Quang Nam Vũ cùng với MinhTuan Nguyen
1
Trại Tân Lập nằm trong một khu rừng thưa thuộc huyện Hạ Hoà, Phú Thọ. Tôi từng ở trại này vào những năm 70 thế kỷ trước. Tôi nói và nhấn mạnh chữ “ở”, chứ không dùng chữ “bị giam”. Những bạn tù của tôi cũng dùng từ này. Nhà tù đã thật sự trở thành một thứ nhà ở cho rất nhiều người, Đúng là thế, tôi không nói ngoa.
Tôi đã qua vùng này, lâu lắm rồi, năm 1947 thì phải. Đi đường hồi ấy rất vất vả, toàn rừng là rừng, rậm rạp lắm, âm u lắm.
Có một câu nói cửa miệng về miền đất không ai muốn đến ấy:
”Sông Thao nước đục người đen
Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về”.
Sông Thao là dòng chính của sông Hồng. Nó khởi đi từ Vân Nam bên Tàu, chảy đến ngã ba Hạc ở Việt Trì, hoà với nước sông Đà và sông Lô thì hết tên. Tôi không thể không nhớ tới câu ca trên khi qua phà Ấm Thượng để đến trại Tân Lập. Bến phà này cách Vũ Ẻn khoảng hơn chục cây số.
Đêm, sương xuống mờ mờ, trời bàng bạc, lạnh se se Tôi qua sông lần này không bằng đò ngang, hai vai không nặng súng trường và ba lô, mà qua bằng phà rộng, có ca nô dắt, ngồi chễm chệ trong xe “com-măng-ca”. Khác lần qua sông ngày trước là hai tay bị còng và không được phép ló mặt ra ngoài.
Sông Thao về đêm nước đen như mực tàu, xa xa thấp thoáng mấy ngọn lửa chài. Khi nào máy nổ kêu nhỏ thì có thể nghe tiếng nước dào dạt bên mạn phà.
Tôi được chở đi từ trại quân pháp Bất Bạt ở Sơn Tây vào chiều muộn. Đi là đi, chẳng biết mình bị đưa đi đâu. Người áp giải không nói. Tôi không hỏi.
Xe chạy liên miên trên những con đường xuyên sơn vắng tanh. Những con đường không ra đường hàng tỉnh, không ra đường hàng huyện – chúng ngoằn ngoèo, chúng cong queo, chúng gấp khúc, làm cho chiếc com-măng-ca nhỏ bé lúc quặt đột ngột, lúc quẹo nghiêng hẳn như sắp đổ, lúc nhảy chồm chồm như ngựa vía, hết leo lên lại trườn xuống. Lá cây loà xoà hai bên đường quất ràn rạt vào kính xe, thành xe.
Cứ thế con đường dài mãi, hết rừng này đến rừng khác.
“Luồn rừng đi mãi tưởng rừng theo
Ôi lòng rừng rộng biết bao nhiêu!
Tưởng đi cho hết đời ta nữa,
Rừng vẫn theo ta mỗi mỗi chiều”.
Lại nhớ Phạm Hổ mấy năm trước gặm bút chì hí hoáy chép vào sổ tay cho tôi mấy câu thơ trên khi hai thằng ngồi thả chân xuống con suối mát lạnh giữa cái nóng ngột ngạt của rừng già Việt Bắc, cái thuở nay đã thành xa lơ xa lắc. Là nhà thơ, nhưng Phạm Hổ có cặp mắt không mơ màng. Đang chép thơ cho tôi, mắt anh đã bắt kịp một cánh chim đỏ chót bay vút ngang trong um tùm cây lá, nhanh như một mũi tên. Phạm Hổ mặt sướng điên, miệng chậc chậc, chỉ cho tôi thấy. Hẳn trong đầu anh đang có một tứ thơ chợt đến. Nhớ Phạm Hổ lại tiếc hùi hụi cuốn sổ tay chứa nhiều ghi chép, trong đó có mấy câu thơ với bút tích Phạm Hổ. Khi bắt tôi và khám nhà công an lấy tuốt tuột mọi thứ có chữ.
Đón tôi vào nửa đêm là những hình nhân màu hoàng thổ qua lại thấp thoáng trên nền bức tường cao rào thép gai trong ánh chập chờn của ngọn đèn bão.
Phải nhiều ngày sau, tôi mới biết mình ở đâu.
Trại mà người ta vừa đưa tôi tới có tên Tân Lập, nghĩa nôm là mới được lập ra. Tên Tân Lập từ khi có cách mạng được đặt cho rất nhiều vùng đất.
Theo lời những tù nhân có thâm niên cao, từng ở qua nhiều trại, thì Tân Lập là một trại hiền. Dữ nhất là Cổng Trời, thứ đến Phong Quang. Được ở Tân Lập, họ nói, là có phúc.
Mà phúc thật.
Tù ở đây được ăn tương đối no hơn các trại khác, cũng họ nói, cai tù (gọi là quản giáo), lính canh (gọi là công an nhân dân võ trang) tương đối hiền hơn các trại khác.
Tương đối thôi, không thể hơn, nhưng thế đã đủ gọi là may.
Đời tù, phỏng còn mong gì hơn?
2
Trại A Tân Lập là trại chính, còn có những trại phụ: trại B, trại C vân vân. Ở tại A này ngoài những cái phúc nói trên, còn có một cái phúc thêm đáng phải kể – ấy là tù được đi tắm suối A Mai tuần một lần.
Ngày được tắm suối là ngày sung sướng. Chúng tôi cứ để nguyên quần áo mà phóng ào xuống con suối trong vắt và mát rượi, vừa kỳ cọ tấm thân ghẻ lở, vừa cởi quần áo vò qua loa cho dòng nước cuốn đi mọi bụi bặm, mồ hôi, rồi mặc đồ ướt lướt thướt về trại.
