Ông Đoàn Ngọc Hải, một cựu quan chức trong bộ máy công quyền thành phố Hồ Chí Minh, gây chấn động mạnh trên mạng xã hội từ chiều 27/7 khi phản ánh đến lãnh đạo đương nhiệm của thành phố về một ca tử vong tại nhà giữa đại dịch COVID-19, mà theo lời ông Hải là do không được cấp cứu.
Từng là Phó Chủ tịch Quận 1, từ tháng 9/2020, ông Hải lái xe cứu thương tư nhân, giúp đỡ mọi người trên tinh thần thiện nguyện, nhận được nhiều lời ca ngợi và sự ủng hộ từ người dân cả nước. Trang Facebook cá nhân của ông có tới hơn 244.000 người theo dõi.
Bài đăng của ông Hải – đang thu hút sự chú ý của dư luận – xuất hiện trên Facebook hồi 4h12 chiều, trong đó, ông cho biết vừa chứng kiến một phụ nữ 54 tuổi bị sốt và khó thở ngụ tại Phường 6 Quận 3 đã qua đời sau khi chờ đợi hàng giờ từ sáng nhưng không có đơn vị y tế nào đến cứu.
Không có thông tin nào trong bài cho biết liệu người phụ nữ có dương tính với COVID-19 hay không.
Vị cựu quan chức Quận 1 nêu rõ từ đầu rằng thông điệp của ông được gửi đến ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Tp.HCM.
Sau khi mô tả vụ việc, ông Hải cho biết tâm tư: “Một điều tôi rất trăn trở là các cơ quan của phường, quận không một ai xuống xét nghiệm và đưa họ đi bệnh viện từ lúc sáng nay mặc dù họ đã kêu gào trong điện thoại trước mặt tôi”. Ông Hải cũng bày tỏ mong muốn rằng Bí thư Nên “chỉ đạo gấp”.
Theo bài đăng của ông Hải, người phụ nữ 54 tuổi vừa qua đời là em ruột của kiến trúc sư tài năng Ngô Viết Nam Sơn, người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển đô thị của Tp.HCM.
Hơn 8.000 người đã lan truyền bài viết của ông Hải. Trong số hơn 6.000 lời bình luận dưới bài này, nhiều người cho biết tình hình phòng, chống dịch COVID-19 ở Tp.HCM đang hết sức căng thẳng, thực tế còn khốc liệt hơn nhiều so với trường hợp ông Hải nêu ra, thậm chí có người cho rằng bộ máy y tế của thành phố đã “quá tải”, “vỡ trận”.
Trong 3 tháng trở lại đây, Tp.HCM là tâm dịch của Việt Nam với số ca dương tính và ca tử vong luôn chiếm đa số trong con số thống kê của cả nước.
Thông tin cập nhật của chính phủ Việt Nam cho thấy chỉ từ 6h sáng đến 7h tối ngày 27/7, cả nước có thêm 5.149 ca nhiễm, trong đó Tp.HCM có tới 4.469 ca. Tổng số ca dương tính của cả nước trong hơn 1 năm rưỡi qua là 114.260 ca.
Trước đó, như VOA đã đưa tin, trong số 154 ca tử vong được Bộ Y tế thống kê trên toàn Việt Nam vào sáng 26/7, chiếm đại đa số là các ca ở Tp.HCM, gồm 129 người. Từ đầu đại dịch đến nay, 524 người đã thiệt mạng vì COVID-19 ở trong nước.
VOA cố gắng liên lạc với ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM, và với Sở Y tế thành phố để kiểm chứng thông tin cho rằng ngành y tế ở đây đã “vỡ trận”, nhưng không có hồi đáp.
Ở cấp địa phương, ông Đỗ Mạnh Phú, Trưởng trạm y tế Phường 7 Quận Phú Nhuận, nói với VOA rằng ông không có bình luận gì về thông tin do ông Đoàn Ngọc Hải đăng tải lên mạng xã hội.
Ông Phú cho biết tuy Tp.HCM đang là tâm dịch những tình hình tại địa phương của ông “vẫn ổn”.
Đưa ra quan sát của ông về việc người dân địa phương đang ứng phó với đại dịch ra sao, vị trưởng trạm y tế Phường 7 Quận Phú Nhuận nói:
“Người dân mình cũng ý thức được về chuyện phòng chống dịch vì đợt dịch bùng phát lần này có mức độ lây lan rất nhanh nên ai cũng ý thức, cũng chấp hành chỉ thị của nhà nước, không ra đường, không tụ tập, sau 18h không ra khỏi nhà nữa cho đến 6h sáng”.
Chính quyền Tp.HCM, đô thị lớn nhất và cũng là trung tâm kinh tế quan trọng nhất Việt Nam, thi hành lệnh cấm người dân không ra đường kể từ ngày 26/7, trong khung giờ từ 6h tối hàng ngày đến 6 giờ sáng hôm sau.
Theo lệnh cấm này, tất cả hoạt động trên thành phố tạm dừng trừ trường hợp cấp cứu hoặc để phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh.
Chính quyền nói họ “sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, những trường hợp chống đối có thể áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính. Đồng thời, điều tra, khởi tố các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định làm lây lan dịch bệnh nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Ông Đỗ Mạnh Phú, Trưởng trạm y tế Phường 7 Quận Phú Nhuận, nói với VOA rằng cá nhân ông nhận thấy “đa số người dân ủng hộ” biện pháp mới nhất này.