Jason Hannan: Trolling bản thân chúng ta đến chết, bản dịch của Nguyễn Quang A

0
85
Nguyễn Quang A
Lời giới thiệu

Bạn đọc cầm trên tay cuốn sách thứ 67 của tủ sách SOS2, cuốn TROLLING BẢN THÂN CHÚNG TA ĐẾN CHẾT – Dân chủ trong thời đại media xã hội của Jason Hannan (TROLLING OURSELVES TO DEATH – Democracy in the ages of social media, do nhà xuất bản Oxford University Press xuất bản 2024) (*) Ngay từ đầu phải nói về từ troll được để nguyên và muốn nó trở thành một từ Việt mới, nó có thể là một động từ (với nghĩa bạn sẽ rõ trong phần dẫn nhập và những trang chính của cuốn sách mà đại thể là cố ý chọc tức, chơi khăm, gây khó chịu, làm nhục ai đó trên media xã hội), nó có thể là danh từ chỉ người làm việc troll đó (trolling). Tiêu đề của cuốn sách nhại tiêu đề của cuốn Amusing Ourselves to Death (Chúng ta Tự-mua Vui đến Chết) của Neil Postman (1985) bàn về ảnh hưởng của truyền hình đến diễn ngôn công cộng.

Ảnh hưởng sâu rộng của Internet nói chung và của media xã hội nói riêng đến đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa được quá nhiều sách nói đến và bên cạnh những ảnh hưởng rất tốt của công nghệ cũng có những ảnh hưởng rất xấu mà vài cuốn trong tủ sách SOS2 cũng đề cập (thí dụ cuốn thứ 37, cuốn 60 hay cuốn 66 về công nghệ nói chung). Vấn đề cốt lõi vẫn là con người chúng ta sử dụng công nghệ như thế nào, cho mục đích gì.

Cuốn sách này bàn sâu về tác động của các troll và sự trolling trong media xã hội lên không gian công cộng, lên diễn ngôn công cộng và như thế lên chính trị và dân chủ, cũng như nguồn gốc sâu xa của nó, chứ không chỉ vấn đề công nghệ. Mỗi hiện tượng văn hóa như trolling có rất nhiều nguyên nhân và việc tìm ra (vài) nguyên nhân chính là hết sức quan trọng để tìm ra cách đúng để chống lại các tác động xấu của nó. Cuốn sách này không chỉ là một phê bình văn hóa trolling mà rất rất nhiều người Việt Nam chúng ta cũng cảm thấy hàng ngày, hàng giờ trên media xã hội nếu để ý.

Bạn đọc sẽ bắt gặp những khái niệm triết học tưởng chừng rất khô khan và khó hiểu như những khái niệm về công lý, đạo đức, cái tốt, cái xấu, bình đẳng, …, cho đến những vấn đề về sự khác biệt giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn,…được tác giả diễn giải khá dễ hiểu và lý thú.

Theo tác giả trong việc xây dựng một tinh thần tin cậy nhằm để đối phó với văn hóa trolling, để xây dựng hay bảo vệ dân chủ (ở những nước dân chủ), các trường công có vai trò cốt yếu. Những người quan tâm đến giáo dục, đến tình hình của các nhà giáo, học sinh, sinh viên sẽ rất lý thú với những ý tưởng không mới nhưng được tác giả diễn giải một cách rất mạch lạc về mục tiêu của giáo dục là gì, và trường học nên được tổ chức ra sao.

Việc xây dựng một tinh thần tin cậy đòi hỏi cải cách giáo dục triệt để cũng như cải cách hệ thống kinh tế sâu rộng mà là những vấn đề rất quan trọng và thường gây tranh cãi. Những gợi ý của cuốn sách chắc chắn cũng thế và chỉ qua đối thoại, tranh luận và xây dựng tinh thần tin cậy chúng ta mới có thể hy vọng tìm ra, thử, đánh giá và thử lại những cải cách đó và tiến hành những cải cách mới.

Đây là một cuốn sách rất thời sự, giúp chúng ta hiểu tình hình chính trị, xã hội hiện tại trên thế giới và cũng đưa ra những ý tưởng nhằm cải thiện tình hình, xây dựng và bảo vệ dân chủ. Tôi chân thành giới thiệu cuốn sách ngắn, dễ đọc này cho những người quan tâm đến văn hóa, giáo dục, chính trị, cho các nhà văn, các nghệ sĩ, các nhà giáo, các nhà báo và nhất là sinh viên, học sinh cũng như tất cả những ai quan tâm đến đời sống xã hội, kể cả những người nghiện media xã hội mà không biết hay biết nhưng không cai được.

Bản tiếng Việt chắc chắn còn nhiều thiếu sót mong quý bạn đọc lượng thứ và góp ý để cải thiện bản dịch. Tôi hy vọng cuốn sách này, cũng như những cuốn khác trong tủ sách SOS2, khơi mào những cuộc tranh luận, đối thoại có tính xây dựng giữa các bạn đọc.

Hà Nội 8-4-2024

Nguyễn Quang A  

Link để tải sách về đọc:

—————

(*) Những cuốn trước:

1. Kornai János, Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.

2. Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.

……….

23. Daron Accemoglu, James A Robinson, Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB trẻ có bản dịch khác được xuất bản 2013)

…….

37. Jamie Bartlett, Nhân dân và Công nghệ-Internet đang giết Dân chủ như thế nào, NXB Dân Khí, 2018

……

41. Triệu Tử Dương, Tù nhân bí mật của Nhà nước – Nhật ký bí mật của Triệu Tử dương, NXB Dân Khí, 2019

42. Gabriel Zucman, Của cải Giấu giếm của các Quốc gia, NXB Dân Khí, 2019

43. Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, Chiến thắng của sự Bất công: 

………

53. Amartya Sen, Quê Nhà trong Thế giới, NXB Dân Khí, 2021

54. Desmond Shum, Roulete Đỏ, NXB Dân Khí, 2021

55. Katherine M. Gehl và Michael E. Porter, Ngành Chính trị, NXB Dân Khí, 2021

56. Ronald Inglehart và Christian Welzel, Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa và Dân chủ, NXB Dân Khí, 2022

57. Ronald Inglehart, Sự Tiến hóa Văn hóa, NXB Dân Khí, 2022

58. Blanko Milanovic, Bất bình đẳng Toàn cầu, NXB Dân Khí, 2022

59. Blanko Milanovic, Chủ nghĩa tư bản, Một mình, NXB Dân Khí, 2022

60. Julia Cagé, Cứu Media, NXB Dân Khí, 2022

61. Moisés Naím, Sự Trả thù của Quyền lực, NXB Dân Khí, 2022

62. David Van Reybrouck, Chống Bầu cử – Biện hộ cho Dân chủ, NXB Dân Khí, 2022

    63. John Gastil và Eric Olin Wright biên tập, Cơ quan Lập pháp bằng rút Thăm, NXB Dân Khí, 2023

64.  Timothy Snyder, Đường tới không-Tự do, NXB Dân Khí, 2023

65.  Yves Sintomer, Chính phủ Tình cờ, NXB Dân Khí, 2023

66. Daron Accemoglu và Simon Johnson, Quyền lực và Tiến bộ, NXB Dân Khí 2024

Dẫn nhập

Các sự kiện kinh hoàng ngày 6 tháng Giêng 2021, trong đó hàng ngàn người ủng hộ trung thành của Trump tấn công bất ngờ Điện Capitol Hoa Kỳ trong một cố gắng nổi dậy vũ trang ngoạn mục, dù được phối hợp tồi và cuối cùng gây lộn xộn, đã đánh dấu đỉnh cao của chính quyền kỳ lạ và hỗn loạn nhất trong lịch sử Mỹ. Trong bốn năm liền, Donald Trump đã bỏ bom nước Mỹ, cùng với phần còn lại của thế giới, bằng một tuyên bố gây sốc sau tuyên bố khác, bằng một chính sách tàn bạo và bất nhân sau chính sách khác, và bằng sự dửng dưng hoàn hảo đối với sự đau khổ to lớn của con người và sinh thái. Ông đã chủ động khơi dậy các bản năng con người tồi tệ nhất, trút sự điên cuồng giết người của sự hận thù chủng tộc và bạo lực giữa những người hâm mộ cuồng nhiệt của ông ta. Phong cách quản trị của ông được gọi một cách chính đáng là “chủ nghĩa khủng bố tâm lý.”1 Một kẻ ác dâm tự đáy lòng, ông ta thích thú sự hồi hộp của việc gây tai tiếng, gây cáu tiết, và gây kinh hoàng cho “những người tự do (liberal),” một sự dán nhãn đa năng cho bất cứ ai ông coi là kẻ thù một cách ngầm định hay tường minh. Dù qua Twitter hay bút pháp điều hành của ông, Trump thưởng thức sự khoái lạc méo mó về là troll lớn tiếng nhất và ghê tớm nhất thế giới, giày vò tâm lý công chúng liên hồi hay nhẫn tâm. Giống nạn nhân chấn thương, ký ức của chúng ta về bốn năm tại chức của Trump là một cảnh mập mờ dài, một thời kỳ đen tối và đau đớn chúng ta thử chôn vào nơi sâu thẳm thất của tâm trí chúng ta. Sự thất bại bầu cử của ông trong 2020 đã mang lại cảm giác nhẹ nhõm và tê cóng phổ biến. Trong những tháng đầu của 2021, chúng ta nổi lên từ một cơn ác mộng. Chúng ta trải nghiệm cảm giác lạ về việc không phải chịu cú sốc làm tê liệt đầu óc và tiêu hủy-tâm hồn và nỗi kinh hãi các tweet xúc phạm và ít học của ông ta. Trong sự kiệt sức và mê sảng của chúng ta, sự tuyệt vọng của chúng ta cho cái gì đó giống tình trạng bình thường, thật cám dỗ để nghĩ rằng cuối cùng sự hỗn loạn đã kết thúc, rằng cuối cùng điểm đáy đã qua, và rằng sự tỉnh táo chính trị đã được khôi phục. Kết luận đó, bây giờ rõ ràng đã sai nghiêm trọng. Trump đã thua cuộc bầu cử tổng thống 2020. Nhưng con quái vật ông thả ra rất sống động và hưng thịnh.

