Cuốn sách giáo khoa của một trong những trí thức nổi tiếng nhất thời Việt Nam Cộng hòa.
Trịnh Hữu Long 22 Mar 2022
Luật Khoa từng giới thiệu giáo sư Nguyễn Ngọc Huy như một trong “bốn nhân vật dân sự xuất sắc của Việt Nam Cộng hòa”. [1] Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời Đệ nhị Cộng hòa là một sự kết hợp thú vị giữa các tướng lãnh như Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và các trí thức nổi danh như Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngọc Huy.
Mục “Đọc sách cùng Đoan Trang” hôm nay sẽ giới thiệu tới độc giả bộ hai cuốn của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy: “Lịch sử các học thuyết chánh trị”.
Hai cuốn này được xuất bản năm 1970 và 1971, ở thời kỳ đầu của nền Đệ nhị Cộng hòa, và cũng là lúc Nguyễn Ngọc Huy mới sáng lập ra Đảng Tân Đại Việt (1969). Trước đó không lâu, ông lấy được bằng tiến sĩ chính trị học ở Pháp (1963) và về nước giảng dạy tại Học viện Quốc gia Hành chánh.
Về cơ bản, hai tập sách này tóm tắt các học thuyết chính trị tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, và thú vị thay, có cả những tư tưởng chính trị của người Việt Nam và đang có ảnh hưởng ở miền Nam khi đó.
Là sách giáo khoa, chủ trương hướng tới đối tượng là sinh viên đại học, “Lịch sử các học thuyết chánh trị” điểm danh các luồng tư tưởng cổ đại của Trung Quốc (Nho gia, Mặc gia, Pháp gia và Đạo gia) và Tây phương (dân chủ, cộng hòa, Thiên Chúa giáo), rồi đến những tư tưởng về sau như luật tự nhiên (mà tác giả gọi là “luật thiên nhiên”), khế ước xã hội, tự do cá nhân, phân quyền, pháp trị, dân chủ tự do và cả chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa phát-xít, chủ nghĩa dân tộc/ quốc gia, chủ nghĩa tam dân, v.v.
Ở Việt Nam, ông điểm danh chủ nghĩa nhơn vị (tức nhân vị) của những người Công giáo nhập thế, chủ nghĩa duy dân của Lý Đông A (tức Nguyễn Hữu Thanh), và chủ nghĩa dân tộc sinh tồn của Trương Kháng (tức Trương Tử Anh).
Dĩ nhiên, do hai cuốn sách phát hành vào đầu thập niên 1970, nó thiếu vắng một số cái tên quan trọng mà chúng ta nghe nói nhiều trong thời kỳ sau đó như John Rawls hay Robert Nozick.
Một điểm thú vị nữa là tác giả cuốn sách cũng giới thiệu đóng góp về mặt lý thuyết của chính mình khi phát triển thêm chủ nghĩa dân tộc sinh tồn và gọi nó là chủ nghĩa quốc gia khoa học. Đây cũng là nền tảng tư tưởng cho đảng chính trị mà ông sáng lập, Tân Đại Việt.
Điểm đáng quý của cuốn sách này là nó giới thiệu một cách vừa dễ hiểu, vừa có tính phê phán với các lý thuyết, xem nó hay dở chỗ nào. Riêng lý thuyết của chính mình thì dường như ông để ngỏ cho người khác phê phán.
Trong phần mở đầu, ông lưu ý rằng tư tưởng chính trị nào cũng hấp dẫn, và các lý thuyết gia dĩ nhiên có dụng ý thuyết phục công chúng theo mình, hay là dụ dỗ công chúng vào cái “mê hồn trận” của họ.
Ông viết: “Lẽ cố nhiên là những nhà lý thuyết này phải trình bày chủ nghĩa Cộng sản một cách hấp dẫn. Những người lén đọc các tác phẩm của họ lọt vào cái Mê Hồn Trận Cộng sản rồi không thoát ra được”.
Bởi vậy, cách ông viết sách là viết có tính phê phán: “Để tránh cái nạn lọt vào Mê Hồn Trận của các chủ nghĩa chánh trị, chúng tôi sẽ đưa ra một số nhận xét chung về tư tưởng chánh trị, giúp sinh viên một phương pháp phê bình và xác định vị trí của mỗi tác giả trong cái rừng tư tưởng chánh trị và nhờ đó mà dễ thoát khỏi cái Mê Hồn Trận của họ”.
Ngoài việc giới thiệu các lý thuyết, ông còn dành chương dẫn nhập của Tập 1 để trình bày “những ý niệm khái quát về các học thuyết chánh trị”. Trong phần này, ông lưu ý về việc mỗi học thuyết đều là sự kết hợp giữa tính thiết thực (ý là thực tế) và tính không tưởng.
“Khảo cứu các tư tưởng học thuyết chánh trị, ta thấy cái nào cũng có khía cạnh thiết thực và khía cạnh không tưởng, chỉ có chỗ khác nhau là cái thì thiên về thiết thực nhiều hơn, cái thì thiên về không tưởng nhiều hơn. Những lý thuyết đã thành công phần lớn đều là những lý thuyết dung hòa được hai tánh cách thiết thực và không tưởng. Nó vừa đủ không tưởng để lôi cuốn người ta theo, vừa đủ thiết thực để giải quyết các vấn đề đặt ra cho xã hội một cách đúng đắn”, ông viết.
Có một điều ông viết về Việt Nam có lẽ vẫn còn tính thời sự, mặc dù đã qua bao phen dời non lấp biển:
“Dân tộc Việt Nam ta hiện nay đã bỏ ý thức hệ cổ truyền, nhưng chưa tìm được một ý thức hệ mới được mọi người chấp nhận. Hiện nay, hai ý thức hệ Cộng sản và Tự do đang tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam. Người dân Việt Nam hiện nay không còn chấp nhận chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng chưa có nếp sống và tư tưởng phù hợp với chế độ dân chủ tự do.”
Rất tiếc, cuốn “Lịch sử các học thuyết chánh trị” này hiện không được xuất bản ở nước ta nữa do nạn kiểm duyệt. Chỉ còn các bản in cũ kỹ từ trước năm 1975 hiện vẫn đang trôi nổi ở những hiệu sách cũ hay những nhà sưu tầm sách.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
1. Võ Văn Quản. “4 Nhân Vật Dân Sự Xuất Sắc Của Việt Nam Cộng Hòa Có Thể Bạn Chưa Biết.” Luật Khoa tạp chí, April 18, 2020. https://www.luatkhoa.org/2020/04/4-nhan-vat-dan-su-xuat-sac-cua-viet-nam-cong-hoa-co-the-ban-chua-biet
Đồng sáng lập viên, Tổng biên tập của Luật Khoa tạp chí.