Blog VOA
Ngày 1 tháng 4, tức April Fool, người ta hay chọc ghẹo bằng cách nói những điều không thật cốt yếu để giễu cợt nhau (pranks). Người ta đã bắt đầu làm điều này với nhau kể từ đầu thế kỷ 18, và có thể xa hơn nữa. National Geographic có bài viết về chuyện này, kể lại một sự kiện ghi trong hồ sơ, xảy ra năm 1698 tại London. Sự giễu cợt kiểu này ngày càng trở nên thịnh hành. Trẻ con ngày nay cũng rành rõi mấy vụ này, khoái mấy trò lừa phỉnh bạn bè, cũng như cha mẹ hay anh chị em mình. Cho nên vào ngày này bất cứ điều gì nghe hay đọc thì cũng phải thật sự cẩn trọng để không bị lừa, bị quê.
Nhân viên trong ban truyền thông/tiếp thị của hãng hàng không Vietjet, chi nhánh Thái, cũng nhân cơ hội 1 tháng 4 vừa qua đăng một quảng cáo trên Twitter với nội dung rằng Vietjet đã thiết lập một tuyến đường mới từ Tỉnh Nan đến Munich chỉ giá 1,010 baht (tức 30 đô Mỹ hoặc 40 đô Úc). Không lâu sau khi đăng, tweet này đã bị gỡ bỏ vì người Thái, đặc biệt thành phần ủng hộ Hoàng gia Thái, đã phản đối kịch liệt. Nan là nơi sinh của Sineenat Wongvajirapakdi, tì thiếp/cận vệ nhà vua Thái hiện nay, trong khi Munich là sân bay mà vua sử dụng khi đến cư ngụ tại Bavaria. Trong thời gian qua vua Maha Vajiralongkorn đã ở Munich nhiều hơn ở Thái, và quan hệ lên xuống giữa vua và Sineenat đã là đề tài gây đồn đãi không tốt cho uy tín của Thái hoàng.
Tuy vẫn còn được nhiều người Thái tôn sùng, vua Thái Vajiralongkorn, 69 tuổi, là một biểu tượng mà một số người Thái dùng để chế giễu, dù không dám công khai. Những chế độ quân phiệt cầm quyền từ trước đến nay đều biết lợi dụng vai trò của Hoàng gia trong chế độ quân chủ để củng cố quyền lực, để đảo chánh, và để đàn áp phía dân chủ đối lập. Những chế độ dân cử nào dám thách thức thực trạng này đều bị phía bảo hoàng tìm cớ lật đổ, chẳng hạn như cựu Thủ tướng Thái Thaksin Shinawatra bị quân đội đảo chánh năm 2006, và em gái Yingluck Shinawatra bị đảo chánh năm 2014. Vì thế phong trào dân chủ Thái hiểu rõ rằng muốn dân chủ hóa thì phải cải tổ hệ thống chính trị hiện nay, nhất là vai trò của Hoàng gia trong Hiến pháp. Tuy mang tính quân chủ lập hiến nhưng Thái hoàng vẫn còn nhiều ảnh hưởng lên chính trị, quân đội và tòa án Thái. Bất cứ ai thách thức hay chỉ đặt vấn đề về đầ tài tế nhị này đều có thể bị trừng phạt, bỏ tù hay lật đổ.
Trong thời gian qua, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), cũng như nhiều tổ chức, truyền thông và cá nhân khác, đã gặp khá nhiều khó khăn khi đụng đến Thái hoàng.
Thái Lan, khác với Việt Nam, cho phép tổ chức Ân xá Quốc tế hoạt động trên đất nước này từ lâu rồi. Tổ chức Ân xá Quốc tế được hình thành vào năm 1961, nhưng mãi đến năm 1993 chi nhánh Thái Lan mới được hình thành. Thật ra thì giới sinh viên Thái đã biết đến AI vào tháng 10 năm 1976, khi phong trào sinh viên bị tàn sát trong cuộc chính biến vào thời điểm đó. Tuy nhiên, mất đến 10 năm sau, văn phòng AI tại Thái Lan mới được thành lập năm 2003. Hiện nay AI toàn cầu có đến 7 triệu người ủng hộ, hoạt động và tình nguyện trên 150 quốc gia. Riêng tại Thái Lan, AI có hơn 1000 thành viên. Văn phòng chính của AI tại Thái Lan nằm ở Chatuchak, Bangkok (xin lưu ý, tên thủ đô Thái đang trong tiến trình được đổi thành Krung Thep Maha Nakhon, có nghĩa là Great City of Angels, Thành phố Vĩ đại của Thiên thần, mà người Thái biết lâu nay nhưng người ngoại quốc phần đông chỉ biết tên Bangkok). Năm 2016, AI mở một văn phòng khác chịu trách nhiệm về khu vực Đông Nam Á và Vùng Thái Bình Dương, cũng nằm ở Bangkok, nhưng ở khu Pathum Wan.
