Ngày 9.9 vừa rồi, tôi cùng mấy người bạn là những nghệ sĩ đương đại Hà Nội từ Thanh Hóa nổi hứng đi Hương Sơn (Hà Tĩnh) chơi, do trong nhóm có Yến Năng quen với một thanh niên tên Thắng Quyết Trần mà theo lời anh nói là “khá đặc biệt”.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương (Phuong Nguyenngoc) cầm vô-lăng, chạy khoảng 5 tiếng thì tới nơi. Vừa xuống xe thì thấy anh Thắng và thầy Trợ Trần Đình đã đợi sẵn. Tay bắt mặt mừng dù chưa từng gặp, chúng tôi cơm trưa cùng nhau rồi sau đó về ngay xưởng sửa chữa xe đạp của anh Thắng, để tham quan. Cái xưởng này anh mở đã được khoảng 3 năm, chuyên phục chế xe đạp cũ mà anh xin từ khắp nơi trên cả nước về; làm mới, thay những bộ phận không còn dùng được nữa, rồi tiến hành… đem cho. Tôi hỏi, anh đã tặng được bao nhiêu xe cho học trò? Anh nói không nhớ nổi, nhưng cũng hàng ngàn rồi.
Lúc chúng tôi tới thì có 3 công nhân đang làm việc trong một xưởng khoảng vài trăm mét vuông, hai người phụ nữ và một bác trai chắc cỡ sáu chục. Vành, lốp, khung xe, pê-đan, xích, líp… ngổn ngang từ ngoài cổng vào đến tận sâu tường hậu. Mùi dầu mỡ…thơm nồng nặc.
Đang mải mê thăm xưởng và trò chuyện thì có 2 mẹ con đạp một chiếc xe mini màu xanh đi vào. Anh Thắng hỏi mẹ con đến có việc gì, thì cô gái lí nhí đáp là đến nhờ sửa xe. Thì ra cách đây vài tháng, chính xưởng đã tặng chiếc xe này cho hai mẹ con. Lần ấy, người mẹ đi đón con học về vì cả hai mẹ con chỉ có mỗi chiếc xe ấy thôi, xe hỏng dọc đường, rồi ghé vào nhờ xưởng anh Thắng sửa hộ. Thấy chiếc xe cũ nát quá, anh Thắng tặng luôn cho 2 mẹ con một chiếc vừa mới ra lò. Nay hai mẹ con mang tới nhờ chỉnh cái đầu xe vì hình như đi lâu khiến nó hơi nghiêng lệch.
Tôi nhìn kỹ hai mẹ con, hai thân thể gầy quắt, chắc mỗi người chỉ khoảng 30 cân. Mẹ và con đều nhỏ thó, cảm giác như có thể cầm một tay mà nhấc bổng lên được. Không tin được trước mặt mình là cô gái đã bước sang tuổi 19. Tôi bắt chuyện, hỏi thăm nhà chị ở đâu, chị chỉ về phía trong và nói cách đây khoảng 2 cây số…
Nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ thì đi làm mướn lặt vặt, ai thuê gì làm nấy; rửa bát, dọn hàng thịt ngoài chợ, mỗi một gian hàng được chủ trả cho 5 nghìn. Nuôi con ăn học… Tôi hỏi nhà chị có ruộng không. Chị nói trước đây có, nhưng mới bị thu hồi rồi. Tôi hỏi người ta thu hồi, trả cho chị được nhiều tiền không. Chị nói 70 triệu. Rộng không? 14 thước. Tôi quay qua hỏi thầy Trợ, “14 thước là bao nhiêu mét vuông?”; thầy nói “15 thước là 1 sào”.
Lại nói chuyện với người Mẹ, hỏi rằng “Họ thu hồi ruộng của chị để làm gì”. “Họ xây nhà”. Thầy Trợ phải giải thích cho tôi: Hồi nãy thầy đi từ ngoài vào đây có thấy cái khu nhà liền kề xây kiểu biệt thự còn mới tinh đó không. Tôi nói “có”. “Đấy, họ thu hồi để làm khu đô thị mới”. Tôi hỏi họ bán bao nhiêu một căn như thế. “Khoảng dăm bảy tỉ”.
