David Hutt, nhà quan sát chính trị Việt Nam, đưa ra một số nhận định trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ra ngày 14/09.
Bài viết nói Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam được lên lịch sẽ diễn ra vào tháng 1 là điều gần như không thể trì hoãn bất kể đại dịch Covid-19 có diễn biến thế nào.
Ủy ban Trung ương Đảng mới gồm 180 ủy viên sẽ được 1.600 đại biểu toàn quốc bỏ phiếu bầu chọn và và các cơ quan chính trị quan trọng nhất sẽ có thay đổi nhân sự.
Tác giả mô tả về những đồn đoán hợp nhất vai trò chủ tịch nước và tổng bí thư, điều đã từng xảy ra khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức chủ tịch nước sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
“Một số nhà quan sát cho rằng việc hợp nhất hai ghế vào lúc đó trước hết là một động thái của ông Trọng nhằm nắm giữ quyền lực tối đa. Những người khác cho rằng đây là việc làm “tiện lợi”, xảy ra vào lúc giữa nhiệm kỳ khi xáo trộn sẽ gây bất ổn cho Bộ Chính trị, vốn đã bị mất người.
“Nhưng việc sáp nhập [hai chức vụ] có ý nghĩa nhất định đối với lợi ích lâu dài của Hà Nội. Rõ ràng Việt Nam đang điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của mình chặt chẽ hơn với các đối tác phương Tây và nước dân chủ, và Hà Nội đã cải thiện đáng kể quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong thập kỷ qua và đã phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do quan trọng với Liên minh châu Âu trong năm nay.
“Tuy nhiên, vấn đề là các chính phủ dân chủ không chắc chắn về cách tiếp xúc với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân vật quyền lực nhất đất nước,” ông David Hutt nhận xét.
Về mặt ngoại giao chặt chẽ, theo tác giả, người đứng đầu Đảng không đại diện cho nhà nước hay chính phủ. Vì vậy, việc các chính phủ phương Tây chào đón người đứng đầu Đảng Cộng sản trong chuyến thăm cấp nhà nước sẽ thể hiện sự chấp nhận ngầm đối với hệ thống độc đảng toàn trị của Việt Nam – một tình huống mà chính phủ Hoa Kỳ phải đối mặt khi ông Trọng đến thăm Washington vào năm 2015, chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng.
Thế nhưng để lãnh đạo đảng cũng nắm ghế chủ tịch nước giải quyết vấn đề này, tương tự như Lào và Trung Quốc đã làm cách đây nhiều năm, tức là tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công tác kiểm soát chính sách đối ngoại và đối thoại với chính phủ các nước phương Tây, tác giả giải thích.
‘Cuộc đua tam mã’
Tác giả đưa ra nhận định về cơ hội của từng ứng viên như sau:
“Trần Quốc Vượng, cánh tay phải của ông Trọng và là Thường trực Ban bí thư Ban chấp hành Trung ương, là người dẫn đầu nếu ông Trọng thôi chức sau hai nhiệm kỳ trong những tháng tới. Thế nhưng thủ tướng đương nhiệm, Nguyễn Xuân Phúc, được nhiều nhà quan sát cho là ứng viên sáng giá để có ghế tổng bí thư.
“Ông Phúc đã cải thiện đáng kể năng lực của Việt Nam trong bốn năm qua và đã giành được nhiều lời khen vì đã xử lý được đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam đã không ghi nhận trường hợp tử vong nào cho đến cuối tháng 7.
“Một ứng cử viên khác cho ghế tổng bí thư là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ chính trị lớn trong lịch sử gần đây của Việt Nam.
“Là Chủ tịch Quốc hội từ năm 2016, bà Ngân nằm trong cái gọi là “tứ trụ” mặc dù ghế này thường được coi là ít quyền lực và có ý nghĩa nhất trong bốn chức vụ.
“Mặc dù bà Ngân được cho là đang tham gia cuộc đua nhưng có ý kiến cho rằng Đảng chưa sẵn sàng cho một nữ Tổng Bí thư. Thật vậy, về vấn đề này, Việt Nam tụt hậu 6 năm so với nước láng giềng cộng sản Lào, nơi bà Pany Yathotou được bổ nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội Lào vào năm 2010, trở thành người phụ nữ đầu tiên đạt được một vị trí quyền lực ở Viêng Chăn,” tác giả viết.
“Tuy nhiên, không nên xóa bỏ khả năng Đảng sẽ có lãnh đạo là nữ. Về mặt kỹ thuật, bà Ngân đứng thứ hai trong Bộ Chính trị, sau ông Trọng, và bà là một trong số ít thành viên đã ngồi trong cơ quan chính trị chóp bu này trong hai nhiệm kỳ, nói chung là điều kiện tiên quyết cho ghế lãnh đạo Đảng”.
Tác giả lập luận rằng chính ông Trọng cũng từng là Chủ tịch Quốc hội trước khi ông ngồi ghế tổng bí thư vào năm 2011, tức là đã có tiền lệ cho con đường thăng tiến này.
Tuy nhiên ông David Hutt mô tả có điều gì đó có thể có lợi cho bà Ngân (nhưng có thể không) là vì bà ấy hơi thiếu điều ông gọi là “hấp lực chính trị”.
