NHÌN LẠI CUỘC TẤN CÔNG ĐẠI HỌC FULBRIGHT VIỆT NAM VỚI MÔ THỨC TỪ HƠN 30 TRƯỚC

0
6
Ảnh Luật sư Triệu Quốc Mạnh, một trong những vị khai sinh khóa luật
Tháng 08/2024, một video mang tên “”Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục”đã bị lặng lẽ gỡ ra khỏi không gian mạng, mà theo đó, chủ nhân của video là Đài Truyền Hình Quốc Phòng đã cho phát trên kênh của mình với nội dung cho rằng Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), có trụ sở tại Sài Gòn là nơi tuyên truyền tư tưởng sai lệch, thậm chí ám chỉ rằng trường đại học này có liên hệ với các tổ chức phản động với mục đích “gây kích động”, cổ súy cho mầm mống “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”…
Nhìn lại câu chuyện tấn công vào Trường Đại học Fulbright, khiến tôi nhớ về cuộc tấn công tương tự vào Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM từ hơn 30 năm trước, nơi tôi và hơn một nghìn bạn đã may mắn được học ở khóa đầu tiên, vì nó khá giống với nhau về cung cách và nội dung tấn công.
Khóa luật của chúng tôi được khai sinh từ những “bà mụ” gồm ông Triệu Quốc Mạnh, Luật sư, nguyên là Biện Lý Cuộc và là Chỉ Huy Trưởng của lực lượng Cảnh sát Đô Thành trong những giờ cuối cùng của chế độ Sài Gòn cũ. Có điều, ông cũng là một cán bộ nằm vùng của Việt Cộng. Ông Phan Hiền, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và ông Nguyễn Ngọc Giao, Giáo sư, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM.
Khi ấy, khóa luật vẫn chưa được thành lập thành một khoa riêng biệt tại Trường Đại học Tổng hợp, mà chỉ là một ngành (Ngành Luật) thuộc Khoa Triết mà thôi.
Tháng 09/1990, khóa luật đầu tiên của chúng tôi khai giảng với 3 lớp, gồm các lớp 5LHA, 5LHB và 5LHC. Trong đó, tuy là khóa luật học đầu tiên, nhưng lệ thuộc vào Khoa Triết lúc ấy đang đào tạo khóa thứ 5, nên các lớp của chúng tôi được đặt ký hiệu bắt đầu bằng khóa 5 là vậy.
Cả 3 lớp đều được giảng dạy tại cơ sở 2, đường Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, nơi trước năm 1975 là cơ sở của trường Đại Học Văn Khoa.
Ban Giảng huấn được Luật sư Triệu Quốc Mạnh mời tham gia, hầu hết là số Giáo sư từ Đại học Luật khoa Sài Gòn (Cần Thơ và Huế), Học viện Quốc gia Hành chính còn ở lại trong nước sau năm 1975, một số luật sư và một số nguồn khác. Một số vị tôi còn nhớ tên, mà khi nhắc lại danh tính, tôi vẫn thấy đầy hãnh diện khi được thọ giáo họ, các giảng sư: Vũ Tam Tư, Nguyễn Mạnh Bách, Đào Quang Huy, Vũ Phúc Tùng, Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Văn Ngôn, Lương Hữu Định, Lương Văn Lý, Nguyễn Ngọc Bích, Lê Tử Thành, Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM), Nguyễn Văn Hòa, Trần Thị Bông, Phạm Mạnh Khôi, Trần Văn Huỳnh, Trần Trung Hậu…
Đồng thời, rất nhiều giáo trình của Đại học Luật khoa Sài Gòn cũng được các Giáo sư biên tập lại, đưa vào giảng dạy.
Không chỉ giáo sư, giáo trình từ Đại học Luật khoa Sài Gòn cũ, mà mô thức đào tạo theo hình kim tự tháp cũng được vận dụng tương tự.
Theo đó, đầu vào như mặt đáy kim tự tháp, mở rộng dễ dàng cho mọi người muốn theo học. Họ chỉ cần ghi danh mà không cần phải qua bất kỳ kỳ thi tuyển nào cả. Nhưng đầu ra như đỉnh chóp kim tự tháp thu hẹp nhỏ dần, thế nên, mức độ khó tăng dần theo hàng năm để sàng lọc người học. Chỉ còn lại một số ít sinh viên cuối cùng qua kỳ thi tốt nghiệp sẽ có khả năng vào làm việc tại các cơ quan tư pháp.
Mô thức đào tạo theo hình kim tự tháp có ích lợi trong việc phổ cấp kiến thức pháp luật rộng rãi cho người dân, dù chỉ học chương trình cử nhân luật trong một vài năm đầu cũng đều rất tốt cho xã hội. Vì khi ấy, họ đã được trang bị các kiến thức luật pháp cơ bản cho mình.
Rất tiếc, mô thức đào tạo theo hình kim tự tháp này trong ngành luật đã mai một, không còn nghe ai nhắc đến nữa.
