Mỹ thể hiện cứng rắn với Bắc Kinh trong vụ tàu Dewey

0
210
120124-N-VH839-038 INDIAN OCEAN (Jan. 24, 2012) Boatswain's Mate 3rd Class Kristin Butts, a landing signalman aboard the Arleigh Burke-class guided-missile destroyer USS Dewey (DDG 105), signals an AS-332 Super Puma helicopter during a vertical replenishment with the Military Sealift Command dry cargo and ammunition ship USNS Washington Chambers (T-AKE 11). USS Dewey is deployed to the U.S. 7th Fleet area of responsibility conducting maritime security operations. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Joshua Keim/Released)

TTO – Vẫn cách tiếp cận cũ của chính quyền tiền nhiệm, nhưng Lầu Năm Góc dưới thời tổng thống Donald Trump đã chọn cách thể hiện mới, đặt ra thách thức chưa từng có đối với Trung Quốc.

Truyền thông Mỹ dẫn lời một quan chức giấu tên nói tàu khu trục USS Dewey đã diễn tập cứu người rơi khỏi tàu khi đang di chuyển trong vùng nước 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn ngày 25-5. Trong ảnh: USS diễn tập cứu hộ trên biển tháng 4-2017 – Ảnh: USPACOM

Cách nhấn nhá và cung cấp thông tin của các quan chức ngoại giao Mỹ về vấn đề Triều Tiên và sự xuất hiện của tàu khu trục USS Dewey tại đá Vành Khăn, hay máy bay P-3 Orion gần quần đảo Hoàng Sa trong cùng một ngày làm dấy lên suy đoán Washington và Bắc Kinh đang “thực sự có vấn đề”.

Ngày 24-5, tàu khu trục USS Dewey của Mỹ áp sát đá Vành Khăn – thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và xây đảo nhân tạo bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đã lập tức phản ứng mạnh mẽ, lên án hành vi xâm phạm cái gọi là “chủ quyền, an ninh” của Trung Quốc.

Hai ngày sau động thái của Mỹ mà Bắc Kinh gọi “vô phép”, những thông tin đầu tiên bắt đầu hé mở nhưng được cung cấp theo kiểu nhỏ giọt. Các tuyên bố từ cấp cao nhất về vấn đề Triều Tiên bắt đầu xuất hiện theo hai chiều hướng khác nhau.

Tàu chiến, máy bay Mỹ cùng xuất hiện

Ngày 26-5, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ tàu USS Dewey đã áp sát đá Vành Khăn và tiến hành các hoạt động diễn tập “cứu người rơi xuống biển” trong lúc di chuyển hình zích zắc ngày 25-5.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ di chuyển trong vùng nước 12 hải lý xung quanh các thực thể bị Trung Quốc kiểm soát phi pháp tại Trường Sa.

Dưới thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, hải quân Mỹ đã 3 lần đưa tàu chiến áp sát các thực thể Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông. Washington gọi những lần đưa tàu chiến như vậy là “các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải và hàng không” trong khu vực (gọi tắt là FONOPS).

Tuy nhiên, khác với những lần trước, khi tàu chiến Mỹ chỉ thực hiện nguyên tắc “đi qua không gây hại” (innocent passage) trong vùng nước xung quanh các thực thể nhân tạo Trung Quốc xây, lần này, Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Donald Trump đã “chơi lớn”.

USS Dewey đã di chuyển trong khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn khoảng 90 phút, có lúc chỉ cách bờ khoảng 6 hải lý. Tàu chiến Mỹ bị hai khinh hạm của Hải quân Trung Quốc bám đuôi, bị cảnh báo và yêu cầu rời khỏi khu vực hơn 20 lần bằng sóng radio, theo USNI News.

Tối 26-5, thông tin máy bay tuần thám P-3 Orion của Mỹ bị hai chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc chặn trên không phận quốc tế cách Hong Kong 240km ngày 25-5 xuất hiện.

Nguồn tin lần này cũng là “các quan chức giấu tên Mỹ”. Khu vực này, nếu xét theo đường chim bay rất gần với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Gary Ross từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động của USS Dewey, khẳng định tất cả sẽ được công bố trong báo cáo thường niên “không sớm cũng không muộn”. Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định các hoạt động trong khuôn khổ FONOPS sẽ được tiếp tục và không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.

Nếu được xác nhận, sẽ không ngoa nếu nói Mỹ “chơi lớn” khi trong cùng một ngày cử máy bay và tàu chiến áp sát các khu vực bị Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Kể từ khi bắt đầu tiến hành các hoạt động FONOPS ở Biển Đông năm 2013, hoặc là Mỹ đưa tàu chiến / máy bay áp sát một số thực thể ở quần đảo Hoàng Sa, hoặc quần đảo Trường Sa. Chưa có trường hợp cùng lúc đưa tàu chiến/máy bay đến cả hai quần đảo như lần này.

Chủ quyền vô lý của Trung Quốc bị thách thức chưa từng có

Được quy định tại Phần 3 UNCLOS 1982, nguyên tắc “đi qua không gây hại” được áp dụng cho tất cả các loại tàu thuyền của bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả tàu quân sự khi di chuyển trong lãnh hải của một quốc gia ven biển.

Điều 18 trong công ước này quy định rất rõ “việc đi qua phải liên tục và nhanh chóng”, trừ một số trường hợp như sự cố ngoài ý muốn mới được dừng lại.

Trước đây, dưới thời ông Obama, cả 3 lần tàu chiến Mỹ khi di chuyển trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo và thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông đều viện dẫn cái gọi là “đi qua không gây hại” được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) mà Trung Quốc là một bên phê chuẩn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã vấp phải sự chỉ trích của các chuyên gia luật quốc tế. Họ lập luận rằng việc Mỹ sử dụng nguyên tắc “đi qua không gây hại” chẳng khác nào đang thừa nhận các thực thể đó và lãnh hải xung quanh nó là hợp pháp.

Điều 19 UNCLOS 1982 có nêu rõ trong quá trình di chuyển, tàu thuyền nước ngoài không được phép tiến hành các hoạt động diễn tập có sử dụng vũ khí, phương tiện bay quân sự hay thu thập thông tin tình báo,…

Xét ở hai điểm này, các hoạt động và hải trình của USS Dewey ngày 25-5 không thỏa bất cứ điểm nào. Nó đã không di chuyển liên tục theo đường thẳng lại còn tiến hành diễn tập cứu người. Đó là còn chưa kể đến việc tàu chiến Mỹ đã không báo trước chính quyền Trung Quốc khi đi vào vùng nước 12 hải lý xung quanh Vành Khăn.

Điều 6 Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải 1992 của Trung Quốc buộc “tàu quân sự nước ngoài phải nhận được sự đồng ý của chính phủ Trung Quốc” nếu muốn tiến vào lãnh hải. Đó là lý do tại sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích, gọi hành động của Mỹ là “vô phép”.

Các chuyên gia luật quốc tế nhận định, bằng cách không tuân thủ bất kỳ quy định nào như đã nói ở trên, Mỹ đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng sẽ không công nhận chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Vành Khăn cũng như cái gọi vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh thực thể nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp.

Mỹ thể hiện cứng rắn với Bắc Kinh trong vụ tàu Dewey
Trực thăng AS-332 Super Puma hạ cánh trên sàn đáp cuối boong tàu USS Dewey tháng 1-2012. Tàu quân sự nước ngoài nếu tiến hành các hoạt động như thế này trong khu vực lãnh hải của nước khác sẽ không được xem là “đi qua không gây hại” – Ảnh: USPACOM

DUY LINH

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here