VNTB
Kỳ Lâm (VNTB) Người viết đang lo ngại, nếu lỡ một ngày, ông Nguyễn Phú Trọng (hiện đương nhiệm chức vụ Tổng Bí Thư) “lỡ dại” tuyên bố hoặc có hành vi xác nhận chính thể Việt Nam Cộng Hoà, thì sợi dây thòng lọng lại được chính những ổ nhóm cực tả này thòng vào, sau một màn đấu tố “mồ mả, nhân thân” của ông Trọng trên mạng xã hội hoặc website.
Từ ngôn ngữ sặc sùi mùi máu
Sau khi Bộ sử Việt Nam gồm 15 tập được tái bản, trong đó có thay đổi cách gọi “nguỵ quân, nguỵ quyền” thành “Chính phủ VNCH, Quân đội VNCH”, thì ngay lập tức những nhóm “chống phản động” với sắc đỏ – sao vàng hoặc có ảnh nền Facebook đặt ảnh lãnh tụ Cộng sản chuyên chính như Stalin, Lenin,… đã lên tiếng phản kích, bêu tên giáo sư Phan Huy Lê, TS Sử học Nguyễn Nhã và những người có liên quan đến sự việc.
Thậm chí trang “Thông tin chống phản động” còn khẳng định GS Phan Huy Lê là người “không xứng đáng viết sử cho dân tộc Việt Nam”, ngoài ra, một số trang khác còn lôi cả người than của GS Phan Huy Lê ra để đả kích. Nhìn chung, những trang như vậy đều quy nạp quan điểm “không gọi VNCH là nguỵ quân, nguỵ quyền” là xét lại lịch sử, là “đốt đền lịch sử”. Thậm chí, một Facebooker Trung Hoàng còn gọi GS Phan Huy Lê là “thằng” và đòi xử lý GS Phan Huy Lê theo cách bạo tàn nhất.
“Đè cổ thằng phan huy lê ra dùng xà beng banh họng nó ra nhét vào họng nó, thằn đó xứng đáng ăn cả cuốn sách đó, mả cụ nó phát nữa, quân mất nết”.
Như nhiều bài viết phản ánh từ các tác giả Việt Nam Thời Báo trước đó [*], các nhận thức từ fanpage “Chống phản động” nêu trên đều là cực đoan và mang tính thù hằn giai cấp. Dường như từng ngôn ngữ nó hàm chứa một sự hận thù và sự tự tôn thái quá về mặt chiến tranh, tôn sùng sự độc quyền và sức mạnh của sự độc quyền. Do đó, hầu hết các tin bài đều rơi vào trạng thái “kích động” và sẵn sàng đâm-chém.
Một Facebooker Tâm Minh Nguyễn, người thuộc nhóm “cực tả” cho rằng: Không có khoa học nào mà không chịu ảnh hưởng của xu thế chính trị. Không có khoa học nào đúng ra một bên sự vận động của loài người, trong đó có các xu hướng chính trị. Khoa học lịch sử lại càng chịu ảnh hưởng của chính trị. Xét lại lịch xử cũng xuất phát từ nhu cầu chính trị của những thế lực cơ hội chính trị. Sử học gắn với chính trị.
Nhưng thực tế, luận điểm này được xem là sự đánh tráo về mặt khái niệm. Bởi suy cho cùng, bản chất khoa học mặc dù có tính chính trị bên trong thì nó phải phục vụ cho khoa học. Mà khoa học phải đảm bảo tính khách quan, trung thực. Xét trong khoa học chính trị, thì chính khoa học sẽ diễn giải một cách khách quan nhất, trung thực nhất các hệ thuyết chính trị thay vì tâng bốc một hệ chính trị nào đó. Do đó, Sử học trước hết là một môn khoa học, và nó đáp ứng đúng các nhu cầu phản ánh chính xác đời sống chính trị – xã hội – văn hoá – kinh tế ở từng thời điểm. Việc ghi nhận tên chính thể Việt Nam Cộng Hoà chính là góp phần làm rõ hơn tính khoa học của Lịch sử, thậm chí là tính khoa học trong chính trị sử học.
