Guantanamo và số phận của những người tù ( oan, sai ) sau khi được tự do

0
51
Các tù nhân tại Trại vào ngày 11 tháng 1 năm 2002. Các tù nhân được bác sĩ khám tổng quát, bao gồm chụp X-quang ngực và lấy mẫu máu để đánh giá sức khỏe của họ. Ảnh Bộ Quốc phòng được chụp bởi Boatswain Shane T. McCoy, Hoa Kỳ. Hải quân."

Tien Cuong Nguyen

13 tháng 11 lúc 06:11

Guantanamo Bay Naval Base, viết tắt là GTMO, nhưng lại đọc là GITMO là một căn cứ yểm trợ của Hải quân Mỹ nhưng nằm trên lãnh thổ Cuba. Guantanamo là một phần của Cuba ở phía Nam, cách thành phố mang cùng tên Guantanamo 15 Km.

Guantanamo diện tích khoảng 117,6 km², cho Mỹ thuê vào năm 1903, năm 1934 hợp đồng được triển khai thành vô thời hạn.

Xin nói qua về lịch sử hình thành căn cứ quân sự ở Guantanamo Bay của Mỹ trước khi đi vào chuyện chính. Lịch sử căn cứ này bắt đầu từ thời chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, khi Cuba còn là thuộc địa của Tây Ban Nha.

Trong cuộc chiến tranh này Mỹ đã tìm cách mua lại toàn bộ đảo quốc Cuba vì thấy tầm quan trọng của hải cảng tại đó. Tuy nhiên, qua hiệp định hòa bình Pariser 1898, Cuba trở thành một nước độc lập dù bị lệ thuộc Mỹ về kinh tế và chính trị.

Sử dụng ảnh hưởng của mình, Mỹ tìm cách đưa những người thân tín trở thành tổng thống cũng như can thiệp quân sự vào những lúc tình hình chính trị rối ren. Từ 1899 đến 1902 Mỹ đã áp đặt một chế độ quân quản lên Cuba, dùng quân đội điều hành đất nước này.

Năm 1901 đạo luật Platt-Admendment được đưa vào hiến pháp Cuba, cho phép Mỹ can thiệp quân sự khi tình hình chính trị Cuba trở nên bất an. Điều này khiến cho nền độc lập của Cuba bị hạn chế nặng nề.

Ngày 23.02.1903, căn cứ vào đạo luật Platt-Admendment, sau một buổi họp của chính quyền Cuba, một hợp đồng cho Mỹ thuê toàn bộ Guantanamo trong 99 năm được ký kết, tiền thuê mỗi năm là 2.000 USD . Hiệp ước này cho các tàu buôn Cuba được phép qua lại trong khu vực đã cho thuê.

Năm 1934, tổng thống Cuba Raymòn Grau San-Martin bị truất phế, hợp đồng cho thuê bị hủy bỏ. Tuy nhiên, trong cùng năm đó một thỏa thuận mới được ký kết, giữ lại duy nhất điều khoản số 7 trong hợp đồng ký kết trước vào năm 1903 cho phép Mỹ được sử dụng vịnh Guantanamo ( Guantanamo Bay ) như một căn cứ yểm trợ cho thủy quân lục chiến. Tiền thuê vịnh Guantanamo được chi trả bằng check sẽ tăng lên 4085 USD/năm kể từ 1938.

Năm 1961, sau khi lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista, Fidel Castro trở thành tổng thống Cuba. Ngay sau khi nắm quyền lực, Fidel Castro quốc hữu hóa tất cả tài sản, công ty, xí nghiệp của chính phủ cũng như người dân Mỹ tại Cuba. Mỹ trả đũa, ban hành lệnh cấm vận đối với Cuba, lệnh cấm vận được nhiều nước Âu Châu ủng hộ.

