Dân chủ đang thất thủ trước đại dịch?

    0
    300
    Một người đeo khẩu trang tại khu vực Đấu trường La Mã ở thủ đô Roma, Ý, ngày 7/3/2020. Ảnh: Alberto PIZZOLI / AFP
    LUẬT KHOA

    Các nền dân chủ đang lâm nguy vì đại dịch COVID-19?

    Tại thời điểm viết bài này, những con số liên quan đến dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành có lẽ đang khiến bạn phải hoài nghi tính hiệu quả của dân chủ trong việc đối phó với dịch bệnh nói riêng và tình trạng khủng hoảng nói chung.

    Ở Hoa Kỳ, số lượng người xét nghiệm dương tính với virus đã lên đến gần 70.000, trong đó có hơn 1.000 người đã chết.

    Ở Ý, gần 75.000 người được xác định dương tính. Bệnh dịch cũng lấy đi đến hơn 7.500 sinh mạng. Nếu tính theo tỷ lệ mắc bệnh trên dân số, tình trạng của Ý đang nặng hơn Trung Quốc đến 50 lần, dù Trung Quốc vẫn còn dẫn đầu danh sách số lượng người nhiễm (giả sử bạn tin số liệu của Trung Quốc).

    Tại Tây Ban Nha, các con số tương ứng là 50.000 và 3.600, ở Pháp là 25.000 và 1.300. (*)

    Tại Anh, con số được khống chế ở mức gần 10.000 người xét nghiệm dương tính. Chủng virus này cũng chỉ vừa kịp tước đi mạng sống của gần 500 người. Song, bản thân chính phủ Boris Johnson đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ khắp thế giới vì ý tưởng “miễn dịch cộng đồng” (herd immunity).

    Có thật sự các quốc gia này “thất thủ” là vì “dân chủ”?

    Có rất nhiều nền dân chủ thành công trong đại dịch 

    Nếu tập trung quá nhiều vào chỉ một số nền dân chủ đang rơi vào thế “thất thủ” trước đại dịch này, bạn đang không công bằng với rất nhiều nền dân chủ khác. Họ đã thành công rực rỡ trong việc kiểm soát và tạo ra một môi trường an toàn dành cho công dân của họ. Và những tranh cãi hiện nay làm lu mờ đi thành quả rất lớn của họ.

    Quốc gia đầu tiên mà chúng ta không thể không nhắc đến là Đài Loan.

    Quốc gia này có mối liên kết với Trung Quốc có lẽ là không ai sâu sắc bằng. Chỉ vài ngày trước khi thế giới biết đến đại dịch, có gần một triệu người Đài Loan đang sinh sống và làm việc ở Trung Quốc. Hàng chục ngàn công nhân kỹ thuật cao làm việc ở Vũ Hán. Và vào thời điểm Tết truyền thống, số lượng người Đài Loan đổ về quê để sum họp với gia đình là một con số khổng lồ.

    Nhiều chuyên gia đã từng nghĩ Đài Loan sẽ là địa phận khốn khổ nhất trong cơn địa chấn “virus Vũ Hán”. Ấy vậy mà, khi loại virus này gây hại đến sức khỏe của 80.000 công dân Trung Quốc và tước đi mạng sống của gần 4.000 người, số lượng người nhiễm tại Đài Loan chỉ vừa đạt mức 235 người, với hai người chết. Xin nhắc lại, chỉ có hai người chết.

    Sân bay Taoyuan của Đài Loan thực hiện kiểm dịch từ rất sớm. Bức ảnh này chụp ngày 13/1/2020. Ảnh: Chen Chi-chuan / AFP.

    Theo xếp hạng của tạp chí The Economist, Đài Loan hiện nay đang đứng thứ năm trên thang đo dân chủ của toàn châu Á (sau New Zealand, Australia, Hàn Quốc, và Nhật Bản). Thế nhưng bất kể bao nhiêu người đang chỉ trích và chê bai các nền dân chủ, họ vẫn đang thành công vang dội và được quốc tế kính nểtrong khả năng chống coronavirus.

    Ở Đài Loan, có hàng chục đảng phái chính trị. Các cuộc bầu cử luôn được đánh giá là tự do và công bằng. Trong khi đó, báo chí Đài Loan luôn đưa ra những tiếng nói độc lập và xây dựng một môi trường thông tin an toàn, lành mạnh để người dân Đài Loan có không gian tiếp nhận thông tin và phát biểu ý kiến.

    Riêng người dân Đài Loan, họ ý thức được sự quan trọng của dân chủ và chính lá phiếu của họ. Hàng triệu người sẵn sàng đổ ra đường để ủng hộ ứng cử viên của họ. Những người sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng không ngại xa xôi mà trở về nước để đi bầu ở địa phương của mình (do Đài Loan không cho phép bầu qua thư hay bầu ở các đại sứ quán ở nước ngoài).

    Hay hãy thử nói về Hàn Quốc chẳng hạn.

