Tác giả: Jens Christian-Wagner
Đinh Từ Thức, chuyển ngữ
23-3-2022
Tác giả Jens-Christian Wagner là giáo sư sử học tại Đại học Jena và Giám Đốc Quỹ Tưởng Niệm Buchenwald and Mittelbau-Dora Memorials Foundation tại Weimar, Đức. Quan điểm trong bài là của riêng ông.
***
Công chuyện hàng tuần tại Buchenwald Memorial, nơi tưởng niệm và vinh danh những người thiệt mạng tại trại tập trung Buchenwald của Quốc Xã, đã khởi đầu bằng một tin rúng động vào sáng Thứ Hai: Tin từ Ukraine cho biết: bạn Boris Romantschenko của chúng tôi, một người đã sống sót từ Buchenwald và ba trại tập trung khác, đã thiệt mạng khi một hoả tiễn của Nga bắn trúng nơi ở của ông tại một chung cư nhiều tầng ở Kharkiv.
Romantschenko thọ 96 tuổi. Tại trại tập trung, ông đã cùng với các đồng bạn người Nga chống lại bọn Mật vụ SS Đức. Kể từ khi được tự do vào năm 1945, Romantschenko đã tham gia vào việc bảo tồn ký ức về sự tàn bạo của Quốc Xã và hoà bình. Bây giờ, con người quả cảm này, nói ngôn ngữ chính là tiếng Nga, đã trở thành nạn nhân trong cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine – một thảm cảnh đáng xấu hổ.
Romantschenko chào đời năm 1926, tại làng Bondari, gần thị trấn Sumy Oblast ở Ukraine. Cuối năm 1942, một năm rưỡi sau khi Đức Quốc Xã xâm lấn Liên Xô, quân xâm lăng bắt mọi trai tráng trong làng, nhiều người chỉ mới 16 tuổi, mang về Đức làm lao công cưỡng bách.
Romantschenko lúc ấy mới 16 tuổi, cùng với những người trong làng, đã bị đem đến Dortmund, ở đó cậu bị cưỡng bách làm việc dưới hầm của một mỏ than. Cậu đã cố trốn, nhưng bị cảnh vệ bắt giữ tại nhà ga vận chuyển hàng hoá ở Dortmund. Cậu trải qua nhiều nhà tù, trước khi bị mật vụ Đức Gestapo, tống cổ tới trại tập trung Buchenwald gần Weimar vào cuối tháng 1-1943. Cậu bị cưỡng bách khổ sai tại một hầm đá ở đó.
Tháng 6-1943, Mật Vụ SS chuyển cậu và gần 200 tù nhân khác tới Peenemunde trên đảo Usedom ở Biển Baltic. Các tù nhân phải lắp ráp các hoả tiễn V2 do Wernher von Braun sáng chế, dùng để oanh tạc London và Antwerp vào năm 1944. Sau cuộc oanh tạc của không lực Anh trên Peenemunde hồi tháng 8-1943, khiến cả tù nhân tại trại tập trung ở đây cũng bị giết, xưởng lắp ráp hoả tiễn đã phải chuyển tới một cơ sở dưới hầm tại dãy núi Harz: Trại tập trung Mittelbau-Dora.
Mật vụ SS chuyển các tù nhân, gồm cả Romantschenko, từ Peenemunde tới Núi Harz, nơi đây họ làm việc và sống dưới mặt đất. Những giường gỗ bốn tầng nằm dưới hầm sâu 50 mét là chỗ nghỉ ngơi của họ. Các tù nhân gọi trại tập trung dưới hầm này là “Địa Ngục Dora” (Hell of Dora).
Trải qua đói khát, bệnh tật và hành hạ, Romantschenko đã sống sót tại địa ngục này. Anh cũng sống sót sau cuộc triệt thoái tử thần (death march) tới trại tập trung Bergen-Belsen hồi tháng 4-1945. Quân đội Anh đã giải thoát anh vào ngày 15-4-1945, nhưng anh chưa được phép trở về với gia đình.
