Ngư dân và doanh nghiệp phản đối đổ bùn ở Bình Thuận

0
96
Bãi biển Bình Thuận. AFP
RFA

Từ khi thông tin về việc đổ bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận, gần khu vực Hòn Cau, nhiều ý kiến phản đối của các nhà khoa học, báo chí đã được đưa ra.

Về phía cơ quan chức năng, Bộ tài nguyên môi trường cũng lên tiếng trấn an dư luận bằng cách hứa sẽ tổ chức quan trắc việc đổ bùn thải, cũng như là bùn này không gây hại cho môi trường biển.

Các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến hải sản tại Bình Thuận, và ngư dân nghĩ thế nào về việc này?

Ảnh hưởng nguy hại đến môi trường và sản xuất

Khi nghe tin hàng triệu mét khối bùn nạo vét sẽ được đổ xuống biển Bình Thuận vào tháng 10 tới đây, chủ một doanh nghiệp thủy hải sản ở huyện Phú Quí, tỉnh Bình Thuận, không muốn nêu tên, nói với chúng tôi một cách khá bực dọc:

Chất bùn thải mà đổ xuống biển thì còn chi là biển Bình Thuận cho ngư dân đánh bắt! Các doanh nghiệp chế biến như tụi tui thì đánh bắt không có thì lấy gì chế biến? Đổ bùn thải xuống thì tin chắc rằng ảnh hưởng môi trường rất là lớn. Tui có đánh bắt, có chế biến, xí nghiệp tui có tàu đông lạnh, có đánh bắt dưới biển, có thu mua chế biến trên bờ. Đổ bùn thải xuống thì còn chi biển cho ngư dân đánh bắt nữa! Theo tôi tốt nhất là không nên đổ xuống biển.”

Ngư trường biển Bình Thuận nổi tiếng trong cả nước về sự giàu có thủy hải sản của nó, đã cho ra đời một ngành công nghiệp rất lớn liên quan đến chế biến thủy hải sản. Trên trang web của Tổng cục thống kê, vào năm 2013, toàn tỉnh có đến 148 doanh nghiệp loại lớn sản xuất, chế biến thủy hải sản. Ngoài ra còn có rất nhiều cơ sở sản xuất cá khô và nhất là nước mắm Phan Thiết nổi tiếng. Sản lượng của ngành ngư nghiệp chiếm đến 40% giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh này vào năm 2013.

Đại diện công ty Cổ phần chế biến và xuất khẩu nước mắm Phan Thiết nói với chúng tôi về ảnh hưởng của chuyện đổ chất thải ngoài biển lên sản phẩm của ông:

“Nước mắm là làm từ sinh vật cá, mà bây giờ anh đổ cái gì vào sinh vật đó thì làm sao tốt được. Tốt nhất là đừng có đổ, đổ rồi thì phải ảnh hưởng chứ. Đề nghị chính phủ đổ nơi nào thích hợp nhất, đừng đổ ra biển nữa, đừng có làm hư biển người ta. Không tốt.”

Nhưng những người lo ngại nhiều nhất đến việc xả bùn nạo vét ở gần Hòn Cau là chủ những doanh nghiệp sản xuất và nuôi tôm giống ở Tuy Phong, nơi chỉ cách biển Hòn Cau vài hải lý.

Theo con số của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích nuôi tôm ở Tuy Phong là 600 hectare. Ông Lê Tấn Phát, chủ một trại nuôi tôm giống ở Tuy Phong cho biết là con tôm giống ở Tuy Phong rất được ưa chuộng.

Ông Phát cũng như các chủ trại khác ở Tuy Phong rất lo ngại về việc đổ bùn thải xuống biển Hòn Cau.

Khi san hô chết thì hệ thống lọc nước của mình không lọc qua san hô được, thì công việc của mình trở nên khó khăn.
-Ông Lê Tấn Phát, chủ trại tôm giống tại Tuy Phong.

Ngày 13 tháng 7, 2017, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó tổng cục biển và hải đảo của Bộ Tài nguyên và môi trường trấn an rằng loại bùn nạo vét sẽ được nhận chìm gần Hòn Cau là lấy từ biển, không có chất độc làm phương hại đến môi trường của biển.

Ông Phát không đồng ý như vậy:

“Mấy ảnh nói như vậy, chứ thực ra san hô nó nằm trước trên bề mặt rồi, bây giờ mình đổ xuống thì nó nằm chồng lên bề mặt của san hô, san hô thiếu ô xy thì nó chết. Khi san hô chết thì hệ thống lọc nước của mình không lọc qua san hô được, thì công việc của mình trở nên khó khăn. Hệ sinh thái tảo tự nhiên, vi sinh động vật, tự nhiên của biển không còn dưỡng chất nữa, cho nên rất khó.”

