VOA
Bộ Công an Việt Nam vừa chính thức trả lời công chúng về trường hợp ông Võ Đình Thường, Thượng tá, Phó Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ – Đường sắt của Công an tỉnh Đồng Nai. Theo đó, việc điều động, bổ nhiệm ông Thường là “đúng qui trình, qui định của Bộ Công an về công tác cán bộ”.
Kết luận vừa kể của Bộ Công an Việt Nam chẳng khác gì một gáo nước lạnh tạt vào đám đông thích thắc mắc, bình phẩm và cứ tưởng rằng những trăn trở, bất bình của họ sẽ được xem xét…
***
Ông Thường trở thành “tâm” của một scandal sau khi ký lệnh triệu tập 20 tài xế đã dùng tiền lẻ để trả lộ phí tại Trạm Thu phí cho dự án BOT Biên Hòa.
Cho đến giờ dù gây nhiều phiền toái cho người nhận nhưng việc sử dụng những tờ giấy bạc mệnh giá thấp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành vẫn hợp pháp, đó cũng là lý do cả công chúng lẫn báo giới cùng thắc mắc, việc triệu tập hàng loạt tài xế ấy có phải là biểu hiện của lạm quyền (?). Ông Thường vừa khẳng định rằng “không”, vừa nhấn mạnh, cảnh sát giao thông có quyền “giáo dục, nhắc nhở” giới tài xế.
Thế là công chúng, báo giới… nóng mặt. Họ dùng một sự kiện đã cũ, xảy ra cách nay 14 năm để hỏi xem liệu ông Thường có đủ tư cách “giáo dục, nhắc nhở” người khác hay không?..
Năm 2003, tờ Pháp Luật TP.HCM công bố đoạn băng ghi âm buổi giao ban ngày 16 tháng 6 năm 2013 của Trạm CSGT Dầu Giây. Lúc đó, ông Thường là Đại úy, giữ vai trò Trạm Trưởng, “giáo dục, nhắc nhở” thuộc cấp rằng “không được sử dụng mấy thằng xe ôm” làm trung gian nhận tiền mãi lộ vì tụi nó bị bắt là “dính tới anh em mình”. Ông Thường tỏ ra rất nghiêm khắc với thuộc cấp khi đã “lâu năm trong nghề mà vẫn còn… yếu”, “không nhanh tay, lẹ mắt, gọn gàng” nên “ai liếc vô cũng biết”!
Ngay sau đó, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai lập tức nhập cuộc, ông Thường bị cách chức, 10 sĩ quan CSGT còn lại, người thì bị “khiển trách”, người thì bị cảnh cáo và thầy trò ông Thường bị buộc phải rời khỏi Trạm CSGT Dầu Giây.
Cho rằng chừng đó đã đủ nghiêm minh, Công an Đồng Nai lẳng lặng xếp hồ sơ, không điều tra thêm những chuyện “râu ria” liên quan đến Trạm CSGT Dầu Giây (nơi kiểm soát toàn bộ lưu lượng xe từ Nam ra Bắc và ngược lại, lên xuống Tây Nguyên) từng làm dư luận sôi sùng sục (Mỗi xe vận tải trọng tải dưới năm tấn phải nộp tiền mãi lộ là 50.000 đồng/lượt qua lại. Nếu trên năm tấn phải nộp tiền mãi lộ là 100.000 đồng/lượt qua lại. Xe đò thì hàng tháng phải nộp một khoản theo thỏa thuận. Mỗi tháng, mỗi sĩ quan cảnh sát giao thông làm việc tại Trạm CSGT phải nộp cho ông Thường hai triệu đồng…).
Nay, ông Thường “tái xuất giang hồ” với tư cách lãnh đạo lực lượng CSGT Đường bộ – Đường sắt của Công an tỉnh Đồng Nai.
Cuối tuần trước, ông Thường hạ cố giải đáp thắc mắc của công chúng và báo giới, theo đó, sau khi bị cách chức Trạm Trưởng Trạm CSGT Dầu Giây, ông được điều về Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an tỉnh Đồng Nai, ba năm sau thì được điều động sang Đội Cảnh sát Trật tự 113. Đến năm 2010, ông Thường được bổ nhiệm làm Phó Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và tới tháng sáu năm 2015 thì được luân chuyển làm Phó Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt. Ông Thường nhắn nhủ với đám đông dễ… giận rằng “trong đời, ai cũng có khuyết điểm” ông đã nhận sai, đã sửa, đừng chọc ngoáy nữa.
Không chỉ đồng tình với ông Thường, trong một công văn gửi cho truyền thông, Công an tỉnh Đồng Nai còn nhắc nhở báo giới rằng họ không hài lòng khi báo giới “đưa tin về đời tư, gia đình của đồng chí Thường để hướng – lái dư luận, tạo sự hoài nghi đối với lực lượng công an”. Tất nhiên Bộ Công an ủng hộ quan điểm khoan dung, nhân bản và “tinh thần cảnh giác cách mạng” ấy.
***
Nhìn một cách tổng quát, Công an Việt Nam luôn luôn nhất quán trong việc thể hiện sự khoan dung, nhân bản và “tinh thần cảnh giác cách mạng”. Nếu có ai đó thắc mắc, tại sao khoan dung, nhân bản như thế mà trong vài năm vừa qua, Công an Việt Nam liên tục gạt bỏ hàng chục đứa trẻ có nguyện vọng vào các Học viện Cảnh sát, Học viện An ninh chỉ vì cha mẹ chúng đã từng can án thì đó là vì họ… “nông nổi”.
Dù những đứa trẻ này học rất giỏi và đạo đức cá nhân của chúng không có bất kỳ tì vết nào nhưng Công an Việt Nam không thể tiếp nhận – đào tạo chúng vì dẫu cha mẹ chúng được hưởng án treo, đã xóa án tích, thậm chí đã chết lâu rồi thì cũng vẫn phải xem con cái đương sự không hội đủ “tiêu chuẩn về chính trị”. Trước nay, gạt bỏ “tiêu chuẩn về chính trị” luôn bị lên án là “mơ hồ về địch – ta”.
Khoan dung, nhân bản chỉ dành cho “đồng đội, đồng chí”. Vietnamnet vừa cho biết, cô Võ Minh Thùy, con gái ông Thưởng là “cổ đông chiến lược” của Công ty Đầu tư phát triển Cường Thuận (IDICO). Tuy IDICO là chủ đầu tư Trạm Thu phí Biên Hòa nhưng ông Thường – người đã triệu tập 20 tài xế dùng tiền lẻ trả cho Trạm Thu phí Biên Hòa đến “giáo dục, nhắc nhở” – mới khẳng định, ông không biết cô Thùy là “cổ đông chiến lược” của IDICO!
Khi Công an tỉnh Đồng Nai đã công khai cảnh cáo rằng những thắc mắc về ông Thường là “tạo sự hoài nghi đối với lực lượng công an” thì đừng dại nêu tiếp những thắc mắc kiểu như tại sao cả Công an tỉnh Đồng Nai lẫn Bộ Công an Việt Nam không bận tâm tới quan hệ giữa con gái ông Thường với IDICO. Đừng tỏ ra khó dạy! Bạn có muốn yên thân không? Nếu có hãy tiếp tục duy trì sự cung kính với công an và tin vào những tuyên bố của ông Thường.
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.