Sẽ mất thời gian nào đó trước khi chúng ta có thể hiểu đúng về thời đại Trump. Nhiệm kỳ duy nhất của ông ta không nghi ngờ gì sẽ trở thành một điểm tham chiếu tiêu chuẩn cho sự phân tích xã hội, chính trị, và media. Việc Trump lẽ ra có nên được bầu chút nào đã gây ra những lo ngại nghiêm trọng về số phận của các nền dân chủ đương thời. Bây giờ có văn liệu đang phát triển mạnh về khủng hoảng dân chủ—các lực lượng lịch sử dẫn đến các nhà nước dân chủ hiện đại đang rơi vào hỗn loạn và tha hóa thành chủ nghĩa độc đoán.2 Không ngạc nhiên, một chủ đề trung tâm trong nỗi lo gần đây này về khả năng đứng vững của nền dân chủ là tác động của công nghệ số lên không gian công cộng.3 Các nhà bình luận nhấn mạnh rằng diễn ngôn chính trị của chúng ta đang ngày càng trở nên chống-xã hội, hoang tưởng, gây gổ, và hung hăng.4 Không còn chỉ là các nền tảng số như Facebook, Twitter, Instagram, Reddit, và YouTube đã bị tiếp quản bởi các chiến binh văn hóa giận dữ và giả nhân giả nghĩa của các quan điểm tư tưởng khác nhau. Cuộc sống offline cũng có vẻ đã sa vào cùng các hình mẫu cay độc và ăn mòn.

Sự nổi lên của các phong trào mị dân và dân túy phản động đã khơi dậy một nỗi sợ gia tăng rằng kết cấu chính trị của các nền dân chủ hiện đại có thể bị xóa bỏ. Nỗi sợ này đã dẫn Michelle Goldberg nhà bình luận của New York Times để chẩn đoán một tình cảnh mới mà bà gọi là “nỗi đau buồn dân chủ (democracy grief),” bản sao của cái các nhà khoa học môi trường gọi là “nỗi đau buồn môi trường.”5Nỗi đau buồn dân chủ có thể được hiểu như cảm giác về sự thất vọng, sự tức giận, và nỗi tuyệt vọng về sự mất một văn hóa dân chủ cho các lực lượng cuồng tín chính trị, sắc tộc, và tôn giáo. Trong khi chẩn đoán của Goldberg về nỗi đau buồn dân chủ thoạt tiên có thể có vẻ hấp tấp, nỗi lo về tính độc hại tăng lên của không gian công cộng không thiếu bằng chứng. Các nền dân chủ đương thời quả thực có vẻ đang trải qua một sự đột biến lịch sử sâu sắc trong đó các chuẩn mực cơ bản của diễn ngôn công cộng đang bị phá vỡ nhanh chóng. Ngoài việc bầu Donald Trump 2016 ra, các cuộc bầu các nhà lãnh đạo dân túy như Boris Johnson, Viktor Orban, Giorgia Meloni, Narendra Modi, và Rodrigo Duterte và sự lên của các đảng và các phong trào dân tộc chủ nghĩa như Brexit, Đảng Tự do của Austria, AfD (Alternative fȕr Deutschland) của Đức, Huynh Đệ Italy ở Ý, phong trào Hindutva của Ấn Độ, và Freedom Convoy của Canada có thể được xem như một chứng cứ rõ ràng cho sự phá vỡ này. Thế chúng ta giải thích thế nào sự thay đổi lịch sử này trong các nền dân chủ đương thời? Các động cơ chính đằng sau sự xấu đi của không gian công cộng là gì, sự tăng nhanh của việc troll (trolling) vào lĩnh vực chính trị, và sự phát triển đáng lo ngại của chủ nghĩa dân túy phản động và sự mị dân hung hăng?

Trong số nhiều góc nhìn khả dĩ cho việc phân tích sự a xít hóa không gian công cộng, cuốn sách này tập trung vào media xã hội, được cho là phương tiện truyền thông chi phối ngày nay. Media xã hội đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc định hình nền văn hóa, chính trị, các định chế, và các thực hành xã hội của chúng ta. Media xã hội là nhiều và đã dạng. Chúng gộp thành một mảng gây chóng mặt của các nền tảng (platform). Chúng khơi mào các xu hướng và các phong trào mới. Chúng định hình cách chúng ta nghĩ và nói. Chúng xác định lại sự yêu thương và căm thù. Chúng tạo ra và phá vỡ các mối quan hệ. Chúng đặt ra các điều kiện cho phần lớn thế giới xã hội của chúng ta. Chúng xác định, hạn chế, làm méo mó, và cản trở cách chúng ta hiểu thực tế xã hội và thậm chí thực tế vật lý.6 Media xã hội tạo ra các nhân cách mới một cách đáng chú ý và thậm chí các rối loạn nhân cách mới.7 Cuốn sách này là về một nhân cách như vậy. Nó kể một câu chuyện về một sinh vật nổi lên từ môi trường duy nhất được media xã hội làm cho có thể, một loài vật đã tăng lên về quyền lực và số lượng, và đã trở thành một nhân vật thân thuộc trên phong cảnh văn hóa và chính trị của chúng ta: troll.

Chúng ta đã sống với các troll hàng thập niên theo nghĩa đen. Chúng ta bắt gặp chúng mỗi lần khi chúng ta mở Facebook, Twitter, YouTube, và Instagram. Chúng ta coi sự hiện diện của chúng là nghiễm nhiên trong đời sống số của chúng ta. Chúng ta thân quen với các tập quán, hình mẫu, lời giễu cợt, và khí chất của chúng. Chúng ta có thể phát hiện trò hề của chúng theo thời gian thực, các chiến thuật tiêu biểu (signature tactics) của chúng cho việc dụ dỗ những người dùng không ngờ vực vào các bẫy độc hại và hôi hám của chúng. Chúng ta đã quen với việc cảnh báo lẫn nhau về việc mắc mồi của chúng. “Đừng nuôi các troll,” chúng ta nói. Chúng ta biết quá kỹ sự yêu mến “lulz (chê cười)” của chúng, thói quen “shitposting (đăng bài nhảm)” của chúng, sự ám ảnh của chúng với các meme ít học của chúng, thiên hướng của chúng cho sự xích mích, sự khoái trá của chúng trong việc khiêu khích, chế nhạo, làm nhục, và chửi rủa những người khác online. Chúng ta biết tâm lý ghê tởm của chúng, “bộ tứ đen tối (dark tetrad)” của tính tự yêu mình, chủ nghĩa Machiavell, bệnh thái nhân cách (psychopathy), và tính ác dâm.8 Chúng ta biết Trollface, hình ảnh hoạt hình ma quỷ đen-trắng in sâu mãi vào tâm thần chúng ta như avatar xuyên văn hóa của sự troll. Chúng ta biết các troll nổi tiếng như Andrew “weev” Auernheimer, Milo Yiannapoulos, Alex Jones, Laura Loomer, Andrew Tate, và bây giờ Elon Musk. Chúng ta thậm chí đã trải qua các tình tiết lịch sử của sự troll đám đông, kể cả Gamergate, Comicsgate, và sự bắt nạt những người sống sót vụ xả súng hàng loạt.9 Việc troll đáng buồn đã trở thành một phần quen thuộc của đời sống xã hội hàng ngày. Nhưng chính xác trolling là gì? Chúng ta phân ranh giới nó thế nào khỏi các hình thức khác của hành vi chống-xã hội?

Ý nghĩa của Trolling

Chúng ta hiểu thế nào về trolling (sự troll) phụ thuộc vào liệu chúng ta xem xét sự bắt đầu (beginnings) của nó hay nguồn gốc (origins) của nó. Đấy không phải là cùng câu hỏi. Như Edward Said cho thấy một cách sáng suốt, các sự bắt đầu và các nguồn gốc là các thứ rất khác nhau.10 Trong lĩnh vực văn hóa con người, các sự bắt đầu là chủ động. Chúng biểu thị ý thức. Chúng đánh dấu một thời khắc của ý chí. Sự bắt đầu ý nói năng lực hành động (agency) cá nhân trong tiến trình lịch sử con người. Để hỏi khi nào và ở đâu trolling bắt đầu vì thế là để hỏi tại thời điểm nào và trong medium (phương tiện truyền đạt) nào trolling trở thành một hành động có ý thức đầu tiên và một tiểu-văn hóa riêng biệt và có thể nhận ra. Nguồn gốc, ngược lại, biểu thị sự thụ động. Nguồn gốc là các điều kiện mà dưới đó cái gì đó ra đời. Không giống sự bắt đầu, nguồn gốc liên quan đến nhân quả—các lực lịch sử, các hoàn cảnh xã hội, các chuỗi sự kiện, các dòng liên tục. Để hỏi trolling bắt nguồn thế nào là để tìm hiểu các điều kiện lịch sử, văn hóa, và kinh tế mà dưới đó trolling có thể nảy sinh. Khi nói đến trolling, chúng ta giỏi về việc hỏi sự bắt đầu, nhưng không giỏi thế về việc hỏi nguổn gốc.