– Nếu đất ở khu ấy, không có nhà, thì một lô khoảng bao nhiêu tiền?
– Khoảng vài bốn tỉ.
– Vậy 14 thước ruộng của chị đây được khoảng 2 đến 3 lô?
– Ừ.
Tôi lại nhìn hai mẹ con đang ngồi xổm nép vào gốc cây bên cổng. Người mẹ vẫn đeo chiếc khẩu trang trên mặt từ lúc vào không chịu gỡ ra. Hỏi chị rằng nhà cửa thế nào; chị nói bên chính quyền làm cho một chiếc nhà tôn, hai mẹ con ở đó.
Người nông dân, chỉ có chút ruộng để làm lấy gạo ăn, nay chính quyền đã “thu hồi” và trả cho họ 70 triệu đồng. Mảnh ruộng ấy chia lô ra bán, nếu tính theo thời giá hiện tại là tiền tỉ, nhiều tỉ. Người mẹ vẫn đi lau dọn hàng thịt ngoài chợ và tối về chui rúc trong căn nhà vách tôn “tình thương”.
Dân đen. Bắt phong trần phải phong trần.
Chúng tôi rời Hương Sơn sau một đêm hàn huyên cùng nhau đến tận gần sáng. Ngồi trên xe trở về, tôi nhìn kỹ lại khu đô thị mới của những căn biệt thự mà trong đó có 14 thước ruộng chính quyền đã thu hồi của 2 mẹ con còm cõi kia. Những căn nhà trắng muốt bên cạnh những thửa lúa đang vào mùa gặt, nham nhở vàng.
Hình ảnh hai mẹ con nhỏ thó, gầy gò và nhút nhát cứ đeo bám mãi trong tâm trí. Rời Hà Tĩnh rồi, chiếc nhà tôn tạm bợ cứ chập chờn bên những căn biệt thự sang trọng; những ruộng lúa gục đầu bên “khu đô thị mới” long lanh… Xưởng phục chế xe đạp. Người thanh niên tên Trần Quyết Thắng tay lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ. 14 thước đất lúa giờ đã biến thành vàng ròng, cho ai…
Lại nhớ. Lúc ở xưởng, nhìn đống săm lốp chất cao ngổn ngang, Yến Năng liền gọi Hoan Doan “Anh em mình làm một tác phẩm đi”. Hoan Doan nhíu mày, “Tác phẩm gì”. “Cứ làm, chưa biết ý nghĩa”. Như một bản năng luôn chực chờ, tất cả kéo ra khoảng sân rộng phía trước của một trường học vắng người. Những chiếc săm xe đạp được quàng vào người, từ chân lên đến đầu, tất cả 4 người lùng bùng trong mớ dây dợ đó. Rồi một cuộc vật lộn thống thiết để thoát ra, bắt đầu. Vật lộn thật sự, vì khi đã đeo những thứ đó vào người, lại móc vào với nhau nên 4 người trở thành một đống bùi nhùi khổ sở. Vùng vẫy, cào xé, vật lộn. Cả một khối lớn ngã đùng ra sân xi măng. Hoan Doan bị sưng một cục trên đầu như trái ổi.
Cuối cùng cũng thoát ra. Đứt hơi, phờ phạc, lem luốc. Tôi chẳng còn thấy nghệ thuật nữa, chỉ có hình ảnh những con người bị quấn riết, trói chặt, đau và khổ.
Mọi người đi tìm đá lạnh chườm đầu cho Hoan Doan. Không ai hỏi cũng không ai nói đến ý nghĩa của tác phẩm. Suốt mấy ngày sau đó khi ai đã về nhà nấy, tác phẩm vẫn không được đặt tên, không ai nhắc đến, không một lời diễn giải nào được đưa ra.
Đến đêm hôm trước Yến Năng nhắn tin cho tôi. Tôi nói đặt tên là NHỰA đi. Ừ, là nhựa, là keo, là dính dấp, là rác, là phế thải, là nhừa nhựa. Nhưng cũng là nhựa sống, là vươn lên, là ào ạt trong thân cây thân người…
Nhựa người…
Thái Hạo