
Quang An
Vậy là sức hấp dẫn trên một tỷ người Tàu đã khiến Google, một “đại ca” thuộc loại hàng đầu trên thế giới đã thay đổi ý định để quay lại cái xứ độc đảng, độc tài này. Tin tức chỉ mới đưa ra ngày hôm qua, đại công ty Google đã quyết định quay lại “thị trường” một tỷ người Tàu ở lục địa, nơi mà tám năm trước đây Google đã từng rút lui vì không đồng tình với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh trong việc kiểm soát internet. Còn nhớ lúc đó, Google đã được thế giới “vỗ tay” hoan nghênh vì dám chấp nhận “thua thiệt” trong việc mở rộng “thị trường” của mình so với các công ty khác như Yahoo chẳng hạn. Để được hoạt động ở Trung hoa lục địa, các công ty internet đều phải “tuân lịnh” của giới lãnh đạo Bắc Kinh nhằm kiểm soát và hạn chế sự tự do thông tin, nhằm mục đích “siết chặt” tư tưởng, cũng như “bịt miệng” người dân.
Thế nhưng, chỉ sau 8 năm, Google đã quay ngược lại với những tiêu chuẩn của mình để chấp nhận tuân theo những điều kiện của nhà cầm quyền Bắc Kinh, nhằm quay lại nơi được xem là “thị trường béo bở” này. Google đã chấp nhận để thiết lập một hàng rào cản, hay còn được gọi là bức tường lửa, nhằm ngăn chặn một số loại tin tức, thông tin mà nhà cầm quyền Bắc Kinh không cho phép người dân Tàu được biết. Giới báo chí gọi bức tường lửa này như là một “Vạn Lý Trường Thành” trên không gian ảo (Great Firewall), giống như là Vạn Lý Trường Thành (Great Wall) mà người Tàu từ thời nhà Tần đã xây dựng nhằm ngăn chặn sự tấn công của các sắc dân từ ngoại Mông, mà người Tàu gọi là đám mọi rợ. Great Firewall sẽ ngăn chặn hết bất cứ tin tức gì có dính líu đến vụ nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tàn sát người dân Tàu nổi dậy đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989, cũng như các tin tức dính líu đến Đài Loan, đến đức Đạt La Lạt Ma, thủ lãnh “tinh thần” của người dân Tây Tạng trong việc đấu tranh giành lại mảnh đất Tây Tạng. Nói chung, tất cả những gì liên quan đến việc chống đối lại nhà cầm quyền Bắc Kinh đều được … chặn. Dân có dùng Google để tìm tòi (search) cũng chẳng bao giờ mà tìm ra.
Được biết, Google đã thành lập một nhóm để hoàn thành công việc này được gọi là project Dragonfly để viết một chương trình ngăn chặn những loại tin tức mà nhà cầm quyền Bắc Kinh yêu cầu, thậm chí là chương trình này cũng áp dụng cho các ứng dụng trên các thiết bị lưu động (app) mà người dùng dễ dàng cầm theo bên người. Việc hợp tác với nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm có thể đưa Google trở lại mảnh đất này đã cho thấy Google đang đi ngược lại với những nguyên tắc mà Google đề ra như cổ vũ nhân quyền và bảo vệ quyền tự do cá nhân (principle 1.1) hoặc là tránh sáng chế ra những kỹ thuật để chống lại nhân loại (principle 1.4), v..v…
Với việc làm này của Google khi từ bỏ những giá trị về dân chủ, về tự do ngôn luận, Google đang biến mình thành một công ty chạy theo … “lợi nhuận” hơn là chạy theo những giá trị dân chủ. Liệu các nhân viên đang làm ở Google, những người dùng Google ở trên toàn thế giới sẽ phản ứng như thế nào? Và đâu là lằn ranh đỏ mà mọi người sẽ trả lời cho Google?
Chỉ biết rằng, theo các nghiên cứu trên thị trường thì những công ty đàng hoàng có tiếng tăm sẽ luôn thu được lợi nhuận nhờ vào tiếng tăm của mình, giữ được các nhân viên của mình làm việc chính nhờ vào các mục tiêu cao cả, và giành được sự tôn trọng hay tiếng tăm từ xã hội. Nếu Google dám nói thẳng với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh các giá trị dân chủ, các tiêu chuẩn mà Google đề ra, Google sẽ khiến cho người dùng Google trên toàn thế giới khâm phục. Thật đáng tiếc!