Luật khoa tạp chí
Một trong những điều luật nổi tiếng nhất và gây tranh cãi nhất trong lịch sử lập pháp Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trong những năm tháng cuối đời.
Những người nhận được báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân sáng ngày 21/3/1968 sẽ thấy có một chút khác biệt so với những ngày trước đó. Bên cạnh những bản tin thắng trận thường thấy kể từ khi chiến dịch quân sự Mậu Thân bắt đầu ngày 30/1, trang nhất của hai tờ này đăng nguyên vẹn lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc công bố “Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng”. [1]
Pháp lệnh này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa III thông qua ngày 30/10/1967, có chữ ký xác nhận của Chủ tịch UBTVQH Trường Chinh, sau đó được chuyển lên cho Chủ tịch nước Hồ Chí Minh ký lệnh công bố ngày 10/11/1967.
Khó lý giải được tại sao lệnh công bố này chỉ được loan báo hơn bốn tháng sau ngày ký. Một điều cũng chưa rõ ràng nữa là theo nhà báo Huy Đức, trong cuốn “Bên thắng cuộc, Quyển 2, Quyền bính”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi Trung Quốc chữa bệnh từ tháng 9/1967 và chỉ trở về Việt Nam vào ngày 23/12, thì có phải ông đã ký lệnh này hay không, nếu có thì ký ở Trung Quốc hay ở nơi nào khác.
Điều luật “hai cái còng”
Dù thế nào đi chăng nữa, Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng cũng đã cho ra đời một trong những điều luật hình sự nổi tiếng nhất và gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử lập pháp Việt Nam, mà ngày nay được biết đến là “Điều 88” về “tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Do yếu tố tượng hình, Điều 88 còn được miêu tả bằng hình tượng hai cái còng.
Nguyên văn điều luật này trong Pháp lệnh năm 1967 như sau: [2]
Điều 15. Tội tuyên truyền phản cách mạng
Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà phạm tội như sau:
Tuyên truyền, cổ động chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa;
Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch; xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, phao đồn tin nhảm, gây hoang mang trong nhân dân;
Tuyên truyền cho chính sách nô dịch và cho văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc;
Viết, in, lưu hành, cất giấu sách, báo, phim, tranh, ảnh hoặc mọi tài liệu khác có nội dung và mục đích phản cách mạng; thì bị phạt tù từ hai năm đến mười hai năm.
Ngoài điều luật về “tội tuyên truyền”, Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng còn có những điều như “Tội phá hoại khối đoàn kết toàn dân” (Điều 12), “Tội chống lại hoặc phá hoại việc thực hiện các chính sách và pháp luật của Nhà nước” (Điều 13), “Tội che giấu phần tử phản cách mạng” (Điều 17),…
Đến khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985, “tội tuyên truyền phản cách mạng” đã được sửa lại thành “tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa”, đồng thời nới trần hình phạt từ 12 năm thành 20 năm tù. [3]
14 năm sau, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã loại bỏ yếu tố “chế độ xã hội chủ nghĩa” ra khỏi điều luật này và chỉ tập trung vào hành vi chống nhà nước, đồng thời giữ nguyên trần hình phạt 20 năm tù.[4] Điều này có thể được giải thích bằng sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa cuối những năm 80, đầu những năm 90 ở Liên Xô và Đông Âu, khiến cho các nhà làm luật không còn cảm thấy ý thức hệ xã hội chủ nghĩa có thể đảm bảo tính chính danh cho mình được nữa. Họ có lẽ đã e ngại khả năng bị quốc tế lên án vì bỏ tù công dân của mình dựa trên ý thức hệ.
Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Với việc Quốc Hội khóa XIII thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ngày 27/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, điều luật nổi tiếng này tiếp tục được thay tên đổi số thành “Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Khung hình phạt cũ vẫn được giữ nguyên. [5]
Bóng dáng của Liên Xô
Có thể dễ dàng tìm thấy bóng dáng của pháp luật Soviet trong những điều khoản này của luật Việt Nam.