Có lẽ cũng vì “đầu vào” dễ dàng như vậy, nên không chỉ đối với sinh viên thuần túy, mà còn thu hút không ít quan chức đủ các cấp, các ngành ghi danh theo học. Nổi tiếng nhất là Chủ Tịch UBND thành phố lúc bấy giờ, ông Trương Tấn Sang, người mà về sau nắm giữ đến chức vụ Chủ Tịch nước, hoặc ông Phó Giám đốc Công an thành phố Trần Văn Tạo…
Số sinh viên trong các khóa Luật lúc đó, nay đã ngồi vào khá nhiều vị trí quan trọng trong ngành tư pháp Việt Nam, kể cả 1 người đã là Thẩm phán thuộc Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, chỉ gồm 17 thành viên. Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Sài Gòn. Còn số Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa các cấp tại Sài Gòn hoặc các quận huyện thì nhiều lủ khủ. Có 2 người đã trở thành Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tại Sài Gòn. Số trở thành công tố viên hoặc lãnh đạo các ngành công an, hải quan cũng không ít.
Xét trong bối cảnh hiện nay, với thành phần ban giảng huấn và giáo trình như kể trên đã là cả một cái gai xương xóc khó mà được chấp nhận đối với chế độ, huống chi vào thời điểm ấy, cách nay 34 năm, khi tư duy giáo điều nặng nề vẫn đang chế ngự khắp nơi, thì nó còn là điều cấm kỵ nghiêm trọng đến mức nào.
Chuyện đến rồi phải đến. Khoảng cuối năm thứ nhất, trên báo Sài Gòn Giải Phóng đã xuất hiện bài viết của tác giả Mai Hồng Quỳ, bà là một Tiến sĩ Luật, phê phán khóa luật Trường Đại học Tổng hợp kịch liệt với những lời cáo buộc “chết người”, nào là mất quan điểm chính trị, đào tạo xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa, cổ súy cho pháp luật tư bản… Nếu sự phê phán đến từ một Tiến sĩ Luật, trong thời buổi còn nặng nề giáo điều, thì lời lẽ cáo buộc sẽ ghê người đến mức nào vào lúc ấy!?
Không phải trên báo thường mà chọn đăng tải bài viết trên báo Đảng là sự tấn công trực diện vào khóa luật còn non trẻ. Tuy vậy, giờ nhìn lại, tác động của bài viết tưởng nặng nề, mà hóa ra lại chỉ như việc ném đá ao bèo, chỉ gợn chút sóng lăn tăn mà thôi.
Nhưng trong thời điểm ấy cho đến tận khi tốt nghiệp, chưa bao giờ chúng tôi hết lo lắng về sự tồn tại của khóa luật, như những kẻ phải học lậu trong một khóa học bất hợp pháp vậy. May mắn, khóa cử nhân luật dự kiến chỉ 4 năm đã được chúng tôi hoàn thành vào năm 1995, sau đến 5 năm mài đũng quần trên giảng đường.
Sau chúng tôi vài khóa, thì Trường Đại học Luật với Hiệu trưởng Mai Hồng Quỳ, cô nàng cố nhân xinh đẹp ngày nào, cũng đã kịp thôn tính khoa luật Trường Đại học Tổng hợp, chấm dứt những khóa luật với ban giảng huấn và giáo trình mà chúng tôi đã may mắn và hãnh diện được thọ giáo.
Sự phê phán của bà Mai Hồng Quỳ khi đó, về học thuật mà nói, thì thật ra làm gì có pháp luật tư bản! Chỉ có một hệ pháp luật chung cho loài người sử dụng mà thôi, đúng như tục dao pháp lý La-tinh “Ubi Societas, Ibi Jus” (Được hiểu rằng: Ở đâu có xã hội, ở đấy có pháp luật). Nó chỉ mang tên là “Pháp luật tư bản” khi những lý thuyết gia Cộng sản đặt tên và gán cho nó chức năng đấu tranh giai cấp:”Pháp luật là vũ khí của giai cấp bóc lột” để rồi xa lánh nó.
Nhưng sau đó, tôi không rõ ngôi Trường Đại học Luật dưới thời Hiệu trưởng, Tiến sĩ Luật Mai Hồng Quỳ đã chấp nhận việc đưa các kiến thức pháp luật, vốn tri thức chung của loài người vào giảng dạy trong trường hay chưa? Để các cử nhân luật tốt nghiệp từ ngôi trường này có thể hòa nhập với thế giới pháp lý văn minh? Hay vẫn sắt máu với tính giai cấp để tạo sân chơi riêng cho mình với 4 đối tác sắp tuyệt chủng của nhân loại, gồm Trung Cộng, Lào, Bắc Hàn và Cuba?
Giờ nhớ lại, như nước chảy hoa trôi thôi nhỉ? Nhưng nhìn lại vào sự tấn công vào Đại học Fulbright Việt Nam theo mô thức ấu trĩ cũ kỹ, đã có từ hơn 30 năm trước mà thấy rùng mình.
DC, ngày 9 Tháng Mười Hai 2024
Đặng Đình Mạnh
*Xin phép tag tên một số bạn đã từng theo học khóa luật ĐHTH. Nếu thấy bất tiện, các bạn có thể untag giúp
* Ảnh Luật sư Triệu Quốc Mạnh, một trong những vị khai sinh khóa luật

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here