Tôi đăng lại một đoạn trong lá thư của anh Nguyễn Mạnh Huy gửi cho báo Thanh Niên, vào tháng 9 năm 1987. Lá thư đã thay đổi một cuộc đời bị trù dập và dẫn đến việc cải cách chế độ tuyển sinh:
“Tôi tốt nghiệp cấp III năm 1981 và dự thi vào trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đạt số điểm 26,5 điểm (điểm chuẩn 17). Nhưng Ban tuyển sinh tỉnh không cho tôi đi học vì lý do lý lịch. Cha tôi đi lính ngụy chết trận năm 1965. Mẹ làm thư ký đánh máy cho Ty thông tin chế độ cũ. Tôi rất buồn, nhưng với ước mơ được vào ĐH để có cơ hội rèn luyện kiến thức, góp trí tuệ xây dựng đất nước, tôi đã nộp đơn thi lại lần nữa. Năm đó tôi thi vào trường ĐH Nông nghiệp IV và đạt số điểm 22,5 điểm (điểm chuẩn là 16). Nhưng, một lần nữa, tôi cũng không được đi học vì lý lịch như năm trước”…
Năm nay, tôi đọc báo thấy nhiều vấn đề cần đổi mới trong công tác tuyển sinh, trong đó có việc xét xếp đối tượng và điểm chuẩn. Hy vọng lại bùng lên trong tôi, khát khao được đi học sống lại trong lòng tôi mãnh liệt. Tôi quyết chí thi lại một lần nữa. Tôi xin nghỉ làm và dồn hết tâm trí vào việc luyện thi. Năm nay tôi thi vào trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Tôi đạt số điểm là 22 (điểm chuẩn cho nhóm IV là 20). Tôi thấp thỏm hy vọng. Nhưng tuyệt vọng thay, tôi cũng nhận được câu trả lời như 4 năm về trước.”
Khi ba tờ báo lớn Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Tiền Phong vào cuộc, tranh đấu cho trường hợp Nguyễn Mạnh Huy, thì Ban Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Nghĩa Bình gửi cho báo Thanh Niên một điện văn khẳng định:
“Về việc tuyển sinh vào các trường Đại học, trong tổng kết năm 1986 đồng chí giáo sư, thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Mai Hữu Khuê đã nói công tác tuyển sinh khẳng định là phải mang tính chất giai cấp, ở bất cứ chế độ xã hội nào đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, đội ngũ đó phải trung thành với chế độ và phục vụ một cách có hiệu quả cho chế độ đó”.
Tuyên bố này của ông thứ trưởng Mai Hữu Khuê cũng đã đủ là câu trả lời rồi: CÔNG TÁC TUYỂN SINH PHẢI MANG TÍNH GIAI CẤP.
Năm 1985, tôi thi đại học. Khi đó đối tượng thi được xếp thành 4 nhóm, hay tỉ mỉ hơn là 13 loại đối tượng. Tôi thuộc vào nhóm 4 như anh Huy. Cha là sĩ quan chế độ cũ thì hy vọng vào đại học rất mong manh vì điểm chuẩn cho nhóm 4 cao lắm. Lúc đó gia đình tôi lại nghèo, không có tiền để học luyện thi nên chủ yếu là tự học, giấc mơ vào đại học xa vời.
Học sinh miền Nam rơi vào nhóm 4 tương đối nhiều vì có cha hay mẹ phục vụ cho chế độ miền Nam trước 1975 là chuyện thường. Một số lớn còn lại là nhóm 3, gia đình thường dân không công không tội. Rất ít học sinh lọt vào nhóm 1, nhóm 2 (con liệt sĩ, gia đình có công với CM, gia đình cán bộ cao cấp hay bản thân là bộ đội, TNXP…)
Ngược lại, học sinh miền Bắc hay gốc miền Bắc rất ít người rơi vào nhóm 4 mà đa phần là nhóm 1 hay 2, vì kiểu gì gia đình họ cũng có ít nhiều công trạng trong chiến tranh. Tệ lắm, cũng là nhóm 3.
