The Interpreter
Tin giả không có gì mới. Nhưng những câu chuyện ngụy tạo có thể tìm đến nhiều người thông qua mạng xã hội nhanh hơn những gì mà các email kiểu cũ có thể phát tán.
Eugene Kiely, Lori Robertson, ngay 18 thang 11, 2016
Translated from University of Pennsylvania’s Factcheck.org article “How to Spot Fake News.”
Sự quan ngại về hiện tượng này đã khiến Facebook và Google tuyên bố rằng họ sẽ xử lý các trang tin giả mạo, hạn chế khả năng kiếm lời từ quảng cáo của các trang này. Có lẽ điều đó sẽ giúp làm loãng bớt số lượng tin nhảm trên mạng, nhưng chính người đọc là hàng phòng ngự tốt nhất để chống lại sự truyền bá thông tin sai lệch.
Không phải tất cả các thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng đều hoàn toàn hư cấu, mặc dù có một số thì đúng như vậy. Snopes.com (trang chuyên kiểm chứng tin tức lâu đời nhất) đã vạch trần những tuyên bố lan toả sai sự thật từ giữa những năm 1990, từ những tin nhắn bịa đặt đến những sự bóp méo có lẫn một chút sự thật và mọi thứ nằm giữa 2 thái cực trên. Người sáng lập David Mikkelson đã cảnh báo trong một bài viết ngày 17 tháng 11 năm 2016 rằng chúng ta không nên gộp tất cả mọi thứ vào danh mục “tin giả”. “Những giả tưởng và bịa đặt trong mục “tin giả” chỉ là một tiểu mục trong một hiện tượng lớn hơn là “tin chất lượng kém”, bao gồm nhiều hình thức đưa tin cẩu thả, thiếu nghiên cứu, đầy sạn, và cố tình xuyên tạc gây hại cho tất cả mọi người,” ông đã viết.
Rất nhiều trong số những bài viết phát tán này không phải “tin tức,” mà chỉ là những sự hư cấu, châm biếm và nỗ lực để đánh lừa độc giả nghĩ rằng đây là sự thật.
Chúng tôi từ lâu đã khuyến khích độc giả luôn hoài nghi về các bài đăng lan truyền mạnh đó, và tích cực sử dụng phím “delete” khi một chuỗi email chạm vào hộp thư đến của họ. Vào tháng 12 năm 2007, chúng tôi đã ra mắt tính năng Ask FactCheck, nơi chúng tôi trả lời các câu hỏi của độc giả, phần lớn trong số đó liên quan đến spam email, memes (hình ảnh châm biếm) trên mạng xã hội và những thứ tương tự. Câu chuyện đầu tiên của chúng tôi là về một email tuyên bố Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi muốn “áp thuế” đối với tất cả lợi nhuận cổ phiếu ở mức 100% và đưa tiền cho, email đã tuyên bố, “12 triệu người nhập cư bất hợp pháp và những người thiểu số thất nghiệp khác.” Chúng tôi gọi nó là một “trò bịa đặt ác ý.” Bây giờ chúng ta có tên chính thức cho nó: tin giả.
Vào năm 2008, chúng tôi đã cố gắng thuyết phục độc giả loại bỏ thứ rác rưởi này khỏi hộp thư của họ. Chúng tôi đã mô tả một danh sách các dấu hiệu cảnh báo – chúng tôi gọi chúng là Đặc Điểm Chính của Sự Hư Cấu – đó là những dấu hiệu rõ ràng rằng một chuỗi email này không đáng tin. Trong số đó bao gồm: tác giả nặc danh; quá nhiều dấu chấm than, chữ in hoa và lỗi chính tả; những lời khẳng định rằng “Đây không phải là một trò lừa bịp!” và các liên kết đến tìm nguồn cung ứng không bào chữa hoặc hoàn toàn mâu thuẫn với các thông tin được đưa ra trong email.
