VOA
Tuy hiến pháp minh định, tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật nhưng trên thực tế, công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được chia thành nhiều hạng.
***
Chính quyền quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội vừa gửi báo cáo cho Thành ủy Hà Nội, xác định, chiếc xe hơi chở bà Lê Mai Trang (Phó Chủ tịch phụ trách Văn – Xã của quận này) đến ăn bún tại phường Thanh Xuân Bắc, hôm 7 tháng 7 đã đậu sai qui định. Người lái xe đã tự giác đi nộp phạt.
Scandal xe hơi chở phó chủ tịch quận đậu giữa đường, khi bị dân chúng phản đối thì gọi chủ tịch phường và trưởng công an phường ra nhằm thị uy, buộc những người phản đối phải xin lỗi, coi như đã được dọn dẹp xong.
Tương tự, chuyện ông Võ Văn Liêm, trung tướng, cựu Phó Chính uỷ Quân khu 9, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương, chửi một sĩ quan cảnh sát giao thông như tát nước vì dám chặn xe hơi của ông, toan buộc tài xế của ông nộp phạt vì chạy quá tốc độ cho phép, ngoài việc dọa lột lon viên trung úy còn hăm cách chức giám đốc công an thành phố Cần Thơ coi như cũng đã được giải quyết xong.
Ủy ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương mới gửi công văn cho công an thành phố Cần Thơ, đề nghị kỷ luật viên trung úy bị ông Liêm chửi vì đã “cư xử thiếu tế nhị”, đặc biệt là vì viên trung úy này làm lộ nhân cách của một ông tướng, làm khiến “hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam” trở thành méo mó, khiến niềm tin của dân chúng vào quân đội suy giảm.
Cũng theo ủy ban vừa kể thì chuyện ông Liêm luôn miệng “đụ đéo” người thi hành công vụ chỉ là “hơi quá chừng mực”. Ủy ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương nhấn mạnh, ông Liêm không phải là người trực tiếp cầm lái, vi phạm giao thông nên không thể xử phạt hành chính hay áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào đối với ông.
***
Cách ứng xử của bà Trang và ông Liêm dẫu làm hàng triệu người phẫn nộ, chỉ trích bùng lên cả trên mạng xã hội lẫn diễn đàn của các cơ quan truyền thông chính thống nhưng hệ thống công quyền “của dân, do dân, vì dân”, luôn đề cao tiêu chí “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không bận tâm. Đơn giản vì đó chỉ là phản ứng của hạng thứ dân.
Phẫn nộ, chỉ trích rồi sẽ suy giảm cường độ như bão. Hệ thống công quyền Việt Nam hiểu điều này, đến giờ, dù tạo ra vô số chuyện trái tai, gai mắt nhưng hệ thống này vẫn tồn tại và vững mạnh là vì đa số công dân thấu cảm về thân phận của họ. Việc chấp nhận sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN đồng nghĩa với việc chấp nhận bị phân loại. Sự phân loại ấy đã kéo dài suốt từ giữa thập niên 1950 đến nay. Các cá nhân tham gia vào việc thiết lập và duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN nghiễm nhiên được xem như những công dân hạng 1.
Từ thời kinh tế còn theo kế hoạch được soạn sẵn cho đến lúc chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những công dân hạng 1 luôn luôn được ưu đãi trong sinh hoạt, từ ăn, ở, đi lại, học hành, khám – chữa bệnh đến chết (được biệt đãi, an nghỉ ở nơi dành riêng cho công dân hạng 1, không để mồ mả lẫn lộn với tiện dân). Chuyện tuân thủ – thực thi pháp luật đối với công dân hạng 1 tất nhiên cũng phải khác tiện dân.
So chuyện định tính, định lượng công dân hạng 1 thời kinh tế còn theo kế hoạch được soạn sẵn với giai đoạn hiện nay, khác biệt duy nhất có lẽ nằm ở chỗ, không phải cứ là cán bộ, đảng viên thì đương nhiên được xem là công dân hạng 1 như xưa nữa. Cán bộ, đảng viên yếu về thế, kém về lực giờ là công dân hạng dưới hạng 1. Đó cũng là lý do khiến ông Vũ Minh Lộ, đường đường là chủ tịch phường Thanh Xuân Bắc, dù đã tất tả chạy đến “hiện trường”, hầu bà phó chủ tịch quận nhưng vẫn bị công an quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội phạt 150.000 đồng vì “khi đi, không mang theo mũ bảo hiểm” và “để xe dưới lòng đường”. Đó cũng là lý do khiến viên trung úy tên là Nguyễn Văn Thanh, cảnh sát giao thông của công an thành phố Cần Thơ bị đề nghị kỷ luật.
Sau nửa ngày nằm chễm chệ ở nhiều chỗ trên Internet, tin Ủy ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật trung úy Thanh đồng loạt bị đục bỏ, kể cả trên website mà người ta tin là của ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an Việt Nam. Chuyện đồng loạt đục bỏ được phỏng đoán là vì nó sẽ tạo ra những cảm xúc thiếu tích cực nơi những cá nhân luôn tưởng rằng “còn Đảng, còn mình” trong khi thực tế hoàn toàn “hổng phải dzậy”.
Công dân Việt Nam được chia thành bao nhiêu hạng? Rất khó đưa ra câu trả lời được nhiều người đồng tình. Chỉ có thể khẳng định công dân Việt Nam có nhiều hạng. Tuy bị hạng trên dùng như công cụ, bóp nặn, chà đạp nhưng ngay cả khi rên rỉ, hạng dưới cũng phải ráng thốt ra đó là “dân chủ, công bằng, văn minh”, nếu không sẽ bị trừng phạt vì “tuyên truyền chống nhà nước”, “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm hại lợi ích nhà nước”.
Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất, đề cao “dân chủ, công bằng, văn minh”, khẳng định “tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, cán bộ, đảng viên thề “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” nhưng chỉ cần mạnh miệng mạo nhận là công dân hạng 1, thậm chí chỉ cần mạo nhận là “thân nhân” công dân hạng 1, những kẻ bất lương vẫn có thể gạt được vô số cá nhân, kể cả viên chức chính hiệu để kiếm tiền. Tại sao vậy? Tại vì dù thừa nhận hay không thì trong nhận thức, đa số vẫn tin rằng công dân hạng 1 là bề trên, có thể làm được đủ thứ chuyện động trời mà tiện dân bất lực.
Tại sao khi đã có cả nhân chứng lẫn bằng chứng (các video clip), bị cả triệu người chỉ trích mà bà Trang, ông Liêm không nao núng? Thậm chí bà Trang, ông Liêm còn đề nghị công an điều tra về những kẻ chỉ trích, xem đó là “âm mưu bôi nhọ hệ thống công quyền”? Tại vì họ tin vào vị thế của mình. Họ tin đám đông là tiện dân, không thể đụng đến mình. Dẫu có bất phục cũng không được phép ỉ ôi.
Bạn – vâng chính bạn – đang nghĩ gì về vị thế công dân của mình?
Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.