Ngay từ đầu cuộc cách mạng lật đổ Baptista từ năm 1959 cho đến khi nắm được quyền hành, Fidel Castro tuyên bố không chấp nhận sự hiện diện của người Mỹ trên đất nước Cuba, mọi hiệp định ký hết trước đây đều không còn giá trị vì đã được thỏa thuận dưới sức ép quân sự. Fidel Castro yêu cầu người Mỹ trả lại Guantanamo Bay.

Chính phủ Mỹ không đồng ý trả lại với lập luận rằng tiền thuê Guantanamo Bay, thanh toán bằng check theo hợp đồng vẫn được chi trả hàng năm vào tháng 7. Trong năm 1959, Check này đã được cash, điều này chứng tỏ rằng Cuba tiếp tục đồng ý cho Mỹ thuê vịnh Guatanamo.

Chính phủ Mỹ vì thế duy trì căn cứ quân sự tại đây với 4.000 thủy quân lục chiến để bảo vệ phần coi như lãnh thổ của mình.

Trở lại chuyện chính.

Sau khi Al-Qaeda cướp phi cơ tấn công vào nước Mỹ với thiệt hại nhân mạng gần 5.000 người ở tòa tháp đôi ( Twin Tower ) và sau đó là cuộc đổ quân của Mỹ vào Afghanistan, Guantanamo Bay được mở rộng thành một trại giam giữ tù nhân khủng bố bị Mỹ bắt giữ.

Hầu hết các tù nhân ở Guantanamo Bay đều là người Arab. Đa số bị bắt ở biên giời Afghanistan-Pakistan-Iran…Từ năm 2002 có 779 tù nhân bị giam giữ ở Guantanamo, cho đến tháng 6-2014 còn lại 149 người, đến cuối tháng 4.2015 còn 122. Trong số những người bị bắt và giam giữ tại đó có không ít người bị oan uổng. Họ hoàn toàn không liên hệ, không có hoạt động gì dính dáng đến tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Họ bị bắt do tình cờ có mặt ở những nơi không nên đến, vào những thời điểm không thích hợp khi quân đội Mỹ đang truy lùng những phần tử thuộc Al-Qaeda ( They are at the wrong place and at the wrong time ).

Những tù nhân này được nhiều nước mô tả như là những tội phạm chiến tranh ( unlawful combatant hoặc illegal combatant ) nên bị hỏi cung, tra tấn, đối xử rất tàn tệ không theo đúng quy chế tù nhân chiến tranh của công ước quốc tế Geneva.

Trong thời gian đầu từ tháng 01-2002 đến tháng 04-2002, tù nhân bị đưa tới Guantanamo ở trại X-Ray, trại này với đa số các phòng giam giống như chuồng cọp, chỉ chứa được 320 người.

Khi trời nắng hay mưa gió, sự lộ thiên chẳng những không che chở được tù nhân mà cả giám thị cũng bị ảnh hưởng, nên trại X-Ray phải đóng cửa vào cuối tháng 04-2002, tù nhân được chuyển qua trại Delta.

Tháng 04-2004, ủy ban điều tra của Hồng Thập Tự quốc tế xác nhận việc ngược đãi, tra tấn tù nhân ở Guantanamo Bay.

Ngày 18.05.2006 sau nhiều vụ tự tử và tìm cách tự tử, tù nhân nổi loạn nhưng bị lực lượng cai quản dập tan.

Trong tháng 11 năm 2003, truyền thông quốc tế cho biết trong số tù nhân có cả trẻ em và thiếu niên bị bắt trong cuôc chiến ở Afghanistan, sau đó đưa thẳng đến Guantanamo. Tháng 01-2004, ba thiếu niên tuổi từ 13 đến 16 được thả ra, đưa trở về Afghanistan vì được coi như không nguy hiểm cho an ninh nước Mỹ.

Những tù nhân còn lại vẫn không được công nhận là tù nhân chiến tranh và bị từ chối mọi quyền lợi nhờ luật pháp bảo vệ.

