Nguyễn Tường Thụy cùng với Lê Công Định và 17 người khác.
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Vậy là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trả tự do khi đang thi hành bản án 10 năm tù giam nhưng lại bị trục xuất ra khỏi tổ quốc của cô. Ngày hôm nay, 17/10/2018, công an Việt Nam thả cô ra từ trại giam số 5 ở Yên Định, Thanh Hóa, áp giải ra sân bay Nội Bài và điểm đến là tiểu bang Texat, Hoa Kỳ. Đi cùng cô là gia đình gồm mẹ cô và hai đứa con còn nhỏ.
Đây là sự nỗ lực của Chính phủ Mỹ, là kết quả vận động quốc tế của các tổ chức xã hội dân sự mà trực tiếp là Mạng lưới Blogger Việt Nam trong suốt 2 năm qua. Cuộc vận động rất tích cực nhưng cũng gặp nhiều trở ngại. Lúc có vẻ hy vọng thuận lợi, lúc rơi vào bế tắc bởi “áp lực của Bắc Kinh mạnh quá!”. Đã có lúc định được ngày rồi lại phải lùi lại. Kết quả chỉ đạt được khi thời tiết chính trị trong nước và quốc tế đem đến những thuận lợi.
Giới đấu tranh mừng cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thoát khỏi nhà tù cộng sản sau 2 năm 7 ngày bị giam giữ, tuy nhiên đây vẫn là tình thế buộc phải chấp nhận. Mọi người không muốn cô phải hy sinh thêm nữa.
Việc trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, dư luận cho rằng nằm trong ý đồ của VN trong quá trình thương thảo về Hiệp định thương mại tự do EU-VN (EVFTA) và để “rửa mặt” cho ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm tới Mỹ được đồn đoán vào cuối năm nay.
*
Trả tự do nhưng trục xuất tù nhân lương tâm ra khỏi đất nước là ngón đòn đầy toan tính của nhà cầm quyền cộng sản. Họ vừa mong lấy điểm về nhân quyền đối với quốc tế, vừa vô hiệu hóa được sức đấu tranh của những nhà hoạt động nhân quyền có tầm ảnh hưởng lớn.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là TNLT thứ 10 bị trục xuất ra khỏi đất nước. Người đầu tiên là Trần Khải Thanh Thủy bị trục xuất vào ngày 22/6/2011. Tiếp theo là Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Đặng Xuân Diệu, Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Công Chính, Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà và nay là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Ngoài ra, một số TNLT được giảm án hay ra tù trước thời hạn nhưng không bị trục xuất như Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh… Số này cũng không nhiều.
Việc trả tự do cho TNLT trước thời hạn đều có nguyên nhân từ sức ép quốc tế. VN đáp ứng để lấy điểm khi đàm phán một hiệp định kinh tế nào đó hoặc để cải thiện quan hệ giữa các quốc gia trong mỗi chuyến đi thăm, coi như một món quà.
Đây là một điều hết sức trớ trêu và đáng xấu hổ. Người nước ngoài thương xót cho công dân nước khác khi họ bị cầm tù, đày đọa một cách vô lý, trong khi chính chính phủ của họ lại dùng công dân nước mình làm mặt hàng trao đổi. Và vì vậy, “kho” TNLT luôn được quan tâm sao cho lúc nào cũng có hàng để thừa thãi xuất khẩu.
Ngay trong ngày trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Tòa án Bình Dương tuyên anh Nguyễn Đình Thành 7 năm tù giam với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo Facebooker Hoàng Lan, cùng ngày, công an Kon Tum bắt facebooker Phương Lê vì những bài viết trên mạng xã hội.
*
Việc thả TNLT có nên coi là tiến bộ về nhân quyền không? Nhân quyền không chỉ ở chỗ bắt hay thả tù nhân lương tâm. Việc bắt/thả TNLT chỉ là biểu hiện trực tiếp nhất, dễ thấy nhất về vấn đề nhân quyền. Bức tranh nhân quyền đen tối hay được cải thiện cần phải nhìn ở nhiều mặt khác của đời sống xã hội: quyền con người được thực hiện như thế nào, quyền biểu tình, quyền lập hội, tự do tôn giáo, tự do biểu đạt ý kiến ra sao, cuộc sống người dân yên ổn hay bất an? v.v… Cho nên không thể coi việc thả một vài TNLT là nhân quyền được cải thiện. Nó cũng như việc nhà nước bóp nghẹt nền kinh tế sau đó nới ra vào năm 1986 rồi cho là đổi mới. Đỗ Mười khoe không có đảng không có đổi mới thì ở đây, không có đảng thì không có thả TNLT. Nhưng không có bắt thì lấy đâu ra thả.
Mặc dù vậy, nhà cầm quyền vẫn quen với lối nghĩ giảm 5, 7 năm tù là thiện chí nhân quyền. Điều này, giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền nhìn rất rõ. Còn với quốc tế, họ cũng không dễ gì bị qua mặt.
Ngay sau khi thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ông Phil Roberston, Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch đã bình luận trên facebook như sau:
“Tuy chúng tôi hài lòng vì Mẹ Nấm và gia đình đã được tự do, nhưng hành động trả tự do này càng làm rõ thêm chiến lược đàn áp chính trị kiểu mới của Việt Nam: bắt giam các nhà hoạt động theo những tội danh nguỵ tạo và vi phạm nhân quyền, truy tố họ tại những phiên toà bỏ túi, và kết án họ với những mức án dài tới vô lý. Sau đó, khi mà hy vọng đã lụi tàn đi trước viễn cảnh (phải chịu đựng) nhiều năm tháng trong điều kiện kinh khủng sau song sắt, thì trả tự do cho họ, đổi lấy việc trục xuất họ và kể công. Hà Nội đang nhằm tới việc cách ly và đồng thời vô hiệu hoá từng nhà hoạt động nổi tiếng khỏi phong trào dân chủ và nhân quyền trong nước. Nhưng dư luận đừng nên quên rằng Việt Nam vẫn là một trong những nhà nước bạo tàn nhất ở Đông Nam Á, với hơn 100 tù chính trị đang bị giam vì đã nói lên quan điểm của mình, vì đã lập ra các hội nhóm không nằm trong tầm quản lý của chính quyền, và vì đã tổ chức tuần hành ôn hoà” (FB Pham Doan Trang).
Cần phải thấy rằng, số TNLT được trả tự do so với số bắt vào chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Tính ra con số được trả tự do trước thời hạn hay được giảm án là rất thấp so với rất nhiều tù nhân bị bắt từ năm 2011 (năm phóng thích TNLT đầu tiên) đến nay. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay có khoảng 180 TNLT đang bị giam ở các trại giam đã thành án hoặc chờ ra tòa (ở đây không kể số tù nhân chính trị có hành vi mang tính chất bạo động). Con số này chắc chắn còn thấp so với thực tế.
Hoạt động của những TNLT đều phù hợp với pháp luật hoặc công ước về quyền chính trị và dân sự mà VN đã ký kết. Đó là biểu đạt ý kiến, thể hiện thái độ chính trị một cách ôn hòa hoặc những hành vi mà pháp luật không cấm.
Nhà cầm quyền cần phải trả tự do cho tất cả TNLT, khi ấy mới có thể xem xét đến thiện chí nhân quyền, bên cạnh việc xem xét nhân quyền thể hiện trên lĩnh vực khác. Thỉnh thoảng thận trọng hé một khe hẹp cánh cửa nhà tù, lôi một TNLT ra cân đong, mặc cả đổi chác thì vẫn là lối làm ăn cò con của tư duy tiểu nông.
17/10/2018