Sự Bắt đầu của Trolling

Các nhà nghiên cứu media thường lần vết sự bắt đầu của trolling đến Usenet. Một từ kết hợp của “user (người dùng)” và “network (mạng),” Usenet là một hệ thống truyền thông số vẫn còn tồn tại được thành lập đầu tiên trong 1980.11Usenet ban đầu được hình dung như một medium cho việc trao đổi thông tin giữa các thành viên của các trường đại học khác nhau. Vào cuối các năm 1980, Usenet trở thành một mạng toàn cầu và một đối thủ cạnh tranh ghê gớm đối với thư, các máy fax, và thậm chí điện thoại của bưu điện. Trong thời đỉnh cao của nó, Usenet được biết đến như một “tạp chí tin tức điện tử” và một “town meeting (cuộc họp công cộng) thế giới.”12 Sức quyến rũ chính của Usenet là các nhóm tin tức (newsgroup) của nó. Bắt chước các bảng (gỗ mềm để ghim các mẩu giấy đưa tin-corkboard) có mặt khắp nơi dọc hành lang của các trường học, đại học, và các văn phòng công ty, các newsgroup đã là các bảng tin điện tử mà trên đó những người dùng có thể post (đăng) các thông điệp, các công bố, các yêu cầu, các câu hỏi, và các thứ giống thế. Sự khác biệt then chốt giữa một newsgroup và một corkboard là chức năng trả lời. Các newsgroup tạo ra khả năng trao đổi tin nhắn vô tận. Chúng cho phép các cuộc thảo luận phong phú giữa một cộng đồng người dùng toàn cầu về bất kể chủ đề nào trên đời—cái gì đó không thể tưởng tượng nổi trên bề mặt vật lý của một bảng gỗ khiêm tốn. Những người dùng ban đầu đã hồi hộp để có khả năng chia sẻ thông tin với những người tìm kiếm từ khắp thế giới. Bởi vì sức mạnh gây phấn chấn của nó để tạo thuận lợi cho sự trao đổi thông tin, Usenet được xem như một công cụ cho giáo dục và thậm chí một medium dân chủ cấp cơ sở.13

Nhưng với tư cách một mạng số, newsgroups có một khuyết điểm. Các cộng đồng được hình thành quanh chúng đã bị tách rời.14 Thay cho một sự hiện diện bằng xương bằng thịt, những người dùng xuất hiện chỉ như một tên trên màn hình, bị tước mất sự biểu cảm nét mặt, giọng nói, âm điệu, trọng âm, cử chỉ cơ thể, chuyển động vô ý, quần áo, phụ kiện, kiểu tóc, và mùi hương của họ—tất cả đều là các yếu tố tinh tế và phức tạp của sự giao tiếp mặt-đối-mặt mà chúng ta rất thường coi là nghiễm nhiên. Sự hiện diện vô hình của một tên người dùng thuần túy gây ra một vấn đề nhận diện. Làm sao bạn thực sự biết rằng người ở đằng sau màn hình chính là người họ nói họ là? Các newsgroup phát đạt trên một hệ thống danh dự, trong đó những người dùng được kỳ vọng giới thiệu mình một cách thật thà.15

Nhưng hệ thống danh dự này bị đe dọa ngay từ đầu bởi việc cho phép người dùng chọn tên người dùng riêng của họ. Tấm màn ẩn danh mở ra sự cám dỗ lừa dối. Bạn không phải dùng tên thật của mình. Bạn không phải chân thật về A/S/L (age-tuổi, sex-giới, và location-vị trí) của mình. Một nam thanh niên từ Seattle có thể giả vờ là một bà già từ Orlando. Sự cám dỗ để bịa ra danh tính của mình tỏ ra là quá hấp dẫn cho quá nhiều người dùng newsgroup. Nếu họ có thể che giấu đằng sau một nhân cách giả, họ không còn bị ràng buộc bởi các chuẩn mực và kỳ vọng xã hội cơ bản cai quản cuộc sống offline của họ nữa. Họ tự do để là ai đó khác. Họ có thể nói và ứng xử theo những cách họ thường không làm. Cùng nhau, tính vô hình và ẩn danh là một lời mời để test (kiểm tra) các giới hạn và ranh giới xã hội. Giống những trẻ sơ sinh học cách ứng xử với thế giới, những người dùng newsgroup này khai phá các đường nét của lĩnh vực số mới bằng việc thử vi phạm các chuẩn mực xã hội. Được giải phóng khỏi các ảnh hưởng và hậu quả cá nhân của cuộc sống offline, một số người dùng newsgroup phát hiện một sự khoái trá bẩn thỉu trong sự vi phạm vì chính sự vi phạm.16

Các troll đầu tiên đã nổi lên như các ký sinh trùng xã hội, những kẻ phạm pháp số lạm dụng sự tin cậy tập thể của một cộng đồng online. Bằng việc đăng các câu hỏi thao túng và các bình luận khiêu khích như mồi nhử, chúng dụ dỗ những người dùng không ngờ vực vào sự tranh cãi và sau đó thưởng thực các cuộc chiến nảy lửa tiếp sau. Về bản chất, các troll ban đầu này đã là các trò chơi khăm, khoái trá việc gieo rắc mối bất hòa online. Những người dùng thiện chí đã gọi hành vi gây rối của chúng là “trolling.” Có hai từ nguyên học cạnh tranh nhau cho thuật ngữ này. Theo một từ nguyên học, trolling ban đầu đã là một ẩn dụ câu cá, một kỹ thuật theo đó dây câu được kéo đi kéo lại dọc mạn thuyền với hy vọng con cá không may nào đó sẽ cắn mồi.17 Theo từ nguyên học kia, trolling nhắc đến hành vi không thể tiên đoán được của những con quái vật sống trong hang động, sử dụng gậy, và ăn thịt người của thần thoại Bắc Âu.18 Bất chấp thuật ngữ có nguồn gốc thế nào, “trolling” nhanh chóng trở thành tên được chấp nhận cho một hình thức riêng biệt của hành vi online vị thành niên và rối loạn nhân cách chống xã hội. Hành vi đó muộn hơn lan sang các nền tảng online sớm phổ biến trong các năm 1990, như Internet Relay Chat, các kênh ICQ, các AOL chat room, các bảng tin nhắn (message board), và các blog. Trolling đã trải qua một sự tái sinh đột ngột trong giữa các năm 2000 với sự đưa các nền tảng media xã hội vào như Facebook, Twitter, YouTube, Instagram, Reddit, và nhất là 4Chan. Ngày nay, trolling phát đạt trên một thế hệ nền tảng mới hơn như Rumble, Gab, Telegram, Twitch, Discord, và TikTok. Bất chấp các giao diện người dùng tinh vi hơn của chúng, các nền tảng media xã hội chia sẻ một đặc tính cơ bản với các newsgroup Usenet ban đầu: khả năng để là giấu mặt và ẩn danh, và vì thế dối trá và thao túng.

Các nhà nghiên cứu media thử các định nghĩa hình thức về trolling hầu như luôn luôn nhấn mạnh yếu tố ẩn danh. Trong tường thuật kinh điển của bà về bản sắc (căn tính) và sự lừa dối trên các newsgroup Usenet, Judith Donnath mô tả trolling như “một trò chơi về nhận thức bản sắc, dù là một trò được chơi mà không có sự ưng thuận của hầu hết những người chơi. Troll cố vượt qua như một người tham gia hợp pháp, chia sẻ các lợi ích và mối quan tâm chung của nhóm.”19 Các troll như thế tận dụng các ám chỉ nhận dạng (bản sắc) ngầm trong một cộng đồng online. Chúng chuyên xâm nhập bằng việc đeo các mặt nạ giả của tư cách thành viên cộng đồng. Như Donnath giải thích, những người bảo vệ các cộng đồng online đã sớm học được cách để nhận diện những kẻ mạo danh bằng cách tìm ra những sự sai lệch với các ám chỉ xã hội.

Trong một nghiên cứu nhân học về nhóm tin tặc (hackivist) Anonymous, Gabriella Coleman lần vết nguồn gốc của Anonymous đến các troll ban đầu của /b/ board khét tiếng của 4chan.20 Giống với các newsgroup Usenet, 4chan là một bảng (board) tin nhắn dựa vào hình ảnh. Tuy vậy, thay cho việc post các bình luận những người dùng post các hình ảnh. Trong giữa các năm 2000, /b/ board được gọi một cách khét tiếng là “lỗ đít của internet,” một không gian trong đó những người dùng ẩn danh đăng nội dung online gây sốc, ghê tởm, kinh hoàng, và gây chấn thương nhất. /b/ board đã là một không gian để thử nghiệm sự vi phạm, sự khiêu khích, và sự hài hước vô vị. Cái ngày nay chúng ta biết như các meme—các hình ảnh từ media phổ biến được chú thích bằng những câu đùa mỉa mai trong các font chữ lớn màu trắng—đã có nguồn gốc trên /b/ board. Đáng chú ý, một số chiến dịch trolling có điều phối cũng được khởi động qua /b/ board. Không thổi phồng để mô tả /b/ board như tâm chấn toàn cầu một thời của trolling, một địa vị được tiếp quản bởi 8chan kẻ kế vị khét tiếng, thô thục và vô pháp hơn nhiều của nó. Dựa vào các trò hề rất riêng biệt của /b/ board, Coleman định nghĩa trolling như “một hành động tìm cách hủy hoại danh tiếng của các cá nhân và các tổ chức và tiết lộ thông tin cá nhân và gây lúng túng.” Các troll tìm cách chọc tức các nạn nhân của chúng “bằng việc lan truyền nội dung ghê tởm hay gây nhiễu loạn, kích thích sự tranh cãi, hay bằng việc gây ra cảnh điên loạn chung.”21 Cái cho phép hành vi này là sự giấu tên. Như Coleman nhận xét, “Trên 4chan, có một sự tương tác giữa chức năng giấu tên (cho phép sự cạnh tranh thuần túy mà không có sự can thiệp của danh tiếng hay vốn xã hội) và các tác động của sự giấu tên (các meme, các hack, và các hành động trolling) mà nổi lên và có tác động thực tế lên thế giới.”22 Chỉ hiếm khi những người dùng 4chan đăng ký tên màn hình trung thực. Một cách điển hình, họ chẳng hề bận tâm đến tên màn hình được cá nhân hóa chút nào. Thay vào đó, họ làm theo “Anonymous (ẩn danh)” mặc định. Vì thế có cùng tên tập thể.