Khi một người không rơi vào nhóm bị trù dập thì người đó không để ý tới chế độ tuyển sinh mang tính giai cấp, chứ không phải là nó không có. Nó có! Và nó tồn tại suốt mười mấy năm sau khi đất nước đã được gọi là thống nhất. Ở đây tôi không gọi là chế độ tuyển sinh theo lý lịch ở miền Nam. Đã thống nhất trên mười năm rồi, cả nước chỉ có một Bộ Đại Học chung, thì tại sao phải gọi là chế độ tuyển sinh Nam hay Bắc. Tôi cho là, khi đặt lại vấn đề lịch sử, chúng ta có thể viết chung là “chế độ tuyển sinh theo lý lịch ở Việt Nam”, đi vào cụ thể hơn thì mới chia ra miền Nam, miền Bắc.
“Chế độ tuyển sinh theo lý lịch ở Việt Nam” tồn tại khốc liệt cho tới cuối năm 1987, sau đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V. Tại kỳ đại hội, khi bị báo chí chất vấn về chuyện Nguyễn Mạnh Huy, bộ trưởng Trần Hồng Quân tuyên bố: “Đúng là giải phóng đã hơn 12 năm mà vẫn phân thanh niên làm 13 loại đối tượng là không hợp lý”.
Ở đây tôi không bàn chuyện hợp lý hay không hợp lý, vì trù dập nhân tài thì có gì là hợp lý. Tôi đưa thông tin để ghi nhận, chính bộ trưởng đương thời (Trần Hồng Quân – 1987) đã xác nhận có “13 loại đối tượng” trong chế độ thi cử.
Ông bộ trưởng nói, trường hợp Nguyễn Mạnh Huy đã được Bộ và UBND tỉnh Nghĩa Bình xem xét và quyết định cho đi học. Vậy mà “Hội đồng Tuyển sinh tỉnh Nghĩa Bình cứ lần khần nhưng cuối cùng, khoảng 2 tháng sau cũng phải ký quyết định cho Nguyễn Mạnh Huy đi học”. Thù oán gì mà dai vậy, thù oán gì mà hại con người ta tới tận cùng vậy??? Có báo chí ủng hộ, có bộ trưởng ra tuyên bố cho đi học mà hội đồng tuyển sinh tỉnh còn cố tình cản lại thì những trường hợp nằm trong bóng tối khác sẽ ra sao?
Chuyện Nguyễn Mạnh Huy là một câu chuyện nổi lên trong hàng ngàn, hàng chục ngàn câu chuyện khác chìm trong bóng tối. Cho dù Bộ Đại Học có ra cái gọi là bảng phân loại đối tượng và điểm chuẩn cho từng đối tượng, thì, nó cũng không luôn luôn được thực hiện. Ngay cả khi thí sinh vượt qua số điểm cao ngất trời theo quy định bất công đó, họ vẫn có thể bị hủy giấy báo nhập học một cách tàn nhẫn. Thành ra, nằm trên cái chế độ tuyển sinh theo lý lịch này còn có một cái tàn nhẫn khác tên là “chẳng có cơ hội nào cả”. Những đứa không được đi học là không được đi học, chẳng có cơ hội nào cả.
Năm 1987, với số phận của Nguyễn Mạnh Huy, là dấu mốc trong việc cải cách chế độ tuyển sinh. Tuy nhiên chế độ tuyển sinh theo lý lịch ở Việt Nam thực sự chấm dứt vào khi nào thì không ai rõ.
Ở Việt Nam muốn chứng minh cái gì rất khó vì mọi thứ cứ nằm trong bóng tối và tối tù mù. Riêng “chế độ tuyển sinh theo lý lịch” này, thông tin trên báo Thanh Niên về một giai đoạn tàn khốc như vậy là tương đối đầy đủ.
*
Lưu Thủy Hương
(Xem link báo Thanh Niên trong comment đầu tiên, những thông tin để trong ngoặc kép là trích từ bài báo)
Thank you for the auspicious writeup It in fact was a amusement account it Look advanced to more added agreeable from you By the way how could we communicate