    Mới cách đây một tháng người Việt Nam còn chê bai số lượng ca mắc bệnh của Hàn Quốc tăng mạnh sau vụ lây nhiễm chéo giữa các thành viên Tân Thiên Địa. Song cũng kể từ thời điểm dịch bệnh bùng nổ, Hàn Quốc đang chứng minh năng lực khủng khiếp của họ cho cả thế giới thấy.

    Cho đến giữa tháng Ba, Hàn Quốc đã xét nghiệm gần 300.000 ca nghi nhiễm, một con số mà kể cả Trung Quốc hay Hoa Kỳ cũng phải chào thua. Để so sánh công bằng, Việt Nam đã xét nghiệm chỉ mới hơn 2.000 trường hợp. Đến nay, dù là một trong những điểm bùng dịch sớm nhất, Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia đầu tiên thành công trong việc kiểm soát hiệu quả việc lây lan virus khi chúng đã tràn trên diện rộng, với chỉ khoảng 9.000 ca xác định nhiễm.

    Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) đi thị sát điểm dịch Daegu ngày 25/2/2020. Ảnh: Getty Images.

    Cũng tại quốc gia này, hồi 2016, các cuộc biểu tình với hàng triệu người dân tham gia để phản đối đương kiêm Tổng thống Park Geun-hye không hề bị đàn áp hay chửi bới. Chúng tạo áp lực khủng khiếp khiến cơ quan tư pháp phải vào cuộc để phanh phui rõ ràng những tai tiếng về lạm quyền và tham nhũng vị tổng thống. Bà này sau đó bị Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu luận tội, và một tháng sau thì bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm. Chỉ hơn một năm sau, các tòa án khác của Hàn Quốc kết án vị cựu tổng thống này tổng cộng 33 năm tù và 20 tỷ won tiền phạt (tức khoảng 377 tỷ đồng).

    Khó có thể mặc cả để tìm một hình mẫu dân chủ tốt hơn.

    Riêng về Cộng hòa Liên bang Đức, dù con số nhiễm bệnh được công bố đã hơn 30.000 người, tỉ lệ thương vong vì virus của quốc gia này lại là thấp nhất so với các quốc gia đang phải gánh chịu đại dịch. Điều này được cho là nhờ vào sức chứa còn tương đối lớn của hệ thống y tế Đức, cùng với đó là năng lực xét nghiệm chẩn đoán bệnh cao với 160.000 ca xét nghiệm mỗi tuần.

    Không chỉ vậy, tiềm lực y tế nhờ vào sự phát triển của kinh tế thị trường cũng giúp cho họ chuẩn bị tốt hơn. Hiện Đức có đến 25.000 máy thở y tế (ventilator) trên khắp các hệ thống bệnh viện toàn quốc. Và chính phủ đã đặt hàng các hãng sản xuất của Đức để có thêm 10.000 máy trong thời gian sớm nhất. Các hãng y tế tư nhân Đức thì từ lâu, cùng với các hãng từ Hoa Kỳ, đều được xem là sao Bắc Đẩu của nền y tế thế giới.

    Nước Đức cũng là một nền dân chủ lành mạnh. Họ nằm trong danh sách mười quốc gia dân chủ hàng đầu thế giới. Họ có hệ thống thông tin – báo chí công khai, chính phủ có trách nhiệm và được người dân xem trọng.

    Một người Đức theo dõi bài phát biểu của Thủ tướng Angela Markel về đại dịch COVID-19, tháng 3/2020. Ảnh: ARMANDO BABANI/EPA-EFE/Shutterstock

    Thành công bằng dân chủ: Chủ động, tham vấn, tôn trọng

    Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, nhiều người cho rằng “hệ thống chính trị” của Việt Nam rất đặc thù.

    Trên cơ sở này, mọi cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã hội (ý chỉ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc) đều thống nhất dưới sự quản lý của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, chúng ta có thể phản ứng nhanh và đồng nhất trong các nỗ lực kiểm soát dịch.

    Nghe thì rất văn vẻ, nhưng chẳng lẽ ở Trung Quốc họ có 12 đảng với hệ thống chính trị thiếu kết nối? Không khó để nhận ra rằng việc kiểm soát dịch thành công hay không không liên quan gì đến ý thức hệ và lý tưởng chính trị cả.

    Và, không phải chỉ có những biện pháp hà khắc, độc đoán thì mới có thể hạn chế dịch lây lan.

    Sau đại dịch SARs năm 2003, chính quyền dân chủ Đài Loan chịu áp lực rất lớn từ người dân. Họ quyết định lập ra một cơ quan chuyên trách để nghiên cứu và xem xét tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới, mà đặc biệt là Trung Quốc. Cơ quan này có tên gọi Trung tâm Điều phối Dịch tễ Trung ương (Central Epidemic Command Centre – CECC).