Trong nghiên cứu có thẩm quyền nhất về trolling đến nay, Whitney Phillips mô tả trolling như một tiểu-văn hóa độc nhất và tự giác. Bà đề xuất rằng chúng ta định nghĩa trolling “theo các troll.”23 Đi theo cách tiếp cận này, Phillips nhận diện vài đặc trưng phân biệt của trolling. Thứ nhất, các troll được “lulz,” hình thức lạ kỳ và tai ác của sự khoái trá và tiếng cười trên sự thiệt hại của những người khác, thúc đẩy. “Lulz” biểu thị rằng chẳng gì thiêng liêng cả, rằng mọi thứ, ngay cả các hình thức tồi tệ nhất của sự đau khổ, sự khốn khổ, bạo lực, và bi kịch con người, đều là các đối tượng tiềm năng của tiếng cười và sự chế nhạo. Thứ hai, các troll nhắm tới các nhóm có các cam kết đạo đức và chính trị công khai. Đấy gồm các cộng đồng bị gạt sang bên lề đấu tranh vì sự bình đẳng và phẩm giá: các thiểu số bị phân biệt chủng tộc, các nhà hoạt động nữ quyền, và cộng đồng queer (đồng tính). Nó cũng gồm các Kitô hữu cánh–hữu bị phức cảm bị hành hạ. Cả hai cộng đồng biểu lộ một tính dễ bị tổn thương biến họ thành các mục tiêu hàng đầu cho trolling. Cuối cùng, Phillips nhấn mạnh rằng các troll ham mê sự giấu tên, săn lùng những người tiết lộ danh tính thật của họ. Các troll như thế phát đạt trên một sự bất đối xứng căn bản giữa bản thân họ và các nạn nhân của họ.24

Sự giấu tên như thế là một yếu tố cốt lõi trong các định nghĩa học thuật chuẩn về trolling. Mặc dù định nghĩa tiêu chuẩn cũng phục vụ tốt chúng ta, chúng ta vẫn cần giải thích hiện tượng trolling phổ biến vượt quá tiểu-văn hóa tự giác của các troll nặc danh. Cái gì đó được cho là đã thay đổi về trolling. Bất chấp hình ảnh quen thuộc của chúng ta về troll như một trò chơi khăm online nặc danh nghiêm ngặt ẩn đằng sau một avatar và tên màn hình thông minh, cả một đội quân troll đã xuất hiện từ hang động, có thể nói như vậy, và bây giờ đi trong ánh sáng ban ngày. Loài troll mới này đã vứt bức màn che giấu tên và không còn sợ bị gọi tên hay bị thấy nữa. Các troll bây giờ bao gồm các chính trị gia, những người biểu diễn, những người yêu nước, những người biểu tình, và các giáo sư. Cái một thời đã là một hiện tượng xa lạ, bí ẩn, và huyền bí hạn chế ở các góc đen tối hơn của Internet kể từ đó đã trở thành dòng chính. Chúng ta bị bao quanh bởi các troll, online và offline. Các troll đã xâm nhập mọi khía cạnh của đời sống xã hội và chính trị. Chúng đã định hình cách chúng ta giao tiếp với nhau trong không gian công cộng và đã thay đổi các chuẩn mực của chính trị dân chủ. Bây giờ chúng ta được cho là bị chìm trong một trò chơi ngôn ngữ chính trị mới, trong đó hành động phát biểu của trolling đã trở thành một phần bình thường của diễn ngôn công cộng.

Làm sao chuyện này đã có thể xảy ra? Có phải sự tăng nhanh của trolling vào văn hóa chung có thể được quy chỉ cho các tác động của công nghệ số? Hay có các gốc rễ lịch sử sâu hơn của trolling như một hiện tượng văn hóa rộng hơn? Cuốn sách này hiểu về trolling như nhiều hơn một tiểu-văn hóa số hạn chế ở các nền tảng media xã hội. Nó trệch khỏi bức tranh tiêu chuẩn bằng việc kể một câu chuyện về nguồn gốc, các điều kiện lịch sử gây ra phương thức truyền thông phản xã hội rõ ràng này. Bằng việc kể một câu chuyện về các nguồn gốc, cuốn sách này tìm cách hiểu trolling theo nghĩa rộng hơn và có được sự hiểu biết tôt hơn về sự tăng nhanh và sự đa dạng của nó trong không gian công cộng. Trolling, tôi sẽ lập luận, là một sự biểu đạt logic, dù cực đoan, của một tính hay chỉ trích cay độc, sự hoài nghi, và chứng hoang tưởng phổ biến bén rễ sâu trong một văn hóa của chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu.25 Mặc dù trolling như chúng ta biết nó đã sinh ra trên các nền tảng số, các hạt giống cho hành vi phản xã hội này đã được gieo trước lâu sự nổi lên của công nghệ số. Để dùng một ẩn dụ quen thuộc, công nghệ bóp cò, nhưng văn hóa là khẩu súng. Cuốn sách này trình bày nhân vật troll không như một loại lầm lạc văn hóa nào đó mà đúng hơn như sự biểu đạt logic của một văn hóa đánh giá cao cá nhân có chủ quyền. Khi các chính trị gia, kể cả một cựu tổng thống Hoa Kỳ, trở thành các troll, chúng ta khẩn trương cần một sự hiểu biết mới về trolling. Cuốn sách này đáp ứng nhu cầu đó.

Từ Truyền hình đến Media Xã hội

Tiêu đề của cuốn sách này là một trò chơi chữ rõ ràng trên cuốn sách Amusing Ourselves to Death: Public Discourse in the Age of Show Business (Chúng ta Tự mua Vui đến Chết: Diễn ngôn Công cộng trong Thời đại Kinh doanh Biểu diễn) của Neil Postman. Trong cuốn sách nay trở thành kinh điển đó, Postman cho rằng diễn ngôn công cộng đã bị định hình dưới ánh sáng truyền hình và ý thức hệ trung tâm của nó: giải trí. Như Postman đã tốn rất nhiều công sức để cho thấy, sự nổi lên của giải trí như ý thức hệ thống trị của thời đại đã có những hậu quả tàn phá đối với nền dân chủ. Ngược với sự hiểu lầm phổ biến, Amusing Ourselves to Death không phải là một sự phê phán giải trí truyền hình. Postman không có động cơ chống sự mua vui nào per se (tự nó). Đúng hơn, phê phán của ông liên quan đến quyền lực đặc biệt của truyền hình để xác định lại nội dung nghiêm túc—chính trị, tôn giáo, sức khỏe, giáo dục, khoa học—dưới ánh sáng giải trí. Như Postman đã chứng minh, chúng ta kỳ vọng rằng các chủ đề chính trị hết sức khẩn cấp, như kinh tế, chính sách đối ngoại, và chiến tranh hạt nhân, nên được trình bày trong hình thức giải trí. Chẳng gì nên rất nghiêm túc, chi tiết, hay phức tạp để làm căng thẳng một quãng chú ý bị gián đoạn được nuôi dưỡng bằng chế độ ăn uống tinh thần của các mẩu âm thanh, các quảng cáo, các khẩu hiệu, tiếng leng keng, và những câu kết gây cười. Kết quả, Postman lập luận, là một sự suy thoái nghiêm trọng của diễn ngôn công cộng: một sự nới lỏng các tiêu chuẩn của chúng ta về sự thật và trách nhiệm giải trình, một sự khoan dung gây nhiễu loạn cho mâu thuẫn logic và sự không mạch lạc ngữ nghĩa, một sự mất ký ức lịch sử, một cảm giác bị bóp méo nghiêm trong về sự phán xét chính trị, và sự phục tùng hàng loạt đối với ý thức hệ giải trí. Postman đã viết với sự hết sức xấu hổ và ngượng ngùng vì cái nước Mỹ đã trở thành trong thời đại truyền hình. Giá như ông đã sống để thấy cái nước Mỹ đã trở thành trong thời đại media xã hội.

Đã gần bốn mươi năm kể từ sự xuất bản của Amusing Ourselves to Death. Mặc dù đã lỗi thời trong nhiều khía cạnh hiển nhiên, nó vẫn là một cuốn sách đáng chú ý. Là không thể để đọc sự mô tả của Postman về các tác động của truyền hình lên diễn ngôn công cộng và không thấy những sự tương tự nổi bật với media xã hội. Các nhà bình luận văn hóa và chính trị cũng đã nhìn lại Amusing Ourselves to Death với sự ngạc nhiên dễ hiểu đối với những sự thấu hiểu tiên tri của nó.26 Trong lời mở đầu kỳ lạ và đáng nhớ của ông, Postman đã thu hút sự chú ý của chúng ta đến một sự khác biệt cốt yếu nhưng bị bỏ qua giữa hai tầm nhìn dystopian (không tưởng đen tối) có cảnh hưởng nhất về tương lai: tiểu thuyết 1984 của George Orwell và Brave New World (Thế giới Mới Can đảm [Tươi đẹp]) của Aldous Huxley. Như Postman viết:

Cái Orwell sợ đã là những người cấm sách. Cái Huxley sợ rằng sẽ chẳng còn ai cấm sách nữa, vì sẽ chẳng còn ai muốn đọc một cuốn sách. Orwell đã sợ những người tước đoạt thông tin của chúng ta. Huxley sợ những người sẽ cho chúng ta nhiều (thông tin) đến mức chúng ta sẽ trở nên thụ động và ích kỷ. Orwell sợ rằng sự thật bị che giấu khỏi chúng ta. Huxley sợ rằng sự thật sẽ bị nhấn chìm trong biển cả vô nghĩa. Orwell sợ chúng ta sẽ trở thành văn hóa bị cầm tù. Huxley sợ chúng ta sẽ trở thành một văn hóa tầm thường… Cuốn sách này là về khả năng rằng Huxley, không phải Orwell, đã đúng.27

Với sự bầu một cựu người dẫn chương trình TV The Apprentice (Người học Nghề) vào chức vụ quyền lực nhất trên trái đất, thật cám dỗ để kết luận rằng Huxley quả thực đã đúng—rằng chúng ta đã bước vào một phiên bản cực đoan hơn của thế giới lừa gạt và tê liệt mà Postman đã mô tả trong 1985. Thế nhưng bất kể sự đánh giá như vậy nào bị rắc rối bởi tâm trạng thịnh hành hiện thời. Trong một thế giới của sự phẫn nộ lan truyền, các mối hận thù trên Twitter, các cuộc đánh nhau trên Facebook, vẻ buồn rầu trên Zoom, các cuộc phản đối chống-vaccine, và các vụ xả súng hàng loạt, chúng ta sẽ có thực sự mô tả tâm trạng của chúng ta như tâm trạng mua vui? Mặc dù chúng ta thích những hình thức hài hước hỗn xược và mỉa mai mới rất phân biệt của TikTok và Instagram, chúng ta có thực sự nói rằng chúng ta mua vui cho đến chết?