Tất cả những điều đó vẫn đúng cho tin giả bây giờ, nhưng những câu chuyện giả mạo, hay là những “tin tức” hoàn toàn được dựng lên, đã trở nên tinh vi hơn, thường được trình bày trên một trang web được thiết kế để trông giống như một hãng thông tấn có uy tín. Tuy nhiên, chúng tôi thấy vẫn rất dễ dàng để tìm ra những gì thực sự và những gì ảo tưởng nếu bạn có một số công cụ kiểm tra thực tế và biết tư duy phản biện.
Đây là lời khuyên của chúng tôi về cách phát hiện hàng giả:
Hãy kiểm tra nguồn tin. Trong những tháng gần đây, chúng tôi đã kiểm điểm thực tế các tin giả từ abcnews.com.co (không phải URL thực tế của ABC News), Tin tức WTOE 5 (trang About Us của họ nói rằng họ là một trang “web tin giả tưởng”) và trang Boston Tribune (trang Contact Us của chúng họ chỉ liệt kê một địa chỉ gmail). Đầu năm nay, chúng tôi đã vạch trần tin giả rằng gia đình Obama đang mua một ngôi nhà nghỉ mát ở Dubai, một công văn giả được tạo ra từ WhatDoesItMean.com, được mô tả là “Một Trong Những Trang Web Được Xếp Hạng Hàng Đầu Thế Giới về Trật Tự Thế Giới Mới, Thuyết Âm Mưu và Tin Tức Thay Thế” và nói thêm trên trang web của mình rằng hầu hết những gì họ xuất bản là hư cấu.
Rõ ràng, một số trang web này cung cấp cảnh báo về “tin giả tưởng” hay châm biếm, như WTOE 5 đã ấn hành tiêu đề vô căn cứ, “Giáo hoàng Francis Gây Sốc Thế Giới, Ủng Hộ Donald Trump cho Tổng thống,” nó đã tuyên bố. Những trang khác không rõ ràng như thế, như Boston Tribune, không cung cấp bất kỳ thông tin nào về sứ mệnh, nhân viên hay địa điểm thực tế của nó – những dấu hiệu của một tổ chức tin tức hợp pháp. Trên thực tế, trang web đã đổi tên từ Associated Media Coverage, sau khi những bài viết của nó bị các tổ chức kiểm tra thực tếphanh trần.
Snopes.com có lưu trữ một danh sách các trang chuyên đăng tin giả đã biết, trong đó có nhiều trang chỉ mới mọc lên từ 2 năm trở lại đây.
…
Đừng dừng đọc sau khi lướt qua tiêu đề. Nếu một tiêu đề khiêu khích thu hút sự chú ý của bạn, hãy đọc thêm một chút trước khi bạn quyết định phát tán thông tin gây sốc này. Ngay cả trong những tin tức chính đáng, tiêu đề không phải lúc nào cũng nói lên toàn bộ câu chuyện. Tin giả, đặc biệt là những tin mang tính châm biếm, có thể bao gồm một số đặc điểm dễ nhận ra trong bài viết. Một bài từ abcnews.com.co mà chúng tôi đã kiểm điểm,”Obama ký sắc lệnh cấm lời tuyên thệ trung thành (Pledge of Allegiance) tại các trường học trên toàn quốc,” đã trích dẫn từ “Fappy con Cá Heo Chống Thủ Dâm.” Chúng tôi phải giả định rằng những độc giả hỏi chúng tôi tin đồn này có đúng không chắc là chưa đọc toàn bộ câu chuyện.
Kiểm tra tác giả. Một dấu hiệu khác của một câu chuyện giả mạo thường là chữ ký tác giả. Câu chuyện về Pledge of Allegiance trên abcnews.com.co được cho là do “Jimmy Rustling” viết. Anh ta là ai? Chà, trang tác giả của anh ta tuyên bố anh ta là một “bác sĩ,” người đã giành được “mười bốn giải thưởng Peabody và một số giải thưởng Pulitzer.” Khá ấn tượng, nếu đúng. Nhưng nó không đúng. Không ai có tên là Jimmy Rustling đã giành được giải Pulitzer hay Peabody. Bức ảnh đi kèm với trang của Rustling, cũng được hiển thị trên một câu chuyện không có thật trên một trang web khác, nhưng lần này là theo chữ ký của Darius Rubics. Câu chuyện Dubai và Obama được viết bởi bởi “Sorcha Faal, và đã tường thuật với những người đăng ký phương Tây của cô.” Câu chuyện của Giáo Hoàng Francis không có chữ ký nào cả.
