Blog VOA
Trân Văn
Trẻ con đã quay lại trường, một niên khóa mới vừa bắt đầu. Một facebooker tên là Ngọc Vinh vừa kể trên trang facebook của mình rằng đứa con trai – học sinh một trường cấp hai thuộc loại nổi tiếng tại Sài Gòn – không được dự lễ khai giảng. Facebooker này phỏng đoán, có thể vì sân trường quá nhỏ, chứa không nổi 3.000 đứa học trò cùng với đủ loại khách phải mời, thành ra Ban Giám hiệu buộc phải ra lệnh, chỉ có cán bộ các lớp mới được dự lễ khai giảng.
Vinh tâm sự, ông thấy thương cho thằng con mình và bạn bè của nó khi chúng không được hưởng không khí náo nức mà thế hệ của ông từng được hưởng trong ngày khai trường vì đó là ngày đầu tiên gặp lại bạn bè, thầy cô sau ba tháng hè.
Theo lời Vinh thì dù không được dự lễ khai giảng nhưng con của ông và bạn bè của nó chẳng buồn chút nào bởi thật ra, chúng đã phải đến trường, đã gặp lại nhau từ 11 tháng 8, trước lễ khai giảng hơn ba tuần. Cũng vì vậy, Vinh băn khoăn, không hiểu những lễ khai giảng được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc vào ngày 5 tháng 9 hàng năm để làm gì và dành cho ai?
Không ít người cám ơn Vinh vì facebooker này đã nói thay điều họ nghĩ, một số người khác cung cấp thêm tên của những ngôi trường ở Sài Gòn mà trẻ con không được dự lễ khai giảng vì lý do tương tự…
***
Cũng nhân mùa khai trường, Michael Le – một facebooker sống tại Mỹ ôn lại chuyện cách nay mười năm, lúc cha con ông mới tới Mỹ định cư. Theo lời Michael thì lúc đó vì còn “chân ướt, chân ráo”, lạ lẫm với đủ thứ trên “đất khách, quê người” nên cha con ông thường xuyên vừa cuốc bộ, vừa dùng xe bus và đi lạc. Mỗi khi phải cùng đứa con gái chín tuổi băng qua những xóm vắng, xóm nghèo, mà chỉ nhìn vẻ bề ngoài đã đủ thấy ngại, Michael lại nhủ với lòng là nếu có ai đụng tới con gái mình, ông sẽ “thí mạng cùi” để bảo vệ bé.
Sống thêm một thời gian nữa ở Mỹ Michael mới ngộ ra, chẳng những không cần thủ thế – sẵn sàng liều chết để bảo vệ con mình mà kiếm một đứa trẻ, đồng hành với nó là cách tốt nhất, giúp mình tránh được cả phiền toái lẫn nguy hiểm khi cần phải băng qua các khu vực phức tạp. Dẫu “coi Trời bằng vung” nhưng du đãng ở Mỹ không bao giờ, chính xác là không dám đụng tới trẻ con. Cảnh sát Mỹ không bao giờ chậm trễ và sẽ làm tới nơi, tới chốn nếu có một đứa trẻ gặp nguy hiểm hay bị quấy nhiễu.
***
Vụ sàn tầng một của trường cấp hai và ba Đống Đa, tọa lạc tại phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chiều 26 tháng 8 coi như đã được giải quyết xong. Mười đứa trẻ lớp 6 rơi từ tầng một xuống tầng trệt, ba trong số này bị trọng thương là chuyện nhỏ. Chuyện bảy năm qua, Ban Giám hiệu trường cấp hai và ba Đống Đa cảnh báo, vật nài xin sửa chữa ngôi trường đã 60 tuổi nhưng không có bất kỳ viên chức hữu trách nào thèm đoái hoài, cuối cùng dẫn tới tai nạn như đã kể cũng là chuyện nhỏ.
Trách nhiệm cá nhân đối với những chuyện nhỏ như thế đã được ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng phủi sạch. Báo chí Việt Nam đồng loạt loan báo, ngay sau khi tai nạn xảy ra, ông Việt đã đến bệnh viện thăm lũ trẻ đang được cấp cứu tại đó, chỉ đạo hỗ trợ cho gia đình mỗi đứa trẻ năm triệu đồng, “chỉ đạo bệnh viện huy động y, bác sĩ tập trung cứu chữa”.
Cũng theo báo chí Việt Nam, ngay sau khi mười đứa trẻ thọ nạn, Sở Giáo Dục – Đào tạo tỉnh Lâm Đồng đã lập tức “đến hiện trường để ghi nhận thực tế”, “cử cán bộ đến bệnh viện để động viên, thăm hỏi gia đình và các em gặp nạn”, hứa “sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra lại tất cả các phòng học tại trường Đống Đa, sau đó sẽ tiến hành sửa chữa các phòng học xuống cấp”, hứa sẽ phối hợp với các cơ quan hữu trách “kiểm tra lại một số trường lâu năm trên địa bàn tỉnh để có hướng chỉ đạo, xử lý”.
Tương tự, chính quyền thành phố Đà Lạt đã yêu cầu các trường trong thành phố này “khẩn trương kiểm tra tình trạng cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, giảng dạy và hoạt động hành chính tại trường, nếu có dấu hiệu xuống cấp, không bảo đảm an toàn thì tuyệt đối không được bố trí giảng dạy hoặc phục vụ bán trú”.