Có lý do nào đó để bác bỏ những phần của tầm nhìn dystopian của Huxley. Brave New World mô tả một xã hội toàn trị mà dân cư của nó vĩnh viễn bị gây mê bởi soma, “thuốc khoái cảm lý tưởng” có “tất cả các lợi thế của đạo Kitô và rượu cồn” nhưng “chẳng có thiếu sót nào của chúng.”28 Soma là một ẩn dụ thích hợp cho các tác động gây đần độn của media đại chúng và văn hóa bình dân. Công bằng mà nói, chúng ta có thích xem các chương trình TV yêu thích của chúng ta trên Netflix, Amazon Prime, và Apple TV, mà sức mạnh giống-soma của chúng để chúng ta bình yên và bị mê hoặc hàng giờ liền. Nhưng chúng ta cũng có thói quen lướt mạng trước khi đi ngủ, tìm tin tức về địa ngục mới tiếp theo: sự phẫn nộ chính trị mới nhất, một làn sóng COVID nữa, vụ xả súng hàng loạt mới nhất, một tai họa khí hậu nữa. Ngày nay chúng ta nghiện màn hình điện thoại thông minh hơn màn hình TV trong 1985. Thế nhưng tác động của màn hình điện thoại thông minh không phải là tác động của thuốc phiện mà đúng hơn là tác động của amphetamine, gây lo lắng, hung hăng, hoang tưởng, và rối loạn tâm thần. Brave New World có vẻ dễ áp dụng cho xã hội truyền hình của năm 1985 hơn cho xã hội media xã hội của năm 2023.

Và chúng ta phải làm gì với thế giới kinh hoàng mà Orwell hình dung trong tiểu thuyết 1984? Có lẽ là Orwell, và không phải Huxley, đã đúng? Không giống Brave New World, 1984 mô tả một xã hội toàn trị mà quần chúng khốn khổ của nó bị nỗi sợ khuất phục. Các công dân của Oceania bị rèn luyện (conditioned) để đáp ứng một cách đáng tin cậy với quyền lực và sự kiểm soát nhà nước như những con chó của các thí nghiệm của Ivan Pavlov. Mỗi ngày, các công dân của Oceania dự Hai Phút Hận Thù, một cuộc họp công khai trong đó họ bị quất bằng roi vào một cơn bùng phát khủng khiếp của cơn thịnh nộ quần chúng đối với một kẻ thù tưởng tượng:

Điều khủng khiếp về Hai Phút Hận Thù không phải là người ta buộc phải đóng một vai, mà là không thể tránh việc tham gia. Trong vòng ba mươi giây bất kể sự giả vờ nào luôn là không cần thiết. Một cơn mê sợ hãi và thù hận ghê tởm, một mong muốn để giết, để tra tấn, để dùng búa tạ đập nát khuôn mặt, dường như chảy qua toàn bộ nhóm người như một dòng điện, biến người ta thậm chí chống lại ý chí của mình thành một kẻ điên rồ nhăn nhó, la hét. Thế nhưng cơ thịnh nộ, mà người ta cảm thấy là một xúc cảm trừu tượng, không định hướng, có thể được chuyển từ một đối tượng sang đối tượng khác như ngọn lửa của của một chiếc đèn xì.29

Công bằng mà nói, Postman đã không chứng kiến bất cứ thứ gì giống Hai Phút Hận Thù trong những năm dẫn đến 1985. Nhưng trong bốn năm, chúng ta đã chứng kiến các cuộc trình diễn công khai rất giống Hai Phút Hận Thù—các lễ hận thù, toàn-Mỹ, được nghi thức hóa, trong đó Donald Trump lặp đi lặp lại đã lùa những người ủng hộ của ông tại các cuộc tập hợp vận động vào một sự điên cuồng phi lý bằng việc kể lể một danh sách dài lời than phiền tưởng tượng, khiến họ tụng những điều vô lý đầy hận thù như “Nhốt bà ta lại!”30 Bây giờ chúng ta có các phiên bản đời-thực của cách nói lập lờ nước đôi (doublespeak) dưới dạng “fake news (tin giả)” và “alternative facts (các sự thực thay thế, các dữ kiện lấp lửng).”31

Nhưng dù Huxley hay Orwell hiểu nó đúng là không quan trọng. Thời khắc lịch sử hiện tại của chúng ta là một hỗn hợp của các yếu tố đáng lo ngoại nhất của cả hai phiên bản dystopian. Cái quan trọng bây giờ là để hiểu được khoảnh khắc này với sự giúp đỡ của các sự thấu hiểu của Postman. Cuốn sách này dựa vào khẳng định rằng chúng ta đã trải qua một sự biến đổi thứ hai trong diễn ngôn công cộng của chúng ta: sự lên của media xã hội lại một lần nữa đã thay đổi từ ngữ mà chúng ta giao tiếp trong không gian công cộng—và lại một lần nữa tồi tệ hơn. Theo tinh thần của phân tích tiên tri của Postman, cần áp dụng khung khổ của ông cho hệ sinh thái media hiện thời của chúng ta. Tuy vậy, nhiệm vụ đó đòi hỏi việc chấp nhận một hạn chế cốt yếu của khung khổ đó. Bất chấp các sự thấu hiểu chính xác đáng kinh ngạc của Postman, công bằng mà nói phải lưu ý rằng có cái gì đó cốt yếu bị thiếu trong Amusing Ourselves to Death—cụ thể là, một sự hiểu biết lịch sử về ý thức hệ kinh tế thống trị của chúng ta đã định hình các tập quán giao tiếp của chúng ta và đã làm méo mó ý niệm về bản ngã của chúng ta thế nào.

Giao tiếp Dưới Tư bản (Vốn)

Cuốn sách này tổng hợp các thấu hiểu của Postman với các thấu hiểu của một nhà phê phán văn hóa khác: Alasdair MacIntyre. Một nhân vật xuất chúng trong Cánh Tả Anh Mới (British New Left) các năm 1960, MacIntyre là một trong các nhà lý thuyết chính trị quan trọng nhất của nửa thế kỷ qua. Mặc dù MacIntyre không rất nổi tiếng trong nghiên cứu media, những phân tích của ông về ngôn ngữ đạo đức dưới chủ nghĩa tư bản bổ sung cho phân tích của Postman về diễn ngôn công cộng dưới truyền hình. Trong công trình kinh điển của ông After Virtue: A Study in Moral Theory (Sau Đức hạnh: Một Nghiên cứu về Lý thuyết Đạo đức), MacIntyre đã chuẩn đoán một khủng hoảng giao tiếp (communication-truyền thông) trong các nền dân chủ hiện đại. Ông quan sát rằng diễn ngôn công cộng đã bị phân mảnh và bị lộn xộn. Lập luận công khai (public reasoning) đã đi theo hình mẫu vòng tròn vô vọng của sự khẳng định và phản-khẳng định. Những người đối thoại trong tranh luận công khai, ông để ý, trở nên khó chịu khi bị ép để biện minh lập trường đạo đức của họ, và có khuynh hướng xoay sang lối nói ồn ào, có vẻ cao đạo, và phòng thủ. Tại điểm nào đó, các công dân dân chủ không còn nói với nhau nữa mà tìm cách lột mặt nạ và phơi bày các động cơ kín đáo của nhau.

Gốc rễ của thế bế tắc này, MacIntyre lập luận, là sự thiếu một đạo đức (morality) và ngôn ngữ đạo đức chung. Như ông nhận xét, mỗi người chúng ta nói bằng thành ngữ đạo đức ưa thích của mình. Mỗi người chúng ta viện dẫn các tiền đề đạo đức ưa thích của mình. Nhưng chúng ta thiếu một khung khổ chung cho lý tính đạo đức công cộng. Văn hóa của chúng ta vì thế bị bế tắc trong sự bất đồng không thể giải quyết được. MacIntyre cho rằng sự bế tắc này sẽ chỉ tăng cường theo thời gian. Ông cảnh báo về “các thời đại man rợ và đen tối sắp tới” và thúc chúng ta xây dựng “các hình thức cộng đồng mới” sao cho “cả đạo đức và phép lịch sự có thể sống sót.”32 MacIntyre trình bày một sự hiểu khốc liệt về tình trạng của các nền dân chủ hiện đại. Nhìn lại lý lẽ của ông khoảng bốn mươi năm muộn hơn, là không ngoa để nói rằng MacIntyre đã tiên đoán sự hỗn loạn chính trị hiện thời của chúng ta với sự chính xác đáng ngạc nhiên.33 Cuốn sách này gợi ý rằng chúng ta có thể hiểu tốt hơn về sự lên và sự tăng nhanh của trolling chính trị bằng việc kết hợp phân tích của MacIntyre về đạo đức và ngôn ngữ dưới tư bản. Viết theo truyền thống của Georg Wilhelm Friedrich Hegel, MacIntyre kể một câu chuyện độc đáo và khiêu khích về sự thoái hóa của diễn ngôn công cộng. Đáng chú ý câu chuyện đó là ngược với câu chuyện riêng của Hegel về sự phát triển của Geist, một từ tiếng Đức có thể được dịch cả như “tinh thần” và “tâm trí.”34Theo Hegel, lý tính (reason) bộc lộ, hay phát triển, trong tiến trình lịch sử. Nó làm vậy giống một cây non phát triển thành một cây. Lý tính, theo quan điểm này, trở nên tự-giác hơn với thời gian. Hệt như một cây non cố gắng phát triển, lý tính cố gắng phát triển và trở nên tự do. Lý tính và tự do là cùng loại. Sự phát triển của cái này là đồng thời với sự phát triển của cái kia. Điểm cuối có thể được mô tả súc tích như sự thực hiện đầy đủ của tự do qua lý tính tuyệt đối.35

Khi MacIntyre viết về sự thoái hóa của diễn ngôn công cộng, ông cũng kể một câu chuyện tiến triển theo các giai đoạn lịch sử. Nhưng câu chuyện này là ngược với câu chuyện Hegel kể về lý tính. Câu chuyện của MacIntyre không phải là câu chuyện về sự phát triển mà về sự suy tàn, không phải về sự tăng trưởng mà về sự suy sụp. Nó là câu chuyện về sự bộc lộ không phải của lý tính mà của phi lý tính (unreason), một quá trình sa đọa kết thúc trong sự sụp đổ của truyền thông (communication-giao tiếp). Thời khắc lịch sử hiện thời của chúng ta—bệnh dịch trolling, sự mất niềm tin, bệnh dịch hoang tưởng và thù hận chống-xã hội, sự xuống cấp của lập luận công khai, sự khinh miệt đại chúng đối với sự thật, sự lan truyền của thuyết âm mưu—có thể được xem như sự hoàn thành lời cảnh báo tiên tri và đen tối của của MacIntyre bốn mươi năm trước.