Còn một cái sướng nữa cần phải kể là chúng tôi được phép mang nước trữ về phòng. Nước trong nhà giam là của quý, anh tù nào cũng có một ống bương để đựng. Khi cánh cửa phòng giam đã khoá lại thì nước dự trữ rất hữu dụng. Trời nóng chảy mỡ có được ca nước mà giội lên tấm thân bỏng rẫy thì tuyệt trần đời. Tuyệt nữa cần phải kể là thú “nhặm xà” (uống trà, thưởng trà) cho dù trại cấm ngặt không được dùng lửa trong phòng giam. Lửa có được là nhờ có dầu diesel tù thó được hoặc mua được ở tổ máy kéo.
Căn phòng tôi nói đây không phải một phòng, mà là một ngôi nhà năm gian kiểu cổ dài khoảng hơn hai mươi thước, có hai giường tầng đối xứng với những cột lim có mấu cho tù leo lên tụt xuống. Trại có năm nhà, mỗi nhà chứa khoảng trăm tù. Khác với nhà ở theo hình dung thông thường, nhà giam hay phòng giam có tường bao bằng bê tông dày ít nhất năm mươi phân, mỗi gian có một cửa sổ nhỏ với song sắt to đùng. Trần nhà phủ hai lần lưới B40. Là nghe tù làm những ngôi nhà này kể thế, chứ chưa có ai vượt ngục bằng đường lên trần.
Những ống nước quý giá được treo lủng lẳng ở các cột. Chỗ nằm cho một người vừa bằng chiều ngang một chiếu cá nhân, khi tù đông thì chiếu nọ đè chiếu kia, người nằm theo cách úp thìa. Mùa đông không sao, chứ mùa hè thì cơ khổ – không khí ngột ngạt, chỗ này ngáy vang, chỗ kia nói mơ, ban đêm chẳng có lúc nào tĩnh lặng. Không biết tả thế các bạn đã hình dung được nơi giam tù thời ấy chưa, hay còn phải tả thêm?
Câu chuyện tôi muốn kể bắt đầu từ chỗ này.
Một anh tù mới được phân về một toán trong phòng, không biết là tù có án hay tù tập trung cải tạo, không hiểu tìm ai, leo lên chỗ tôi nằm. Anh ta vô ý đụng đầu vào một bắng nước.
Chuyện thường, chẳng có lý cớ gì để phải nổi quạu. Khi biết bắng nước là của tôi, anh ta liền xông tới, phóng ngay một cú đấm vào mặt.
May, tôi tránh được cú đấm nặng cân. Trong một phản xạ vô thức, tôi dồn sức vào một chân, rướn người, dùng hết sức tặng anh ta một cú đấm trả. Anh tù đang đà xông tới bật ngửa, rơi xuống đất cái rầm.
Cùng lúc, mấy “sĩ quan”, tức đầu gấu trong đám tù hình sự, trên giường đối diện phóng sang.
Tôi là người tù “số lẻ” (tù chính trị) duy nhất trong phòng, các sĩ quan có ý nể, thậm chí có chút ưu ái. Họ sẵn sàng cho kẻ gây hấn với tôi một bài học.
Anh tù nọ lồm cồm bò dậy, nhìn lên thấy tình hình bất lợi, lầm lũi bỏ đi.
3
Sáng hôm sau, vào giờ điểm danh, tù ngồi thành khối theo toán ở sân trại. tôi mới nhìn thấy hậu quả cú đấm của mình. Một nửa mặt anh tù sưng vù, mắt tím bầm. Anh ta rời hàng, đi về phía viên trung uý trực trại. Ngồi xa, chẳng cần nghe cũng biết anh ta đang bẩm báo ban giám thị chuyện xảy ra tối qua.
Viên trung uý lẳng lặng nghe, ném một cái nhìn ngờ vực về phía tôi, rồi phẩy tay ra hiệu cho anh ta về chỗ.
Không có gì xảy ra sau hôm ấy.
Theo lệ thường, người tù gây chuyện ẩu đả sẽ phải “đi cùm”, nghĩa là bị biệt giam trong xà lim kỷ luật, bị cùm chân xích tay. Xà lim kỷ luật khác xà lim thường. Nó hẹp hơn, tối hơn, hôi thối hơn, và rất nhiều rệp. Tuỳ theo hậu quả của vụ đánh nhau mà mức kỷ luật được định – nhẹ thì một tuần, nặng thì cả tháng. Chưa kể còn bị hạ mức ăn.
Ban giám thị trại giam đã không áp dụng hình phạt ấy với tôi. Chẳng phải vì họ tử tế với tôi. Người ta không tin tôi có thể gây ra sự lạ ấy, cho dù có bằng chứng là cái mặt sưng vù nọ.
Gì thì gì, sau vụ đụng độ ấy vị trí của tôi trong bộ lạc tù được nâng cao. Những người tù kháo nhau: “Chú ấy có nghệ”.
“Nghệ” đây là võ, nhiều phần là võ giang hồ. Võ giang hồ không chia môn phái, không có chiêu thức để trở thành cổ điển. Nó lấy gan dạ, nhanh nhẹn và mưu trí làm nền tảng, từ đó hình thành những miếng, những thế, được truyền cho nhau theo cách truyền khẩu. Người tù có nghệ là người có khả năng tự vệ trong cuộc sống theo luật rừng, mạnh được yếu thua. Người có nghệ được các bạn tù vì nể.
Một tên tù chính trị là tôi lại rơi vào môi trường hình sự là chuyện cũng đáng để kể, tôi sẽ kể vào lúc khác.
Người ta lầm – tôi chưa từng học một môn võ nào trong đời. Là nói về những môn võ chính tông kia – như Thiếu Lâm, Nga My của Tàu hay Bình Định nội hoá.
Cú đấm trả mạnh đến như thế là điều khó hiểu đối với chính tôi. Chỉ có thể giải thích nó bằng sự bùng nổ của lòng căm giận tích tụ nhiều năm. Gặp dịp, nó bung ra. Một cú đấm thuần tuý vô thức.
