John Cho: Coronavirus nhắc nhở những người Mỹ gốc Á như tôi rằng sự tồn tại của mình kèm điều kiện

0
142
John Cho tại Los Angeles
The Interpreter

Việc virus Corona bắt nguồn từ Trung Quốc đã thổi bùng lên một làn sóng tẩy chay và thù ghét người Châu Á.

John Cho, ngày 22 tháng 4 năm 2020

Translated from Los Angeles Times Article “Op-Ed: John Cho: Coronavirus reminds Asian Americans like me that our belonging is conditional.”

John Cho tại Los Angeles

Tôi gọi cho bố mẹ mình vài đêm trước để nhắc nhở họ phải cẩn thận mỗi khi rời nhà, bởi lẽ họ có thể sẽ trở thành mục tiêu của những lời lăng mạ hoặc thậm chí là tấn công thể chất. Nó thật lạ lùng làm sao. Vai trò của chúng tôi đã bị đảo lộn.

Lời khẩn cầu của tôi phản ánh những lời khuyên tôi đã nhận được suốt quãng thời gian niên thiếu tại Houston. Thế giới thì đầy thù địch, và chúng tôi bị xem như những người ngoài. Vậy nên, họ nói chúng tôi nên ở sát gia đình của mình. Sát với đồng loại của tôi.

Việc coronavirus bắt nguồn từ Trung Quốc đã thổi bùng nên làn sóng tẩy chay và thù ghét người châu Á. Trên khắp cả nước, những vị phụ huynh và cả những đứa con với gốc Á đều đang nhấc máy lên như tôi. Bạn bè chia sẻ những dòng tin nhắn mục thị sự thù ghét và lăng mạ cũng như những bài báo liên quan trên Facebook, và ở cuối luôn là lời quan ngại “hãy giữ an toàn”.

Lớn lên ở đây, chúng tôi luôn cho rằng việc mình là một công dân Mỹ là đã quá hiển nhiên, không cần thiết phải đưa ra những cảnh báo tương tự, chúng tôi sẽ được an toàn. Bố mẹ đã cổ vũ tôi và em trai xem ti vi càng nhiều càng tốt để chúng tôi có thể nói và hành động như một người bản địa. Họ hy vọng rằng nguồn gốc sắc tộc sẽ không trở thành một bất lợi cho chúng tôi – thế hệ tiếp theo – nếu chúng tôi khéo léo.

Khi tôi trở thành một diễn viên (có lẽ nhờ vào những trải nghiệm với TV như thế), và thực sự bắt đầu làm việc tôi nhận ra những kỳ vọng của bố mẹ đã được đền đáp – những cánh cửa trước mặt đã mở ra, và những người lạ đã tốt bụng hơn. Theo nhiều cách, tôi đã sống một cuộc đời vô tư không vướng bận bởi nguồn gốc của mình. Nhưng tôi đã học được rằng, sẽ luôn có những thời điểm ập đến để nhắc nhở rằng, chủng tộc sẽ luôn chi phối bạn trên mọi thứ khác.

Nó có thể chỉ là trong chốc lát khi người bán hàng chào bạn với cụm “konichiwa”. Nó cũng có thể kéo dài hơn, như trong chuyến họp báo quảng bá phim “Harold & Kumar phiêu lưu tới lâu đài trắng” năm 2004, vài năm sau vụ 9/11 của tôi và Kal Penn.

Chúng tôi bay dọc đất nước – New York, Chicago, Atlanta, Seattle – cho đến khi nó bắt đầu trở thành một thủ tục không lay chuyển được: mỗi chuyến bay, Kal đều sẽ bị kéo sang một bên cho cuộc kiểm tra “ngẫu nhiên”. Tại một thời điểm của chuyến đi, Gabe – bạn của Kal – gia nhập, và khi chúng tôi đến cửa an ninh, lại một lần nữa Kal được chọn trong khi tôi và Gabe đều vượt qua vô sự. Chúng tôi lấy hành lý của mình và ngồi đợi Kal được thả. Lục lọi túi của mình, Gabe đột nhiên nói: “Kal sẽ rất khó chịu đây”. Khi nhìn vào, tôi nhận ra vì sao: Gabe, một người da trắng, thường xuyên đi cắm trại, đã từ chối bỏ đi con dao săn cỡ Rambo của mình khỏi ba lô.

Tôi hít một hơi và quay lại nhìn Kal, người vẫn đang quan sát nhân viên an ninh lôi từng đồ vật bên trong túi của mình ra ngoài. Nó là một cái nhìn thực tế.

Người Mỹ gốc Á đang trải nghiệm những điều như thế lúc này. Cơn đại dịch nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại và được chấp thuận của chúng ta là có điều kiện. Trong một khoảnh khắc, chúng ta là công dân Mỹ, lúc sau đó, chúng ta hoàn toàn là những kẻ ngoại quốc, những người đã “mang” virus đến đây.