Khi đọc cùng nhau, Postman và MacIntyre nổi lên như các nhà tư tưởng bổ sung cho nhau đáng ngạc nhiên. Họ giúp chúng ta hiểu sự thoái hóa của diễn ngôn công cộng. Postman quy sự thoái hóa đó cho các công nghệ truyền thông của chúng ta. MacIntyre quy nó cho ngôn ngữ, các giá trị, và ý thức hệ của chủ nghĩa tư bản tự do. Mặc dù họ đến từ những điểm thuận lợi rất khác nhau, tuy nhiên Postman và MacIntyre mô tả một và cùng hiện tượng. Thực ra, các mô tả của họ là giống nhau đáng kinh ngạc. Theo nghĩa nào đó, mỗi người trình bày điểm mù của người kia. Bởi vì sự chú tâm độc nhất của ông vào công nghệ, Postman đánh giá thấp vai trò của chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu trong việc nuôi dưỡng sự phân mảnh và sự lộn xộn của diễn ngôn công cộng của chúng ta. Tương tự, bởi vì sự tập trung độc nhất của ông vào đạo đức, MacIntyre thiếu sự đánh giá cao vai trò của các công nghệ truyền thông trong việc nuôi dưỡng cùng sự phân mảnh và sự lộn xộn đó.

Tuy vậy, khi đọc cùng nhau, Postman và MacIntyre kể một câu chuyện thuyết phục hơn mỗi trong số họ kể một mình. Đấy là một câu chuyện về sự nổi lên không phải của Geist mà của Ungeist, không phải của Tinh thần mà của Ma quỷ. Tất nhiên, đấy không phải là ma quỷ theo nghĩa đen. Trong tiếng Đức, der Ungeist được dịch như cả “ma quỷ” và “phi lý tính (unreason).” Trong khung cảnh của cuốn sách này, der Ungeist có thể được hiểu như vô thức tập thể (collective unconscious) của một văn hóa lớn lên của chủ nghĩa phi lý (irrationalism): tâm thần điên dại, bần tiện, và méo mó của troll; tâm trí bầy đàn của những kẻ tân phát xít, dân tộc chủ nghĩa da trắng, những kẻ QAnon, và các Boogaloo Bois (cực hữu chống-chính quyền); ảo tưởng đám đông của những người chống-khẩu trang, chống-vaxine, và phủ nhận biến đổi khí hậu; và những kẻ cuồng súng, vẫy cờ, và những người chủ tương “tự do” cầm Kinh Thánh. Der Ungeist là con quái vật được Trump đánh thức và chủ động nuôi dưỡng trong bốn năm liền. Con quái vật đó sẽ sống sót lâu sau khi ông ta rơi vào sự quên lãng chính trị.

Cách Tiếp cận của cuốn Sách Này

Cuốn sách này đi theo châm ngôn thường được trích dẫn của Fredric Jameson: “Luôn lịch sử hóa!”36 Nó kể (chuyện) longue durée (trường kỳ) về hiện tượng trolling. Nó tìm cách để hiểu trolling như nhiều hơn một tiểu-văn hóa số đơn thuần bằng việc đặt nó bên trong một khung khổ lịch sử duy vật dài hơn. Tiêu điểm chính của cuốn sách này là học thuyết của chủ nghĩa cá nhân tự do (liberal individualism), lõi đạo đức của một xã hội thị trường tự do. Chủ nghĩa cá nhân tự do là một triết lý phân chia xã hội. Nó không phải là một giá trị trừu tượng trôi nổi trong ether. Đúng hơn, thần ngôn (logos) và đặc tính (ethos) của chủ nghĩa cá nhân tự do được mã hóa về mặt vật chất vào các phương thức và các quan hệ sản xuất chi phối của chúng ta, các luật và các định chế, ngôn ngữ và thuật hùng biện chính trị, và các công nghệ truyền thông của chúng ta, thường theo những cách mập mờ, tinh vi, và ngầm. Bằng việc lịch sử hóa trolling, cuốn sách này cho thấy làm sao các nền tảng media xã hội phổ biến nhất của chúng ta là các sự hiện thân và các sự biểu lộ công nghệ của các giá trị chống-xã hội của sự cạnh tranh thị trường và sự truy tìm vốn (tư bản) cá nhân. Công nghệ số chỉ đơn thuần giải phóng các bản năng và các xung lực gây xói mòn được cổ vũ và tăng cường từ lâu dưới logic kinh tế của tư lợi. Bằng việc đặt trolling bên trong một khung mở rộng, chúng ta có thể nhận ra sự nổi lên lịch sử của các troll mà đã tạo ra một phong cách hùng biện lạm dụng trước xa thời đại media xã hội. Một khung cảnh lịch sử lớn hơn vì thế có thể giúp chúng ta hiểu hiện tượng trolling chính trị không ẩn danh ngày nay. Chúng ta có thể thấy vì sao trolling chính trị đã trở nên rất phổ biến, cực đoan, đáng ghét, tàn bạo, và hung tợn. Có lẽ quan trọng nhất, chúng ta có thể hiểu kỹ hơn sự phổ biến đáng lo ngại của thuyết âm mưu, sự tấn công chống sự thật, sự trỗi dậy của chính sách mị dân, và sự tăng nhanh của các phong trào tân-phát xít, tất cả đều bị sợi dây trolling chung buộc lại ngày nay.

Phân các Chương

Trong Chương 1, tôi dựa vào Amusing Ourselves to Death để giải thích làm sao và vì sao chúng ta đang trolling bản thân mình đến chết. Hệt như Postman cho rằng truyền hình đã gây ra một sự biến đổi căn bản trong diễn ngôn công cộng bằng việc nâng giải trí lên địa vị của một ý thức hệ tối cao, tôi cho rằng media xã hội đã gây ra một sự biến đổi thứ hai bằng việc bình thường hóa hành động lời nói trolling trong diễn ngôn công cộng. Không medium công nghệ nào là trung lập về ý thức hệ. Để thay đổi một trong những giáo huấn nổi tiếng của Marx, không phải ý thức của chúng ta là cái xác định sự dùng media xã hội của chúng ta mà, ngược lại, sự dùng media xã hội của chúng ta là cái xác định ý thức của chúng ta.37 Bởi vì thiết kế giao diện (interface design) của chúng, media xã hội hạ giá chuẩn mực sự thật và biến một cách hữu hiệu diễn ngôn công cộng thành một cuộc thi về sự nổi tiếng. Nếu truyền hình biến chính trị thành kinh doanh giải trí (show business), thì media xã hội được cho là đã biến nó thành một trường trung học khổng lồ, với một sự phân vai nhân vật quen thuộc để khởi động: bọn trẻ sành điệu, những đứa thua, bọn hoạt náo viên, và những kẻ bắt nạt. Điều này giải thích sự nổi tiếng media xã hội của Donald Trump và Elon Musk, mà nhân cách chưa trưởng thành của họ phù hợp chính xác bên trong vũ trụ đạo đức vị thành niên của media xã hội.

Trong Chương 2, tôi đặt trolling vào một khung cảnh meta- (siêu)-lịch sử và meta-đạo đức. Tôi thăm dò luận đề của MacIntyre rằng diễn ngôn công cộng ngày nay ở “trong một tình trạng rối loạn nghiêm trọng” và mô tả của ông về không gian công cộng như một vũ đài xung đột đạo đức vô tận và gay gắt.38MacIntyre lần vết tính vô tận và tính gay gắt này đến sự thất bại của Khai Sáng để xây dựng một nền tảng thế tục cho đạo đức. Về lý thuyết, đạo đức là một medium của các mối quan hệ con người. Nó cung cấp các tiêu chuẩn khách quan cho việc dàn xếp xung đột đạo đức và sự bất đồng. Không có các tiêu chuẩn như thế, tuy vậy, các mối quan hệ của chúng ta có khả năng trở thành công cụ và bị thao túng. Chương này thảo luận trật tự đạo đức trong thế giới tiền-hiện đại và lý thuyết đạo đức trong thời Khai Sáng. Hai paradigm then chốt được thảo luận là các paradigm của David Hume (các đam mê) và của Immanuel Kant (lý tính siêu việt). Rồi tôi thảo luận giải thích của MacIntyre vì sao lý thuyết đạo đức Khai Sáng đã thất bại và cái gì thế chỗ nó: chủ nghĩa cá nhân tư bản chủ nghĩa và đạo đức của thuyết công cụ đạo đức. Như tôi lý lẽ, đấy là nơi nằm của các hạt giống trolling chính trị.