Chuyện đánh nhau trong tù tôi chưa nói với ai – đánh nhau đâu có phải chuyện để khoe. Tôi chỉ buột miệng kể ra trong một bữa liên hoan với bạn bè mừng tôi ra tù. Mấy ông bạn thân cứ nằng nặc bắt tôi phải kể chuyện tù. Chuyện tù là thứ chuyện những ai chưa từng ở tù rất thích nghe, đơn giản vì chúng đều là sự lạ, ngoài đời không thể có.
Câu chuyện đánh nhau tôi không muốn kể hoá ra lại có hiệu quả bất ngờ. Các ông bạn vỗ đùi đánh đét bảo tôi thể nào cũng phải viết nó ra, chuyện thú vị đấy, không thường đâu, viết đi kẻo hoài.
Tôi hứa, rồi quên bẵng. Nó đáng được kể lại, nhưng với tôi, câu chuyện là một kỷ niệm không có gì thú vị. Nó là thứ cật nứa cứa vào lòng, cười đấy rồi khóc đấy.
4
Khi vụ ẩu đả đã hết là thời sự, tôi mới tìm đến người đánh tôi.
Tôi tìm đến vì tôi ân hận.
Nhìn nửa mặt sưng vù, một bên mắt tím bầm của cậu ta tôi thấy trong lòng bất nhẫn. Tôi không hề có ý định đánh nhau với ai, lại càng không muốn một kết quả như thế.
Đối thủ không ngờ của tôi tên Trực. Cao, to, đậm người, cái nhìn thẳng thắn, rất đặc sắc của người đồng bằng sông Hồng.
Trực sống cô độc, không bạn bè. Lính mới, là cách tù nhân gọi người mới bị bắt, thường là thế. Họ bỡ ngỡ, họ ngờ vực nhìn quanh, chỗ nào cũng thấy hiểm hoạ. Lính cựu thì khác, đã nhiều lần vào đồn ra khám họ chẳng lạ lẫm bất cứ trại nào, ở đâu họ cũng là cá trong nước.
Giờ nghỉ, Trực thường tìm một góc vắng, ngồi tựa lưng vào tường. Nhìn thấy tôi từ xa đi về phía mình, Trực rõi theo chăm chú, toàn thân căng thẳng.
Tôi lẳng lặng ngồi bệt xuống bên Trực.
– Tôi tìm chú để xin lỗi – tôi nói khẽ.
Ngẩn mặt nhìn tôi, rồi hiểu ra tôi không đến để gây sự, Trực cũng cất tiếng khẽ, giọng còn vỡ rạn:
– Em mới có lỗi mà anh.
Chúng tôi im lặng hồi lâu.
Rồi nhìn tôi, Trực rơm rớm nước mắt:
– Em chả biết tại sao lúc ấy em lại làm thế… Anh bỏ quá cho em.
Tôi đặt tay tôi lên bàn tay thô nháp của Trực.
– Quên chuyện ấy đi, nhá?
Trực gật, như một đứa trẻ:
– Dạ.
Tôi thích cái gật đầu của Trực. Nó chứng tỏ giữa hai chúng tôi không còn xa cách.
– Chú sao ở đây?
Trong tù, người ta thường không hỏi nhau về tội. Không phải điều cấm kỵ, nhưng là điều nên tránh. Sở dĩ tôi hỏi là vì mọi loại tù có án và không có án đều vận chung một thứ quần áo màu xanh xám.
– Em “boọp” mà anh.
“Boọp” là tên hình phạt tập trung cải tạo. Một thứ tù không án, không biết ngày ra tù
– Từ bao giờ?
– Chưa được một năm.
– Thế thì còn lâu đấy.
Cựu đảng trưởng Trường Chinh bị mất chức do một tội được bộ hạ uốn lưỡi gọi là sai lầm. Cái sai lầm có giá hàng vạn mạng người trong thực tế chẳng phải mình y gây ra. Về mặt nào đó, có thể coi y là một thứ dê tế thần. Đồng bọn thương tình chuyển y sang giữ một chức tên to mà quyền bé – Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội. Quen quyền sinh quyền sát, nay phải chịu cảnh ngồi chơi xơi nước, y nặn óc từ cái oai còn sót lại ban bố ngay một nghị quyết mà y còn quyền ký. Nghị quyết này trao cho bộ máy trấn áp tức Công an toàn quyền tống giam bất cứ tên dân nào bị coi là “có hại cho an ninh xã hội”. Việc này không trái ý tân đảng trưởng Lê Duẩn luôn miệng khẳng định cách cai trị chuyên chính.
Khái niệm pháp lý “có hại cho an ninh xã hội” ra đời. Một khái niệm tù mù, hết sức co giãn, được thả cửa giải thích theo mọi cách.
Nhờ khái niệm này người ta tha hồ tống vào tù bất kỳ công dân nào. Ở thành phố là các loại trộm cắp: “lính đột”, “lính mổ”, “lính bè ngắn, bè dài”, lính “cắc cùng kinh” (Ăn trộm, ăn cắp, móc túi trên tàu hoả đường ngắn, đường dài, những tên vặn chuông đèn, củ điện xe đạp… vào đồn ra phủ nhiều lần, kể cả những anh chị giang hồ cộm cán nhưng chưa bị “quả tớm” lần nào. Ở nông thôn là những kẻ hay trộm vặt, hay gây gổ với hàng xóm. Đó là loại “boọp” hình sự.
Thoạt nhìn thì thấy đó là việc nên làm – một khi đám lưu manh bị bắt sạch thì cuộc sống của dân chúng ắt sẽ yên ổn.
Tai vạ đến sau, là điều chẳng ai ngờ. Dường như những gì được nhà nước đưa ra như là quà quý thì sau mới biết nó chứa thuốc độc.
“Boọp” chính trị là thứ tù bị kết tội vu vơ hơn mọi loại “boọp”. Bất cứ người nào vô tình hay hữu ý nói dăm ba câu cạnh khoé tới các lãnh tụ tối cao là a lê hấp, “boọp”. Đụng tới các lãnh tụ tối thấp, là các bậc chức sắc địa phương, cũng có thể bị “boọp”, tuy trường hợp này xảy ra ít hơn. Tàn dư của xã hội cũ – cái tình làng nghĩa xóm, cái dây mơ rễ má họ hàng hang hốc trong một thôn, một làng chưa bị cách mạng diệt tận gốc đã cứu sống nhiều người.
