January 10, 2018
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính đến hôm 10 Tháng Giêng, phiên tòa xử ông Đinh La Thăng và các “đồng phạm” mới diễn ra được ba ngày, nhưng truyền thông và mạng xã hội Việt Nam đã nhìn thấy những “chỉ dấu” lạ từ sự kiện này.
Hôm 10 Tháng Giêng, báo Pháp Luật ở Sài Gòn tường thuật, trong lúc một luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh hỏi điều tra viên về chi tiết ông Thanh “khai báo không thành khẩn” nêu trong cáo trạng thì “tín hiệu tới phòng phóng viên [bị] mất và sau đó, “tín hiệu có lại.”
Việc tòa không cho phóng viên vào phòng xử mà chỉ được theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình ở một phòng khác, thậm chí, toàn bộ nguồn hình đều phải dùng ảnh do Thông Tấn Xã Việt Nam cung cấp làm dấy lên suy đoán rằng hình ảnh được truyền chậm khoảng 3 phút so với thực tế. Ngoài ra, khi các bị cáo hoặc luật sư nói những lời “nhạy cảm, không đúng chủ trương” thì tín hiệu đường truyền sẽ đột nhiên bị mất.
Mạng xã hội hôm 10 Tháng Một cũng dấy lên tranh cãi về một chi tiết được tường thuật trên báo Tuổi Trẻ rằng bản kết luận giám định xác định số tiền 1,115 tỷ đồng ($49.1 triệu) mà PVC được tạm ứng rồi mang đi trả nợ và đầu tư “đã được thu hồi toàn bộ tiền gốc” nhưng được tính thiệt hại 119 tỷ đồng [$5.2 triệu] “trên cơ sở tiền lãi huy động vốn do ngân hàng huy động tại thời điểm đó, tương đương 15%/năm.”
Đêm 10 Tháng Giêng, Luật Sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho ông Thanh, công khai về chi tiết này trên trang Facebook cá nhân: “Chiều nay tôi xin phép Hội Đồng Xét Xử hỏi giám định viên Bộ Tài Chính đúng một câu nhưng bị đại diện Viện Kiểm Sát “nháy” giám định viên không trả lời câu hỏi. Tôi hỏi: “Giám định viên cho Hội Đồng Xét Xử biết, ngoài bản giám định kết luận hậu quả thiệt hại 119 tỷ đồng là hậu quả được tính bằng lãi suất từ “cơ hội đầu tư” ra, thì giám định viên trong quá trình giám định của mình đã kết luận doanh nghiệp nào bị thiệt hại giống như phương pháp tính thiệt hại “cơ hội đầu tư” giống như của PVN chưa? Rất tiếc, vị kiểm sát viên ngồi trước mặt nhắc giám định viên đã không trả lời tôi và giữ quyền im lặng.”
Trước đó, Luật Sư Quynh đã xóa đi một Facebook post được một số Facebooker khác dẫn lại về việc các luật sư “bị thu giữ toàn bộ máy tính, điện thoại, Ipad, kể cả USB chứa dữ liệu hồ sơ.”
Ông cũng viết rằng “Phiên tòa hình sự đã xét xử thì phải theo trình tự tố tụng bình thường như các vụ án khác, không coi chính trị vào phiên tòa. Bởi lẽ các bị cáo đã bị truy tố thì đều như nhau bất kể xuất thân và địa vị khi đã bị cáo buộc truy tố thì phải công bằng, bình đẳng như nhau. Luật sư thực hiện theo đúng trình tự tố tụng nhằm bảo vệ tốt nhất cho bị cáo, bảo vệ pháp luật, giúp cho Hội Đồng Xét Xử đánh giá và xem xét quyết định, thì tại sao phải an ninh và cản trở phương tiện tác nghiệp của luật sư bào chữa. Tôi hoàn toàn thất vọng phiên tòa này.”
Trước khi phiên tòa xử ông Thăng diễn ra, báo điện tử Dân Trí hôm 7 Tháng Một dẫn lời Luật Sư Lê Văn Thiệp, cũng là người bào chữa cho ông Thanh: “Việc bỏ vành móng ngựa khi xét xử các vụ án hình sự thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo. Việc các bị cáo đứng lên bục khai báo đã cho thấy sự thay đổi rõ nét và đúng đắn, tiệm cận với những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thế giới cũng như khẳng định xu thế hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Việt Nam.” (T.K.)
https://www.nguoi-viet.com/…/nhung-chi-dau-la-tai-phien-to…/