Đảng viên Việt Tân đối mặt với nguy cơ trục xuất khỏi Việt Nam

0
1007
Ông Phạm Minh Hoàng (giữa), trong phiên xử vào tháng 10, 2011, trước Tòa án Nhân dân Tp. HCM.

Một thành viên Việt Tân bị tước quốc tịch Việt Nam và đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Hôm 6/5, nhà tranh đấu vì dân chủ Phạm Minh Hoàng ở thành phố Hồ Chí Minh cho VOA – Việt ngữ biết ông vừa được thông báo rằng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký lệnh tước quốc tịch Việt Nam của ông hôm 17/5 và ông phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Nhà giáo từng bị chính quyền Việt Nam giam cầm 17 tháng nói rằng ông là người song tịch Pháp – Việt, và việc tước quốc Việt Nam của ông, nếu đúng như thông báo của Tổng Lãnh sự quán Pháp vào ngày 1/6, là điều hoàn toàn sai luật:

Luật sư đã xem tất cả hồ sơ của tôi và họ cho rằng việc tước quốc tịch Việt Nam của tôi là vi phạm pháp luật Việt Nam, vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam.

Ông Hoàng cho biết thêm sự việc diễn ra trước đó như sau:

“Ngày 1/6, Tổng Lãnh sự Pháp ở Sài Gòn mời tôi đến để thông báo một tin rất xấu là Việt Nam muốn trục xuất tôi ra khỏi Việt Nam. Họ cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký một văn bản tước quốc tịch Việt Nam của tôi.”

Tuy nhiên, ông Hoàng nói thêm rằng cho đến ngày 5/6, bản thân ông, cũng như đại diện chính phủ Pháp và cả luật sư của ông vẫn chưa nhận bất kỳ văn bản nào về việc ông bị tước quốc tịch Việt Nam.”

Người dân biểu tình phản đối vụ bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình; Diễn Châu, Nghệ An, 15/5/2017

Ông Hoàng cho rằng chính quyền muốn tước quốc tịch nhằm “trả thù” cho các hoạt động cổ súy ôn hòa vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của ông và của đảng Việt Tân:

“Tôi là đảng viên Việt Tân. Tôi đã được cảnh giác là an ninh Việt Nam đã chuẩn bị bắt tôi lần nữa. Những gì tôi làm cũng rất đơn giản, không hề xâm phạm an ninh quốc gia như họ nói. Tôi nghĩ họ trả thù tôi. Cách đây 4-5 tháng, Bộ Công An Việt Nam tố cáo đảng Việt Tân, mà tôi là một thành viên, là một tổ chức khủng bố. Kể từ đó tôi nhận thấy việc đàn áp các anh em Việt Tân, đặc biệt những người có án như tôi, càng lúc càng nhiều. Việc đàn áp không chỉ riêng Việt Tân và nhắm vào tất cả những người đứng lên nói tiếng nói cho tự do và dân chủ.”

Nhà tranh đấu cho biết ông rất đau buồn khi mất quốc tịch Việt Nam, và rằng ông muốn giữ cả quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Pháp.

Việc can thiệp của chính phủ Pháp, nếu có, sẽ đến từ “bên trong.” Ông Hoàng cho VOA biết thêm:

“Dĩ nhiên khi nghe tin bị tước quốc tịch thì tôi rất bàng hoàng. Tôi đã hỏi xem phía chính phủ Pháp có thể giúp đỡ được gì cho tôi hay không, họ nói việc tước quốc tịch là theo luật của Việt Nam, phía chính phủ Pháp không thể làm gì được cả. Tuy nhiên, chính phủ Pháp có làm gì, cũng như tất cả các chính phủ khác, thì họ có những can thiệp từ phía trong.”

Tháng 3/2016, công an đã đột ngột xông vào một lớp học về kỹ năng mềm do ông hướng dẫn tại một quán café ở Sài Gòn, và cách ly học viên với thầy Hoàng và thẩm vấn từng người trong nhiều giờ liền.

Trước đó, ông Phạm Minh Hoàng bị bắt năm 2011 khi đang giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Sài Gòn.

Tháng 1/2012, Blogger Phạm Minh Hoàng đã được trả tự do, sau khi được giảm phân nửa bản án 3 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 Bộ Luật Hình sự vì các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân trái với nhà nước.

Gần 30 năm định cư tại Pháp, vào năm 2000, ông Phạm Minh Hoàng, đã quyết định về Việt Nam sinh sống để theo đuổi ước mơ đóng góp xây dựng đất nước qua việc truyền đạt tri thức cho các thế hệ trẻ. Sau án tù vì các bài viết cổ xúy dân chủ của mình, nhà trí thức trăn trở vì hiện tình đất nước vẫn kiên quyết ở lại Việt Nam để tiếp tục tham gia cuộc đấu tranh kêu gọi dân chủ – nhân quyền cho người dân trong nước.

Nhà nước Việt Nam tố cáo ông là thành viên của đảng Việt Tân, một tổ chức bị chính quyền Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ông Hoàng xác nhận ông là đảng viên của đảng Việt Tân nhưng không làm gì sai với pháp luật Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/dang-vien-viet-tan-doi-mat-nguy-co-truc-xuat-khoi-viet-nam/3887285.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here