Như sự nổi tiếng, những câu chuyện về nhóm “thiểu số gương mẫu” tạo thành những ảo tưởng về sự “vô chủng tộc”. Đặt người châu Á vào bên lề, làm những người thắc mắc về sự bất công có hệ thống im lặng. Sự thành công hiển nhiên của chúng ta được dùng như một minh chứng cho rằng hệ thống có hiệu quả – và nếu nó không áp dụng cho bạn, đó là lỗi của cá nhân.

12% người châu Á đang sống dưới mức nghèo nhưng sẽ không có ai để mắt tới. Những câu chuyện về nhóm thiểu số hình mẫu giúp duy trì trạng thái chống lại những người da màu có hệ thống.

Nhưng có lẽ công dụng ghê gớm nhất của những huyền thoại kiểu mẫu này chính là nó làm cho chúng ta im lặng. Nó thu hút những người Mỹ gốc Á và lôi kéo chúng ta cư xử trên nền tảng đó. Nó thay đổi các bậc phụ huynh, những người sau đó sẽ cổ vũ chúng ta tin và chấp nhận. Nó khiến bạn cảm thấy được bảo vệ và bao bọc, và rằng bạn đã vượt qua và trở thành nhóm thiểu số “tốt.”

Và chính bởi những hình mẫu rập khuôn được tán tụng (chăm chỉ, giỏi toán), chúng khiến cho mọi người – bao gồm cả chúng ta – nghĩ rằng vấn đề bài trừ người gốc Á trở nên bớt nghiêm trọng, rằng sự phân biệt chủng tộc sẽ trở nên nhẹ hơn. Nó làm cho chúng ta nghĩ rằng những làn sóng thù ghét người châu Á chỉ là nhỏ lẻ, đơn độc và vụn vặt. Hãy nghĩ đến những danh hài hay móc mỉa người châu Á, nhưng lại kiềm chế bản thân khi nói về những nhóm thiểu số khác.

Tất nhiên, những sự tích cực giả tạo sẽ đi kèm những khuôn mẫu tiêu cực (lén lút, cướp việc làm, tham nhũng). Sau khi bị bắt vì gian lận bài kiểm tra Latin ở cấp 3, giáo viên đã hỏi tôi: “Tại sao những người Hàn Quốc đều là những kẻ gian lận như vậy?”

Trong thời điểm khủng hoảng quốc gia này, những định kiến đen tối hơn đã xuất hiện. Gia đình vợ tôi đã bị đưa vào các trại trong thời kỳ Thế Chiến thứ 2, thậm chí khi mà các chú của cô ấy đang phục vụ trong các tiểu đoàn người Mỹ gốc Nhật thuộc quân lực Hoa Kỳ. Vincent Chin, một nhân viên bán hàng gốc Hoa thậm chí còn bị đánh đập dã man đến chết ở Detroit năm 1982 do làn sóng đổ lỗi những người Nhật bản “chiếm lấy” ngành công nghiệp ô tô. Và mới đây thôi, một người phụ nữ gốc Á ở Brooklyn đã bị tạt acid khi đi ra ngoài đổ rác giữa một rừng các vụ tấn công người Á đang tăng lên một cách chóng mặt.

Tôi đặt chân đến đất nước này năm 1978 khi mới 6 tuổi. Tôi được nhập tịch vào ngày 21 tháng 11 năm 1990, giữa lúc xây dựng quân đội cho Chiến Tranh Vùng Vịnh (Gulf War). Tôi nhớ mình đã bất ngờ thế nào khi thẩm phán đưa ra câu hỏi liệu tôi sẽ đứng lên chiến đấu trong bộ quân phục cho đất nước mình nếu được kêu gọi không. Tôi không hề chuẩn bị cho câu hỏi đó, cho dù tôi và tất cả bạn mình đều thắc mắc về khả năng bỏ ngỏ này, và rằng tôi thực sự đã suy nghĩ về nó. Khi trả lời có, tôi thực tâm như vậy.

Tôi đã nhận quyền công dân mà bố mẹ hằng mong và dành đời mình để có được nó. Và tôi cũng sẽ không để bất cứ ai nói với tôi hay những người có bề ngoài giống tôi rằng chúng tôi không phải người Mỹ.

Nếu coronavirus đã dạy chúng ta điều gì, thì đó chính là giải pháp cho một vấn đề phổ biến không thể bị chắp vá. Chưa bao giờ sự kết nối và phụ thuộc vào nhau lại trở nên rõ ràng hơn đến thế.

Bạn không thể chỉ đứng lên vì một vài người. Và cũng như virus, sự gây hấn không kiểm soát được có nguy cơ lây lan rộng rãi. Làm ơn đừng tối thiểu hóa thù ghét hay cho rằng chúng ở đâu đó rất xa. Nó đang xảy ra, và gần bạn. Nếu bạn thấy điều đó trên đường phố, hãy lên tiếng. Nếu bạn chứng kiến nó nơi làm việc, hãy lên tiếng. Nếu bạn nhận thấy nó ở trong gia đình mình, hãy lên tiếng. Hãy đứng lên vì những đồng bào Mỹ của bạn.

Translation by Duong Nguyen

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here