Số “boọp” thuộc cả hai loại bị tóm đại, tóm không cần nghĩ ngợi, như một thông lệ, được tiến hành trước những ngày lễ lớn. Khi lễ lớn qua, một số tù tạm giam được thả. Số khác, phần lớn là sĩ quan hoặc công chức chế độ cũ thì bị tống lên xe tải chở tuốt lên các trại trung ương.
Nói tóm lại, sự giải thích tù mù cái nghị quyết nọ đã mở toang mọi cánh cửa cho mọi thanh toán cá nhân, mọi vu oan giá họa, không trừ cả đảng viên. Trong đảng cầm quyền, nó cũng là cái thuận tiện cho việc thanh lý môn hộ như trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Do làm báo tôi mới biết cái Nghị quyết kinh khủng ấy, chứ dân thường chẳng ai để ý – nhà nước là bộ máy có toàn quyền từ thuở nó ra đời, nó muốn bắt ai thì bắt,thả ai thì thả.
Theo nghị quyết về “tập trung cải tạo”, tù “boọp” sẽ phải chịu một ”lệnh” giam là ba năm. Sau ba năm, nếu không được coi là đã “cải tạo” tốt, thì được hưởng một “lệnh” tiếp, cứ thế mà diễn. Ở trại Tân Lập, cũng như các trại khác, tôi đã gặp những người ở đến “lệnh” thứ tư hoặc thứ năm. Thảng hoặc, có người ở miết, chính họ cũng không còn nhớ là đã ở đến lệnh thứ mấy.
Trực bị “boọp” do một nguyên cớ rất ất ơ. Ông bí thư đảng kiêm chủ tịch xã đã nhắm một cô gái cùng thôn cho con mình, đã ướm lời, bên nhà gái cũng bắn tiếng ưng thuận. Thế mà hôn nhân lại không thông đồng bén giọt – cô gái lại yêu cậu Trực, không chịu nghe lời cha mẹ. Con ông bí thư xã tìm anh dân thường táng cho một trận, cho nó biết thế nào là lễ độ. Trực cũng không phải tay vừa, nện trả đến nơi đến chốn.
Con ông bí thư đi trạm xá xã khâu mấy mũi trên mặt. Anh dân thường đi “boọp”.
Tôi sẽ không kể lại chuyện Trực bị bắt thế nào. Mỗi người bị rơi vào nhà tù một cách. Tôi được nghe kể rất nhiều trường hợp bị bắt. Cách nào thì cách, đều có những tình tiết thú vị. Chưa ăn xong bữa cơm thì bị người ta xộc vào nhà lôi đi. Nửa đêm, đang ngủ ngon thì bị dựng dậy, mắt nhắm mắt mở vào tù. Đang đi bán gà ở chợ thì bị bắt, thế là người bị bắt mang cả bu gà kêu quang quác vào trại. Người bị bắt thường không ngờ. Người đi bắt, cũng không ngờ nốt. Nhận được lệnh đi bắt mới biết mình phải bắt kẻ nào, có khi người bị bắt là bạn cùng phố, có khi là người thân trong họ.
Trực đang cày ngoài đồng thì ông bí thư dẫn tay công an huyện ra tận ruộng trói gô lại, mặc cho con trâu đứng ngơ ngẩn với cái cày chìa vôi sau đít. Trực bị dẫn về trụ sở uỷ ban, ở đấy người ta nhanh chóng làm công việc sổ sách, rồi quẳng Trực lên một cái xe bò. Xe bò túc tắc trên đường làng gồ ghề. Anh công an ngậm điếu thuốc Tam Đảo đủng đỉnh dắt xe đạp theo sau. Con lợn ông bí thư xã vừa mua giúp cơ quan công an huyện ngủ gà ngủ vịt, người tù ngao ngán nhìn trời, người và lợn lúc lắc cùng nhịp với bánh xe. Một trường đoạn thú vị cho phim truyện.
Tôi không nói với Trực rằng hi vọng được thả sau một “lệnh” là rất mong manh. Người tù thông minh là người tù không nghĩ tới ngày về. Ở lâu cậu ta khắc hiểu.
Không biết tại các ban giám thị trại lười, không quan tâm tới những người tù dưới quyền mình cai quản để đề đạt lên trên mỗi đợt xét tha, hay muốn giữ họ ở lâu hơn để lao động không công cho trại. Tù vào thì ùn ùn, tù được về thì lác đác. Trại giam không nuôi tù. Tù tự làm ra của cải nuôi mình, nuôi ban giám thị, nuôi cả nhà nước nữa, nói cho vuông. Vội tha nó làm gì?
Sau lần xin lỗi nhau ấy, chúng tôi thành bạn.
5
Vụ đánh nhau rồi dàn hoà, hoá ra không đơn giản. Nó còn liên quan tới cái trật tự đã được thiết lập vững chắc trong phòng giam.
Châu Bún bảo tôi:
– Em phải xử nó. Thằng này láo!
– Thôi mà – tôi nói – Anh nói chuyện với nó rồi. Nó chẳng cố ý. Bỏ qua đi.
Ở bất cứ bất cứ phòng giam nào, ở trại nào, cũng có những kẻ xưng hùng xưng bá thường được gọi là “đầu gấu” hay “đại bàng”. Để trở thành “đầu gấu” hay “đại bàng”, những tay anh chị từ khi ở ngoài xã hội đã phải chứng tỏ hơn người ở tính gan dạ, liều lĩnh, dám cho “toé me” bất cứ kẻ nào cản đường. “Đầu gấu”, “đại bàng” là cái nạn kinh hoàng với người tù – bị ăn cướp, bị đánh đập, bị nộp thuế, bị sai bảo làm những việc kinh tởm, nói tóm lại: đủ mọi thứ cực hình. Nhiều người đã viết về cái nạn này, với những miêu tả tỉ mỉ, chỉ đọc thôi cũng đủ rợn tóc gáy.