Luận cứ là gì? Những câu chuyện xạo này thường hay trích dẫn từ những nguồn chính thức – hoặc nghe-có-vẻ-chính-thức – nhưng nếu xem kỹ thì nguồn tin lại không bổ trợ cho luận điểm đưa ra. Ví dụ, bài trên trang Boston Tribune khẳng định sai rằng mẹ vợ Tổng thống Obama đã được nhận tiền hưu chính phủ trọn đời cho việc giữ cháu trong Nhà Trắng, dựa theo “Đạo Luật Nghỉ hưu Nghĩa vụ Công chức” đi kèm một đường link. Nhưng đường link đến một trang web trợ cấp chính phủ hoàn toàn không có gì bổ trợ cho khẳng định trên cả.
Một tuyên bố lan truyền khác mà chúng tôi đã kiểm chứng một năm trước là một đồ họa hiển thị số liệu thống kê tội phạm về tỷ lệ phần trăm người da trắng bị giết bởi người da đen và các số liệu thống kê giết người khác theo chủng tộc. Ứng cử viên tổng thống thống Donald Trump đã lan toả đồ biểu này, nói với nhà bình luận của Fox News Bill O’Reilly rằng ông lấy được nó từ các nguồn tin đáng tin cậy. Nhưng hầu như mọi con số trong hình ảnh đều sai – dữ liệu tội phạm của FBI là công khai cho quần chúng – và nguồn mà dữ liệu này đến từ, Cục thống kê tội phạm – San Francisco, không tồn tại.
Gần đây, chúng tôi đã nhận được một số câu hỏi về một câu chuyện giả mạo trên trang web thừa nhận là châm biếm, Nevada County Scooper, đã viết rằngPhó Tổng Thống đắc cử Mike Pence, trong một “thông báo bất ngờ,” đã ghi nhận liệu pháp chuyển đổi đồng tính đã cứu vãn cuộc hôn nhân của mình. Một “thông báo bất ngờ” như vậy rõ ràng sẽ thu hút sự chú ý của truyền thông ngoài một trang web mà bạn chưa từng nghe đến. Trên thực tế, nếu bạn Google điều này, link đầu tiên xuất hiện là một bài viết trên Snopes.com đính chính rằng đây là tin giả.
Kiểm tra ngày tháng. Một số câu chuyện sai lầm không hoàn toàn giả mạo, nhưng là phiên bản méo mó của các sự kiện có thật. Những tuyên bố sai lầm này có thể lấy một câu chuyện tin tức có thật và bóp méo sự việc – hoặc thậm chí tuyên bố rằng chuyện đã xảy ra từ lâu lại có liên quan đến các sự kiện hiện tại.
Kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống, chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi từ độc giả muốn biết liệu Ford có dời nhà máy sản xuất xe hơi từ Mexico sang Ohio hay không, vì cuộc bầu cử Trump. Độc giả đã trích dẫn các mục blog khác nhau với nguồn dẫn đến một bài báo của CNN Money có tiêu đề là “Ford chuyển sản xuất xe tải từ Mexico đến Ohio.” Nhưng câu chuyện đó là từ tháng 8 năm 2015, rõ ràng không có bằng chứng nào cho thấy Ford có bất kỳ động thái kinh tế nào do kết quả của cuộc bầu cử. (Đây là nhắc nhở các bạn một lần nữa nhớ kiểm tra nguồn cho các tuyên bố này.)
Một trang web lừa đảo không ghi nhận CNN, nhưng thay vào đó đã lấy câu chuyện của CNN vào 2015 và dán lên một tiêu đề khác và ngày xuất bản mới, tuyên bố, “Kể từ khi Donald Trump giành được chức vụ Tổng Thống, Ford chuyển sản xuất xe tải từ Mexico đến Ohio.” Tiêu đề này không những không có thật, mà sự lừa đảo này dính đến vi phạm bản quyền.
