Khác với những người đang “thương vay, khóc mướn”, Đinh La Thăng tính toán chiến lược hơn. Anh ấy biết rõ “cơ quan chức năng” có lượng tài liệu gấp nhiều lần “mấy mẩu con con” mà ủy ban Kiểm tra công bố.
Việc “chui” vào Bộ chính trị một năm, một trăm ngày trước đây; những giọt nước mắt trình bày hoàn cảnh gia đình trong phiên họp “luận tội” của Trung ương hôm Chủ nhật và lời xin lỗi gửi tới cả cá nhân Tổng bí thư sáng nay đều nằm trong những nỗ lực tìm nơi trú ẩn.
Đây chỉ mới là quy trình chính trị. Bỏ qua lòng kiêu hãnh mà Đình La Thăng vẫn xây dựng trước “đám đông”, việc anh làm bây giờ là làm sao tránh được quy trình tố tụng.
Tuần trước, khi còn ở trong Bộ chính trị, muốn “chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra”, những người xử lý anh cần phải có đủ phiếu ở Trung ương. Giờ đây, chỉ cần Ban bí thư, Bộ chính trị là đã có thể làm việc đó.
Cũng hôm Chủ nhật, Tướng Vịnh đã tiên phong khi bắt đầu phiên họp của Trung ương, nhân danh đồng chí và bạn thân của Đinh La Thăng, ủng hộ Trung ương kỷ luật và đưa Thăng ra khỏi Bộ chính trị. Tướng ra trận phải biết bỏ những thành đã mất. Hành động của Tướng Vịnh như ông anh bạt tai thằng em trước “ông bà bô” nghiêm khắc, những mong thằng em thoát được những đòn roi xé da, rách thịt hơn.
Đinh La Thăng giờ đây có lẽ rồi cũng sẽ rời khỏi “pháo đài uy tín trong dân”.
Từ năm 2008, một số thành viên Chính phủ đã nhiều lần chính thức can Nguyễn Tấn Dũng không mở tung cửa cho nhà thầu Trung Quốc. Năm 2008, 2009, bộ trưởng Võ Hồng Phúc còn làm văn bản khẩn thiết đề nghị Chính phủ có biện pháp ngăn chặn làn sóng nhà thầu Trung Quốc chụp giựt, yếu kém. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa một lần trả lời và sau hai nhiệm kỳ của ông, Việt Nam thành bãi rác cho công nghệ “Tàu” lỗi thời. Có không ít dự án của Đinh La Thăng, khi vừa hoàn thành thì “công nghệ” cũng vừa hết đát. Vậy mà chỉ cần một câu nói chống “tình hữu nghị viển vông”; chỉ cần một cái chỉ tay “đuổi nhà thầu Trung Quốc(bất thành)” cả Nguyễn Tấn Dũng và Đinh La Thăng đều trở thành “phe chống Tàu, thân Mỹ”.
Các nhà lãnh đạo Chế độ nên đặt câu hỏi, tại sao dân chúng lại từng lên tiếng ủng hộ những kẻ mà họ biết rõ là “sâu chúa”. Dân chúng đã chán ngắt một hệ thống chính trị mà trong đó họ rất ít khi nhìn thấy mình. Lòng khát khao thay đổi đã làm cho không ít người dân nhẹ dạ cả tin suýt nữa trở thành thành quách chở che những kẻ vơ vét sạch sành sành của họ.
Tham nhũng trong hệ thống thì đầy rẫy nhưng rất hiếm có những người như Thăng, như Dũng. Tôi không phải là một nhà báo chống tham nhũng. Ba mươi năm làm báo của tôi chủ yếu là phản biện chính sách. Và gần đây, chỉ khi cần ngăn chặn những kẻ tham nhũng khoác áo dân túy tôi mới phải mài ngòi bút của mình. Tôi hy vọng sẽ không còn phải viết về ai như Dũng, như Thăng nữa. Công việc mấy tháng qua của tôi là nghiên cứu về những bất cập trong thể chế, những bất cập đẻ ra tham nhũng.
Giật mặt nạ những kẻ tham nhũng dùng vật liệu dân túy để xây lô cốt là rất cần thiết. Nhưng không thể chỉ làm việc đó bằng một quy trình chính trị nội bộ. Nơi người dân chỉ có thể đứng ngoài la ó hoặc vỗ tay. Cái quy trình đó lệ thuộc rất nhiều vào ý chí của những cá nhân. Khi những kẻ tham nhũng vận hành cái quy trình ấy đông hơn thì nhân dân bó tay.
Ủy viên bộ chính trị hay ủy viên trung ương đều là những “vai vế trong đảng”, đảng có thể sử dụng quy trình chính trị nội bộ của mình để xử. Nhưng, hành vi của họ còn làm tổn hại tới lợi ích quốc gia và tiền bạc của dân. Nếu dân không có thực quyền. Nếu không có nhà nước pháp quyền. Nếu các cơ quan tố tụng luôn phải chờ đợi quy trình chính trị này để túm cổ bọn sâu mọt thì những thành tích chống tham nhũng sẽ rất tạm thời và đất nước rất dễ rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn.”