“Không rõ là bà ngồi ở đâu trong cỗ máy của Đảng. Bà có phải là một nhà kỹ trị như ông Phúc, với mục tiêu là nâng cao năng lực của chính phủ? Hay bà thuộc phe nặng về tư tưởng của ông Trọng, vốn bị ám ảnh bởi việc tái khẳng định giá trị “đạo đức” và nền tảng tư tưởng của Đảng?
“Liệu bà có phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc, người muốn thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Washington để bảo vệ lợi ích lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông khỏi âm mưu bành trướng của Bắc Kinh? Hay là bà ngả về phe thực dụng trong cuộc tranh luận khi muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đảng với Bắc Kinh và đi dây giữa các siêu cường?
“Nhưng vì bà không được coi là ngả về phe nào trong bối cảnh Đảng có khuynh hướng khác nhau, nên bà có thể sẽ trở thành một ứng cử viên lý tưởng nếu người ta coi cân bằng lợi ích là là cách tốt nhất,” tác giả viết.
Ông David Hutt cho rằng ở tuổi 66, nay bà Ngân có thể tiếp tục mặc dù quá tuổi nghỉ hưu dự kiến (65) vì đã có những thay đổi về việc qui định hạn chế độ theo đó không áp dụng cho chức vụ tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới.
“Điều đó có nghĩa là ông Phúc và bà Ngân, cùng 66 tuổi và ông Vượng, 67 tuổi, cánh tay phải của Trọng, đều đủ điều kiện để ngồi ghế tổng bí thư.
“Tuy nhiên, có những gợi ý rằng giới hạn độ tuổi cũng có thể được dỡ bỏ đối với các chức vụ khác. Có vẻ như khó xảy ra, nhưng ông Phúc và bà Ngân có thể được phép tiếp tục ở chức vụ hiện tại, vì họ mới chỉ nắm một nhiệm kỳ và nằm trong Bộ Chính trị và nếu gạt bỏ các qui định hẳn thì bà Ngân có khả năng nắm ghế chủ tịch nước”.
Tuy nhiên, theo tác giả, hầu hết các nhà quan phân tích đều cho là điều đó khó xảy ra và rằng bà Ngân vẫn xếp hàng sau ông Phúc và ông Vượng.
“Vấn đề không hẳn ở chỗ bà là nữ (mặc dù đối với một số người thì có là vấn đề), mà là vì bà thiếu kinh nghiệm hành chính và chính sách đối ngoại của ông Phúc cũng như sự hậu thuẫn từ người thầy đầy quyền uy dành cho ông Vượng. Việc bà là người miền Nam và chức vụ Tổng Bí thư hầu như luôn thuộc về người miền Bắc (như ông Vượng), cũng là điểm bất lợi cho bà.
“Ông Phúc, người gốc miền Trung, ít gây tranh cãi hơn. Dự đoán của riêng tôi (và đó chỉ là phỏng đoán theo thông tin) là ông Vượng sẽ ngồi ghế lãnh đạo Đảng nếu hệ thống “tứ trụ” tái diễn, nhưng ông Phúc sẽ được chấp nhận nếu có sự hợp nhất vĩnh viễn giữa người đứng đầu đảng và người đứng đầu nhà nước, một phần bởi vì ông có nhiều kinh nghiệm hơn ông Vượng trên chính trường thế giới. Tuy nhiên, bà Ngân có khả năng chen vào nếu ông Phúc và ông Vượng bị coi là quá chia rẽ.
Nếu bà Ngân không nhận được chức tổng bí thư, tác giả cho rằng bà sẽ được dự kiến sẽ rời Bộ Chính trị vào năm tới.
“Thật ra trong số ba ứng viên chính, hai người không được chọn có khả năng sẽ nghỉ hưu. Và nếu bà Ngân đi tiếp, thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch Quốc hội.
“Một số chuyên gia cho rằng bà sẽ được thay thế bởi một phụ nữ khác để thực hiện cam kết rõ ràng của Đảng về sự bình đẳng hơn. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS – Yusof Ishak, đã viết vào tháng Năm rằng người kế nhiệm của bà có thể sẽ là bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, hoặc ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
“Ông Hiệp nói thêm rằng nếu Đảng muốn duy trì một đại diện nữ ở vị trí tứ trụ, bà Mai sẽ nắm ghế này. Nếu kinh nghiệm được đặt trên giới tính, ông Chính có cơ hội tốt hơn,” tác giả trích dẫn.
Đánh giá của ông Zachary Abuza
Hồi tháng Sáu, nhà quan sát lâu năm về Việt Nam, Tiến sĩ Zachary Abuza, nói với BBC:
“Tôi không nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục làm nữa, vì ông vừa rồi đã có thời gian ốm, và lại đã một lần được miễn tuổi.”
Ông Zachary Abuza nhận xét do Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải mới đây bị cảnh cáo, nên có lẽ ông Hải sẽ khó tái cử.
Ngoài ra, Bộ Chính trị hiện có 7 người đang từ 66 tuổi tới 76 tuổi và có lẽ đa số của nhóm này sẽ nghỉ hưu.
Như thế, ông Zachary Abuza dự đoán Bộ Chính trị khóa 13 có thể chỉ còn khoảng 7 người ở lại, mở đường cho các gương mặt mới.
“Nhưng số người mới bầu vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản không bao giờ nhiều hơn số thành viên cũ.”
“Vì vậy, rất có thể, một hoặc nhiều hơn nữa trong số thành viên Bộ Chính trị quá 65 tuổi sẽ được cho ở lại, trong đó có ông Trần Quốc Vượng, hiện 67 tuổi,” ông Abuza nhận định.