San hô mà ông Phát đề cập nằm trong khu bảo tồn biển Hòn Cau, được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái vùng biển Tuy Phong Bình Thuận. Ông Phát cho rằng khi biển không còn san hô thì công việc lọc nước của ông cho trại nuôi tôm giống sẽ trở nên khó khăn hơn.

Mặt khác theo ông Phát, việc sản xuất tôm giống của các trại ở Tuy Phong hiện nay cũng đã gặp nhiều khó khăn vì môi trường bị ô nhiễm, tỉ suất tôm giống trên các cặp tôm bố mẹ không còn cao như trước.

Một nguyên nhân chính được ông nêu ra chính là cảng biển của hệ thống nhà máy nhiệt điện Tuy Phong:

“Ngày xưa không có cảng đó thì nước trôi qua luôn, không bị tù lại, bây giờ cái cảng đó nó ra quá xa, nước chảy tới đó bị tù lại không chảy được. Nước bí như vậy làm sản xuất khó hơn.”

Ông cho biết là nước tù đọng này trở nên dơ hơn, làm cho công việc lọc nước của các trại nuôi tôm giống tốn kém hơn, trước khi có cảng này thì mỗi cọc lọc nước được dùng cho đến 20 mét khối nước, hiện nay chỉ còn 5 mét khối nước. Ông Phát cho biết thêm là hiện nay những công ty có vốn lớn như công ty Đại Nam phải dùng tàu ra khơi để lấy nước biển không bị ô nhiễm, và việc này làm giá thành sản xuất bị tăng lên rất nhiều.

Lo âu và phản đối

Một điều ông Phát cũng lo âu là nếu như vùng biển Hòn Cau, vốn nằm gần bờ bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng đến những ngư dân nghèo không có phương tiện đánh bắt xa bờ:

“Nếu đổ thẳng ra biển thì bảo đảm những cái người mà người ta không có điều kiện đánh bắt xa, chỉ đánh bắt trong phạm vi vài hải lý làm sao người ta sống được.”

Một ngư dân sống ở Tuy Phong thường xuyên đánh bắt gần bờ ở khu vực Hòn Cau tên là Tèo xác nhận điều ông Phát nói. Ông Tèo cho biết là hiện nay cũng có nhiều ngư dân chưa biết đến việc xả bùn ở Hòn Cau, nhưng nếu biết được thì người ta sẽ phản đối.

Nhà nước cũng biết chuyện đó thôi, nhưng chuyển đổ là chuyện của mấy ổng thôi, mình là người dân thì làm được cái gì.
-Chủ doanh nghiệp chế biến hải sản ở Phú Quí.

“Người ta cũng biết, cũng nghe, không có thấy. Người ta chỉ nghe thải như vậy, nhưng không có thấy, chưa thấy là đổ thải ra làm sao. 80-90% là người ta không đồng ý, nếu mà đổ thải thì bà con, nếu thấy thì người ta (không đồng ý đâu), ảnh hưởng nhiều lắm chứ.”

Người chủ doanh nghiệp giấu tên ở huyện Phú Quí thì cảm thấy là mình bị bất lực trước khả năng vùng biển Bình Thuận bị ô nhiễm:

Ô nhiễm thì người ta không đến đây du lịch, tắm biển được. Các sinh vật biển đâu còn sống được nữa đâu, thì đánh bắt cái gì. Nhà nước cũng biết chuyện đó thôi, nhưng chuyển đổ là chuyện của mấy ổng thôi, mình là người dân thì làm được cái gì.”

Trong lời phát biểu trấn an công luận vào ngày 13 tháng bảy, ông Phạm Ngọc Sơn có nói rằng khu vực “nhận chìm” bùn thải có mực đáy biển thấp hơn vùng Hòn Cau nên không sợ bùn sẽ lấp lên vùng bảo tồn biển này. Tuy nhien trên trang web Đại biểu nhân dân có liên quan đến Quốc Hội Việt Nam, trích dẫn phát biểu của người đứng đầu khu bảo tồn Hòn Cau, thì với diện tích 30 hectare, chiều cao 3 mét, đống bùn thải này sẽ theo dòng hải lưu phủ lên những khu vực xung quanh.

Khi được hỏi rằng nhà nước nên xử lý đống bùn nạo vét đó như thế nào, ông Lê Tấn Phát cho rằng tốt nhất là nên chôn trên bờ, hoặc sử dụng nó để làm vật liệu xây kè chống xói lở ở một số đoạn bờ biển ở khu vực này

Chúng tôi có liên lạc với ông Hồ Lâm, Giám đốc sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Thuận để hỏi ý kiến ông về những quan ngại của bà con ngư dân và doanh nghiệp Bình Thuận Tuy Phong, nhưng không liên lạc được.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here