Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD (từ 30.000 tỷ-trên 40.000 tỷ đồng) để bù lỗ cho dự án này.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng phi mã gần 1.000 đồng/lít từ 15g ngày 11-2-2022.
Cụ thể, trên cơ sở giá tối đa, doanh nghiệp điều chỉnh ở mức: giá xăng E5RON92 tăng thêm 980 đồng/lít, từ 23.590 đồng/lít lên mức 24.570 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 960 đồng/lít, từ mức 24.360 đồng/lít lên mức 25.320 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 660 – 960 đồng/lít. Trong đó, dầu diesel 0.05S có giá 19.865 đồng/lít. Dầu hỏa có mức giá tăng cao nhất với 960 đồng/lít, có giá 18.751 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.659 đồng/kg.
Về khách quan, chuyện tăng giá này được giải thích là trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm công suất của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cộng thêm việc kéo dài kỳ điều chỉnh giá trong khi giá thế giới tăng, khiến cho doanh nghiệp rơi vào khó khăn “kép”, vừa khan hàng vừa chịu sức ép giá thế giới tăng, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng hạn chế bán ra hoặc nghỉ bán.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Theo thoả thuận với nhà đầu tư, Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm.
PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tuỳ chủng loại mặt hàng. Theo các tính toán trước đây, tập đoàn này cho biết có thể phải bù lỗ 1,5-2 tỷ USD cho Nghi Sơn.
Trên thực tế, theo lộ trình hội nhập, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho Lọc dầu Nghi Sơn. Vì thế, nếu lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong vòng 10 năm, PVN sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù lỗ cho nhà máy này.
Cụ thể, theo một tính toán gần đây, với giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ phải bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn 1,54 tỷ USD. Số tiền bù lỗ này sẽ lên 1,8 tỷ USD nếu giá dầu là 50 USD/thùng. Còn ở phương án giá dầu 70 USD/thùng, PVN dự kiến sẽ phải chi ra 2 tỷ USD để bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn.
Tóm lại, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD (từ 30.000 tỷ-trên 40.000 tỷ đồng) để bù lỗ cho dự án này.
Đó là chưa kể số kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho lọc dầu Nghi Sơn để đầu tư các hạng mục công trình.
Cách đây ít lâu, phát biểu tại Hội thảo “thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế”, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng đã chỉ ra bất cập liên quan tới dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm theo lộ trình ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể, theo ông Trương Đình Tuyển, Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại.
Như vậy, nếu năm 2018 Lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại, thì theo thỏa thuận với nhà máy này, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028.
Tuy nhiên, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu đã xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0% .
“Vậy là phát sinh mâu thuẫn giữa cam kết FTA với cam kết Nghi Sơn. Theo FTA với ASEAN và Hàn Quốc, lộ trình giảm thuế giảm nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng không thể phá bỏ cam kết với Nghi Sơn thì nguồn bù đắp 7% từ đâu? Con số này rất lớn mà phải nghĩ đến”, ông Trương Đình Tuyển nói.
Hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đến từ 2 nhà máy liên doanh là Nghi Sơn (NSRP) và Dung Quất (thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn-BSR), đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường. Dù là 2 nhà máy liên doanh chủ lực của cả nước, nhưng hiệu quả hoạt động của 2 nhà máy này hoàn toàn trái ngược nhau.
Năm 2021, lợi nhuận của BSR ước đạt 6.000 tỷ đồng- mức lợi nhuận kỷ lục từ trước tới nay. Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất ổn định, đạt 100% kế hoạch với sản lượng 6,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu. Tháng 1-2022, trước thực tế nhu cầu xăng dầu tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và nguồn cung trong nước gặp khó khăn, BSR đã tăng công suất Dung Quất lên 103%. Ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, BSR nhập dầu thô để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Trong lúc đó thì vì khó khăn tài chính nên nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 01-2022.
Báo cáo tài chính cho biết sau 3 năm vận hành thương mại (2018-2019-2020), nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn lỗ hơn 61.200 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu (50.000 tỷ) hơn 11.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 đạt 86.675 tỷ thì năm 2020 chỉ còn 74.848 tỷ đồng.
Trong khi đó BSR – đơn vị vận hành nhà máy Dung Quất liên tục báo lãi. Năm 2019 lãi sau thuế gần 2.900 tỷ. Báo cáo hợp nhất BSR cho thấy trong năm 2021 lãi sau thuế hơn 6.673 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với năm 2020 là lỗ 2.800 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả cao nhất của công ty kể từ khi cổ phần hóa. Nhờ vậy, lợi nhuận lũy kế tính đến cuối năm 2021 lên tới 6.551 tỷ đồng.
Cũng cần nhắc lại là Nhà máy Dung Quất đã vận hành được hơn 12 năm, trong khi Nhà máy Nghi Sơn chỉ hơn ba năm.