Trong hai năm 2020 và 2021 qua, tình hình chính trị tại Thái Lan trở nên sôi động hẳn. Hình như chưa bao giờ giới trẻ Thái Lan, nhất là sinh viên và học sinh, không chỉ xuống đường biểu tình hàng tuần, có lúc hàng ngày, mà còn biểu tình ngay tại trường trung học và đại học của mình. Chính quyền Thái của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã lúng túng đối phó và đã dùng nhiều biện pháp để ngăn cản, đàn áp và bắt bớ nhiều nhà hoạt động, nhất là thành phần lãnh đạo. Có hai văn phòng tại Bangkok và nhân viên làm việc chuyên môn về hoạt động, nghiên cứu và phúc trình, AI đã lên tiếng mạnh mẽ và nhanh chóng về những vi phạm nhân quyền của chính quyền Prayut đối với giới trẻ Thái và các đối tượng khác. Từ khoảng giữa năm 2020 đến nay, tháng nào, và có tháng nhiều lần, AI đều đưa ra bản tin/thông cáo báo chí về những các vấn đề nhân quyền tại đây. Điều này đã rõ ràng tạo ra nhiều khó khăn cho chính quyền Thái, vì những vi phạm đã bị AI, cũng như nhiều tổ chức khác, vạch trần.
Kể từ tháng 8 năm 2020 khi phong trào giới trẻ công khai đưa ra đề nghị cải tổ thiết chế quân chủ, cho đến nay đã có 173 người bị 186 vụ kiện liên quan đến luật phỉ báng hoàng gia, trong đó nhiều lãnh đạo phong trào đã bị cầm tù, và một số khác đã được tại ngoại hầu tra. AI đã nhiều lần lên tiếng bênh vực cho quyền tự do ngôn luận của những lãnh đạo phong trào và yêu cầu chính quyền Thái trả tự do cho họ. Vào tháng 11 năm 2021, khi Tòa Hiến pháp Thái kết tội ba nhà lãnh đạo phong trào giới trẻ Thái rằng hành động của họ có chủ trương lật đổ hoàng gia Thái, AI lên tiếng phê bình Tòa án và cho rằng quyết định này đặt ra tiền lệ nguy hiểm, nhất là về tự do biểu đạt.
Với những ảnh hưởng sâu rộng của AI như thế, không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Prayut, vào tháng 11 năm 2021, ra lệnh mở cuộc điều tra về AI, xem họ có vi phạm luật pháp nào tại Thái Lan không. Đầu tháng 2 năm 2022, Seksakol Atthawong, thứ trưởng trong Văn phòng Thủ tướng, cho biết bản kiến nghị phản đối sự hiện diện của Tổ chức Ân xá ở Thái Lan đã thu hút được 1,2 triệu chữ ký. Seksakol nói với Reuters rằng “Tổ chức này phá hủy nền an ninh của đất nước, họ hỗ trợ các nhóm muốn lật đổ chế độ quân chủ, họ thiếu công bằng và đứng về phía phong trào chống chính phủ chống chế độ quân chủ lập hiến.”
Là tổ chức nhân quyền có nguyên tắc và giá trị phổ quát, việc phe bảo hoàng Thái tìm cách trục xuất AI ra khỏi Thái là điều dễ hiểu.
Còn Vietjet? Vô tình, Vietjet bị dính vào đề tài chính trị rất nhạy cảm này, dù chỉ giễu cợt nhân ngày 1 tháng 4. Vietjet đã nhanh chóng chính thức lên tiếng xin lỗi, và đã gở bỏ cái tweet ngay, biện luận rằng lãnh đạo cao cấp không hề biết điều này. Nhưng phe bảo hoàng Thái cho rằng lời xin lỗi thôi không đủ.
Quan hệ giữa vua Vajiralongkorn và người cận vệ/tì thiếp Sineenat được dư luận đồn đãi bất lợi cho uy tín nhà vua. Một số chính trị gia – thật tình ủng hộ Thái hoàng, hay muốn lợi dụng cơ hội này đưa tên tuổi mình lên – cho biết muốn thành lập một ủy ban để điều tra xem Vietjet tại Thái có vi phạm luật nào, như Điều 112 trong Bộ luật Hình sự. Không rõ đây chỉ là những hâm dọa hay còn đi xa nữa, và sẽ kết thúc ra sao đối với Vietjet trong những ngày tới. Nhưng nếu bên phía cực kỳ bảo hoàng muốn làm tới, họ phải phanh phui mổ xẻ câu chuyện về Tỉnh Nan và Munich, và vì sao nó lại được xem là phỉ báng Thái hoàng. Càng muốn chứng minh thì càng có thể phải đi sâu vào những chi tiết mà có khả năng gây bất lợi hơn cho uy tín của Thái hoàng. Do đó rất có khả năng đây chỉ là lời hăm dọa để cảnh cáo thôi.
Khi nào Thái Lan vẫn còn tiếp tục duy trì ngôi vị của Thái hoàng như hiện nay thì tiến trình dân chủ hóa vẫn bị trì trệ mãi. Phía quân đội, tòa án và nhiều thành phần bảo hoàng khác vẫn tiếp tục hưởng quyền và lợi khi ra sức bảo vệ hoàng tộc Thái. Hiến pháp và cơ chế hiện nay là vậy. Họa may khi nào đa số người dân Thái nhìn ra được rằng Thái hoàng thật sự chẳng thương yêu bảo bọc gì họ cả, và quyền lực của Thái hoàng phải bị giới hạn trong tính cách tượng trưng, chứ không phải sâu rộng như bây giờ, thì thay đổi mới thật sự đến. Dù sao những nỗ lực của phong trào dân chủ, nhất là giới trẻ, dám lên tiếng, đấu tranh và sẵn sàng vào tù cho hành động của mình để mang lại thay đổi, đã truyền cảm hứng sâu rộng trong người Thái hiện nay.
Thay đổi, vì thế, sẽ phải đến thôi!