Vào thời điểm đó, theo nguồn tin của tham mưu trưởng bộ quốc phòng Lawrence Wilerson dưới quyền Collin Powell, tổng thống Mỹ George W Bush cùng các cộng sự viên thân tín nhất biết được sự vô tội của đa số tù nhân ở Guantanamo nhưng vì lý do chinh trị đã im lặng, không phản ứng.

Sau một quyết định của Tòa Tối Cao, mọi tù nhân ở Guantanamo đều có quyền được khiếu nại về lý do bắt giữ họ. Khi chấm dứt đợt cứu xét lại hồ sơ việc bắt giữ vào cuối tháng 01-2005, 327 trường hợp đã được giải quyết. Những trường hợp còn lại vẫn đang chờ, chưa biết khi nào sẽ được tái xét. Joyce Hens Green, nữ thẩm phán ở một tòa tại Whasington D.C mô tả trong một tuyên án tại tòa rằng việc giam giữ một người không xét xử là phạm pháp, không những đi ngược lại công ước Geneva mà còn cả hiến pháp Hoa Kỳ.

29.06.2006, Tối Cao Pháp Viện Mỹ, trong một quyết định tuyên bố rằng tòa án quân sự ở Guantanamo đã làm trái với công ước Geneva cũng như vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ trong việc giam giữ, hành hạ, tra tấn tù nhân.

Trong phiên tòa xử Salim Ahmed Hamdan, tài xế của Osama Bin Laden, các thẩm phán cũng kết luận Tổng thống George W. Bush đã đi quá quyền hạn của mình.

Không kể các tổ chức nhân quyền trên thế giới, nhiều nguyên thủ quốc gia như bà Angela Merkel-Thủ tướng Đức, Jack Straw-Bộ trưởng ngoại giao anh, Kofi Annan-Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc…cũng chỉ trích, phê phán, đồng thời yêu cầu Mỹ nên đóng cửa trại tù Guantanamo.

Ngày 09.01.2007, Quốc hội Âu Châu yêu cầu Mỹ đóng cửa trại tù ở Guantanamo Bay ngay lập tức, bởi không kể đến điều kiện giam giữ tồi tệ, sự ngược đãi, hành hạ, tra tấn tù nhân đã phơi bày sự vi phạm nhân quyền nặng nề, đó là một vết nhơ của nước Mỹ, còn làm trở ngại cho việc chống khủng bố chung trên toàn thế giới.

Chính quyền Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống George W. Bush thản nhiên trước những lời lên án cũng như kêu gọi đóng cửa trại tù Guantanamo, đồng thời mạnh mẽ bào chữa cho hành động của giới chức trách nhiệm trong việc giam giữ, khai thác tin tức từ tù nhân.

Tháng 01 năm 2009, Tổng Thống Obama sau khi nhậm chức đã ra chỉ thị đóng cửa trại tù Guantanamo trong thời hạn trễ nhất là một năm đúng theo lời hứa khi tranh cử. Chỉ thị cũng nói rõ những tù nhân được trả tự do có thể trở về nguyên quán, đến một nước thứ ba nếu được tiếp nhận, những người còn lại phải đưa đến một trại tù an toàn khác có đầy đủ điều kiện cho quy chế tù binh chiến tranh trên nước Mỹ.

Tháng 05.2013, sau một cuộc tuyệt thực của hơn 100 tù nhân, Tổng thống Obama lên tiếng lần thứ hai yêu cầu đóng cửa trại tù Guantanamo vì quá tốn kém tài chánh cũng như vì lý do chính trị, Guantanamo là một vết nhơ cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong thực tế việc đóng cửa trại tù Guantanamo không hề đơn giản bởi nhiều lý do.

Lý do thứ nhất là an ninh cho những người tù khi trở về nguyên quán hay nơi bị bắt. Chắc chắn trong số được trả tự do có những người căm thù nước Mỹ và thề sẽ trả thù. Họ dễ dáng trở thành đích nhắm cho các tổ chức khủng bố kết nạp, nếu không theo họ sẽ bị thanh toán vì nghi ngờ sẽ làm gián điệp cho Mỹ, điều mà các tù nhân không muốn.

Lý do thứ hai, làm thế nào để họ có thể sống lại một đời sống bình thường như trước đây sau một thời gian dài từ 5-7 năm đến 12-13 năm bị hành hạ, tra tấn, khủng bố tinh thần, không hề có một liên lạc với thân nhân, bạn bè, thế giới bên ngoài? Tiền bạc, vốn liếng không có, họ sẽ bắt đầu từ đâu với một thân thể tàn tạ, một tinh thần suy kiệt?

Lý do thứ ba là nếu họ không trở về nguyên quán hay nơi bị bắt, đất nước nào sẽ nhận tái định cư cho họ, những tù nhân đã bị mang dấu ấn khủng bố cho dù oan, sai?

Hiện nay chỉ mới có Uruguay là nước đón nhận nhiều nhất: 6 người, Đức 2, Thụy Sĩ 1. Uruguay là nước Nam Mỹ nhỏ nhất, thường được đánh giá là một tiểu quốc không đáng nói tới với dân số khoảng 3.400.000 người nằm thọt lõm như một trái nho giữa ngón tay cái khổng lồ Brazil và ngón trỏ dài Argentina.

Phải giải quyết như thế nào với những cựu tù khủng bố ( oan, sai ) này? Đây là câu hỏi nhức nhối cho Mỹ vì họ không muốn thừa nhận hoặc lãnh trách nhiệm về những việc làm sai trái của mình với công ước quốc tế Geneva.

Những người tù oan, sai ở Guantanamo đã được chính phủ Mỹ công nhận vô tội nhưng không thể trả về nguyên quán hay nơi bị bắt, chưa được nước thứ ba nào nhận cho tái định cư, hiện tại được đưa qua trại Iguana, cũng ở Guantanamo, nguyên thủy là nơi giam giữ tù nhân trẻ em.

Sau đây là vài thí dụ điển hình về những tù nhân sau khi được trả tự do.

Jihad năm nay 43 tuổi, một trong sáu tù nhân ( oan, sai ) ở Guantanamo được José Mujica, Tổng thống Uruguay tiếp nhận, hiện đang sống trong một căn nhà ở Calle Maldonado in Montevideo, thủ đô của Uruguay, nơi anh cư ngụ chung với số bạn tù ở Guantanamo.

Jihad bị kết tội là thành viên của tổ chức Ai-Qaeda dù chính quyền Mỹ hoàn toàn không có một bằng chứng nào. Ngày được thả, Jihad được chở thẳng bằng phi cơ tới Montevideo trong bộ quần áo tù màu cam.

Tại phi trường, Jihad cùng các bạn tù khác chỉ nhận được tờ giấy trao tay chứng nhận rằng không có bằng chứng nào để khép họ vào tội khũng bố, không một lời xin lỗi hay bày tỏ sự ân hận.

Những ngày đầu đến Montevideo, Jihah và các bạn tù được đám phóng viên săn đón, chụp hình, phỏng vấn mỗi khi họ xuất hiện bên khung cửa kính hay mua hàng lặt vặt ở các Kiosk, hàng xóm vui vẻ qua thăm hỏi, cho trà, thuốc lá…Tuy nhiên mấy chuyện ồn ào này nhanh chóng chấm dứt rồi chìm vào quên lãng.

Đường dây điện thoại của Jihad và các bạn tù do chính phủ trả, bị cắt sau tháng đầu tiên khi riêng hóa đơn của Jihad lên hơn 3.000 USD, đồng thời khi một người bạn tù của Jihad hoảng hốt, run sợ chạy về nhà vì một con chó sủa lúc anh ta đi ngang qua một thùng rác đã khiến cho những người quan tâm đến họ đề nghị nên chữa trị tâm thần cho các tù nhân ở Guantanamo.

Jihad cho biết, sẵn sàng nói hết tất cả với các phóng viên, ký giả báo chí, truyền thông những gì anh đã chịu đựng suốt 12 năm trong hỏa ngục Guantanamo với một số điều kiện: -Một xe đẩy, nếu được loại chạy bằng điện thì tốt hơn, một laptop, một Iphone 6, một camera. Đó là những vật cần thiết cho dự tính thành lập một ban vận động giải thoát các tù nhân còn lại ở Guantanamo, những người hiện còn đang bị đầy ải trong những cái chuồng tối tăm.

Những năm tháng ngục tù đã hằn lại trên mặt Jihad những vết nhăn rõ rệt, đi đứng phải chống nạng, nửa thân bên phải không còn cảm giác. Thỉnh thoảng anh có cảm tưởng như đang bị những con giun gặm nhắm bao tử , cảm giác này giống như những đau đớn do những lần bị tra tấn, bị đổ nước, đổ thức ăn vào mũi qua một ống dẫn cao su trong những lần tuyệt thực.

Trở ngại đầu tiên trong cuộc sống mới của Jihad là thực phẩm, là người Hồi giáo, Jihad không ăn thịt heo, do đó trong ngày đón nhận Jihad cùng các bạn tù, phái đoàn tiếp đón đã ngạc nhiên khi cả nhóm không ai đụng tay đến những ổ bánh mì có thịt heo sắt lát, cheese…để đầy trên bàn.

Trở ngại thứ hai là ở Urauguay không nơi nào có nhà thờ Hồi giáo ( Mosque ) để cầu nguyện, điều mà những người ngoan đạo như Jihad cảm thấy rất tội lỗi.

Trở ngại thứ ba là việc làm. Tổng thống Mujica đã đồng ý trợ cấp cho Jihad và các người tù khác 600 USD/tháng trong vòng 2 năm. Sau đó họ phải tự kiếm việc sinh sống.

Trở ngại tiếp theo là dù giấy tờ tùy thân cấp cho họ ghi rõ được phép đi lại tự do trong các nước thuộc cộng đồng kinh tế Mercosur nhưng khi Jihad qua Argentina tìm thân nhân thì tại phi trường ở Buenos Aires, cảnh sát khuyên Jihah nên quay trở về Uruguay.

Lời hứa của tổng thống Mujica cho vợ con Jihad sang Uruguay đoàn tụ gia đình cũng không đạt được kết quả vì chỉ ít tháng sau Mujica không còn là tổng thống Uruguay.

Jihad vừa lên tiếng sẽ ra trước tòa đại sứ Mỹ ở Montevideo tuyệt thực nếu anh không được đoàn tụ với gia đình trong một thời gian ngắn. Lời đe dọa của Jihad đãn khiến bộ trưởng ngoại giao Uruguay muốn tìm gặp anh để nói chuyện.

Omar là trường hợp thứ hai, 34 tuổi, là một người trầm lặng, tóc và râu cắt ngắn, thường mang kính mát, đội nón kết, đến Montevideo cùng với Jihad, đã nhận xét về Jihad như sau:

-Jihad không ý thức được rằng những hành động của anh ta đã khiến chúng tôi bị ảnh hưởng lây. Chính phủ Uruguay cho chúng tôi vào ở chung với Jihad, đánh giá chúng tôi như những kẻ vô ơn, hay nổi loạn. Đã nhiều lần chúng tôi muốn nói chuyện với Jihad những khi đi dạo trong sân trại tù ở Guantanamo nhưng rất hiếm khi Jihad trả lời. Không ai biết anh ta suy nghĩ, dự tính điều gì?

Khác biệt hoàn toàn với Jihad, Omar không đòi hỏi một điều kiện gì, luôn luôn vui vẻ khi được gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người, bất kể là ai. Omar mới dọn tới, sống đơn dộc trong một căn phòng của một khách sạn rẻ tiền, nơi anh đã sống vào những ngày mới đếu Uruguay, rồi không chịu đựng được sự cô đơn, anh tìm tới ở chung với những người bạn tù, nhưng chỉ được ít ngày, sự yên lặng của những người bạn tù nhắc nhở những vết thương không thể nói ra khiến anh quay lại khách sạn.

Ngoài những đồ dùng cá nhân tối thiểu, Omar chỉ có một tấm tranh do con gái một người láng giềng vẽ tặng và một cuốn tự điển tiếng Spain. Dù chưa hiểu gì về văn phạm Tây Ban Nha nhưng anh vẫn tìm cách học hỏi thêm với hi vọng tìm được việc làm của một người mổ trừu.

Trong một lá thư ngỏ gửi cho người dân ở Montevideo khi vừa đến Uruguay, anh cho biết chỉ học tới lớp 6, trước khi rời Syria anh làm ở một tiệm bán thịt với công việc giết trừu, xẻ thịt.

Với lá thư này Omar hi vọng kiếm được việc làm, nhưng dường như không mấy ai cần tới khả năng của anh về việc giết, xẻ thịt trừu. Omar do đó muốn học lái xe để trở thành tài xế Taxi.

Gần 2 tháng qua Omar không còn nhận được tin tức gì của cha mẹ. Chiến tranh đã lan đến thành phố nơi cha mẹ anh ở, phá hủy nhiều thứ kể cả đường dây điện thoại. Sợi dây liên lạc duy nhất của Omar và gia đình là số điện thoại của cha anh, ông không biết rằng anh còn sống.

Sau khi tới Montevideo, Omar có gọi điện thoại cho cha anh biết, ông đã lăng người đi mấy phút khi biết anh còn sống. Qua giọng nói nghẹn ngào của ông, Omar được biết khi anh chạy trốn khỏi Syria để khỏi đi quân dịch, cô em gái út của anh chưa vào tiểu học giờ đây đã có một đứa con gái.

Omar rời khỏi thủ đô Hama, Syria đầu năm 2001 trốn qua Teheran, để tránh không phải đi lính cho quân đội Syria. Đầu tiên anh làm việc tại một cửa hàng bán thịt ở Teheran, nhưng vì theo hệ phái Sunni anh trở thành kẻ thù của Iran, nơi toàn những người theo hệ phái Shia, do đó anh tiếp tục đi qua Kabul.

Đây là lỗi lầm lớn nhất trong đời Omar. Ngày 11.09.2001 khủng bố Al-Qaeda tấn công World Trade Center, ít tháng sau Mỹ trã đủa, cho quân đội tiến vào Afghanistan.

Thế giới đột nhiên bị đảo lộn, quân đội Mỹ truy bắt tất cả những người Arab ở Kabul, mà theo họ người Arab chỉ có một lý do duy nhất hiện diện tại nơi này là hoạt động cho Al-Qaeda.

Omar chạy về hướng Pakistan trên một chiếc Taxi, không biết rằng Mỹ đang trả tiền thưởng để bắt những người như anh. Omar bị bắt ở biên giời Afghanistan-Pakistan, sáu tháng sau bị đưa thẳng tới Guantanamo với tội danh giả tưởng: -Khủng bố điển hình. Hoàn toàn không bằng chứng, không được xét xử.

Omar không thể nhớ được bao nhiêu lần nhân viên điều tra hỏi anh về liên lạc của anh với Osama Bin-Laden như thế nào, ngày cầu nguyện bao nhiêu lần, khách sạn anh ở tại Kabul có phải là một đơn vị trong tổ chức Al-Qaeda không?

Có những điều tương tự trong các chuyện kể về người tù Guantanamo. Jihad là tài xế xe chở hàng trước khi qua Afghanistan để buôn bán mật ong. Mohammed một tù nhân khác trong nhóm 6 người đến Montevideo, gốc Palestina trong một gia đình đông con, được hệ phái Sunni hứa hẹn nếu qua Afghanistan truyền đạo cho họ thì sẽ được đào tạo trở thành thầy giáo.

Mohammed, trường hợp thứ ba, đúng ra đã được qua Đức khi bộ trưởng nội vụ Đức, Thomas de Maizière chấp thuận nhận 3 người tù Guantanamo, cho định cư tại Đức.

Năm 2010, khi Đức đàm phán với Mỹ để nhận tái định cư cho 3 người tù (oan, sai) Guantanamo thì Mohammed là một trong ba người. Sau nhiều lần gặp gỡ, nói chuyện với đại diện chính phủ Đức, Mohammed tin tưởng mình sắp được tự do.

Tuy nhiên, đến thời điểm hi vọng nhất thì đột ngột mọi liên lạc của Mohammed với chính quyền Đức bị cắt đứt. Mãi về sau Mohammed mới được biết con số nhận định cư của chính quyền Đức bị Thomas de Mazìère giảm từ 3 xuống còn 2 người.

Giờ đây Mohammed ngồi ở một nơi tận cùng của thế giới, thỉnh thoảng lại Chat với anh bạn tù chung phòng, người được chính phủ Đức tiếp nhận, hiện đang sống ở một nơi nào đó cạnh giòng sông Rhein, yên ổn và hạnh phúc với gia đình, có việc làm và thu nhập khá.

Nhiều lúc Mohammed mơ mộng, không biết đời sống của mình sẽ tiếp diễn ra sao khi có hạnh phúc được ngồi thảnh thơi với gia đình trong một căn nhà khang trang trên giòng sông Rhein- Đức như người bạn tù cùng phòng giam.

Tự do đã không có giá trị đích thực với những người tù như Jihad, Omar, Mohammed…Nửa năm trôi qua từ khi nhóm 6 người của Jihad đến quê hương mới Montevideo, Uruguay, mọi ảo tưởng về cuộc sống mới đã biến mất, bao nhiêu đợi chờ, mong ước chưa bao giờ trở thành hiện thực. Sự thất vọng của họ đã biến thành giận dữ.

Tối ngày 24.04.2015, buổi tối người Mỹ sợ hãi đã tới, Jihad đã thực hiện lời đe dọa, tuyệt thực trước tòa đại sứ Mỹ ở Montevideo.

Cùng với các bạn tù trong căn nhà ở Calle Maldonado họ kéo nhau đến trước tòa đại sứ Mỹ, tòa nhà trông như một pháo đài. Họ trải những tấm thảm dùng để cầu nguyện trước những bức tường cao ngạo nghễ che khuất tầm nhìn.

Jihad cho các phóng viên báo chí bên trong tòa đại sứ biết rằng nhóm tù nhân muốn có một cái hẹn với viên đại sứ Mỹ tại Montevideo. Người ta trả lời họ rằng hãy đưa ra yêu cầu một cách công khai đúng theo luật lệ. Từ buổi tối hôm đó, nhóm người của Jihad đã cắm lều luôn tại chỗ và họ cho biết sẽ không đàm phán với người Mỹ nữa mà với chính phủ Uruguay cùng Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc. Những yêu cầu của họ bao gồm tiền trợ cấp, sự giúp đỡ cho thân nhân, gia đình của họ, cái giá của 12 năm tù oan, sai trong hỏa ngục.

Cho đến giờ phút này, chưa biết kết quả cuộc tuyệt thực ra sao, trại tù Guantanamo vẫn chưa đóng cửa vì vẫn còn 122 tù nhân. Trại chỉ đóng cửa khi số tù nhân xuống dưới 60 người.

Tuy nhiên, dù trại tù Guantanamo có đóng cửa ngay lúc này thì cuộc sống của những người như Jihad, Omar, Mohammed…vẫn đen tối, mờ mịt, cũng như vết nhơ của nước Mỹ về chuyện nhân quyền dưới thời tổng thống George Walker Bush khó lòng gột rửa.

Thạch Đạt Lang

Tài liệu tham khảo:

-Der Spiegel, số 21 ngày 16.05.2015, ấn bản tiếng Đức từ trang 86-91.

http://de.wikipedia.org/wiki/Gefangenenlager_der_Guantanamo_Bay_Naval_Base

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here