Luật sư Ngô Ngọc Trai
16-4-2017
Bộ công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình bí mật. Trong đó có nội dung gây tranh cãi là:
‘Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng’.
Như vậy là dự thảo quy định không cho phép người dân và báo chí được sử dụng các thiết bị để ghi âm ghi hình định vị bí mật.
Trong khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã có hiệu lực đã có quy định về nguồn chứng cứ là các dữ liệu điện tử được thu thập, và tổ chức cá nhân có quyền thu thập tài liệu chứng cứ gồm các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử;
Bộ luật tố tụng hình sự ban hành năm 2015 cũng đã có quy định về dữ liệu điện tử. Theo đó tại phần quy định về chứng cứ luật quy định: ‘Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác’.
Như vậy, việc người dân thu thập các dữ liệu điện tử làm chứng cứ để giải quyết các vụ án dân sự, hình sự là rất quan trọng và hợp pháp, đã được pháp luật quy định thành quyền của tổ chức cá nhân.
Theo đó việc người dân sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình là hợp pháp, nhất là để người dân phòng vệ trước những thói lạm quyền tiêu cực của đủ mọi thành phần phổ biến trong xã hội hiện nay.
Ngoài ra là để người dân thực hiện quyền Hiến pháp quy định là cán bộ công chức nhà nước chịu sự giám sát của người dân và nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu hách dịch cửa quyền.
Do vậy dự thảo nghị định của Bộ công an tuy tiêu đề là điều chỉnh về vấn đề ‘kinh doanh’ nhưng nội dung văn bản lại điều chỉnh cả vấn đề ‘sử dụng’ ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của người dân là lạm quyền và trái pháp luật.
Phản hồi của Bộ công an
Trước nhiều ý kiến phản ứng của dư luận và nhất là giới báo chí lo ngại về khả năng tác nghiệp điều tra của họ, hôm 13/4 qua bài báo có tiêu đề ‘Không cấm nhà báo, người dân dùng thiết bị thông thường để quay phim, chụp ảnh’ đăng trên báo điện tử Công an nhân dân, phía cơ quan trình dự thảo đưa ra ý kiến.
Quy định này là nhằm bảo vệ bí mật đời tư cá nhân vì Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Thực tế lâu nay nhiều kẻ xấu đã sử dụng việc ghi âm ghi hình bí mật xâm hại quyền riêng tư cá nhân.
Ngoài ra quy định cấm sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình bí mật nhằm ngăn chặn những hành vi ghi âm ghi hình những cuộc họp quan trọng hoặc thu thập làm lộ tài liệu bí mật nhà nước.
Viện dẫn đến Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cơ quan soạn thảo cho biết luật mới đã quy định về các hoạt động điều tra đặc biệt, theo đó các hoạt động ghi âm, ghi hình bí mật là biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt, chỉ được áp dụng sau khi khởi tố vụ án hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền, ma túy.. phải do người có thẩm quyền quyết định và phải được phê chuẩn của Viện kiểm sát.
Cho nên căn cứ vào đó cơ quan soạn thảo cho rằng chỉ cơ quan có thẩm quyền mới được ghi âm ghi hình bí mật, còn người dân làm là trái pháp luật.
Cơ quan soạn thảo cũng đưa ra định nghĩa về các thiết bị ngụy trang bí mật và dẫn chứng ra những vật dụng như cúc áo, bút viết, lọ hoa, kính mắt… và nêu rõ chỉ cấm sử dụng những thiết bị như vậy, còn không cấm những thiết bị thông thường.
Không thuyết phục
Tôi cho rằng những ý kiến luận giải của cơ quan dự thảo thiếu tính hợp lý và thiếu thuyết phục vì những lẽ sau:
Thứ nhất: Việc bảo vệ quyền bí mật đời tư cá nhân nằm ở việc tuyên cáo điều đó và xử lý hành vi xâm hại chứ không phải nằm ở việc ngăn cấm sử dụng thiết bị. Vì đồ vật không có lỗi, lỗi là ở con người. Người tốt xử sụng vào việc tốt, người xấu sử dụng vào việc xấu. Nhiều trường hợp quyền lợi hợp pháp của công dân được bảo vệ bằng các thiết bị ghi âm ghi hình bí mật.
Về việc bảo vệ bí mật nhà nước, việc này lâu nay đã được thực hiện bằng nhiều biện pháp như hạn chế quyền tiếp cận, chỉ cho phép một thiểu số ít ỏi có khả năng tiếp cận và giám sát số đó là được. Bí mật nhà nước không cần phải được bảo vệ bằng cách hạn chế quyền của toàn dân, những người đa số không liên quan gì đến bí mật nhà nước.
Thứ hai: Về việc Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt, trong đó có ghi âm ghi hình bí mật. Thì đó là quy định nhằm tránh những việc lạm dụng tùy tiện lâu nay, vì không loại trừ lâu nay các cơ quan đã áp dụng rồi mà pháp luật chưa hề có quy định.
Việc pháp luật quy định rõ ràng để cho người dân biết những việc mà cơ quan nhà nước có thể làm, để từ đó dự liệu mà hành xử cho đúng trong môi trường tư pháp hình sự chứ nó không có ý nghĩa là cấm đoán người dân ghi âm ghi hình bí mật trong đời thường.
Luật đưa ra quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục, điều kiện thực hiện các biện pháp điều tra đặc biệt là để tránh cho những chủ thể khác trong cùng môi trường tố tụng làm sai.
Còn người dân không tham gia vào điều tra bí mật, việc làm của người dân đơn thuần chỉ là một thú vui sử dụng công nghệ, hoặc cùng lắm là người dân và báo chí sử dụng các thiết bị ngụy trang nhằm mục đích thu thập cơ sở bằng chứng để phản ánh sai phạm tiêu cực và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Đây hoàn toàn là một việc làm hợp pháp.
Quyền công dân
Việc cấm đoán người dân sử dụng các thiết bị ngụy trang ghi âm ghi hình bí mật là không đảm bảo tính khoa học và tính hợp pháp.
Nhân danh một điều tốt đẹp là bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân cơ quan dự thảo đã xâm phạm tới một giá trị cao đẹp không kém đó là quyền tự do cá nhân và khát vọng mưu cầu hạnh phúc nơi con người.
Trong bối cảnh xã hội VN hiện nay, người dân vốn là những thành phần yếu thế, quyền công dân bị xâm hại bởi đủ những hành vi lạm quyền tiêu cực, các thiết bị công nghệ thông minh cũng giống như mạng xã hội internet là công cụ phương tiện quan trọng để người dân phòng vệ chống đỡ trước những hành vi xâm hại.
Bằng việc ngăn cấm người dân sử dụng thiết bị thông minh, cơ quan soạn thảo đã hạ thấp danh dự nhân phẩm công dân, đánh đồng một vài hành vi xấu với rất nhiều người tốt còn lại. Họ phòng ngừa và nghi ngờ rằng toàn dân sử dụng các thiết bị vào việc xấu, xem thường ý thức trách nhiệm và đạo đức công dân.
Bằng việc ngăn cấm người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông minh, cơ quan soạn thảo đã tước đoạt quyền tự do cá nhân, một việc làm không bao giờ có thể được thực hiện nếu quyền lực thuộc về nhân dân.
Nếu quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thì một đề xuất hạn chế quyền công dân như vậy sẽ không bao giờ được thông qua.