Hai phương cách chống lạm phát

    0
    36
    Ông Jerome Powell, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) thấy cả hai. Ông công nhận các nguyên nhân thuộc cả hai loại vĩ mô và vi mô.

    Ngô Nhân Dụng

    Tháng 12 năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp xuống chỉ còn 3.9%; nhưng ai cũng chỉ lo bàn về lạm phát. Giá sinh hoạt tăng 7% so với 12 tháng trước, lần đầu tiên từ năm 1982 mới lên cao như vậy.

    Tại sao sinh ra lạm phát? Câu trả lời có thể cho thấy thái độ chính trị. Đảng Cộng Hòa thấy nguyên nhân chính gây lạm phát là chính phủ Joe Biden chi tiêu nhiều quá. Đảng Dân chủ quy trách nhiệm cho tình trạng hàng hóa khan hiếm bất thường, vì nhiều xí nghiệp ngưng hoạt động trong cơn bệnh dịch. Nhất là các tiệm ăn, rạp hát, du lịch, khách sạn, hoặc làm móng tay móng chân, trong ngành dịch vụ chưa mở cửa, người có tiền chỉ tìm mua hàng hóa.

    Tất nhiên, người ta không nhận rằng ý kiến khác nhau, “ông nói gà, bà nói vịt,” vì họ muốn chống hay ủng hộ chính phủ. Nhưng các câu trả lời khác nhau còn dựa trên các bài học kinh tế khác nhau, “Macroeconomics” hay “Microeconomics!”

    Người không học môn kinh tế có thể cũng biết tên hai ngành kinh tế học: Macroeconomics, thường dịch sang tiếng Việt là Kinh tế Vĩ mô; và Microeconomics dịch là Kinh tế Vi mô. Macro là lớn, rất lớn; Micro là nhỏ, rất nhỏ; dịch sát nghĩa. Nhưng cái gì lớn, cái gì nhỏ, ngay cả những người đã học kinh tế cũng chưa chắc biết lớn, nhỏ khác nhau trên căn bản nào.

    Người ta dễ hiểu lầm rằng hai ngành đề cập tới các vấn đề lớn (vĩ mô) hoặc nhỏ (vi mô). Thực ra cả hai cùng nhìn vào một hiện tượng, là đời sống kinh tế trong xã hội loài người, cùng tìm hiểu coi nó vận động ra sao. Điều khác biệt là câu hỏi khởi đầu của mỗi ngành. Kinh tế Vi mô nhìn từ cái nhỏ rồi suy ra cái lớn. Họ đặt câu hỏi: Các đơn vị kinh tế (cá nhân hay tổ chức, xí nghiệp) hành sử như thế nào. Từ đó, suy ra cả nền kinh tế vận động ra sao. Kinh tế Vĩ mô thì bắt đầu ngay bằng cách nhìn vào tất cả nền kinh tế, coi nó biến chuyển ra sao, lôi cuốn theo các đơn vị kinh tế nhỏ.

    Hai ngành nghiên cứu cùng một đối tượng, cùng một vấn đề; chỉ khác nhau ở cách nhìn. Người Trung Hoa dịch là Hoành Quan Kinh tế học (宏观经济学) và Vi Quan Kinh tế học (微观经济学). Tên gọi này diễn tả đúng cách nhìn (Quan) rộng (hoành) hay nhỏ (vi) khác nhau; chứ không có ý phạm vi hoặc quy mô nghiên cứu khác nhau, như lối dịch của người Việt Nam. Người Nhật Bản luôn luôn thực tế, gặp những từ mới của Tây phương thì họ phiên âm, tránh không dịch dễ gây hiểu lầm.

    Trong cuộc tranh luận về nguyên nhân gây ra lạm phát năm 2021, các đại biểu đảng Cộng Hòa coi Tổng thống Joe Biden là thủ phạm vì ông chi nhiều quá. Mới nhậm chức ông đã đưa ra chương trình $1.9 ngàn tỷ mỹ kim cứu trợ vì Covid-19. Nửa năm sau, ông lại đề nghị một ngân sách hơn ngàn tỷ nữa để xây dựng hạ tầng cơ sở, cũng được thông qua ngay. Nhiều tiền quá, dân chúng nhịn tiêu xài cả năm trời, giờ có dịp họ đi mua sắm! Khối lượng tiền tệ lớn đẩy nhu cầu tiêu thụ lên cao, đó là một hiện tượng kinh tế “Vĩ Mô,” hay là “Hoành Quan” ai cũng hiểu!

    Đảng Dân chủ nói khác, vì đứng trên quan điểm Kinh tế Vi mô. Nghị sĩ Elizabeth Warren tố cáo tình trạng thị trường tập trung trong tay một số đại công ty giúp cho phép họ tăng giá bán, kiếm lời. Tại sao giá thịt bò tăng lên nhiều, giá trứng tăng ít hơn? Tòa Bạch Ốc giải thích, vì nghề làm thịt bò được tập trung vào một số đại công ty, tha hồ tăng giá; còn các công ty bán trứng thì phải cạnh tranh với nhau không dám bán đắt. Tóm lại, lạm phát là một vấn đề kinh tế vi mô, phải giải quyết bằng phương pháp vi mô.