Vì thiếu tính lý luận, cũng như tính thực tế về mặt nhân sinh chính trị thực tế, các bài viết rơi vào lối mòn giáo điều, một – hai bảo vệ cho CNXH và giai cấp. Thậm chí sự bảo vệ đến mức, bất cứ ai làm thương tổn đến CNXH đều bị quy kết là phản động. Và phiên bản cao cấp của những fanpage thừa nhiệt tình lẫn sự “bí đặc” lý luận là trang Tuần báo Văn nghệ Tp. HCM – trang đang đốt dầu vào lửa trong mối quan hệ ngoại giao Việt – Đức bằng sự đấu tố nhằm bảo vệ quyết định “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” của nhà nước Việt Nam.
Cho đến trách nhiệm ngăn chặn, triệt phá từ nhà nước
Quay trở lại vấn đề, những fanpage nêu trên gắn liền với ngôn ngữ “đấu tố” là mầm hoạ hết sức nguy hiểm đối với Việt Nam và sự ổn định chính trị của Việt Nam trong tương lai. Người viết biết một số admin (quản trị viên) fanpage “đao to búa lớn” về ngôn ngữ kia còn đang là những học sinh – sinh viên với sự yếu kém về mặt lý luận chính trị và rất khô cứng khi đối diện với tính đa chiều, vấn đề là mạng xã hội và các fanpage này lại tìm cách tác động đến các bạn trẻ, biến mỗi bạn trẻ trở thành một biệt kích, một hồng vệ binh để “săn đầu người” mà các nhóm này cho là “phản động”.
Vì họ là nhóm người trẻ, sinh ra sau chiến tranh, nên họ không hề nhận thức được sự nhiệt tình quá trớn trong ý thức còn non nớt của mình. Liệu rằng, họ có hiểu được cảm giác của Facebooker Vu Thi Phuong Anh, người thổ lộ rằng, gia đình bà có những người từng bị sỉ nhục bằng tên gọi “nguỵ quân, nguỵ quyền”.
Việc lợi dụng sự nhiệt tình của các nhóm này để đả kích hoặc tấn công bạo lực đối với các nhóm nhân quyền là đang có, và đang diễn ra. Tuy nhiên, nếu nhà nước không kiềm toả lại, để tiếp tục khiến các fanpage lộng quyền hơn, thì những ổ nhóm khủng bố trong tương lai lại xuất phát từ những nhóm cánh tả cực đoan như thế này. Bởi đây không phải là sự nhiệt tình cách mạng, mà nó biến dạng thành sự nhiệt tình phá hoại, phá hoại về mặt đoàn kết dân tộc, về sự khoan dung và hoà hợp, về tương lai và sự khép cửa của quá khứ. Nó mở ra một ổ bệnh dịch mang tên: cực tả – nơi ngôn ngữ sặc sùi mùi máu và thúc đẩy hành vi khủng bố trong tương lai.
Cần nhắc lại, tại một số nước châu Âu (trong đó có Đức) đang đối diện với nỗi hổ thẹn mang tên chủ nghĩa Tân phát xít, thì tại Việt Nam, cũng đang có một xu hướng bệnh hoạn như vậy về mặt chủ nghĩa, đó là phát xít hoá trong bảo vệ bằng được các giá trị CNXH trong quá khứ, dù rằng nó khô cứng, giáo điều – bấp chấp quy luật đúng sai của thực tiễn.
Người viết vì thế lo ngại rằng, nếu lỡ một ngày, ông Nguyễn Phú Trọng (hiện đương nhiệm chức vụ Tổng Bí Thư) “lỡ dại” tuyên bố hoặc có hành vi xác nhận chính thể Việt Nam Cộng Hoà, thì sợi dây thòng lọng lại được chính những ổ nhóm này đưa ra, sau một màn đấu tố “mồ mả, nhân thân” trên các fanpage.
Nó làm gợi nhớ những nhà lãnh đạo của Trung Quốc, những công thần của cách mạng Trung Quốc bị tổng xỉ vả và làm nhục, thậm chí bị ép đến đường chết cũng bởi những hồng vệ binh – những thanh thiếu niên thừa nhiệt tình nhưng thiếu nhận thức, đứng trong hàng ngũ cánh tả cực đoan trong cuộc Cách mạng Văn hoá Trung Quốc.
Ngăn chặn hiểm hoạ từ những nhóm này, không chỉ đến từ các nhóm hoạt động nhân quyền, mà cả từ phía chính quyền và nhà nước Việt Nam.
Ghi chú: