07/04/2022
Một đêm muộn, nhà thơ Dạ Thảo Phương gọi cho tôi từ Đức. Chị bày tỏ sự bối rối trước những điều chính mình đang nghĩ và cảm thấy. Chị gửi cho tôi biên bản của một cuộc cưỡng hiếp, bạo hành, vu khống và hãm hại chính trị từ hơn 20 năm trước – dài nhiều nghìn chữ. Những gì tôi đọc đêm đó tạo cảm giác đau đớn và dằn vặt hơn những gì các bạn đọc bây giờ rất nhiều. Văn bản trên mạng bây giờ, đã là một sự kìm nén cảm xúc của tác giả.
Tôi đã khách quan và sẽ khách quan. Tôi nói với nữ nhà thơ, rằng tất cả những điều này, về một con người khác, chỉ có chị có thể chịu trách nhiệm. Không ai nói thay lời chị được. Tôi cũng không thể khuyên chị nên tố cáo, hay đừng tố cáo. Khi người ta đang khủng hoảng, đẩy người ta về đâu cũng là tạo nghiệp, khuyên gì cũng là tôi có tội. Chị tự quyết định. Tôi chỉ bảo, vì chị nói rằng tâm lý mình đang yếu – mà không ai biết rằng cuộc công bố này có thể dẫn đến đâu – nên chị hãy tìm cách giải quyết tâm lý của mình trước khi làm bất kỳ điều gì, vì khi đã bàn đến “trầm cảm”, thì kẻ thù số 1 cho tính mạng của chúng ta, chính là bản thân mình.
Hôm nay chị đã quyết định xuất bản lời tố cáo. Đẩy viên đá từ đỉnh đồi và nhìn nó lăn, chấp nhận đất có thể sụt dưới chân mình. Dù tôi tin những gì đã đọc, nhưng đó là một cảm giác rất cá nhân, tôi không có ý định thuyết phục người khác tin theo.
Tôi viết status này chỉ để chia sẻ một điều. Lác đác đã có người hỏi: “Tại sao đến giờ mới tố cáo?”. Hơn hai mươi năm rồi, chẳng phải thế là vô lý hay sao? Tôi sẽ chỉ phân tích một đoạn ngắn trong status của Dạ Thảo Phương, để nói về một điều mà tôi hiểu.
Đó là khi nữ nhà thơ nói rằng chị muốn tố cáo, vì chị đọc được các bình luận trong những vụ bạo lực tình dục gần đây. Những bình luận tấn công nạn nhân, và chính là loại dư luận đã làm nhân vật 23 năm trước không dám lên tiếng. Nó làm chị đau lòng và cảm thấy cần lên tiếng.
Khoan bàn đến sự thật. Hãy nói về tính hợp lý: đó là một mệnh đề mà tôi hiểu. Vì tôi cũng ngột ngạt khi đọc được, nghe được những bình phẩm về nạn nhân của bạo lực tình dục gần đây. Những luận điểm kiểu “Con này thật ra cũng là loại...”, hoặc “Lúc đầu toàn tự nguyện, xong đến lúc cơm không lành canh không ngọt mới tố cáo…”, hoặc “Làm gì có ai hiếp được, chẳng qua là...”.
Kinh tởm hơn nữa – và có thể bạn không nhận ra cái u nhọt này trong não mình – là trong các vụ việc mà kẻ bị tố cáo có địa vị chính trị – rất hay có luận điểm “con này gài bẫy”. Gài bẫy chứ, vì từ đầu sao vào phòng với người ta, hay đồng thuận đi hát karaoke với ông kia; vì chẳng qua là chuyện đấu đá chính trị ấy mà; vì thích thì gào to lên lúc đấy là được sao giờ mới tố; và vì cơ bản, là các bạn biết con mẹ nó hết về cuộc đời rồi, làm gì có tình huống nào làm khó được các bạn, các bạn có bao giờ biết chịu nhục trước cường quyền là cái gì đâu (thề).
Nhưng các bạn không nhận ra rằng ngay trong thời điểm các bạn hạ thấp những cô gái này trong hệ quy chiếu với quyền lực, tiền bạc, nam tính; ngay trong thời điểm bạn bình phẩm “con này gài bẫy (ấy mà)”, chính bạn đã tôn thờ cường quyền đến mức ngu muội. Chính bạn, nói với bản thân: “Có cái gì trên đời quan trọng bằng tiền và quyền đâu? Trong chuyện này không có gì để xem xét hết, nhân phẩm con c*c. Đầu tao lúc này chỉ nghĩ đến tiền và quyền của ông kia thôi, đ*o nghĩ được cái gì khác chúng mày ạ. Đây là gài bẫy, chỉ có thể là gài bẫy”.
Luận điểm này, chính là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể hèn hạ đến mức độ nào khi nghĩ về quyền lực.
Tất nhiên, bạn biết tính tôi, ngày thường đọc những điều đó, tôi chỉ lầm bầm: “ĐM bọn hèn hạ”, rồi đóng facebook đi làm việc. Nhưng hôm nay, tôi cầu khẩn mọi người nghĩ lại về cách ứng xử với những người tố cáo tấn công tình dục. Bạn hỏi rằng tại sao những người bị lạm dụng, bị tấn công không tố cáo? Vì bầu không khí chung của cả xã hội, vẫn đang sẵn sàng ném vào mặt một người phụ nữ thứ giọng điệu kiểu: “Chẳng qua là” và “Con này cũng là loại”. Người ta có quyền sợ. Và thật ra, họ rất nên sợ. Thứ dư luận này đáng sợ đến mức, nếu có ai đó khuyên nhau thôi nhịn nhục mà sống tiếp, cũng không hẳn là lời khuyên sai.
Làm ơn đi, nghĩ kỹ một chút và nhận ra rằng trong đầu mình – ngay cả khi bạn là nữ giới – vẫn còn định kiến giới, vẫn còn cái tư tưởng nhìn phụ nữ từ trên xuống và nghĩ “cũng phải như nào thì thằng kia mới thế”. Bạn có quyền khách quan, và nói thẳng ra rằng lời tố cáo này với tôi không đáng tin – nó chỉ là cáo buộc – và ủng hộ nguyên tắc suy đoán vô tội cho anh kia. Nhưng khách quan không đồng nghĩa với bình phẩm. Không đồng nghĩa với tấn công nạn nhân.
Kịch bản mà Dạ Thảo Phương viết trong lời tố cáo của mình, rằng một tay đàn ông có thể dễ dàng diễn ngôn một cuộc lạm dụng tình dục, có đơn tố cáo, thành (Thật ra là) lúc đầu đồng thuận nhưng (chẳng qua là) chia tay cô ấy muốn làm ầm lên, vì sao đó vẫn rất dễ tưởng tượng. Dù đã hai mươi mấy năm đi qua và xã hội tưởng đã rất trưởng thành.
Nguồn : https://baotiengdan.com/2022/04/07/nhung-binh-pham-hen-ha/