    Ngay sau khi nghe phong thanh từ phía các bác sĩ đồng nghiệp ở Trung Quốc rằng đang có một chứng bệnh truyền nhiễm mới từ người sang người, CECC chủ động gửi một phái đoàn y tế đến thăm dò tình hình ở Vũ Hán. Khi phái đoàn này kết luận rằng tình hình rất bi quan, họ trình cho chính phủ Đài Loan xem xét đến hơn 124 chính sách khác nhau nhằm kiểm soát dịch bệnh. Ví dụ, một trong số đó là dù trường học vẫn mở, trẻ em phải được phụ huynh đo thân nhiệt và báo cáo với nhà trường mỗi sáng để thống kê và xem xét tình hình.

    Rất sớm, từ đầu tháng Một, Đài Loan bắt đầu chương trình kiểm soát dịch bệnh bắt buộc tại sân bay. Hành khách từ Vũ Hán và các vùng khác của Trung Quốc được theo dõi chặt chẽ.

    Đầu tháng Hai, Đài Loan chính thức cấm hành khách đến từ Trung Quốc nhập cảnh. Hành khách có lịch sử nhập cảnh qua Hong Kong và Macau sẽ phải bị cách ly 14 ngày.

    Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu được công bố ở Trung Quốc, chính phủ Đài Bắc cũng nhanh chóng chuẩn bị trữ lượng khẩu trang và nước rửa tay. Chính phủ cùng với các doanh nghiệp đã nhanh chóng bổ sung thêm 60 dây chuyền sản xuất khẩu trang trong thời gian vỏn vẹn 25 ngày, nâng công suất từ bốn triệu lên 10 triệu khẩu trang một ngày. Điều này giúp kiểm soát tình trạng tăng giá và thiếu hụt những nhu yếu phẩm cần thiết, từ đó trấn an dư luận.

    Tất cả đều được thực hiện thông qua trao đổi và cung cấp thông tin liên tục đến người dân.

    Cho đến nay, các trường học tại Đài Loan vẫn mở. Người dân vẫn tiếp tục đi làm. Cuộc sống vẫn diễn ra gần như bình thường. Văn hóa phòng dịch có phần sang trọng, điềm đạm nhưng hiệu quả, thì dường như đang chảy trong huyết quản của người Đài Loan.

    Trẻ em Đài Loan tại lớp học với các biện pháp phòng tránh do CECC đề xuất. Ảnh: David Chang/epa-efe/rex/David Chang/EPA via Shutterstock

    Ở Hàn Quốc, dù tình hình có phần hơi lộn xộn sau sự kiện của giáo phái Tân Thiên Địa, Seoul cũng cho thấy một quốc gia dân chủ có thể làm việc hiệu quả đến mức nào.

    Các chuyên gia dịch tễ Hàn Quốc khẳng định ngay từ đầu: Đại Hàn Dân Quốc là một nền cộng hòa dân chủ, và chúng tôi cảm thấy rằng kiểu hành xử cấm đoán “nội bất xuất, ngoại bất nhập” không phải là một lựa chọn hợp lý.

    Vì vậy, thành công của Hàn Quốc trong việc kiểm soát dịch chủ yếu đến từ năng lực xét nghiệm và khoanh vùng vượt trội. Dựa trên tỉ lệ dân số, Hàn Quốc đã xét nghiệm đến 5.600 người trên mỗi triệu công dân. Con số này cao hơn gần như tất cả các quốc gia còn đang chật vật với dịch bệnh.

    Hiển nhiên, họ cũng áp dụng hàng tá các biện pháp khác với sự ủng hộ cao từ phía người dân. Từ tin nhắn, thông báo đại chúng và các lời khuyên phòng bệnh liên tục xuất hiện trên truyền hình quốc gia; cơ chế tự cách ly cũng được cho phép, song với điều kiện người nghi nhiễm, người mắc bệnh phải tải một chương trình điện thoại đặc biệt nhằm giám sát di chuyển.

    Điều này cho thấy rõ, khi cần thiết, và khi nhận được sự đồng thuận cao của công chúng, các biện pháp xâm phạm các quyền cơ bản của con người đều có thể được áp dụng mà không phải quá lo lắng về khả năng chính phủ lạm quyền.

    ***

    Sẽ quá dễ dàng để lựa chọn những chính quyền dân chủ đã quá chủ quan dẫn đến tình hình dịch bệnh nặng nề, rồi qua loa nói rằng cứ dân chủ là nó như thế. Như bài viết đã chứng minh, còn rất nhiều nền dân chủ khác đang làm hết sức, bằng các công cụ thông minh và tôn trọng người dân, với hiệu quả rất cao và đáng nể. Khác với những chế độ độc tài vốn chỉ có vài chiêu trò nhai đi nhai lại để lý giải cho sự thống trị của mình, các nền dân chủ đa dạng và có rất nhiều cách tiếp cận. Và khi học tập các nền dân chủ, bạn hiển nhiên cũng có thể lựa chọn những hình mẫu tốt để học.


    (*) Đính chính (23:04, 26/3/2020): Ở bản đầu, chúng tôi nhầm Tây Ban Nha thành Bồ Đào Nha. Nay xin sửa thành Tây Ban Nha.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here