ báo nào ở Việt Nam. Không bao giờ có “nhà báo lớn” nào hoặc “tờ báo lớn” nào ở Trung Quốc hay Việt Nam đủ can đảm làm điều đó, dù một lần.
Không gì mỉa mai hơn việc báo chí ở các nước cộng sản thiên tả như Trung Quốc hay Việt Nam giờ chỉ trích “báo chí thổ tả Mỹ”. Không gì mỉa mai hơn việc hệ thống báo chí tuyên truyền vốn là cái loa của chính quyền, như Trung Quốc hay Việt Nam, lại lên án “thái độ thiên vị” của báo chí Mỹ. Không gì mỉa mai hơn việc, khi không “nhà báo lớn” nào ở Trung Quốc hay Việt Nam dám điều tra “hồ sơ thuế” của Tập Cận Bình hay Nguyễn Phú Trọng, lại “nguyền rủa” New York Times khi họ tung ra hồ sơ thuế Tổng thống Trump… Khó có thể nói làng báo Mỹ không có thiên kiến và không “take side” nhưng sự “chọn phe” không đồng nghĩa với việc đánh đổi tất cả để làm fake news. Bức tranh làng truyền thông Mỹ như thế nào và liệu họ có “công bằng” hơn, khi ông Trump còn hay không tiếp tục tại vị, là điều chưa thể hình dung nhưng chắc chắn rằng cái bóng đen che phủ nền dân chủ và tự do báo chí thì vẫn tồn tại ở những nơi có những nhà báo “đòi” công bằng cho một nền báo chí khác hơn là cho chính mình.
Nguồn : https://thenewviet.com/ong-trump-va-“bao-chi-tho-ta”.html