Trong Chương 3, tôi thăm dò liên kết lịch sử và ý thức hệ giữa chủ nghĩa bảo thủ như một truyền thống chính trị và hiện tượng đương thời về các troll cánh-hữu. Những người bảo thủ “ôn hòa” như David Frum, George Will, và Rick Wilson đã cương quyết nhấn mạnh rằng Donald Trump và đội quân troll của ông không phải là những người bảo thủ thật sự, rằng họ là một sự lệch lạc kỳ cục khỏi tính thần của chủ nghĩa bảo thủ. Trong chương này, tôi cho thấy vì sao lý lẽ này là sai và gây lạc lối. Xem xét lại vài trong số các ý tưởng then chốt trong tư tưởng chính trị của Edmund Burke, được coi rộng rãi như nhà sáng lập của truyền thống bảo thủ, tôi cho rằng chủ nghĩa chính trị bảo thủ bẩm sinh đã hướng tới trolling chính trị. Burke ca tụng “các màn che,” “các ảo tưởng,” “thành kiến,” và “sự ngu dốt” như các thành phần cốt lõi của “truyền thống.” Các thành phần này chính xác là cái làm sống động các troll chính trị bảo thủ ngày nay. Tôi xét các ví dụ về hai nhân vật media độc hại nhất trong ký ức gần đây: Rush Limbaugh và Ann Coulter. Như tôi lập luận, Limbaugh và Coulter là các troll sớm, chuyên về nghệ thuật chính trị gây sốc và xúc phạm kẻ thù tự do. Limbaugh và Coulter đã là “trolling libs (chơi khăm những người tự do)” trước khi “trolling libs” trở thành đặc điểm hàng ngày của đời sống trên media xã hội.

Chương 4 tìm cách để hiểu sự bùng nổ của thuyết âm mưu trong thời đại số. Nghiên cứu tình huống mở đầu liên quan đến các thuyết âm mưu COVID-19, mà đã dẫn đến sự lạm dụng, và thậm chí các đe dọa chết người chống lại, những người chăm sóc sức khỏe và các nhà khoa học. Các thuyết âm mưu COVID-19 nêu ra một vấn đề gấp đôi cho sức khỏe công cộng: việc chống thông tin xuyên tạc (disinformation) và việc hiểu động lực cơ bản của nó. Một quan điểm phổ biến cho rằng chúng ta có thể chống một cách hiệu quả thông tin xuyên tạc y tế bằng việc giáo dục công chúng. Chống lại quan điểm này, tôi cho rằng tính phổ biến của thuyết âm mưu phản ánh không phải sự ngu dốt mà đúng hơn sự không tin cậy của công chúng. Sự mất niềm tin là một trong những triệu chứng của một văn hóa của sự tha hóa, nguyên tử hóa, sự cô đơn, hoài nghi, và hoang tưởng phổ biến. Tôi khảo sát tỉ mỉ mối quan hệ giữ xúc cảm chính trị của sự cô đơn và sự phân mảnh của bản ngã. Sức mạnh của thuyết âm mưu, tôi lập luận, là nó cho phép đối tượng bị tha hóa và bị phân mảnh để đạt một cảm giác trọn vẹn một lần nữa, nhưng chỉ bằng việc cắt đứt mối quan hệ của đối tượng với thực tế.

Chương 5 khảo sát tỉ mỉ hiện tượng “văn hóa tẩy chay (cancel culture-văn hóa hủy bỏ),” sự trừng phạt những người bảo thủ, những người tự do, và những người cánh tả như nhau [vì quan điểm hay hành động được cho là không thể chấp nhận được của họ về mặt xã hội, đạo đức]. Phần lớn bình luận của chúng ta về sự thực hành kỳ lạ này đã tập trung quá hẹp vào tự do ngôn luận và những sự thái quá của cái gọi là các chiến binh công lý (justice warriors) xã hội. Vấn đề với sự tập trung cực kỳ thiển cận này là nó giải thích sai hành động tẩy chay (canceling) như một hiện tượng chủ yếu hay chỉ cánh tả, không đánh giá đúng về làm sao chính thiết kế của các nền tảng số tạo ra các điều kiện cho các cộng đồng không khoan dung và cổ vũ sự phán xét có vẻ cao đạo và không khoan nhượng đối với những người bị cho là làm điều sai trái. Vì thế chương này đưa ra một góc nhìn khác về toàn bộ hiện tượng bằng việc rút ra từ phân tích lịch sử của Friedrich Nietzsche về liên kết giữa tội lỗi và nợ. Tôi cho rằng các mạng xã hội dựa vào nợ, món nợ mà đến từ việc dựa vào một mạng xã hội cho sự tồn tại số của người ta. Đi cùng với nợ là khả năng của cảm giác tội lỗi và sự trừng phạt qua nghi thức làm nhục online. Rút ra từ lịch sử nhà tù của Michel Foucault và phân tích triết học của Martha Nussbaum về xấu hổ và sự làm nhục, tôi cho rằng sự làm nhục online được hiểu tốt nhất như một sự quay lại với những cảnh tra tấn công khai tiền-hiện đại.

Trong Chương 6, tôi đặt ra câu hỏi làm thế nào chúng ta có thể đối mặt với vấn đề trolling. Đầu tiên tôi xem xét lại các kết luận của Amusing Ourselves to DeathAfter Virtue, một cách tương ứng. Postman đưa ra lời cầu xin tuyệt vọng cho sự quay sang các trường công như một phương tiện truyền thông đại chúng cho việc xóa mù (chữ) truyền hình và chống lại hệ tư tưởng giải trí. MacIntyre kêu gọi việc xây dựng các hình thức cộng đồng địa phương để chống lại ảnh hưởng làm xói mòn của chủ nghĩa cá nhân tự do lên lập luận công khai của chúng ta. Trong chương này, tôi tổng hợp các lời khẩn cầu bổ sung nhau của họ. Lấy cảm hứng từ sự hiểu sáng tạo của Robert Brandom về The Phenomenology of Spirit (Hiện tượng học Tinh thần) của Hegel, tôi biện hộ cho việc xây dựng một “tinh thần tin cậy” để chống lại văn hóa ngờ vực đại chúng nuôi dưỡng vấn đề trolling chính trị. Tôi lấy cảm hứng thêm từ Paulo Freire và Bell Hooks để đề xuất cái tôi gọi là một phương pháp giáo dục sự tin cậy (pedagogy of trust). Như tôi biện luận, các lớp học có thể đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc chống lại bệnh dịch ngờ vực mà nằm ở tâm của trolling chính trị.

Để kết luận, tôi đưa ra vài suy ngẫm về chúng ta có vẻ đang hướng tới đâu. Tôi thảo luận sự suy tàn của Facebook, những rối loạn của Twitter dưới Elon Musk, và sự bền bỉ của trolling trong cả hai hình thức gốc và chính trị của nó. Dù chúng ta có thể nói gì về hệ sinh thái media xã hội tiến hóa nhanh của chúng ta, chúng ta ta có thể nói chắc chắn rằng trolling chính trị sẽ tiếp tục đặt ra một mối nguy hiểm nghiêm trọng cho văn hóa dân chủ.

Một Ghi chú Cuối cùng

Như bất cứ nhà nghiên cứu media nào sẽ chứng thực, việc viết về media xã hội là công việc không đáng ghen tị. Nó đòi hỏi chúng ta đạt một sự cân bằng cốt yếu giữa một sự tập trung báo chí vào những chi tiết vô cùng kỳ quặc và gây bối rối của các nền tảng và một sự tập trung học thuật vào các hình mẫu lịch sử và văn hóa bao quát. Bởi vì hệ sinh thái media của chúng ta đang thay đổi liên tục, tỏ ra là thách thức vô cùng để xác định các hình mẫu bao quát đó với bất kể độ chính xác nào. Trong thời gian cần để thai nghén và viết cuốn sách này, phong cảnh media xã hội của chúng ta đã thay đổi đầy kịch tính. Facebook dường như đang chết, còn Twitter đã rơi vào hỗn loạn. Những thay đổi này đã dẫn nhà nghiên cứu media Ian Bogost để tuyên bố rằng thời đại media xã hội sắp kết thúc.39 Liệu chúng ta có thực sự đang chứng kiến sự kết thúc của media xã hội hay không là chưa rõ ràng. Cái rõ ràng là diễn ngôn công cộng của chúng ta đang trở nên này càng hung hăng hơn. Hy vọng của tôi là cuốn sách này sẽ đưa ra sự thấu hiểu có giá trị và lâu dài nào đó về vì sao lại thế.

Jason Hannan

———

Dẫn nhập

1. Kim Brunhuber, “Trump’s Deportation Delay Defers Pain for Some Migrants, Offers Lifeline for Others,” CBC, June 26, 2022.

2. Steven Levitsky and Daniel Ziblatt, How Democracies Die (New York: Broadway Books, 2018); Anne Applebaum, Twilight of Democracy: The Seductive Lure of Authoritarianism (New York: Doubleday, 2020); Timothy Snyder, On Tyranny: Twenty Lessons from the Twentieth Century (New York: Crown, 2017); Masha Gessen, Surviving Autocracy (New York: Riverhead Books, 2020); Yascha Mounk, The People vs. Democracy: Why Our Freedom Is in Danger and How to Save It (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2019); Những người viết The Atlantic, The American Crisis: What Went Wrong, How We Recover (New York: Simon and Schuster, 2020); Peter Wehner, The Death of Politics: How to Heal Our Frayed Republic After Trump (New York: Harper One, 2019); Suzanne Mettler and Robert C. Leiberman, Four Threats: The Recurring Crises of American Democracy (New York: St. Martin’s Press, 2020); Theo Horesh, The Fascism This Time and the Global Future of Democracy (Boulder, CO: Cosmopolis Press, 2020); Astra Taylor, Democracy May Not Exist, but We’ll Miss It When It’s Gone (New York: Metropolitan Books, 2020); Benjamin I. Page and Martin Gilens, Democracy in America? What Has Gone Wrong and What We Can Do About It (Chicago: University of Chicago Press, 2020).

3. Xem, chẳng hạn, Cass R. Sunstein, #Republic: Divided Democracy in the Age of Social Media (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2017); Siva Vaidhyanathan, Antisocial Media: How Facebook Disconnects Us and Undermines Democracy (New York: Oxford University Press, 2018); Dannagal Goldthwaite Young, Irony and Outrage: The Polarized Landscape of Rage, Fear, and Laughter in the United States (New York: Oxford University Press, 2020); Joshua A. Tucker and Nathaniel Persily, eds., Social Media and Democracy: The State of the Field, Prospects for Reform (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2020); Chris Bail, Breaking the Social Media Prism: How to Make Our Platforms Less Polarizing (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2021); Whitney Phillips and Ryan M. Milner, You Are Here: A Field Guide for Navigating Polarized Speech, Conspiracy Theories, and Our Polluted Media Landscape (Cambridge, MA: MIT Press, 2021).