Châu Bún là một thứ như vậy.
Ấy thế nhưng đời vẫn cứ có ngoại lệ.
Trong phòng giam mà tôi rơi vào không có“đầu gấu” hay “đại bàng”. Thay vào đấy có ba người đứng đầu gọi là ba “sĩ quan”. Châu Bún là một.
Ba “sĩ quan” này là hiện tượng không chỉ lạ, mà rất lạ.
Họ không áp chế bạn tù, không tước đoạt của ai, chỉ an nhàn làm việc giữ trật tự trong phòng, không cho phép xảy ra sự ỷ mạnh hiếp yếu, đã thế lại còn bênh vực đám lính “vét đĩa”, rất là Lương Sơn Bạc. Cũng không có sự tranh giành vai vế trong bọn họ như chuyện thường xảy ra trong các trại, do cả ba là bạn ngoài đời. Không hoà đồng với bạn tù, cũng không quá cách biệt, ba “sĩ quan” giữ một khoảng cách vừa phải, đủ để phân biệt trên dưới. Đáp lại sự tử tế ấy, hay nói cho đúng, sự không dùng quyền lực để bắt nạt kẻ dưới, mỗi khi có “tắc”, tức quà tiếp tế, người tù nào cũng tự nguyện dành một phần dâng các sĩ quan. Các “sĩ quan” dửng dưng coi chuyện cống nạp ấy là hiển nhiên – họ có quyền được hưởng, và xứng đáng được hưởng.
Tôi không giải thích được hiện tượng này.
Mô hình quản trị cái xã hội nhỏ ở đây hoàn toàn có thể áp dụng cho cái xã hội to được gọi là chuyên chính vô sản ở ngoài kia. Để cho xã hội ổn định cần có một trật tự – anh bề trên, tôi phận dưới – để được sống yên, tôi cam chịu dâng tiến, anh cứ việc an hưởng. Nó là cái quy ước bất thành văn giữa kẻ cai trị và người bị trị. Ở cái phòng giam của chúng tôi, quy ước ấy được áp dụng ngon lành.
Khốn cái lũ bề trên ở cái xã hội to ngoài kia đã toạ hưởng đủ thứ của dân đen dâng lên rồi lại không chịu yên cơ. Chúng vẫn thấy cần phải thường xuyên đe nẹt, thường xuyên uốn nắn lũ dân bị trị kia sao cho trong đầu chúng không được nảy sinh những ý nghĩ lếu láo. Dân sợ đã đành. Chính chúng cũng sợ lẫn nhau. Việc các nhà tù đầy nhóc những người hiền lành là sự áp dụng kế “tiên hạ thủ vi cường” của Tôn Tử cho kẻ bị ngờ là chống đối hoặc bị ngờ là sẽ chống đối. Cái sợ tràn lan, vĩnh cửu ấy đã tạo ra số nhà tù nhiều gấp vài chục lần thời thực dân Pháp đô hộ.
May cho tôi, trước cả phòng, Châu Bún tuyên bố:
– Đây là anh tao, thằng nào đụng đến đừng trách tao vô tình.
Châu Bún là “sĩ quan”, nhưng lại là người ham đọc sách. Châu Bún dành cho tôi sự ưu ái cách riêng khi biết tôi là tác giả vài cuốn sách mà cậu ta từng đọc.
Chẳng cứ Châu Bún, sau này tôi còn được gặp nhiều tay anh chị nổi tiếng khác được giới giang hồ trọng vọng như Đội Tường, Quang Coóng, Trí Trắng, Minh Bò, Bút Miền… cũng trọng người có học. Hiện tượng lạ, nhưng có thật.
Lại cũng là hiện tượng lạ, cũng lại có thật, ở chiều ngược lại – ấy là các vị lãnh tụ của đảng cầm quyền tuy đã được tôn vinh ầm ĩ trên mọi phương tiện truyền thông của chính mình vẫn thấy còn thiếu. Các vị luôn miệng ca ngợi bần cố nông, công nhân, nhưng chính các vị lại vẫn thích tỏ ra mình là trí thức. Nhìn kỹ thì thấy đó chính là sự tự ti. Vốn là những người ít học, nay quyền đến tay, được đè đầu cưỡi cổ những bậc trí giả mà hôm trước họ còn phải ngước mắt nhìn lên, họ rất muốn tỏ ra, muốn phô ra, là họ chẳng kém ai, họ cũng là trí thức. Cứ nhìn số lượng lớn các hồi ký, thơ, cả những tác phẩm giáo huấn của họ thì thấy. Cựu đảng trưởng Trường Chinh ngoài những sách giáo huấn còn là nhà thơ Sóng Hồng. Trưởng Ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ còn in thơ nhiều hơn: “Trên những nẻo đường, Nhật ký đường ra tiền tuyến… Tân đảng trưởng Lê Duẩn vạch đường “Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tướng Nguyễn Chí Thanh hay khoe gốc nông dân rởm thì cho in sách “Chống chủ nghĩa cá nhân”. Vân vân và vân vân
Vì cái trật tự nói trên, mặc dầu tôi can ngăn, Châu Bún vẫn khăng khăng không muốn bỏ qua vụ đánh lộn:
– Anh hiền quá. Chúng nó bậy, mình không dằn mặt là chúng nó nhờn.
– Anh xin chú rồi. Một lần này thôi – tôi vật nài – Nó có thù oán gì với anh đâu. Là do một phút bồng bột, nó đã biết lỗi.
– Vớ vẩn với chúng nó không được đâu, anh ạ. Sẽ không còn ra thể thống gì nữa ở cái chốn này.
Châu Bún cuối cùng rồi cũng chiều tôi, tuy còn hậm hực.
Người nhỏ bé, da đen, dáng đi khệnh khạng, đầu hơi cúi, hai tay khuỳnh khuỳnh, tất cả cái đó là ra vẻ, chứ nhìn bề ngoài không thấy có uy. Người từng biết Châu Bún nhận xét: bên trong vẻ ngoài lù đù là một thùng thuốc nổ có sức công phá dữ dội. Châu Bún, và cả Bút Miền nữa, đã trở thành huyền thoại về cái chất lì.bất cần đời, trong những cuộc va chạm nảy lửa trong giới giang hồ.