Dưới thời Stalin nắm quyền ở Liên Xô (từ giữa những năm 1920 đến 1953), nước Nga thuộc Liên Xô sử dụng Điều 58, Bộ luật Hình sự năm 1927 (sau đó được sửa đổi nhiều lần) để bỏ tù hoặc xử tử hình những người bị cho là hoạt động phản cách mạng, trong đó có hoạt động tuyên truyền chống chính quyền. Các nước thành viên khác của Liên Xô cũng có những điều khoản tương tự. [6]
Sau khi Stalin qua đời năm 1953, Nga thay thế Điều 58 bằng Điều 70 – “Kích động và tuyên truyền chống Soviet”, ban hành cùng với Bộ luật Hình sự năm 1958, có nội dung như sau: [7]
Việc kích động hoặc tuyên truyền với mục đích phá hoại hoặc làm suy yếu chính quyền Soviet hoặc để phạm những tội chống chính quyền đặc biệt nghiêm trọng, hoặc lưu truyền với cùng mục đích những thông tin bịa đặt, vu khống, làm tổn hại uy tín của chính quyền Soviet và hệ thống xã hội, hoặc lưu hành, chuẩn bị, hoặc nắm giữ, với cùng mục đích, những sản phẩm có nội dung tương tự dưới dạng chữ viết, in ấn, hoặc các hình thức khác, sẽ bị trừng phạt bằng cách tước quyền tự do từ sáu tháng đến bảy năm, có thể có hoặc không có hình phạt bổ sung là đi đày từ hai tới năm năm; hoặc chỉ đi đày từ hai tới năm năm.
Những hành vi tương tự, nếu đạt được bằng cách sử dụng tiền hoặc của cải vật chất nhận được từ các tổ chức nước ngoài hoặc cá nhân làm việc vì lợi ích của những tổ chức nước ngoài đó, hoặc đạt được bởi một người trước đó đã bị kết án về tội chống chính quyền đặc biệt nghiêm trọng, hoặc những người phạm tội trong thời chiến, sẽ bị trừng phạt bằng cách tước quyền tự do từ ba tới mười năm, có thể có hoặc không có hình phạt bổ sung là đi đày từ hai tới năm năm. [8]
Cùng với Điều 190, có nội dung tương tự nhưng mức hình phạt thấp hơn, đây được coi là công cụ pháp lý chủ yếu của chính quyền Soviet nhằm dập tắt các tiếng nói độc lập trong xã hội. Các điều luật này chỉ bị bãi bỏ khi Liên Xô tiến hành công cuộc cải tổ (perestroika) từ năm 1985 trở đi.
Căn cứ vào mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, có thể đặt giả thuyết rằng các nhà làm luật Việt Nam đã cố gắng sao chép mô hình pháp luật Soviet để hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Giả thuyết này phù hợp với sự tương đồng giữa bản Hiến pháp 1959 của miền Bắc Việt Nam với Hiến pháp của Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác.
Ngoài ra, vào thời điểm năm 1967, có thể lãnh đạo Đảng thực sự cảm thấy cần một công cụ pháp lý để trấn áp và răn đe những người dân bình thường có khuynh hướng phát ngôn và hành động không đúng với đường lối, chính sách của Đảng, đe dọa tới sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Mối lo ngại về gián điệp của “Mỹ – Ngụy” (cách chính quyền miền Bắc gọi Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa) từ miền Nam được cài vào miền Bắc để tuyên truyền chống Đảng là có thật.
Trong bài xã luận “Bảo vệ trật tự, an ninh, trừng trị bọn phản cách mạng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 21/3/1968, tác giả lấy bút danh “Nhân Dân” viết: [9]
“Đi đôi với việc tăng cường chiến tranh xâm lược miền Nam, không ngừng bắn phá miền Bắc nước ta, mấy năm nay, đế quốc Mỹ ráo riết tung bọn gián điệp, biệt kích vào miền Bắc, tiến hành chiến tranh tâm lý, kích động bọn phản cách mạng hoạt động chống chính quyền dân chủ nhân dân, chống cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo:
[1] Thư viện Quốc gia Việt Nam
[2] Toàn văn Pháp lệnh Trừng trị các tội phản cách mạng, website Bộ Tư pháp
[3] “Điều 82. Tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa.
1- Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa.
2- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”
(Bộ luật Hình sự năm 1985, website Bộ Tư pháp)
[4] Toàn văn Bộ luật Hình sự năm 1999, website Bộ Tư pháp
[5] Toàn văn Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015, website Thư Viện Pháp Luật
[6] Wikipedia, mục từ Article_58_(RSFSR_Penal_Code)
[7] Party, State, and Citizen in the Soviet Union: A Collection of Documents, trang 89, Mervyn Matthews
[8] Nguyên văn tiếng Anh: “Article 70. Anti-Soviet Agitation and Propaganda
Agitation or propaganda carried on for the purpose of undermining or weakening Soviet authority or of committing individual especially dangerous crimes against the state, or circulating for the same purpose slanderous fabrication which defames the Soviet state and social system, and also circulating, preparing, or keeping, for the same purpose, works of similar content in writting, printed, or other form, shall be punished by deprivation of freedom for a term of six months to seven years, with or without additional exile for a term of two to five years, or by exile for a term of two to five years.
The same actions, accomplished by the use of finance or other material means received from foreign organizations or individuals acting in the interest of those organizations, or by a person previously convicted of especially dangerous crimes against the state or those committed in wartime, shall be punished by deprivation of freedom for a term of three to ten years, with or without additional exile for a term of two to five years.”