    Vì vậy, chính quyền ngăn lạm phát bằng cách tấn công vào mặt cung cấp, chứ không nhắm vào mặt cầu. Thí dụ, ông Biden đề nghị hỗ trợ các lò thịt nhỏ để họ cạnh tranh với các công ty lớn! Ông Biden lý luận: “Nếu giá xe hơi lên cao quá như bây giờ, ta có hai giải pháp. Tăng số cung bằng cách làm nhiều xe hơn, hay giảm số cầu bằng cách làm cho dân Mỹ nghèo hơn… Tôi bác bỏ phương pháp thứ nhì!” Chính quyền đang cố gắng giúp các hải cảng bốc hàng nhanh hơn, gia tăng số xe tải và tài xế, sẽ yêu cầu quốc hội giúp các bà mẹ thuê người giữ trẻ và mở lớp mẫu giáo miễn phí để mẹ có thể đi làm.

    Nhưng đó có phải là cách giải quyết tốt nhất hay không? Không có gì bảo đảm, bởi vì những nỗ lực trong lãnh vực vi mô sẽ phải chờ, lâu ngày mới có kết quả. Trong khi đó thì áp lực lạm phát không chờ ai hết, khi số cầu vẫn tăng thêm!

    Chính phủ và Ngân Hàng Trung Ương Mỹ có thể rút kinh nghiệm những lần lạm phát trước đây để đo lường các biện pháp chữa trị. rong những 1946, 1966 và 1982.

    Năm 1946, giá sinh hoạt lên cao vì dân Mỹ phải nhịn tiêu xài trong những năm chiến tranh, tiền tiết kiệm được đổ ra mua sắm. Các cơ xưởng không hoạt động vì thanh niên đi lính hết, khi ngưng chiến vẫn chưa trở lại bình thường vì thiếu công nhân. Nhiều người mua, ít sản xuất, năm 1947 tỷ lệ lạm phát lên tới 20%, lương thợ thuyền tăng 22%.

    Sau một năm, các cơ xưởng hoạt động trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Nhưng các nhà lãnh đạo kinh tế thời đó không biết, vẫn tiếp tục “chống lạm phát!” Vì thế, gây ra cuộc suy thoái kinh tế 1948-49. Chiến tranh khiến các hoạt động kinh tế đứt đoạn, không khác gì bệnh dịch Covid-19 bây giờ! Nếu ông Powell tăng lãi suất vội quá, kinh tế có thể suy thoái như thời 1948!

    Một bài học khác là kinh nghiệm thời 1966. Sau nhiều năm lạm phát thấp, giá cả tăng lên vì chi phí cho chiến tranh Việt Nam và các chương trình xã hội của chính phủ Lyndon Johnson. Giống ông Biden bây giờ, Tổng thống Johnson cũng thấy nguyên nhân gây lạm phát là thuộc phạm vi kinh tế vi mô. Ngân Hàng Trung Ương lúc đó cũng đồng ý, không lo về số cầu lên cao quá. Áp lực lạm phát kéo dài cho tới năm 1973 càng mạnh hơn vì các nước Á Rập đồng loạt tăng giá dầu lửa khiến tất cả mọi thứ đều tăng giá.

    Hiện nay lạm phát giống như thời 1946 hay 1966?

    Ông Jerome Powell, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) thấy cả hai. Ông công nhận các nguyên nhân thuộc cả hai loại vĩ mô và vi mô nêu trên đều đúng: Số cầu lên cao quá (vĩ mô, dân nhiều tiền tiêu xài) trong lúc số cung bị hạn chế (vi mô, các xí nghiệp bớt sản xuất).

    Vì thế, ông Powell, từ từ bớt mua các trái khoán, không đẩy thêm tiền vô nền kinh tế nữa; và hứa trước sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay, bắt đầu trong hai tháng tới. Ông Powell đã kê ra các món thuốc; nhưng liều lượng lớn nhỏ, tốc độ nhanh chậm ra sao còn phải dò từng bước cho chắc. Điều may mắn là Tổng thống Biden bây giờ không thể gây áp lực bắt ông Powell không được tăng lãi suất, như ông Johnson đã ép ông William McChesney Martin thời đó.

    Ông Powell có thể chờ đợi cho áp lực của số cầu giảm bớt, khi dân Mỹ sẽ tiêu xài hết những món tiền trợ cấp $2,000 ngàn đô la từ đầu năm ngoái. Trong khi đó các món tiền xây dựng hạ tầng cơ sở không đổ ào ra một lúc mà được chi ra từ từ trong năm nay, sau khi các công trình được đấu thầu. Các món trợ cấp xã hội nếu được tăng thêm cũng chỉ được chi ra trong nhiều năm sau sắp tới. Hy vọng lạm phát có thể ngưng trong năm 2023!

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here