Cả hai là học sinh miền Nam được đưa ra Bắc học tập sau khi đất nước chia đôi, cha mẹ là cán bộ ở lại nằm vùng. Đám học sinh miền Nam này được hưởng mọi ưu tiên ưu đãi trong một trường đặc biệt được đặt ở Quế Lâm, bên Tàu. Học sinh trường này nổi tiếng quậy phá và đánh lộn.
Châu Bún và Bút Miền bị “boọp” vì nhiều lần đánh lại công an. Sau này tôi còn gặp trong tù nhiều thiếu niên được tuyên dương “dũng sĩ diệt Mỹ” từ miền Nam ra. Không biết các “dũng sĩ diệt Mỹ”đạt được danh hiệu sang trọng ấy cách nào, tôi không nghe các cháu kể. Chuyện diệt công an thì các cháu tả vanh vách. Diệt ở đây không có nghĩa giết, chỉ có nghĩa đánh lại, tuy có quá tay. Tội ấy, nếu là dân thường thì bị xử tù. Với các cháu từ miền Nam ra, đảng ngại ảnh hưởng tới cuộc chiến đấu của cha mẹ chúng trong ấy, nên các cháu chỉ bị “boọp”.
Châu Bún rồi hài lòng thấy Trực thích quanh quẩn với chúng tôi.Càng gần Trực, tôi càng thấy Trực có tất cả những gì tốt đẹp ở người nông dân. Hiền lành, cởi mở, tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người. Từ khi chúng tôi làm lành với nhau, Trực không còn cảm thấy cô đơn nữa.
Tôi thì lại không giúp được gì cho Trực.
Mà Trực lại cần giúp lắm – cậu ta đói, ăn mà như không ăn. Đang tuổi sức dài vai rộng, suất cơm tù lại quá ít, đám trẻ đói nhất trong bộ lạc tù. Không kể những người bị kỷ luật bị hạ mức ăn xuống 9,00kg/tháng, người tù bình thường được hưởng tiêu chuẩn 13,5kg/tháng, không kém dân bên ngoài. Nhưng ở trong tù thì ai kiểm tra được tiêu chuẩn ấy. Những tin đồn về nhà bếp đã được ăn thoải mái thủng nồi trôi rế, lại còn bớt gạo nuôi lợn cơ quan lan tràn.
Như một quy luật, chỉ sau một thời gian trại mới có tù đến ở, là mọi loại sinh vật cũng như mọi thứ thực vật có thể bỏ vào miệng ở bán kính vài cây số quanh trại – ếch, nhái, ễnh ương, cóc, rắn, chuột, nấm to nấm nhỏ, mộc nhĩ, rau má, rau sam, rau dớn, tập tàng, cần dại… không còn bóng dáng. Hết sạch. Nhẵn như chùi.
Đói đến nỗi có anh tù trước là võ sĩ quyền Anh hạng ruồi do háu ăn quá để sa vào cảnh vay ăn trước rồi trả sau gấp đôi gấp ba, bị cúp cơm, đã ăn cả báo Nhân Dân, có bận ăn hai tờ một lần.
Tôi kể thêm vài chi tiết lăng nhăng trong câu chuyện này cho người chưa hình dung được cái sự tù xã hội chủ nghĩa nó thế nào, chứ ở đây tôi muốn nói chuyện khác – chuyện số phận con người.
6
Có được bạn mới là chúng tôi, Trực tươi tỉnh hẳn lên. Cậu ta tung tăng đi lại, trò chuyện, không còn ngồi chỗ vắng với bộ mặt ỉu xìu nữa.
Nói về chuyện trại giam là cái để cải tạo công dân xấu thành công dân tốt, người ta hay dùng cụm từ “an tâm cải tạo” để chỉ thái độ của người tù cam chịu sự bị giam như thành tích của trại tù. Trong thực tế, chính tình bạn của những người tù, nhờ sự nương tựa, an ủi lẫn nhau của người cùng cảnh ngộ mới làm cho họ không nổi sùng, mới tạo ra được sự “yên tâm cải tạo” ấy. Những bài giảng dài dòng văn tự trên hội trường của các giảng viên chính trị chỉ là nước đổ đầu vịt.
Trực còn mơ thấy ngày ra tù cậu ta sẽ làm gì.
– Em sẽ nuôi giun anh ạ.
– Nuôi giun?
– Vâng. Có một cậu ở đây kể cho em nghe cậu ấy nuôi giun làm thức ăn cho gà thế nào. Kinh nghiệm hay phết. Gà ăn giun chóng béo, lại ít bị rù.
– Thế à?
– Vườn nhà em rộng, làm trại giun ngon ơ. Chọn một khoảnh, chia ra làm nhiều ô theo vòng đời của giun, lấy giun ở ô này xong thì sang ô khác, cứ thế, gà không bao giờ thiếu giun…
Một ngày khác, Trực lại mơ nuôi thỏ.
– Tại sao lại là thỏ? – tôi hỏi.
– Giống này dễ nuôi, chỉ ăn các thứ lá – lá sắn, lá khoai, lá dâu…tuốt mo, mà mắn đẻ lắm. Một năm thỏ cái đẻ sáu bảy lứa…
– Chú đã nuôi bao giờ chưa?
– Đã, anh ạ.
– Ăn thua không?
– Cũng khơ khớ. Chỉ khó chỗ bán. Không có lái mua. Người quê không quen ăn. Người tỉnh ăn, nhưng họ không tự làm, không quen. Phải tìm hiệu ăn hay làm các món thỏ mà bán. Có khi họ mua của người khác rồi, mình lại phải mang về…
– Nhiêu khê nhỉ?
Trực gật.
Lần sau lại nói tới một kế hoạch khác.