Thế là xong!
Thực tế cho thấy, nếu chẳng may cả mười học sinh lớp sáu của trường cấp hai và ba Đống Đa cùng thiệt mạng vào chiều 26 tháng 8 thì ngoài chuyện hỗ trợ nhiều hơn để mai táng, hệ thống công quyền cũng chỉ chuyển động đến mức đó rồi thôi!
Trong số hàng chục ngàn cơ quan truyền thông, bao gồm đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử tại Việt Nam dường như chỉ có tờ Lao Động thắc mắc về trách nhiệm cá nhân của các viên chức hữu trách ở Lâm Đồng. Chỉ có tờ Lao Động so sánh chuyện bảy năm qua, chính quyền tỉnh Lâm Đồng không chi đồng nào để sửa chữa trường cấp hai và ba Đống Đa nhưng sẵn sàng bỏ ra 1.014 tỉ đồng để xây dựng Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng. Theo tờ báo này thì lúc đầu, chi phí dự trù cho việc xây dựng Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng chỉ có… 504 tỉ nhưng vì qui mô của nó quá lớn nên cả chính quyền tỉnh Lâm Đồng lẫn chính phủ Việt Nam đã đồng ý điều chỉnh chi phí đầu tư thành 1.014 tỉ đồng
Theo tờ Lao Động thì nhân dân và phụ huynh không thể giải thích được, tại sao bên cạnh những trung tâm hành chính ngàn tỷ lại là những ngôi trường chờ đổ hoặc xiêu vẹo, rách nát? Đã đành xây dựng phải theo kế hoạch song chẳng lẽ kế hoạch cho trung tâm hành chính cả ngàn tỷ thì có còn một ngôi trường sắp đổ thì không?.. Dẫu chính đáng nhưng tại Việt Nam, với một hệ thống công quyền và các viên chức như vẫn thấy, những thắc mắc ấy rõ ràng là… “lạc điệu” nên chính tờ báo này tự dự đoán: “Sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm. Dứt khoát là vậy!”
Chẳng riêng Lâm Đồng, tỉnh và thành phố nào ở Việt Nam cũng vậy.
Hồi trung tuần tháng 7, báo chí Việt Nam đồng loạt loan tin, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã bỏ phiếu thông qua Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Đồng Hới do chính quyền tỉnh Quảng Bình đệ trình. Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Bình sẽ giao cho một công ty có tên là Sơn Hải 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới và công ty này sẽ bỏ ra 128 tỉ đồng để thực hiện Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh.
Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư tỉnh Quảng Bình, khẳng định, quần thể tượng đài Hồ Chí Minh là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong toàn tỉnh.
Tuy không có bằng chứng nào cho thấy quần thể tượng đài Hồ Chí Minh thật sự là nguyện vọng của hơn 800.000 dân Quảng Bình nhưng giả dụ họ thật sự mong đợi một công trình như vậy thì lẽ nào Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Bình không biết cân phân thiệt – hơn giữa quần thể tượng đài với chuyện khoảng 6.000 đứa trẻ chưa có chỗ học hành tử tế, phải học lớp ghép (ghép hai, thậm chí ba lớp ở các bậc khác nhau vào một phòng học), học nhờ, học tạm trong những nơi không thể gọi là trường?
Lẽ nào Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Bình không biết lượng định tác động thực – hư giữa quần thể tượng đài với 3.000 giáo viên đang cần nơi trú ngụ để có thể yên tâm trong việc dạy dỗ đám trẻ con vùng sâu, vùng xa?
Từ lúc nào bày tỏ lòng biết ơn lãnh tụ trở thành đương nhiên được miễn trừ liêm sỉ – không có tiền, đem đất đổi “quần thể tượng đài Hồ Chí Minh” rồi ngửa tay xin thiên hạ đủ thứ từ trường mẫu giáo, tiểu học tới xe cấp cứu, các thiết bị y tế phổ dụng khác?
***
Phàm đã từng sống tại Việt Nam thì ai cũng đã từng nghe, từng thấy khẩu hiệu “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”. Thế nhưng đang có nhầm lẫn lớn về đại từ “chúng ta”. “Chúng ta” không phải là tất cả mọi người. “Chúng ta” chỉ là thiểu số rất nhỏ trong khối hàng trăm triệu người đang sống tại Việt Nam.
Con em “chúng ta” sẽ không bao giờ phải đu dây qua suối, không phải lội sông đến trường, không phải gửi thân học ở những chỗ không đáng gọi là học đường. Nếu chưa thể đi du học, chỗ của con em “chúng ta” sẽ là những ngôi trường đầy đủ tiện nghi hiện đại, giáo viên giỏi nhất. Con em “chúng ta” cũng đã được qui hoạch để đảm nhận những vị trí giúp chúng có thể tiếp tục duy trì các đặc quyền, đặc lợi của gia tộc “chúng ta”.
Không hội đủ những định đề đó thì đừng huyễn hoặc, tự xếp mình vào nhóm “chúng ta”. Phải ý thức đó chỉ là “chúng mày”. “Tất cả vì tương lai con em chúng ta” rõ ràng là rất thật. Nếu không thuộc nhóm “chúng ta” thì mặc xác chúng mày và tất nhiên, mặc xác con em chúng mày.
Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.