…
Xem lại thiên kiến của bạn. Chúng tôi biết điều này là rất khó. Thiên kiến xác nhận khiến mọi người đặt niềm tin vào những thông tin xác nhận niềm tin sẵn có, và khiến họ bỏ qua những thông tin không củng cố cho thế giới quan của họ. Nhưng lần kế tiếp bạn có cảm giác kinh hoàng một cách tự động trước một số bài đăng trên Facebook liên quan đến, thí dụ, một chính trị gia mà bạn phản đối, hãy dành một chút thời gian để kiểm tra nó.
Hãy thử phép kiểm tra đơn giản này: có những “bài báo” nào khác cùng được đăng trên chính trang mà đã xuất bản bài gây sốc trên Facebook bạn? Bạn có thể tin rằng Obama đã mua một ngôi nhà ở Dubai, nhưng còn câu chuyện khác trên cùng trang web, mang tiêu đề này như thế nào: ‘“Người bảo vệ” Nam Cực chống lại nước Mỹ với trận động đất lớn ở New Zealand.’ Bài đó cũng được viết bởi “Sorcha Faal như đã báo cáo với những người đăng ký phương Tây của cô.”
…
Chúng tôi đã thấy sự hồi sinh của một câu trích dẫn giả từ Donald Trump kể từ cuộc bầu cử – một hình ảnh lan truyền vào năm ngoái rằng Trump đã nói với tạp chí People năm 1998: “Nếu tôi vận động tranh cử, tôi sẽ đăng ký bên phe Cộng Hòa. Họ là nhóm cử tri ngu ngốc nhất cả nước. Họ tin bất cứ điều gì trên Fox News. Tôi có thể nói dối và họ vẫn nuốt hết. Tôi cá là các thống số của tôi sẽ rất tuyệt.” Chúng tôi không tìm thấy trích dẫn nào như vậy trong kho lưu trữ của People từ năm 1998, hoặc bất kỳ năm nào khác. Và một đại diện quan hệ công chúng cho tạp chí đã xác nhận điều đó. Julie Farin của báo People đã nói với chúng tôi trong một email vào năm ngoái: “Chúng tôi đã lục tung mọi câu chuyện về Trump trong kho lưu trữ của chúng tôi. Chúng tôi không thể tìm thấy bất cứ câu nào liên quan đến trích dẫn này– hay trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào trong năm 1998.”
Diễn viên hài Amy Schumer có thể đã góp phần hồi sinh meme giả này. Cô đưa nó lên Instagram, thêm vào ở cuối một tin nhắn dài dòng rằng, “câu này là giả nhưng điều đó không quan trọng.”
Tham khảo ý kiến các chuyên gia. Chúng tôi biết bạn bận rộn, và việc gỡ tin giả này cần thời gian. Nhưng chúng tôi được trả tiền để làm loại công việc này. Giữa FactCheck.org, Snopes.com, Washington Post Fact Checker và PolitiFact.com, có lẽ ít nhất một trang đã kiểm chứng những thông tin phát tán mới nhất trên news feed của bạn.
FactCheck.org là một phần trong mạng lưới các trang kiểm tin độc lập đã ký một bức thư ngỏ tới Facebook, Mark Zuckerberg, đề nghị Facebook tổ chức một cuộc trò chuyện cởi mở về các nguyên tắc có thể giúp định hình một hệ sinh thái tin tức chính xác hơn trên News Feed người dùng. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc trò chuyện đó sẽ xảy ra, nhưng bản thân người đọc vẫn là phòng tuyến đầu tiên chống lại tin giả mạo.
Trên trang Viral Spiral của chúng tôi, chúng tôi đã liệt kê một số khiếu nại mà chúng tôi được hỏi nhiều nhất; tất cả các FactCheck (kiểm điểm tin) của chúng tôi có thể được tìm thấy ở đây. Và nếu bạn gặp phải khiếu nại mới mà bạn muốn điều tra, hãy gửi email cho chúng tôi tại Editor@factcheck.org.
Translation by Cookie Duong