Người tù là kẻ mơ mộng vô song. Trong đầu họ bao giờ cũng có những dự định, nhỏ hoặc lớn, một khi đời tù dằng dặc kết thúc. Những dự định này mà thông đồng bén giọt thì họ sẽ giàu, hoặc ít nhất thì cũng không còn phải ăn bữa nay lo bữa mai. Thậm chí họ còn nghĩ xa cả tới việc sẽ phải giấu của cải cách nào trước con mắt soi mói của nhà nước, cái nhà nước luôn bô bô rằng phải trấn áp sự giàu vì giàu có là mầm mống của chủ nghĩa tư bản.
Một lần, tôi hỏi Trực:
– Chú không có ý nghĩ trả thù bố con lão bí thư đảng kiêm chủ tịch à?
Trực bặm môi, lắc đầu:
– Không, anh ạ.
– Tại sao?
Trực ngẩng nhìn tôi:
– Chúng nó có quyền trong tay. Quyền cho phép chúng nó tạo ra đủ mọi mánh khoé, tha hồ đổi trắng thay đen.
– Ờ, kể cũng khó…
Ngẫm nghĩ, Trực nói:
– Vì thế em không có ý trả thù.
Tôi im lặng.
– Trả thù mà vô ích thì trả thù để làm gì? Để lại đi tù lần nữa à?
Tôi gật:
– Chú nghĩ cũng phải. Ta là gà trong lồng, lợn trong rọ. Quậy lắm chỉ tổ xây xát.
Trực chém tay vào khoảng không:
– Nhưng thù thì em không quên. Rồi sẽ có ngày…
Người nông dân Việt Nam mình là thế. Không có những ước mơ cao sang, chỉ mong được ngày hai bữa cơm no, có áo lành, với một chút dư thừa trong cuộc sống yên bình. Thậm chí họ cũng chẳng nghĩ tới vùng lên chống lại kẻ đè nén mình. Nhưng muốn sống yên cũng chẳng được!
Chẳng mấy chốc Trực được trại nhận xét là “cải tạo tốt”, cho “đi tự giác”. “Đi tự giác”là được đi làm ở ngoài trại theo sự phân công của cán bộ quản giáo mà không có công an áp giải. Người được “đi tự giác” là người được ban giám thị tin chắc họ sẽ không bỏ trốn.
Kể cũng buồn cười – nếu chọn trên cơ sở ấy thì có thể chọn gần hết tù trong trại – ai cũng biết rằng bỏ trốn là rất khó trong một nước mà đi từ chỗ này đến chỗ kia phải khai tạm vắng khi đi, khai tạm trú khi đến. Ấy là chưa kể dân chúng quanh trại đã được giáo dục đến nơi đến chốn để phát hiện, tố cáo những kẻ đi đường có bộ dạng đáng ngờ là tù trốn. Người phát hiện tù trốn sẽ được thưởng. Cho nên sự trốn tù rất ít khi xảy ra, đặc biệt trong số tù chính trị. Tù hình sự thì có, tuy cũng hãn hữu. Phần nhiều “boọp” hình sự là lưu manh, trộm cắp. Thoát ra ngoài, họ có thể kiếm sống dễ dàng. Trong đời tù của tôi, tôi đã chứng kiến vài cuộc trốn tù. Hầu hết là thất bại. Chỉ vài ngày sau đã thấy những người tù trốn mặt mày hốc hác, quần áo tả tơi, bị trói giật cánh khuỷu dong về trại, tống vào xà lim kỷ luật. Tôi chỉ được chứng kiến một lần trốn trại thành công. Không hiểu bằng cách nào mà một cậu hình sự trẻ đã vượt thoát bằng cách chui lọt qua hàng chấn song hẹp và đi mất tiêu, không thấy bị giải về. Cán bộ trại ngẩn ngơ – không thể tin nổi một người có thể ép dẹp mình để qua được một khoảng cách hẹp đến thế.
Theo thói quen ở các trại, tù “tự giác” thường được chọn từ tù hình sự, dù bị tù họ vẫn được coi là “bạn của nhân dân”. Tuy nhiên cũng có vài người tù chính trị, “kẻ thù của nhân dân”, được hưởng đặc ân này. Đó là những người mà ban giám thị trại giam nhận họ vào trại khi họ bị giải đến, chứ chỉ ít lâu sau là người ta biết tỏng họ chẳng qua do số đen vận rủi mà đi tù, chứ không có tội. Tuy nhiên, chẳng ai nói nhận xét ấy ra miệng.
Tôi mừng cho Trực. Người đi “tự giác” có rất nhiều điều kiện để cải thiện đời sống. Họ có thể lên đồi hái chè, sao chè, rồi lén lút mang về trại “chác” lấy đồ mà những người tù khác được phép mang theo khi bị bắt, nhiều nhất là quần áo. Quần áo được mang vào trại đều bị đóng hai chữ CT (tức Cải Tạo) to tướng, nhưng hoàn toàn có thể tẩy sạch bằng dầu diesel. Dân quanh trại nghèo rớt mồng tơi, áo quần rách rưới, sẵn sàng bắt gà nhà, lấy rượu sắn rượu gạo tự nấu đổi lấy cái mặc.
Từ khi được đi “tự giác”, Trực lại có da có thịt. Chúng tôi, những người bạn của Trức cũng có phận nhờ – khi thì mấy con cá kho khô, miếng thịt lợn luộc, có khi cả một con gà nướng đắp bùn – toàn thứ hiếm có trong đời tù. Mèng ra thì Trực cũng tha về vài ấm trà “tự biên tự diễn” tức là trà búp hái trên đồi rồi tự sao. Thứ trà này đặc biệt ngon vì toàn tôm ba lá hái đúng giờ, sao đúng lửa, không phải vì được uống trong tù mà thấy ngon, nó thật sự ngon, trước kia và sau này tôi chưa từng thấy..
6
Rất bất ngờ, một hôm, Trực biến mất.
Tuy tù “tự giác” họp thành một toán riêng, nhưng đến chiều họ vẫn phải trở về phòng cùng với các tù khác. Chỉ đến khi điểm danh, cán bộ công an mới biết thiếu Trực.