Dưới thời Stalin, tù nhân tại các trai tập trung hay tù nhân chiến tranh người Liên Xô còn sống sót sau các thử thách cam go, đều bị nghi là đã hợp tác với Đức. Giống như nhiều tù nhân Liên Xô khác sống sót, Romantschenko đã bị cưỡng bách phục vụ trong đạo quân chiếm đóng thuộc Hồng Quân tại Đông Đức. Tại đó, người ta mong đợi anh tự chứng tỏ là một công dân Liên Xô đàng hoàng. Anh đã không được phép trở về với gia đình ở vùng đông Ukraine cho đến năm 1950.
Trở về Ukraine, Romantschenko làm công việc đánh máy chữ, được trả công từng ngày; buổi chiều, anh theo học ngành kỹ sư hầm mỏ, và có bằng cấp. Sau đó, anh sáng chế máy móc dùng cho nông trại. Sau khi Liên Xô sụp đổ, anh công khai nói về những trải nghiệm của mình tại các trại tập trung ở Đức. Anh đã tới Đức nhiều lần và tham dự các sự kiện tưởng nhớ tại nơi tưởng niệm Buchenwald và Mittelbau-Dora.
Romantschenko nói với học sinh về những trải nghiệm của mình và kêu gọi mọi người gìn giữ hoà bình cùng tự do và bảo vệ nhân quyền. Lên tiếng vào năm 2013 tại sân điểm danh, nơi tưởng nhớ nhân kỷ niệm ngày giải phóng trại tập trung Buchenwald, ông nói: “Từ đáy lòng, tôi cầu chúc các bạn điều may mắn nhất, và tôi hy vọng không bao giờ có ai phải trải qua những gì như cựu tù nhân chúng tôi đã phải trải qua”.
Vào lúc đó, không ai có thể tưởng tượng rằng, chỉ chín năm sau, Romantschenko, người đã sống sót qua các trại tập trung và Thế Chiến Thứ Hai, đã bị thiệt mạng trong một vụ oanh tạc của không lực Nga. Ông đã để lại con trai và cháu gái, những người đã thương yêu săn sóc ông trong mấy tháng buộc ông phải nằm nhà để tránh bị nhiễm dịch Covid.
Hitler đã không hạ nổi bạn Boris. Bây giờ, một tay độc tài phát xít khác, Vladimir Putin, đã giết ông. Nhưng Putin không phải là Hitler mới. Mặc dù ai cũng nguyền rủa nhà cai trị ở Mạc Tư Khoa, người đã ra lệnh xâm lăng Ukraine, mà không trắc ẩn về những biện pháp tàn bạo đàn áp người dân của ông ta, chúng ta nên thận trọng không làm công việc phân tích lịch sử sai lầm so sánh sự tàn bạo của Quốc Xã với những tội ác phạm bởi Putin và những nước chư hầu của ông ta.
Holocaust và những tội ác khác của Quốc Xã chỉ là những việc làm đơn lẻ vi phạm trong một hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, và chúng ta nên lưu tâm đề phòng về những chuyện này. Tuy nhiên, chúng ta không cần so sánh với Holocaust để bày tỏ sự phẫn nộ của chúng ta trước những tội ác đương thời của nhà lãnh đạo Nga. Cũng nên nhấn mạnh rõ ràng rằng, luận điệu của Putin muốn “chống phát xít hoá” Ukraine chỉ là lời dối trá trơ trẽn, đã được nêu ra để bào chữa cho chủ nghĩa đế quốc xâm lấn, một sự dối trá đã có nguồn gốc từ tư tưởng Đại Nga thời thế kỷ 19.
Sự vô lý của điều gian dối này đã được chứng tỏ bởi hàng ngàn người Ukraine đã sống sót qua sự khủng khiếp của Quốc Xã, họ đã sát cánh với các bạn người Nga chống lại Quốc Xã hồi Thế Chiến Thứ Hai, và bây giờ họ đang bị đe doạ, trong trường hợp của Boris Romantschenko, bị giết bởi bom Nga.
Đó là một thảm cảnh và sự phản bội đối với di sản của những người đã sống sót tại Buchenwald, họ là những người vào năm 1945, đã đứng tại sân điểm danh của trại tù được giải phóng, và thề sẽ xây dựng một thế giới hoà bình và tự do.