4. Marsha Lederman, “The Bullies Are Taking Over Our Politics and Our Culture,” Globe and Mail, November 4, 2022, https://www. Theglobeandmail.com/opinion/article-the-bullies-are-taking-over-our-politics-and-our-culture; Matt Fleming, “American Political Discourse Is Poisoned by Social Media and Hatred,” Orange County Register, March 25, 2022, https://www.ocregister.com/2022/03/25/american-political-discourse-is-poisoned-by-social-media-and-hatred; Maeve Duggan, “How Platforms Are Poisoning Conversations,” The Atlantic, May 11, 2017.

5. Michelle Goldberg, “Democracy Grief Is Real,” New York Times, December 13, 2019, https://www.nytimes.com/2019/12/13/opinion/sunday/trump-democracy.html; Rob Law, “I Have Felt Hopelessness over Climate Change. Here Is How We Move Past the Immense Grief,” The Guardian, May 9, 2019, https://www. Theguardian.com/commentisfree/2019/may/09/i-have-felt-hopelessness-over-climate-change-here-is-how-we-move-past-the-immense-grief; Ashlee Cunsolo and Neville R. Ellis, “Ecological Grief as a Mental Health Response to Climate Change-Related Loss,” Nature Climate Change 8 (2018): 275–281.

6. Ví dụ rõ ràng nhất là ảnh hưởng của media xã hội lên nhận thức của chúng ta về cơ thể người. Xem, chẳng hạn, Mauro Barone, Annalisa Cogliandro, and Paolo Persichetti, “In Constant Search of ‘Like’: How Technology and Social Media Influence the Perception of Our Body,” Aesthetic Plastic Surgery 46, suppl. 1 (2021): 170–171; Hye Min Kim, “What Do Others’ Reactions to Body Posting on Instagram Tell Us? The Effects of Social Media Comments on Viewers’ Body Image Perception,” New Media and Society 23, no. 12 (2020): 3448–3465.

7. Larry D. Rosen, Kate Whaling, Sam Rab, L. Mark Carrier, and Nancy A. Cheever, “Is Facebook Creating ‘iDisorders’? The Link Between Clinical Symptoms of Psychiatric Disorders and Technology Use, Attitudes and Anxiety,” Computers in Human Behavior 29, no. 3 (2013): 1243–1254; Julia Brailovskaia, Jürgen Margraf, and Volker Köllner, “Addicted to Facebook? Relationship Between Facebook Addiction Disorder, Duration of Facebook Use and Narcissism in an Inpatient Sample,” Psychiatry Research 273 (2019): 52–57;

8. Evita March, “Psychopathy, Sadism, Empathy, and the Motivation to Cause Harm: New Evidence Confirms Malevolent Nature of the Internet Troll,” Personality and Individual Differences 141 (2019): 133–137; Craker, Naomi, and Evita March. “The dark side of Facebook®: The Dark Tetrad, negative social potency, and trolling behaviours.” Personality and Individual Differences 102 (2016): 79–84.

9. Torill Elvira Mortensen, “Anger, Fear, and Games: The Long Event of# GamerGate,” Games and Culture 13, no. 8 (2018): 787–806; Noah Berlatsky, “The Comicsgate Movement Isn’t Defending Free Speech. It’s Suppressing It,” Washington Post, September 13, 2018; Elizabeth Williamson, Sandy Hook: An American Tragedy and the Battle for Truth (New York: Penguin, 2022).

10. Edward Said, Beginnings: Intention and Method (New York: Columbia University Press, 1985).

11. Michael Hauben and Ronda Hauben, Netizens: On the History and Impact of Usenet and the Internet (Los Alamito, CA: IEEE Computer Society Press, 1997).

12. Hauben and Hauben, Netizens, 39.

13. Hauben and Hauben, Netizens, 13.

14. Paul Baker, “Moral Panic and Alternative Identity Construction in Usenet,” Journal of Computer-Mediated Communication 7, no. 1 (2001): JCMC711; Axel Bruns, “Videor Ergo Sum: The Online Search for Disembodied Identity,” M/C Journal 1, no. 3 (1998).

15. Peter Kollock and Marc Smith, “Managing the Virtual Commons: Cooperation and Conflict in Computer Communities,” in Computer-Mediated Communication, ed. Susan C. Herring (Philadelphia: Johns Benjamins, 1996), 109–128.

16. Christine B. Smith, Margaret L. McLaughlin, and Kerry K. Osborne, “Conduct Control on Usenet,” Journal of Computer-Mediated Communication 2, no. 4 (1997): JCMC2410.

17. Susan Herring, Kirk Job-Sluder, Rebecca Scheckler, and Sasha Barab, “Searching for Safety Online: Managing ‘Trolling’ in a Feminist Forum,” The Information Society 18, no. 5 (2002): 371–384.

18. Whitney Phillips, This Is Why We Can’t Have Nice Things: Mapping the Relationship Between Online Trolling and Mainstream Culture (Cambridge, MA: MIT Press, 2015), 15.

19. Judith S. Donath, “Identity and Deception in the Virtual Community,” in Communities in Cyberspace, ed. Peter Kollack and Marc Smith (London: Routledge, 1998), 43.

20. Gabriella Coleman, Hacker, Hoaxer, Whistleblower, Spy: The Many Faces of Anonymous (London: Verso, 2014).

21. Coleman, Hacker, Hoaxer, Whistleblower, 4.

22. Coleman, Hacker, Hoaxer, Whistleblower, 45–46.

23. Phillips, This Is Why We Can’t Have Nice Things, 24.

24. Phillips, This Is Why We Can’t Have Nice Things, 24–26.

25. Tuyên bố kinh điển về chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu, tất nhiên, là, C. B. Macpherson, The Political Theory of Possessive Individualism (Oxford: Oxford University Press, 2011).

26. Xem, chẳng hạn, Andrew Postman, “My Dad Predicted Trump in 1985—It’s Not Orwell, He Warned, It’s Brave New World,” The Guardian, February 2, 2017, https://www. Theguardian.com/media/2017/feb/02/amusing-ourselves-to-death-neil-postman-trump-orwell-huxley; Ezra Klein, “Amusing Ourselves to Trump: We Are Buried Under Ignorance Disguised as Information,” Vox, August 5, 2018, https://www.vox.com/policy-and-politics/2018/8/6/17599010/neil-postman-trump-amusing-ourselves; Ed McMenamin, “Did Neil Postman Predict the Rise of Trump and Fake News? What We Can Still Learn from His Prophetic Book More than 30 Years Later,” Paste, January 5, 2017; Megan Garber, “Are We Having Too Much Fun?,” The Atlantic, April 27, 2017, https://www. Theatlantic.com/entertainment/archive/2017/04/are-we-having-too-much-fun/523143/.

27. Neil Postman, Amusing Ourselves to Death: Public Discourse in the Age of Show Business (New York: Penguin, 1985), xix.

28. Aldous Huxley, Brave New World: And Brave New World Revisited (New York: HarperPerennial, 2004), 60.

29. George Orwell, 1984 (New York: Signet Classics, 1977), 14.

30. Carla Jones, “‘Lock Her Up!’: A Biography of a Trump-Era Chant and the Banality of Misogyny,” in Corruption and Illiberal Politics in the Trump Era, ed. Donna M. Goldstein and Kristen Drybread (New York: Routledge, 2023), 203–218.

31. Nicole A. Cooke, Fake News and Alternative Facts: Information Literacy in a Post-Truth Era (Chicago: American Library Association, 2018). The term doublespeak is a synthesis of doublethink and newspeak. Xem Lutz, William D. “Language, appearance, and reality: Doublespeak in 1984.” ETC: A Review of General Semantics (1987): 382–391.

32. Alasdair MacIntyre, After Virtue: A Study in Moral Theory (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1981), 263.

33. Cho diễn giải của tôi về MacIntyre, xem Jason Hannan, Ethics Under Capital: MacIntyre, Communication, and the Culture Wars (London: Bloomsbury, 2020). Về Chủ nghĩa Marx của MacIntyre và cách giải thích Marxist tư tưởng của ông, xem Paul Blackledge and Neil Davidson, Alasdair MacIntyre’s Engagement with Marxism: Selected Writings 1953–1974 (Chicago: Haymarket, 2009); John Gregson, Marxism, Ethics, and Politics: The Work of Alasdair MacIntyre (New York: Palgrave Macmillan, 2019); Jeffery Nicholas, Reason, Tradition, and the Good: MacIntyre’s Tradition-Constituted Reason and Frankfurt School Critical Theory (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 2012).

34. Câu chuyện đó được kể trong The Phenomenology of Spirit (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2019) của Hegel.

35. Cách giải thích này về Hegel dựa vào Robert C. Solomon, In the Spirit of Hegel (Oxford: Oxford University Press, 1985), Fredrick Beiser, Hegel (New York: Oxford University Press, 2005), và Robert Brandom, A Spirit of Trust: A Reading of Hegel’s Phenomenology (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2019).

36. Fredric Jameson, The Political Unconscious: Narrative as a Socially Symbolic Act (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1981), 9.

37. Dòng gốc, từ A Contribution to the Critique of Political Economy, viết, “It is not the consciousness of men that specifies their being, but on the contrary their social being that specifies their consciousness (Không phải ý thức của con người định rõ sự tồn tại của họ, mà ngược lại sự tồn tại xã hội của họ định rõ ý thức của họ) .” Karl Marx, Karl Marx: Later Political Writings, edited by Terrell Carver (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 1996), 160.

38. MacIntyre, After Virtue, 2.

39. Ian Bogost, “The Age of Social Media Is Ending,” The Atlantic, November 10, 2022, https://www. Theatlantic.com/technology/archive/2022/11/twitter-facebook-social-media-decline/672074

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here