Cả phòng nháo nhác: “Trực trốn rồi”.
Tôi lặng đi. Châu Bún đến, ngồi xuống bên tôi:
– Khó tin, anh ạ. Trốn thì phải có chuẩn bị. Mà chuẩn bị thì không qua được mắt em.
– Anh cũng không thấy có hiện tượng khác thường – tôi đồng tình – Chẳng lẽ đến cả anh em mình nó cũng giấu?
Sáng hôm sau toán “tự giác” không được ra khỏi trại, trừ vài người làm việc ở trạm thuỷ điện, có tăng cường công an áp giải. Toàn bộ công an trại được huy động đi mọi ngả lùng sục. Thông thường, những người tù lâu năm nói, họ sẽ phục nhiều nhất ở các đầu mối giao thông, các bến đò, trạm xe.
Nếu như Trực trốn mà không cho cả tôi biết thì đó là một cuộc chuẩn bị rất chu đáo, . tôi hi vọng Trực sẽ trốn thoát. Tôi cũng mong vạn nhất cuộc chạy trốn bất thành thì Trực sẽ bị giải về trại không thương tích. Đã có trường hợp tù trốn bị bắn chết, hoặc bị trọng thương vì đạn. Nhiều người bị công an tức giận đánh đập nặng nề cho bõ tức.
Nếu bị bắt lại Trực sẽ bị biệt giam trong xà lim kỷ luật, thường là hai đến ba tháng. Sau đó, tôi sẽ lại có Trực, cùng phòng, hoặc ở một phòng khác.
Tôi nôn nóng chờ đợi.
Châu Bún làm bộ thản nhiên, nhưng tôi biết, cậu ta nôn nóng chẳng kém gì tôi. Những người tù khác cũng chăm chú theo dõi sự kiện như người đọc chờ đoạn kết một chuyện trinh thám.
Chiều hôm sau nữa người ta mới tìm thấy Trực.
Trực không bị còng tay giải về, có lính đeo súng đi sau, mà nằm trên một xe trâu, dưới một mảnh bạt.
Trực đã trở về như thế.
Theo những người tù gần với các quản giáo, với ban giám thị, thì Trực đã mấy ngày được tách khỏi toán đi kiếm lá thuốc, cây thuốc trong rừng cho trạm xá. Việc của toán tự giác là đẵn nứa trên núi về đan tranh. Anh “tự giác” nào đạt định mức rồi thì về sớm, chưa đạt thì về muộn, không đi theo toán. Vì thế không ai để ý Trực về khi nào, chỉ tới giờ điểm danh mới biết Trực không có mặt.
Tôi không được nhìn thấy Trực lần cuối.
Những người được gọi ra đi mai táng Trực kể: da mặt Trực xám xịt, trên miệng có nhiều bọt đã khô. Trên xác vẫn còn những con kiến cuối cùng sau khi đàn kiến bâu đầy đã bị quét đi.
Tôi chỉ nhìn thấy cái xe trâu đi qua cửa sổ phòng giam. Trước đó tôi nghe thấy tiếng búa nện xuống tấm ván thiên của cái quan tài mộc ghép vội ở lán mộc. Tôi nhìn thấy những người gánh quan tài có Trực nằm trong. Mấy công an theo sau quan tài lững thững theo sau. Cái lỗ đen của cổng trại nuốt chửng họ. Hai cánh cửa trại khép lại.
Thế là hết.
Tội ác rồi sẽ quên. Như người ta quên mọi thứ trên đời.
Tôi buồn. Bầu trời hoàng hôn lại đang ngả màu tím bên ngoài song sắt. Như mọi hoàng hôn của mọi ngày.
Phải mấy hôm sau tôi mới được biết nguyên uỷ cái chết của Trực qua lời kể của các cán bộ công an.
Thì ra Trực không hề trốn.
Được phân công đi tìm nguồn thuốc nam cho trạm xá, Trực đi vào sâu những khu rừng rậm khá xa trại. Sở dĩ Trực được trại giao cho làm việc này vì có lần đã giúp y tá trại giải quyết một trường hợp cấp cứu bằng bài thuốc nam gia truyền, gồm mấy thứ cỏ ở ngay hàng rào trại. Trong khi lang thang Trực gặp một cây trong rừng có quả lạ, giống quả vải, màu xanh, có nhiều râu ngoài vỏ. Bóc vỏ ấy ra thì thấy quả có cùi trong không khác gì cùi vải. Những quả chín ấy có màu hồng rất đẹp.
Chắc quả ngon nên Trực đã ăn. Và ăn khá nhiều.
Trong cái đẹp và cái ngon ấy lại có cái độc.
Và Trực nằm đấy, chết dưới gốc cây có thứ quả giết người.
Thêm một lần, tôi nhớ tới chuyện “Tái ông mất ngựa”.
Nhiều năm sau, nhớ lại câu chuyện này tôi nghĩ nên kể về nó. Không viết cũng hoài, như các bạn tôi nói. Nó sẽ có ích, trong chừng mực nào đó, với những ai chợt nhớ tới số phận một người quen đã vô tình quên lãng để bắt gặp ở đây một chút tương đồng.
Viết rồi mới thấy chẳng có bộ cánh văn chương nào vừa với nó. Truyện ngắn không ra truyện ngắn. Truyện ngắn gì mà lại lan man quá nhiều chuyện bên trong. Mà gọi là hồi ký cũng không xong. Mà cũng chẳng thể gọi là tuỳ bút.
Âu cứ gọi đại nó là chuyện kể đi. Đã là chuyện kể thì nó do dòng chuyện dắt đi chứ không phải do người kể cố ý.
Tôi nghĩ nhiều về số phận con người.
Mỗi người có một số phận, rất riêng, chẳng ai giống ai. Nhưng trong số phận của Trực tôi thấy thấp thoáng một cái gì đó, tuy không rõ rệt, nhưng là có – hình bóng số phận của cả dân tộc.
Riêng đấy. Mà cũng là chung đấy.
Amen.